Monday, May 6, 2024

Công ty Trung Quốc phủ nhận sẽ bán TikTok cho Mỹ

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Công ty Trung Quốc chủ quản TikTok, ByteDance, cho biết hôm Thứ Năm, 25 Tháng Tư rằng họ không có kế hoạch bán TikTok, đây là câu trả lời chính thức đầu tiên về vấn đề hệ trọng này từ lúc Tổng Thống Joe Biden ký ban hành dự luật có thể dẫn tới lệnh cấm ứng dụng rất phổ biến trên toàn Hoa Kỳ, theo CNN Business.

“Truyền thông ngoại quốc loan tin ByteDance đang xem xét việc bán TikTok là sai sự thật,” công ty đặt trụ sở tại Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố trên Toutiao, ứng dụng tổng hợp tin tức do ByteDance sở hữu và phổ biến ở Hoa Lục.

“ByteDance không có bất kỳ kế hoạch nào để bán TikTok,” ByteDance cho biết.

TikTok, một ứng dụng phổ biến của Trung Quốc (Hình: Solen Feyissa/Pexels)

Tuyên bố này nhằm phản hồi trực tiếp một bài viết của Information hôm Thứ Năm cho biết Bytedance đang xem xét khả năng bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Hoa Kỳ trong đó không có thuật toán gợi ý phim ảnh cho người dùng TikTok.

Trong tuyên bố, Bytedance đăng kèm hình chụp màn hình về bản tin của Information, trong đó trích dẫn ba người có nguồn tin về các cuộc thảo luận.

Cho tới nay, công ty đặt trụ sở tại Bắc Kinh, chủ quản của TikTok và hàng loạt ứng dụng khác, vẫn im lặng trước đạo luật Hoa Kỳ đưa ra trong tuần thúc đẩy buộc phải bán TikTok. Chính quyền Trung Quốc cũng im lặng từ lúc dự luật được ký thành luật mặc dù trước đó Bắc Kinh từng nói rõ rằng họ sẽ phản đối các biện pháp đề ra nhằm bán TikTok.

Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua dự luật trong tuần này như một phần của khoản viện trợ ngoại quốc trên phạm vi rộng để hỗ trợ Israel và Ukraine. Khoản quân viện được Hạ Viện phê chuẩn vào Thứ Bảy và Thượng Viện vào Thứ Ba.

Đạo luật này tạo ra rủi ro nghiêm trọng nhất cho TikTok từ lúc các viên chức Hoa Kỳ bắt đầu bày tỏ lo ngại về ứng dụng này hồi 2020. Theo luật hiện hành của Hoa Kỳ, TikTok buộc phải tìm chủ sở hữu mới trong vòng vài tháng hoặc bị cấm hoàn toàn ở Hoa Kỳ, thị trường lớn nhất của TikTok với 170 triệu người dùng.

Hôm Thứ Tư, Tổng Giám Đốc TikTok, Shou Chew, cho biết công ty sẽ đấu tranh trước tòa để được tiếp tục hoạt động tại Hoa Kỳ.

Chính phủ Trung Quốc từng cho biết họ phản đối mạnh mẽ chuyện ép buộc bán TikTok và có đủ năng lực pháp lý để làm điều đó. Trung Quốc coi kỹ nghệ của TikTok có giá trị cao và thực hiện tiến trình pháp lý từ năm 2020 để bảo đảm họ có thể phủ quyết bất kỳ giao dịch mua bán nào của ByteDance.

Các thuật toán của TikTok, giúp người dùng dán mắt vào ứng dụng, được cho là chìa khóa đi đến thành công của ứng dụng. Các thuật toán đưa ra gợi ý dựa trên hành vi từ người dùng, từ đó chiếu các đoạn phim người dùng muốn xem.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ từ lâu bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh lên TikTok. Đặc biệt, họ lo ngại TikTok có thể rò rỉ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc hoặc thao túng nội dung chiếu trên nền tảng TikTok. Cho tới nay, có rất ít bằng chứng đứng về phía những lo ngại này.

Nhưng là một công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc, ByteDance phải tuân theo vô số luật lệ tình báo, bảo mật dữ liệu và an ninh mạng quốc gia.

Năm 2018, Trung Quốc sửa đổi Luật Tình Báo Quốc Gia, trong đó yêu cầu bất kỳ tổ chức hoặc công dân nào cũng phải hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với công tác tình báo quốc gia. Điều đó có nghĩa là ByteDance bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc hỗ trợ thu thập tin tức tình báo.

Do đó, một số quốc gia cấm giới chức tải TikTok vô điện thoại, nhưng tính tới nay luật pháp Hoa Kỳ mới là một trong những biện pháp có ảnh hưởng lan rộng nhất từng được thực hiện. Ấn Độ cấm TikTok triệt để vào năm 2020. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT