Friday, April 26, 2024

Tết trong gia đình ‘tam đại đồng đường’ gốc Việt ở San Jose

Đoan Trang/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – Trên con đường Bluebell của thành phố San Jose, miền Bắc California, một ngôi nhà nổi bật với cách bài trí của ngày Tết: hai chiếc lồng đèn đặc trưng của Hội An treo trên cao; cây mai vàng nở rộ; bên hông ngôi nhà, một nồi bánh đang sôi sùng sục, mùi thơm bốc lên, không lẫn vào đâu được hương thơm của bánh chưng, bánh tét…

“Bức tranh Tết” trong ngôi nhà anh chị Lê Bản Duy và Lê Kiều Tiên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chủ nhân ngôi nhà – anh chị Lê Bản Duy và Lê Kiều Tiên – cặp vợ chồng trẻ gốc Việt, tất bật chuẩn bị đón Tết.

Ký ức và kỷ niệm

Chị Tiên, cô gái Huế tuổi đời còn trẻ, chưa tới 40, theo chồng sang Mỹ định cư đã gần 20 năm, nhưng chưa bao giờ quên được ký ức của những ngày còn ở quê nhà, đặc biệt vào những ngày Tết Nguyên Đán. Không chỉ “nhớ như in” trong tâm trí, chị Tiên còn “tái hiện” lại cho các con của mình biết, thế nào là Tết Việt.

Cặp vợ chồng trẻ này có hai người con, đều được sanh ra ở Mỹ: cháu Lê Kiều April, 17 tuổi, và Lê Bản Nathan, 9 tuổi. Chị làm chủ tiệm nail, anh làm trong hãng, cuộc sống bận rộn cùng với lịch học của con cái, không cho phép gia đình anh chị được “về quê ăn Tết” hằng năm, dù ông bà ngoại hai bé vẫn còn sinh sống trong nước.

“Dù sống ở Mỹ, nhưng thành phố San Jose có nhiều người Việt, và Tết cũng rất vui. Tuy vậy, các con tôi hay thắc mắc: Ngày xưa ba mẹ ăn Tết như thế nào? Nghe không bằng thấy, nên tôi trưng bày, trang trí trong nhà, ngoài cửa, và làm những món ăn Tết không thiếu thứ gì, là minh họa sống động cho các con dễ hình dung,” chị kể.

Vợ chồng chị Tiên canh nồi bánh chưng, bánh tét. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Chị Tiên trang trí một góc của phòng sinh hoạt chung, như bức tranh Tết trong nhà. Ở đấy, chị treo hai câu đối đỏ lên một tấm chiếu cói, hai chiếc lồng đèn đặc trưng của người Hội An – quê chồng chị; đầu Lân, Ông Địa, đôi quang gánh, những bông lúa, bộ “Bầu-Cua-Tôm-Cá,” trống múa lân, pháo…Trong đó, “món bầu cua” là thứ mà hai chị em “Mỹ con” này rất mê tơi.

“Việt Nam có nền văn minh lúa nước. Cây lúa nước gắn liền với tuổi thơ của mình. Bà mình gánh lúa, mẹ mình cũng gánh, thế thì mình phải có đôi quang gánh,” chị giải thích về “bức tranh Tết.”

“Bên này cũng có Dragon Dance, nhưng các cháu nhà tôi không hiểu, nên tôi mua luôn cả bộ từ đầu Lân, đầu Ông Địa, quạt mo, bộ trống… Tôi đặt ở đây chú heo đất, để các con hiểu rằng người Việt Nam có tính cần cù tiết kiệm, làm việc suốt năm để ‘bỏ ống’ vô con heo, cuối năm ‘mổ heo’ ra là có tiền ăn Tết. Nhà tôi năm nào cũng chỉ cầu đủ xài, nên mâm trái cây không phải ‘ngũ quả’ mà chỉ có ba loại: mãng cầu, đu đủ, xoài mà thôi,” chị kể tiếp.

Dù chỉ có mỗi thứ một chút, nhưng gộp lại là một bức tranh hoàn chỉnh ngày Tết Việt trong nhà đôi vợ chồng trẻ. “Đối với tôi, đó là ký ức, còn với các con, đó là kỷ niệm,” chị Tiên nói.

Gia đình anh chị Lê Bản Duy và lê Kiều Tiên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Dù đi đâu vẫn còn nguyên “chất Huế” của người Việt

Con gái chị, bé Lê Kiều April cũng đôi lần được cha mẹ cho về quê vào đúng dịp Tết, khoe: “Con nhớ Tết mình được đi chợ Tết, có mấy chú làm tò he, con nhớ có hoa mai, có múa lân… Mùng Một Tết con đi chùa. Năm nay con cũng muốn ăn Tết ở Việt Nam lắm, nhưng vì dịch bệnh nên không về được. Thấy mẹ trưng bày thế này, con thấy đỡ nhớ quê hương hơn.”

Chị Tiên sống với cha mẹ chồng. Ba chồng chị là ông Lê Bản Diên, cựu đại úy Quân Lực VNCH. Chị tự hào được sống trong gia đình “tam đại đồng đường.” Gia đình hai bên đều là người miền Trung, nên cũng thuận tiện cho chị Tiên khi chuẩn bị để cúng cấp Tổ Tiên và cho những món ăn ngày Tết.

Vừa bày biện mâm cúng Tất Niên, chị Tiên vừa giải thích: “Ở Việt Nam mình kêu là cúng Ông Bà, còn bên này, tôi nghĩ trong đất trong đai có thổ thần thổ địa phù hộ cho mình nguyên một năm làm ăn, cuối năm có mâm cơm như lời tri ân đối với người khuất mày khuất mặt trong đất đai của mình, để họ phù hộ cho mình năm tới sung túc hơn, đầm ấm, hạnh phúc và nhiều sức khỏe hơn cho cả gia đình.”

Những món ăn mà chị chuẩn bị đều có hình vuông-tròn. Chị nói, với người Huế, vuông-tròn là sự hoàn chỉnh, vì có sự cân bằng, đầy đủ, và thịnh vượng.

Chỉ khay bánh mứt, chị nói: “Khay mứt nhà mình cũng… khác người lắm, đặc biệt là có kẹo kéo. Tết khách đến nhà, chỉ có kẹo kéo để giữ lòng người, vừa ngọt đường, vừa bùi đậu. Thứ này hiếm có ở Mỹ lắm nhe, tôi phải ‘order’ trên mạng đó.”

Với chị Tiên, mâm cơm cúng Tất Niên như lời tri ân đối với người khuất mày khuất mặt trong đất đai, để được phù hộ cho một năm tới sung túc hơn, đầm ấm, hạnh phúc và nhiều sức khỏe hơn cho cả gia đình. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

“Thật ra hồi trước tôi thấy ba mẹ mình làm sao, thì bây giờ bắt chước làm lại y như vậy thôi,” chị Tiên cho biết thêm. “Người Huế tôn trọng ông bà cha mẹ, và rất coi trọng việc cúng cấp Tổ Tiên. Giờ qua Mỹ rồi, hay có ở đâu đi nữa, tôi người Huế vẫn là Huế, người Việt vẫn là người Việt. Tôi làm những thứ này, trông cho mấy đứa con dù là người Mỹ, nhưng bản chất nó là người Việt. Mà người Việt thì không thể thiếu phong tục, tập quán truyền thống của những ngày Tết Việt.”

Lấy vợ người Huế, cầu kỳ mà… vui!

Khi chúng tôi ghé thăm, vợ chồng chị Tiên đang thay phiên nhau canh nồi bánh chưng nấu bên hông nhà.

“Không chỉ có bánh chưng, bánh tét, mà mình còn có khoai lùi nữa nhe,” vừa gắp mấy củ khoai nướng lùi trong góc than dưới nồi bánh, chị Tiên vừa nói. “Mấy củ khoai này nhắc mình nhớ lại lúc còn ở Việt Nam, khi cả nhà quây quần bên nồi bánh, vừa canh bếp, vừa nướng khoai, rồi chơi bầu cua tôm cá, mấy anh chị em cười nói rôm rả, cắn hạt dưa, thích lắm!”

Chị Tiên cho biết, tất cả những gì chị “tái hiện” cái Tết quê hương, đều là vì con, và bạn của con.

Chị kể: “Thấy mình nấu bánh, các con tưởng tượng như được đi cắm trại. Nấu cho vui, chứ ăn bao nhiêu, nhưng khi bày ra nấu, các con mình quay phim, chụp hình và có ý tưởng tường trình về Tết theo mỗi sắc tộc ở Vietnamese Club trên trường. Bạn của các con cũng muốn biết và thích thú khi nghe kể về Tết Việt như thế nào.”

Những chiếc lồng đèn Hội An, chị Tiên đặt trong nhà, và treo ngoài cửa.

Chị mang về những chiếc lồng đèn có câu “Chúc Mừng năm Mới,” “Vạn Sự Như Ý” để dạy cho con biết những câu chúc đầu năm bằng tiếng Việt. “Tôi không kỳ thị chủng tộc và ngôn ngữ, nhưng với tôi, người Việt thì phải biết tiếng Việt,” chị nói.

Gia đình anh chị Lê Bản Duy và Lê Kiều Tiên chụp hình Tết năm 2000. (Hình: Lê Kiều Tiên cung cấp)

April cho biết em rất thích cách mẹ bày biện từ trong nhà ra ngoài cửa vào những dịp Tết đến. Em nói: “Sau này lớn lên, con sẽ phụ với mẹ làm những việc này, nấu nướng và trang trí nhà cửa, giống như mẹ con làm bây giờ.”

Ông Lê Bản Diên, cha chồng chị Tiên, năm nay đã ngoài 80. Vì dịch bệnh, ông bà dời qua gian nhà sau để an toàn hơn, khi vợ chồng chị Tiên phải ra ngoài làm, sợ lây bệnh về cho ông bà.

Bị “ở nhà” quá lâu, nghe có phóng viên nhật báo Người Việt đến và tặng giai phẩm Xuân, ông rất vui. Chị Tiên nói, giờ ông chỉ có niềm vui là được đọc báo Người Việt mỗi ngày.

Đi loanh quanh nồi bánh chưng, ông chậm rãi nói: “Dịch bệnh buồn quá, đi lại không được thoải mái. Thấy con cháu giữ được truyền thống này, bác mừng lắm, nó gợi cho bác ký ức ngày còn ở Việt Nam. Bác còn tới sáu anh chị em bên nớ. Nhớ lắm!”

Ngắm nghía ngôi nhà tràn ngập hương vị Tết, chị Tiên cười, nói vui: “Tôi nói trước nhe, ai có ý định lấy vợ Huế thì nên suy nghĩ lại, vì chồng tôi kêu là người Huế cầu kỳ và… mệt quá! Nói vậy thôi chứ mệt thì mệt mà vui vẫn vui lắm!”

Tết đến, lại trúng ngay mùa dịch bệnh, ai cũng nói với nhau, năm nay “không có Tết,” nhưng trong lòng mỗi người con xa xứ trên đất Mỹ này, Tết vẫn là Tết. Theo chị Tiên, những gì gọi là truyền thống văn hóa sẽ không bao giờ phôi phai, nếu biết trân trọng và giữ gìn. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT