Friday, April 19, 2024

Vẫn là cố hương…

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Kim Nguyễn

Năm ấy, ngày tháng ấy đã xa, cùng đi lên đỉnh Huyền Không Sơn Thượng, Huế, với một chàng mắt sáng môi tươi, sang sảng giọng cười, tóc bồng trong gió.

Duyên lành nên tôi được gặp, được trò chuyện và đặc biệt được Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh hoan hỷ phóng bút viết chữ tặng tôi những dòng thơ của chính tôi.

“Trái tim chừ tha phương
Ngõ về còn yên lặng
Đâu vẫn là cố hương
Nợ duyên tình mây trắng…”

Có được bức thư pháp của thầy thật đáng quý. Trở về lại Sài Gòn, tôi đã trân trọng treo chữ của thầy trong căn phòng nhỏ xinh chung quanh là hoa lá trên sân thượng, căn phòng mà tôi tự coi là thiền phòng, nơi tôi ẩn mình vào đó thinh lặng sau những rong ruổi xô bồ đua chen.

Tôi cũng chẳng hiểu vì sao lần đó đã nghĩ ra những câu thơ với ý tình ấy. Những ý tình như từ tiềm thức hiện về. Phải chăng trong mỗi chúng ta đều có một Từ Thức, nghĩa là một kẻ nhớ cố hương dù có khi đang ở ngay trên quê hương!

Bây giờ nơi chôn nhau cắt rốn đã xa lắm bên kia bờ Thái Bình Dương lộng gió, mới càng thấm thía câu thơ ngày nọ. Ừ thì tâm trạng đó chắc nào phải của riêng ai? Cuộc đời và những chuyến đi, nhất là khi chưa có dịch COVID-19 làm bó chân bó cẳng như bây giờ. Có khi đi không phải chỉ là đi.

Nhưng có khi, đi chỉ là xê dịch! Cũng có khi, đi mà tâm phân vân nên vừa đến nơi đã muốn quay về. Quay về rồi lại muốn ra đi. À thì ra là vì mình không chánh niệm, không biết sống ngay trong giây phút hiện tiền đó mà. “Wherever You Go, There You Are” (*) cho dù bạn đi bất cứ nơi nào và ở đâu, thì nơi ấy cũng chỉ là bây giờ và ở đây thôi!

Tôi nhớ lần lên ngọn đồi cao chạy đua với thời gian để kịp ngắm hoàng hôn trên đỉnh Bakheng, Siem Reap, Cambodia, cách đây đã gần 20 năm. Một hoàng hôn quá tuyệt vời. Màu vàng y áo của các vị sư sãi ngồi cạnh tôi làm nắng cuối ngày trên cao như đằm thắm hơn. Thời gian như ngưng đọng lại chỉ trong một thời khắc.

Bây giờ, ngắm hoàng hôn California bên con rạch nhỏ gần nhà thấy cũng đẹp như vậy. Tôi vẫn thấy mặt trời lộng lẫy trước lúc ngày tàn. Vầng dương lấp lánh chói lòa trên làn nước và khi ngày tàn rồi tàn thêm chút nữa, mặt nước mờ đi như có chút khói sương mang nỗi niềm cố xứ “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (*).

Màu vàng y áo của các vị sư sãi ngồi cạnh tôi làm nắng cuối ngày trên cao như đằm thắm hơn. (Hình: Kim Nguyễn cung cấp)

Nhưng tôi lại lẩn thẩn nghĩ, chắc gì quay về lại quê cũ là thỏa được nỗi nhớ cô hương? Matsuo Bashō (1644-1694), một thiền sư nổi tiếng người Nhật, khi rời Edo về thăm lại Kyoto đã có những vần thơ Haiku rưng rưng đến tận bây giờ:

“Đất khách mười mùa sương
Về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương!”

Và, đâu phải đợi đến khi đi xa, thậm chí người ta vẫn có thể cảm thấy tha phương ngay chính trên quê hương. Nhà thơ Nguyễn Bính, người đã được cho là sải bước chân rong ruổi khắp chân trời góc bể trong các thi sĩ tiền chiến, đã từng “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” (*) đó sao! Mà xét cho cùng thì cả cõi thế này cũng chỉ là cõi tạm mà thôi, nơi con người là khách trọ.

Nơi đây, bây giờ California. Mùa Hè đang nồng ấm lắm giữa dịch COVID-19 chẳng dám đi đâu xa. Mặc dù thế, nắng vẫn vàng quá, đẹp quá và có rất nhiều hôm, mây trắng quá, trời xanh quá. Ừ, mây trắng ngàn năm vẫn êm đềm giăng khắp nẻo muôn phương những lối đi đi về về tự tại thong dong.

Đâu vẫn là cố hương! [qd]

Chú thích:

(*) Tác giả Jon Kabat-Zinn là sáng lập viên cũng như giám đốc của Stress Reduction Clinic tại University of Massachusetts Medical Center, và cũng là giáo sư y khoa trong ngành Preventive and Behavioral Medicine.

(*) Hoàng Hạc Lâu, thơ Thôi Hiệu.

(*) Xóm Ngự Viên, thơ Nguyễn Bính.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT