Thursday, April 25, 2024

Dân Trung Quốc giảm thọ vì ô nhiễm môi trường

Hà Tường Cát/Người Việt

Ô nhiễm môi trường là một vấn đề nan giải của Trung Quốc từ ba thập niên gần đây do không kiểm soát được những hậu quả tiêu cực trong sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế.

Thủ Tướng Lý Khắc Cường năm 2014 tuyên bố mở “cuộc chiến chống ô nhiễm,” nhưng mức độ khói bụi (smog) ở Trung Quốc vẫn còn vượt quá tiêu chuẩn lành mạnh do Tổ Chức Y Tế Thế Giới của Liên Hiệp Quốc (WHO) quy định.

Theo một nghiên cứu vừa được tạp chí của Viện Hàn Lâm Khoa Học Mỹ công bố đầu tuần này thì hậu quả của tình trạng không khí ô nhiễm làm giảm 3.5 năm tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc.

Ở miền Bắc Trung Quốc nơi không khí và nhiều yếu tố ô nhiễm khác ở mức độ cao, tuổi thọ còn kém thêm 3. 1 năm nữa so với dân miền Nam. Tại Cáp Nhĩ Tân (Harbin), thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, trong vùng trung tâm kỹ nghệ miền Bắc, tuổi thọ trung bình của người dân mất 6.9 năm, theo phân tích của viện chính sách năng lượng thuộc trường Ðại Học Chicago.

Cuốc chiến chống ô nhiễm không khí ở Trung Quốc tập trung nhắm vào miền Bắc vì vùng này có khói bụi tệ hại hơn hết nhất là trong mùa Ðông khi chính quyền cho các nhà máy nhiệt điện đốt than hoạt động để cung cấp sưởi ấm miễn phí.

Giáo Sư Michael Greenstone, giám đốc viện này giải thích: “Các phân tử nhỏ lẫn trong không khí là hiểm họa môi trường rất lớn cho sức khỏe của con người trên toàn thế giới nhất là tại Trung Quốc và Ấn Ðộ.” Những hạt này là nguồn gốc đưa tới nhiều chứng bệnh bao gồm trụy tim, đột quỵ, ung thư phổi.

Trong số 338 thành phố, chỉ có 84 đạt chuẩn mực không khí lành mạnh do WHO quy định, theo một thăm dò của Bộ Môi Trường Trung Quốc năm 2016. Những thành phố khác ở mức kém xa chuẩn mực này và nếu như không khí chỉ đạt định chuẩn do Trung Quốc ấn định, nghĩa là thấp hơn định chuẩn của WHO, thì tuổi thọ của người dân cũng có thể thêm được hơn một năm.

Tiếp theo không khí, ô nhiễm đất canh tác là đáng lo ngại vì nông phẩm sản xuất trên những đất này làm hại cho sức khỏe người dân và người ta lo ngại có thể gây bệnh ung thư, dù rằng chưa có bằng chứng khoa học nào được xác định. Nước và đất canh tác bị nhiễm độc bởi chất thải kỹ nghệ. Mức độ nhiễm độc do các kim loại nặng tại miền Bắc là cao nhất.

Trong nhiều năm, chính quyền đã cho tiến hành những thử nghiệm về đất rộng rãi trên toàn quốc nhưng không công bố kết quả và được giữ kín như “bí mật quốc gia.” Ðiều ấy khiến cho người dân càng thêm lo ngại, và khó có thể lượng giá mức độc hại về những thực phẩm được tiêu thụ sản xuất trong những vùng gần các cơ xưởng kỹ nghệ.

Tuy nhiên có một dấu hiệu đáng báo động trong tuần này khi ông Wang Shiyuan, thứ trưởng Bộ Ðất Ðai và Tài Nguyên, tuyên bố trong một hội nghị báo chí ở Bắc Kinh rằng có tới 8 triệu mẫu đất (bằng diện tích tiểu bang Maryland) ở Trung Quốc bị coi là ô nhiễm nặng và việc canh tác ở những đất đó có thể bị cấm.

Một tài liệu của Bộ Bảo Vệ Môi Trường đầu năm nay cho biết 50 triệu mẫu ruộng đất Trung Quốc bị ô nhiễm trong đó 22 triệu mẫu nhiễm độc thuốc trừ sâu và hơn 13 triệu tấn hoa màu thu hoạch mỗi năm bị nhiễm kim loại nặng không phải sắt, như cadmium, chromium, chì. Những chất này ở trong nước thải do các nhà máy tháo chảy ra sông và chảy vào các dòng kênh dẫn thủy nhập điền (kênh thủy lợi).

Hồi Tháng Năm, các giới chức tỉnh Quảng Ðông cho biết đã khám phá thấy cadmium ở điều kiện quá mức an toàn trong 155 mẻ lúa gạo thu góp làm mẫu ở các nhà kho, chợ và tiệm ăn; 89 trong số này là gạo sản xuất ở tỉnh Hồ Nam. Tỉnh Hồ Nam là vựa lúa của Trung Quốc, sản xuất 17 triệu tấn gạo một năm hay 16% tổng sản lượng toàn quốc.

Tờ báo tiếng Anh China Daily của nhà nước, trong Tháng Sáu, nói “đất ô nhiễm bởi kim loại nặng làm phương hại cho an toàn thực phẩm và trở thành nguy cơ tiềm tàng về y tế công cộng.” Cadmium là kim loại nặng được coi là nguy hại nhất, có thể gây bệnh ung thư khi tồn tích vào gan và thận. Cadmium không chỉ lẫn vào nông phẩm mà còn vào gia súc, bò, heo, gà vịt. Chưa có tài liệu chính xác nào được công bố về mức nhiễm cadmium trong thực phẩm Trung Quốc.

Không có cách gì để đóng cửa những nhà máy thải ra chất độc vì sự bảo vệ của địa phương trong việc kinh tế. Các giới chức môi trường ở Bắc Kinh ca ngợi những thử nghiệm gần đây của các nhà khoa học cho biết một số xưởng máy có thể giúp làm sạch đất đai bằng cách hấp thụ chất độc. Tuy nhiên trong thực tế chưa thấy có dự án hay hành động cụ thể nào được tiến hành.

Bà Ge, một nông dân trên 60 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, nói với tờ South China Morning Post: “Chúng tôi sinh ra ở đây, lớn lên trên đất này và không thể làm gì hơn trong điều kiện ấy. Những người yếu nhất đã chết, chúng tôi vẫn còn sống sót cho đến một ngày nào đó chưa biết được.”

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mỹ giới hạn chiếu khán bốn quốc gia không nhận người bị trục xuất

MỚI CẬP NHẬT