Saturday, April 27, 2024

Mỹ, Anh, New Zealand là nạn nhân của nhóm hacker, Trung Quốc chối

WASHINGTON, DC (NV) – Trung Quốc đáp trả những cáo buộc từ Hoa Kỳ và Anh Quốc cho rằng họ đứng đằng sau một hoạt động xâm nhập mạng điện toán (hack) quy mô chính phủ nhắm vào hàng triệu người ở các quốc gia Tây Phương, Đài BBC đưa tin.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói Washington và các quốc gia khác nên dừng các cuộc tấn công an ninh mạng của chính họ, cáo buộc các nước này “thao túng chính trị.”

Phát ngôn viên nọ nói thêm rằng việc Anh Quốc đưa ra bằng chứng cáo buộc Trung Quốc xâm nhập an ninh mạng vào ủy ban bầu cử và các dân biểu Anh Quốc là “không đầy đủ.”

Bảy kẻ tình nghi là hacker mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố phần thưởng lên tới $10 triệu (Hình: US Department of Justice)

Hoa Kỳ và Anh Quốc đổ lỗi cho một đơn vị an ninh mạng quốc doanh do Trung Quốc điều hành liên quan tới các cuộc xâm nhập.

Hai công dân Trung Quốc và một công ty sẽ phải đối diện với các lệnh trừng phạt, Anh Quốc tuyên bố hôm Thứ Hai, 25 Tháng Ba. Chính phủ Anh Quốc cáo buộc công ty Wuhan Xiaoruizhi Science and Technology Company Ltd làm việc cho nhóm gián điệp mạng điện toán thuộc nhà cầm quyền Trung Quốc, Tổ Chức Mầm Họa Liên Hoàn 31 (APT31).

Lệnh trừng phạt của Anh Quốc sẽ tiến hành đóng băng tài sản, cấm công dân và doanh nghiệp Anh Quốc dính líu tới tài chánh hoặc nguồn tài lực của công ty Wuhan. Lệnh cấm đi lại cũng sẽ không cho tổ chức này nhập cảnh hoặc ở lại Anh Quốc.

Cuối ngày Thứ Hai, Hoa Kỳ cho biết bảy công dân Trung Quốc – được cho là làm việc cho APT31 – bị buộc tội thực hiện một chiến dịch tấn công an ninh mạng trên bình diện rộng. Họ bị buộc tội dính líu tới một hoạt động xâm nhập mạng điện toán kéo dài 14 năm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lin Jian kịch liệt bác bỏ tất cả cáo buộc.

“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ và Anh Quốc ngừng chính trị hóa các vấn đề an ninh mạng. Đừng bôi nhọ Trung Quốc và ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương lên Trung Quốc. Hãy dừng cuộc tấn công an ninh mạng mà họ chống lại Trung Quốc,” Lin Jian nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm Thứ Ba.

“Trung Quốc đã làm rõ về khía cạnh kỹ thuật và phản hồi thông tin liên quan tới APT 31 mà Anh Quốc đệ trình, trong đó nói rõ rằng bằng chứng do Anh Quốc đưa ra là không đầy đủ,” ông nói. Thật không may, chúng tôi chẳng nghe Anh Quốc hồi âm gì cả.”

Lin Jian cũng nói với các phóng viên rằng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Cuộc tấn công an ninh mạng nhắm vào Ủy Ban Bầu Cử Vương Quốc Anh từ Tháng Tám 2021 tới Tháng Mười 2022 là một trong những vụ tấn công nổi trội nhất trong lịch sử Anh Quốc.

Không chỉ có cơ sở dữ liệu chứa danh tánh và địa chỉ của các viên chức bầu cử bị xâm nhập mà còn có cả các bức điện thư tối mật từ “hệ thống kiểm soát” của ủy ban bầu cử và điện thư trao đổi qua lại giữa các viên chức bầu cử trong sáu cuộc bầu cử phụ.

Tuy nhiên, Phó Thủ Tướng Oliver Dowden nói với quốc hội rằng an ninh của cuộc bầu cử không bị xâm phạm và “thường không tạo ra rủi ro cho những người bị ảnh hưởng.”

Vài giờ sau, ở phía bên kia Đại Tây Dương, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố phần thưởng lên tới $10 triệu cho tin tức về bảy người đàn ông.

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết các hacker nhắm vào các nhà phê bình Hoa Kỳ và ngoại quốc chỉ trích Trung Quốc, cũng như các công ty và chính khách.

Bảy người đàn ông cáo buộc phát tán hơn 10,000 “điện thư độc hại, ảnh hưởng tới hàng ngàn nạn nhân, trên nhiều châu lục,” điều mà Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ gọi là “hoạt động xâm nhập toàn cầu tràn lan” do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Chính phủ New Zealand cũng cho biết quốc hội của họ cũng là mục tiêu của các hacker được Trung Quốc hậu thuẫn và đổ lỗi cho “tổ chức được nhà nước bảo trợ”, APT40, về vụ tấn công.

Nhưng New Zealand cho biết họ sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt vì đây không phải là một phần trong chương trình nghị sự lập pháp của chính phủ. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT