Monday, April 29, 2024

Tổng Thống Philippines không cho Mỹ tiếp tục động vô căn cứ quân sự

MANILA, Philippines (NV) – Tổng Thống Philippines hôm Thứ Hai, 15 Tháng Tư cho biết chính quyền của ông không có kế hoạch cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm các căn cứ quân sự của Philippines và nhấn mạnh rằng hành động tác oai tác quái của Trung Quốc ở Biển Đông mới là nguyên nhân dẫn tới sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại một số căn cứ và địa điểm.

Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr., nhậm chức vào năm 2022, cho phép lực lượng và khí tài Hoa Kỳ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự của Philippines, nâng tổng số nơi mà quân đội Hoa Kỳ có thể luân chuyển vô thời hạn theo thỏa thuận năm 2014 lên chín địa điểm.

Chính quyền Tổng Thống Joe Biden đang tăng cường các liên minh an ninh trong khu vực để chống lại Trung Quốc mạnh mẽ hơn, một hành động phù hợp với những nỗ lực của Philippines nhằm tăng cường phòng thủ bên ngoài, đặc biệt là ở Biển Đông.

Tổng Thống Philippines Ferdinand Marcos Jr trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 15 Tháng Tư, 2024 ở Manila, Philippines (Hình: Jes Aznar/Getty Images)

Quyết định mở cửa cho quân đội Hoa Kỳ của Marcos vào năm ngoái làm cho Trung Quốc lo ngại vì hai trong số các địa điểm mới nằm ngay đối diện Đài Loan và miền nam Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc Philippines cho phép quân lực Hoa Kỳ thâm nhập vào những căn cứ tập trung, có thể được dùng để làm suy yếu an ninh Trung Quốc.

“Philippines không có kế hoạch mở rộng thêm bất kỳ căn cứ nào hoặc cho phép tiếp cận thêm bất kỳ căn cứ nào,” Marcos nói mà không giải thích chi tiết khi trả lời câu hỏi trong diễn đàn với các phóng viên ngoại quốc làm việc tại Manila.

Khi được hỏi liệu ông có lo ngại rằng việc cho phép quân đội Hoa Kỳ động tới các căn cứ của Philippines sẽ kích động các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay không, Marcos cho biết sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ là để đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc.

Tổng Thống Marcos cũng nói tới các vụ đụng độ, chặn đường ngư dân Philippines và giăng hàng rào trên biển nhằm ngăn chặn tàu bè lui tới Bãi Cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Dưới thời Marcos, Philippines áp dụng chiến lược công khai tố cáo các vụ đụng độ bằng cách cho phép lực lượng phóng viên lên tàu tuần tiễu của họ để chứng kiến những hành động hà hiếp của Trung Quốc.

Trung Quốc đổ lỗi cho Philippines châm ngòi cho các cuộc đối đầu bằng cách xâm nhập vào vùng biển mà họ nói là lãnh hải Trung Quốc và từ bỏ thỏa thuận được cho là cho phép một chiến hạm hải quân cũ của Philippines rút lui, nay lại đóng vai trò là tiền đồn lãnh thổ của Manila đang tranh chấp với Trung Quốc ở Bãi Cạn Second Thomas.

Marcos cho biết ông không hề biết gì về thỏa thuận này và nói thêm rằng ông mặc kệ thỏa thuận này – nếu thật sự là nó tồn tại.

Tuần trước, Tổng Thống Joe Biden kéo dài cam kết “cứng như thép” của Washington trong việc bảo vệ các đồng minh Thái Bình Dương trong cuộc hội kiến thượng đỉnh với Marcos và Thủ Tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tòa Bạch Ốc. Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nếu lực lượng, phi cơ hoặc chiến hạm Philippines bị tấn công võ trang.

Khi được hỏi chừng nào thì Hiệp Ước Phòng Thủ Chung 1951 giữa Hoa Kỳ và Philippines có thể áp dụng trong bối cảnh xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines, Marcos dẫn lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin nói rằng điều đó có thể nổ ra “một khi có quân nhân Philippines nào chết dưới bàn tay tấn công của bất kỳ thế lực ngoại quốc nào.” (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT