Friday, April 19, 2024

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bắc Kinh khi Biển Đông vẫn nóng

WASHINGTON (NV) – Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên đường đi Bắc Kinh với hai vấn đề nóng của an ninh khu vực gồm vấn đề nguyên tử tại bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Theo các hãng thông tấn quốc tế, trên đường tới Bắc Kinh mà ông sẽ dừng lại thăm căn cứ hỏa tiễn phòng vệ tại Alaska, Bộ Trưởng Mattis nói với báo chí với lời lẽ ngoại giao, tránh những đả kích trực tiếp và mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc như ông đã phát biểu tại Diễn Ðàn An Ninh khu vực Á Châu, diễn ra tại Singapore đầu Tháng Sáu.

Phát biểu tại Diễn Ðàn Shangri-la ngày 2 Tháng Sáu vừa qua, ông Mattis đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và cậy thế nước lớn, quân sự hùng mạnh để ức hiếp các nước nhỏ yếu kém phía Nam.

Thay vào đó, ông sẽ thảo luận với các lãnh tụ Bắc Kinh, chú trọng đến những vấn đề lớn hơn, nhiều tính cách an ninh chiến lược hơn.

Ông Mattis nói với báo chí, những điểm chính yếu trong các cuộc thảo luận của ông tại Bắc Kinh là vấn đề phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên và vai trò của Trung Quốc có thể đóng góp trong đó, nhìn từ khía cạnh mối quan hệ “đồng chí” lâu dài giữa Trung Quốc với Bắc Hàn.

“Tôi không đến đó với dự trù từ trước về những gì họ sẽ nói. Tôi muốn tới và nghe rất nhiều.” Ông Mattis nói.

Theo lời một viên chức tháp tùng, trong khi ông Mattis sẵn lòng trình bày quan điểm của Hoa Kỳ đối với vấn đề Trung Quốc ráo riết quân sự hóa Biển Đông và tại một số khu vực tranh chấp khác, ông không muốn mở ra các cuộc đàm luận gây khó chịu. Thay vào đó, ông muốn có các cuộc thảo luận với phẩm chất cao hơn cho mối quan hệ quân sự giữa hai nước.

Tháng trước, ông Mattis đã đột ngột rút lại lời mời Hải Quân Trung Quốc tham gia tập trận với nhiều nước khác khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, dự trù sẽ diễn ra trong vài ngày tới tại Hawaii, phản ứng lại việc Bắc Kinh đưa các giàn hỏa tiễn phòng không tầm xa đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa.

Vài ngày sau, Ngũ Giác Đài còn cảnh cáo Bắc Kinh sẽ phải nhận những hậu quả nghiêm trọng cả ngay tức thì lẫn lâu dài nếu họ vẫn tiếp tục chương trình quân sự hóa để độc chiếm Biển Đông. Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa dù hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Qua các không ảnh, người ta thấy Trung Quốc đã thiết trí các hệ thống hỏa tiễn phòng không, hỏa tiễn chống chiến hạm, hệ thống phá sóng radar cùng nhiều hệ thống điện tử khác tại 7 đảo nhân tạo tại Trường Sa. Mới đây, Trung Quốc đưa máy bay ném bom tầm xa tập luyện lên xuống tại đảo Phú Lâm sau khi đã đưa một đoàn gồm 40 chiến hạm, kể cả hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tập trận rầm rộ trên Biển Đông.

Nhiều nhà phân tích chiến lược đã nhìn thấy tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông khi Trung Quốc ráo riết biến các đảo ở Hoàng Sa và các đảo nhân tạo tại Trường Sa thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên biển. Từ những nơi này, lực lượng Trung Quốc có thể vươn xa hàng ngàn cây số và sự lưu thông trên Biển Đông sẽ khó an toàn khi Bắc Kinh muốn cản trở.

Trong khi ông Mattis đến Bắc Kinh thì Tân Hoa Xã cho hay cuộc họp cấp cao giữa Trung Quốc với ASEAN lần thứ 15 để thực hiện Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) sẽ diễn ra tại tỉnh Hồ Nam vào ngày 27 Tháng Sáu, 2018.

Tuy Bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông đã ký từ năm 2002 nhưng đến nay một bộ Quy tắc Ứng Xử (COC) nhằm tránh đụng độ võ trang vẫn chưa đạt được thỏa thuận vì thái độ cù cưa, muốn kéo dài của Bắc Kinh để hoàn tất kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của họ. (TN)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT