Thursday, April 25, 2024

Đại sứ Mỹ và ba nhân viên thiệt mạng tại Libya

 


BENGHAZI, Libya –Ðại sứ Mỹ ở Libya và ba nhân viên tòa đại sứ bị giết chết trong lúc tìm cách thoát khỏi một tòa nhà lãnh sự tại thành phố Benghazi, khi một nhóm võ trang có liên hệ với al-Qaeda tấn công trả đũa việc một cuốn phim có nội dung xúc phạm Nhà Tiên Tri Mohammad đang được thực hiện tại Mỹ.










Đại sứ Christopher Stevens (giữa) trong một cuộc họp Libya vào tháng 4, 2011. (AP Photo/Ben Curtis)


Các tay súng tấn công và phóng hỏa tòa Lãnh Sự Mỹ tại thành phố Benghazi, nằm về phía Ðông Libya, nơi được coi là cái nôi của cuộc nổi dậy chống lại chế độ tồn tại trong 42 năm của nhà độc tài Moammar Gadhafi, vào khuya Thứ Tư trong khi có một cuộc tấn công khác nhắm vào tòa Ðại Sứ Mỹ ở Cairo, thủ đô Ai Cập.


Ðại Sứ Christopher Stevens, sinh trưởng ở California, đang tìm cách rời khỏi tòa lãnh sự để đến một địa điểm an toàn thì xảy ra cuộc tấn công dữ dội, khiến lực lượng an ninh địa phương bảo vệ cho ông phải rút lui.


“Ðại sứ Mỹ và ba nhân viên thiệt mạng khi nhóm võ trang bắn rốc két về phía họ,” theo lời một viên chức ở Benghazi. Nguồn tin từ phi trường nơi đây cho hay thi hài của các nạn nhân dự trù sẽ được chở từ Benghazi về Tripoli.


Cuộc tấn công này tình nghi là do nhóm Ansar al-Sharia, một nhóm Hồi Giáo Sunni quá khích có liên hệ với al-Qaeda gây ra.


Cuộc tấn công cũng tạo ra các câu hỏi về sự hiện diện của giới chức ngoại giao Mỹ ở Libya trong tương lai, mối quan hệ giữa Washington và Tripoli, tình hình an ninh bất ổn trong thời kỳ hậu chế độ Gadhafi và về việc liệu sẽ còn các cuộc biểu tình bạo động chống Mỹ trong thế giới Hồi Giáo vì cuốn phim nói trên nữa hay không.


Tổng Thống Barack Obama, từng có hành động hỗ trợ quân sự và tài chánh cho phía nổi dậy ở Libya, gọi đây là một cuộc “tấn công tồi tệ” và ra lệnh tăng cường an ninh ở tất cả các cơ sở ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới.


Tổng thống và Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton cũng bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của Ðại Sứ Stevens. Quốc kỳ Mỹ hôm Thứ Tư được hạ xuống nửa cột tại tòa Bạch Ốc và cờ rũ cũng được treo ở Bộ Ngoại Giao cùng các cơ quan chính quyền khác.


Một giới chức cao cấp chính phủ Mỹ cho hay một toán Thủy Quân Lục Chiến khoảng 50 người thuộc lực lượng an ninh chống khủng bố đang được gửi đến Libya để bảo vệ các cơ sở ngoại giao nơi đây.


CBS dẫn nguồn tin từ giới an ninh nói rằng cuộc điều tra còn đang tiến hành và chưa có một kết luận nào. Tuy nhiên theo dự đoán thì có lẽ vụ tấn công xảy ra do lợi dụng thời cơ hơn là một kế hoạch tính toán trước, nhưng không điều gì có thể xác định được cho đến bây giờ.


Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng khủng bố đã dùng cuộc biểu tình chống cuốn băng video để xâm nhập lãnh sự quán ở Benghazi. Chủ Tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện Mike Rogers, Cộng Hòa-Michigan, nói trên truyền hình CBS rằng có nhiều khả năng cuộc tấn công do từ những phần tử liên hệ với al-Qaeda. Ông nhận xét cuộc tấn công kiểu biệt kích có phối hợp hỏa lực trực tiếp và gián tiếp phải là một hành động quân sự.


Trước đó, hôm Thứ Hai, lần đầu tiên qua một đoạn băng video đưa lên mạng Internet, thủ lãnh Ayman Al-Zawahri xác nhận cái chết của Abu Yahya al-Libi, lãnh tụ số 2 của al-Qaeda, bị máy bay không người lái xạ kích chết ở Pakistan hồi Tháng Sáu. Al-Zawahri kêu gọi dân Hồi Giáo Libya, quê quán của al-Libi hãy hành động trả thù.


Chris Stevens là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên kể từ 1979 bị giết trong khi thi hành nhiệm vụ. Một bác sĩ Libya đã cấp cứu cho đại sứ, nói với phóng viên thông tấn xã AP rằng ông chết vì ngộp khói trong vụ lãnh sự quán bị đốt chứ không có thương tích gì khác. Ba người Mỹ khác bị chết là tham vụ ngoại giao phụ trách thông tin Sean Smith do trúng đạn và hai binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến có lẽ là nhân viên bảo vệ cho đại sứ.


Cuộc biểu tình phản đối ở Benghazi, Libya và Cairo, Ai Cập, đồng thời xảy ra do sự phẫn nộ của người Hồi Giáo đối với một cuốn phim video nhạo báng Tiên Tri Muhammad do một tổ chức cực đoan Thiên Chúa Giáo Ai Cập chống Hồi Giáo hoạt động ở Hoa Kỳ đã đưa lên YouTube.


Trong lời tuyên bố sáng Thứ Tư, Tổng Thống Obama nói, “Dù Hoa Kỳ bác bỏ mọi nỗ lực nhằm phỉ bảng tín ngưỡng của người khác, tất cả chúng ta phải dứt khoát chống lại những kiểu bạo hành vô nghĩa gây thiệt mạng cho các công bộc quốc gia như vậy.”


Ngoại Trưởng Hillary Clinton bày tỏ sự lo ngại những hành động phản đối có thể lan rộng đến những nước khác và cho biết Hoa Kỳ đang làm việc với các quốc gia đối tác trên toàn thế giới để bảo vệ sinh mạng của nhân viên, cơ sở và công dân Mỹ ở hải ngoại. Bà nói: “Có một số người lập luận rằng những hành động xấu xa này là sự trả lời cho các tài liệu khiêu khích đưa lên Internet… Nhưng tôi xin minh định rằng không một lý lẽ nào có thể bào chữa bênh vực cho việc làm ấy.” (V.Giang)

MỚI CẬP NHẬT