Monday, April 29, 2024

Bê bối rửa tiền $2 tỷ rúng động Singapore

SINGAPORE CITY (NV) – Cảnh sát Singapore vừa điều tra vụ bê bối dính líu tới nhiều nhà băng, đại lý địa ốc, nhà kinh doanh kim loại quý và một câu lạc bộ chơi golf hàng đầu. Cảnh sát tiến hành đột kích quy mô lớn tại một số khu dân cư giàu có nhất, nơi cảnh sát thu giữ hàng tỷ Mỹ kim tiền mặt và tài sản. Những tình tiết kinh khủng làm dân Singapore lo lắng – trong số tài sản bị tịch thu có 152 bất động sản, 62 xe hơi, hàng kệ đựng túi xách và đồng hồ xa xỉ, hàng trăm món trang sức và hàng ngàn chai rượu, theo Đài BBC.

Đầu Tháng Tư, Su Wenqiang và Su Haijin trở thành những người đầu tiên bị bỏ tù trong vụ bê bối. Su Haijin, cảnh sát cho biết, nhảy khỏi ban công tầng hai của một căn nhà để tẩu thoát. Cả hai người đàn ông này sẽ phải ngồi tù hơn một năm, sau đó sẽ bị trục xuất và bị cấm quay trở lại Singapore. Tám người khác vẫn đang chờ quyết định của tòa án.

Ngay cả khi sắp chấm dứt, vụ bê bối lớn nhất Singapore vẫn làm cho công chúng có những ngờ vực không tránh khỏi. Số tiền mà Wenqiang và Haijin vung tay cho cuộc sống xa hoa của họ tại Singapore, các công tố viên cho biết, đến từ các nguồn tiền bất hợp pháp ở ngoại quốc, chẳng hạn như lừa đảo và cờ bạc trực tuyến.

Phố thị Singapore về đêm 28 Tháng Chín, 2008 (Hình: Clive Mason/Getty Images)

Làm cách nào mà những người đàn ông này, thậm chí vài người sở hữu nhiều sổ thông hành từ Campuchia, Vanuatu, Cyprus và Dominica, có thể sinh sống và giao dịch với nhà băng Singapore suốt nhiều năm mà không bị theo dõi? Vụ án này khiến nhà chức trách phải suy xét lại các chính sách, trong đó các nhà băng cần siết chặt quy định, đặc biệt là với những khách hàng có nhiều sổ thông hành.

Singapore, quốc gia được nhiều người coi là Thụy Sĩ của Á Châu, bắt đầu thu hút các nhà băng và nhà quản lý tài sản từ những năm 1990. Cải cách kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ dần dần đem lại kết quả, và sau đó vào những năm 2000, thế giới cũng chứng kiến một Indonesia nổi trội, ổn định và ngày càng thịnh vượng. Chẳng bao lâu, Singapore trở thành thiên đường cho các doanh nghiệp ngoại quốc với luật pháp thân thiện với nhà đầu tư, miễn thuế cùng các ưu đãi khác.

Ngày nay, những người giàu nứt đố đổ vách có thể bay tới phi trường tư nhân của Singapore, sống trong các bến cảng sang trọng và đầu cơ trên thị trường kim cương đầu tiên trên thế giới. Ngay bên ngoài phi trường là một hầm an ninh tối đa có tên Le Freeport, nơi cung cấp dịch vụ lưu trữ miễn thuế cho các tác phẩm mỹ thuật, đồ trang sức, rượu vang và các đồ vật có giá trị khác. Cơ sở trị giá $100 triệu này thường được mệnh danh là Fort Knox của Á Châu.

Các nhà quản lý tài sản của Singapore thu hút được 435 tỷ đô la Singapore từ ngoại quốc vào năm 2022, gần gấp đôi con số của năm 2017, theo cơ quan quản lý thị trường Singapore. Hơn một nửa số văn phòng gia đình tại Á Châu – đó là các công ty quản lý tài sản tư nhân – nay đang tọa lạc tại Singapore, theo số liệu từ đại công ty cố vấn KPMG và công ty cố vấn văn phòng gia đình Agreus.

Các nhà đầu tư gồm có những người đồng sáng lập Google, Sergey Brin, tỷ phú Anh Quốc James Dyson và Shu Ping, người Singapore gốc Hoa, ông chủ chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất thế giới, Haidilao.

Nhà chức trách cho biết có vài bị cáo trong vụ rửa tiền có thể dính líu tới các công ty quản lý tài sản gia đình được ưu đãi thuế.

Đối với giới thượng lưu Trung Quốc, Singapore là điểm đến hàng đầu vì nền quản trị có uy tín và sự ổn định cũng như mối liên kết văn hóa với Trung Quốc. Và ngày càng có nhiều tiền Trung Quốc đổ vào Singapore trong những năm gần đây.

Một trong 10 nghi can trong vụ bê bối bị truy nã ở Trung Quốc từ 2017 do cáo buộc tham gia đánh bài trái phép trên mạng. Các công tố viên cho rằng ông định cư tại Singapore vì “muốn có một nơi an toàn để lẩn trốn nhà cầm quyền Trung Quốc.”

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà băng đặt trụ sở tại Singapore dính líu tới tội phạm tài chánh. Singapore bị phát giác có vai trò trong hoạt động rửa tiền xuyên biên giới của vụ bê bối 1MDB, trong vụ đó Mã Lai bị biển thủ hàng tỷ Mỹ kim quỹ đầu tư chính phủ. Dan Tan, Interpol từng mô tả là “thủ lãnh của tổ chức dàn xếp bài bạc khét tiếng nhất thế giới” cũng có mối liên hệ kinh doanh chặt chẽ với Singapore. Ông bị bắt tại Singapore vào năm 2013.

“Đây không chỉ là chuyện mò kim đáy bể, mà là mò một cây kim trong nhiều bể,” Bộ Trưởng Nội Vụ Thứ Hai của Singapore, Josephine Teo, phát biểu trước quốc hội vào Tháng Mười 2023.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng thị trường địa ốc sôi động của Singapore là một phương tiện phổ biến để “rửa” tiền bẩn. Ngoài ra còn có những sòng bạc, câu lạc bộ đêm và những cửa hàng sang trọng.

Singapore cũng không giới hạn tiền mặt được phép cầm vào và ra khỏi đất nước, chỉ yêu cầu khai báo nếu số tiền vượt quá 20,000 đô la Singapore. Và đó là một lợi thế, Christopher Leahy, nhà sáng lập công ty cố vấn rủi ro và nghiên cứu điều tra Blackpeak đặt trụ sở tại Singapore cho biết.

Mặc dù tăng cường quy định sẽ giúp ích nhưng Tiến Sĩ Chong Ja-Ian, thuộc trung tâm nghiên cứu Carnegie Trung Quốc, cho rằng sự minh bạch đặt ra thách thức lớn hơn: “Minh bạch đi ngược lại chính mô hình tự quyết định cho phép nhiều trung tâm quản lý tài sản phát triển mạnh.”

Một số phân tích gia cho rằng đây có thể là cái giá mà Singapore sẵn sàng trả để duy trì vị thế là một trung tâm tài chánh. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT