Wednesday, May 1, 2024

Mỹ tiếp tục trừng phạt Venezuela về dầu mỏ, cảnh cáo Maduro độc tài

MIAMI, Florida (NV) – Chính quyền Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tư áp đặt lại các lệnh trừng phạt dầu mỏ lên Venezuela, cảnh cáo nỗ lực của Tổng Thống Nicolás Maduro nhằm củng cố quyền cai trị của ông chỉ sáu tháng sau khi Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế với hy vọng cánh cửa dân chủ sẽ mở ra cho quốc gia OPEC đang ngày càng nhạt nhòa, hãng thông tấn AP đưa tin.

Một viên chức ẩn danh cấp cao Hoa Kỳ, thảo luận về quyết định này với các phóng viên, cho biết bất kỳ công ty Hoa Kỳ nào đầu tư vào Venezuela sẽ có 45 ngày để chấm dứt hoạt động nhằm tránh làm thị trường năng lượng toàn cầu thêm bất ổn.

Tháng Mười vừa qua, Hoa Kỳ cho phép chính phủ của Maduro được miễn trừ các biện pháp trừng phạt với các lãnh vực dầu khí và khai thác mỏ quốc doanh sau khi Venezuela đồng ý hợp tác với các thành viên phe đối lập để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống tự do và cạnh tranh trong năm nay.

Bích chương lớn với hình Tổng Thống Nicolás Maduro, ở Caracas, Venezuela, ngày 4 Tháng Tư, 2024 (Hình: JUAN BARRETO/AFP/Getty Images)

Trong thời gian Maduro sắp xếp lịch trình bầu cử vào Tháng Bảy và mời giới quan sát quốc tế theo dõi cuộc bỏ phiếu, bộ sậu của ông lợi dụng quyền sinh sát của đảng cầm quyền để kiểm soát các thể chế của Venezuela hòng phá hoại thỏa thuận. Các hành động đó gồm có ngăn chặn đối thủ lớn của Maduro, cựu dân biểu Maria Corina Machado, không cho bà hoặc người chỉ định thay thế ghi danh ứng cử. Nhiều người chỉ trích chính phủ cũng bị bắt bớ cầm tù trong sáu tháng qua, trong đó có vài phụ tá của Machado.

Hành động tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt hôm Thứ Tư về căn bản là đưa chính sách của Hoa Kỳ quay trở lại như trước khi thỏa thuận được ký kết tại đảo Barbados thuộc vùng Caribbean, làm cho các công ty Hoa Kỳ kinh doanh với nhà sản xuất dầu mỏ quốc doanh Petróleos de Venezuela S.A., hay còn gọi là PDVSA, mà không có giấy phép từ Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, là bất hợp pháp.

Nhà cầm quyền Venezuela nổi đóa lên, bác bỏ lời chỉ trích ngoại giao, nói rằng họ thực hiện đúng với cam kết được đưa ra tại Barbados và cáo buộc Washington phản bội lời hứa dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt mà Venezuela cho là Hoa Kỳ có nói trong các cuộc đàm phán bí mật giữa hai quốc gia.

Vẫn chưa rõ tác động của bước lùi này ảnh hưởng ra sao lên ngành công nghiệp dầu khí Venezuela đang gặp khó khăn dai dẳng – hay liệu nó có gây áp lực buộc Maduro phải đưa ra một chiến trường bầu cử bình đẳng hơn hay không.

Lệnh dỡ bỏ hạn chế ban đầu chỉ được ban hành trong sáu tháng. Các chuyên gia cho rằng khoảng thời gian đó gần như không đủ để thu hút các nguồn vốn lớn và cần thiết nhằm vực dậy hoạt động sản xuất ì ạch kéo dài tại Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới được các chuyên gia chứng minh.

Tuy nhiên, nhờ Hoa Kỳ cho phép Venezuela bán dầu trực tiếp trong suốt sáu tháng nới lỏng lệnh trừng phạt, nên thay vì thông qua các bên trung gian mờ ám rồi bị thu một khoản lệ phí khủng khiếp, chính phủ của Maduro nhờ vậy mà chớp thời cơ tăng doanh thu từ dầu mỏ đồng thời huy động được lượng tiền mặt vô cùng cần thiết.

Ngoài ra, việc tăng cường các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng trực tiếp đến Chevron, công ty khoan dầu cuối cùng của Mỹ ở Venezuela có quy mô lớn, Chevron được phép đẩy mạnh xuất cảng nhờ được cấp giấy phép năm 2022 trong bối cảnh lo ngại hành động Nga xâm lược Ukraine sẽ làm đứt đoạn nguồn cung ứng năng lượng toàn cầu.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy phần đông dân Venezuela sẵn sàng hất cẳng Maduro khỏi ghế tổng thống nếu được trao một nửa cơ hội. Nhiều nhà lãnh đạo khu vực, gồm có cả các tổng thống cánh tả của Colombia và Brazil, cùng với Hoa Kỳ, đồng loạt chỉ trích chính phủ Maduro không tuân thủ các cam kết và không cho phép bầu cử cạnh tranh. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT