Monday, May 6, 2024

Biểu tình khắp Trung Quốc phản đối chính sách ‘zero COVID-19’

 BẮC KINH, Trung Quốc (NV) — Các cuộc biểu tình phản đối chính sách kiểm soát COVID-19 của chính quyền Trung Quốc khiến hàng triệu người phải ở trong nhà đang lan rộng sang Thượng Hải và các thành phố khác, sau khi nhiều khiếu nại nói rằng chính các biện pháp này làm trầm trọng thêm vụ cháy chung cư khiến ít nhất 10 người chết ở vùng Tân Cương, theo AP.

Một nhân chứng cho biết cảnh sát Thượng Hải dùng bình xịt hơi cay cản 300 người biểu tình. Họ tập trung vào tối Thứ Bảy, 26 Tháng Mười Một để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ cháy chung cư ở Urumqi, Tân Cương.

Người dân Bắc Kinh đi biểu tình phản đối chính sách về COVID-19. (Hình: Noel Celis/AFP via Getty Images)

Các video đăng trên mạng xã hội cho thấy ở Nam Kinh, Quảng Châu và ít nhất năm thành phố khác, người biểu tình xô xát với cảnh sát mặc đồ bảo hộ màu trắng hoặc dỡ bỏ các chướng ngại vật được sử dụng để phong tỏa các khu dân cư. Các nhân chứng cho biết ở Urumqi cũng có một cuộc biểu tình, nhưng AP chưa thể xác nhận chi tiết về các video khác.

Hiện nay chính phủ của Chủ Tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với sự tức giận vì chính sách “zero COVID-19,” trong đó Trung Quốc cố gắng phong tỏa các khu vực trên khắp đất nước, cách ly mọi trường hợp nhiễm bệnh. Điều này trái ngược với xu hướng thế giới, các nước khác đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát và cố gắng sống chung với dịch.

Chính sách “zero COVID-19” giúp tỷ lệ nhiễm bệnh của Trung Quốc thấp hơn Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên chính quyền phải đối mặt với những phàn nàn ngày càng tăng về chi phí dân sinh và kinh tế, khi các doanh nghiệp phải đóng cửa và các gia đình buộc phải ở nhà nhiều tuần, cũng như nguồn tiếp cận thực phẩm và thuốc men hạn chế.

Hồi tháng trước các nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly và những quy định khác, nhưng họ vẫn kiên định với “zero COVID-19.” Trong khi đó lượng ca nhiễm bệnh vượt mức 30,000 lần đầu tiên khiến chính quyền địa phương áp đặt các hạn chế mà người dân cho rằng vượt quá mức cho phép của chính quyền quốc gia.

Trong vụ hỏa hoạn ở Urumqi, nhiều người tức giận đặt ra câu hỏi rằng liệu lính cứu hỏa cần ba giờ để dập tắt ngọn lửa, hay là các nạn nhân bị mắc kẹt hoặc cản trở bởi các biện pháp phòng dịch. Mặc dù giới chức phủ nhận, thế nhưng thảm kịch này trở thành tâm điểm tức giận của dân chúng về các biện pháp hạn chế phòng dịch của chính quyền.

Ông Zhao, một người tham gia biểu tình tại Thượng Hải, cho biết bạn của mình bị cảnh sát đánh đập và hai người bị xịt hơi cay. Ông kể rằng người biểu tình hô vang các khẩu hiệu “Tập Cận Bình từ chức, Đảng Cộng Sản từ chức,” “Mở cửa Tân Cương, mở cửa Trung Quốc,” “Không muốn xét nghiệm PCR, muốn tự do” và “tự do báo chí.”

Trong khi đó khoảng 100 cảnh sát đứng thành hàng ngăn người biểu tình tụ tập hoặc rời đi. Sau đó một chiếc xe buýt đưa đến thêm nhiều cảnh sát.

Những video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các cuộc biểu tình diễn ra ở Thượng Hải, Nam Kinh, Thành Đô, Trùng Khánh và Urumqi và Korla ở Tân Cương.

Các cuộc biểu tình ở Tân Cương đem đến rủi ro khá lớn khi trước đây từng có những cuộc đàn áp chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác. Hầu hết những người biểu tình ở Tân Cương đều là người Hán.

Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ cho biết người Duy Ngô Nhĩ không dám xuống đường vì họ biết họ sẽ bị trừng phạt, bị bắt bỏ tù hoặc đưa đến các trại tập trung nếu làm như vậy.

Các bài đăng trên mạng xã hội nhanh chóng bị xóa. Đây là điều mà Bắc Kinh thường làm để trấn áp những lời chỉ trích mà họ cho rằng có thể chống lại chế độ độc đảng.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu công chúng, hôm Thứ Bảy, 26 Tháng Mười Một, nhà chức trách tuyên bố họ đạt được “xã hội không COVID-19” và sẽ nới lỏng các hạn chế ở Urumqi và Korla.

Taxi, xe lửa, xe buýt và những dịch vụ công cộng khác sẽ được hoạt động trở lại sau nhiều tuần tạm ngừng. Hãng hàng không China Southern Airlines cũng sẽ nối lại các chuyến bay từ Urumqi đến bốn thành phố Trung Quốc bắt đầu từ Thứ Hai, 28 Tháng Mười Một.

Người dùng mạng xã hội đón nhận tin dịch bệnh được kiểm soát với thái độ mỉa mai: “Chỉ có Trung Quốc mới đạt được ‘tốc độ’ này.”

Trước đó mọi người giận dữ khi chính quyền Urumqi đổ lỗi vụ hỏa hoạn chết người là do người dân, nói rằng “khả năng tự cứu mình của họ quá kém.” Trong khi đó cảnh sát thông báo bắt giữa một phụ nữ 24 tuổi vì lan truyền “thông tin sai sự thật” về số người chết trên mạng.

Hai cư dân giấu tên ở Urumqi cho biết các cuộc biểu tình lớn diễn ra vào tối Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một. AP xác định được vị trí chính xác của hai video quay cảnh biểu tình ở các khu vực tại Urumqi.

Ông Tập bảo vệ chính sách “zero COVID-19,” xem đây là điểm ưu việt của Trung Quốc so với Mỹ và các nước phương Tây khác. Tuy nhiên đối với người dân, họ không còn ủng hộ “zero COVID-19” nữa, đặc biệt sau các thảm kịch gần đây.

Tuần trước, chính quyền thành phố Trịnh Châu lên tiếng xin lỗi về cái chết của một bé gái bốn tháng tuổi trong thời gian cách ly. Cha của cô bé cho biết mình không thể đưa con đến bệnh viện vì các nhân viên cứu thương từ chối giúp đỡ ông khi ông dương tính với COVID-19.

Một người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ cho biết bà không thể rời khỏi nhà từ ngày 8 Tháng Tám, thậm chí còn không được mở cửa sổ. Hôm Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một, bà và những người hàng xóm bất chấp lệnh cấm, mở cửa sổ và la hét phản đối. (V.Giang) [kn]

MỚI CẬP NHẬT