Thursday, March 28, 2024

Trung Quốc phàn nàn chiến hạm Pháp đi qua eo biển Đài Loan

BẮC KINH, Trung Quốc (AP) – Bắc Kinh hôm Thứ Năm, 25 Tháng Tư, cho biết vừa chính thức phàn nàn với Pháp sau khi một chiến hạm của quốc gia Châu Âu này đi vào lãnh hải của Trung Quốc trong khi đi qua eo biển Đài Loan trong tháng này.

Trong một vụ khác tương tự, Phó Thủ Tướng Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) của Trung Quốc cho rằng hoạt động của Anh ở Biển Đông làm cho quan hệ song phương xấu đi, khi bắt đầu cuộc họp với ông Philip Hammond, bộ trưởng Bộ Tài Chính của Anh.

Phàn nàn vụ chiến hạm Pháp và phát biểu của ông Hồ cho thấy có vẻ như Bắc Kinh ngày nay đưa chuyện tuyên bố chủ quyền lãnh thổ vào các cuộc đối thoại với các quốc gia bên ngoài khu vực Châu Á.

Vụ chiến hạm Pháp đi qua eo biển Đài Loan hôm 7 Tháng Tư đánh dấu một trường hợp va chạm quân sự hiếm hoi giữa Trung Quốc và Pháp, hai quốc gia từng thực tập công tác tìm kiếm và giải cứu trên biển cùng với nhau.

Ông Nhiệm Quốc Cường (Ren Guoqiang), phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã điều tàu chiến ra để xác định, cảnh cáo, hộ tống chiến hạm Pháp, và trong tư thế “sẵn sàng ở mức độ cao để bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.”

Hiện chưa biết Paris phản ứng thế nào đối với phàn nàn của Bắc Kinh.

Eo biển Đài Loan, rộng 160 km, ngăn cách đảo quốc này với Trung Quốc. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và luôn đe dọa dùng vũ lực để kiểm soát bất cứ lúc nào.

Eo biển này cũng được coi là thủy lộ quốc tế, nơi có nhiều tàu của tất cả các quốc gia trên thế giới qua lại, trong đó có nhiều chiếc chở hàng đến các hải cảng của Trung Quốc.

Tuy vậy, Trung Quốc rất nhạy cảm mỗi khi có tàu chiến ngoại quốc đi vào gần khu vực họ tuyên bố chủ quyền, ví dụ như Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng các cơ sở quân sự trên bảy đảo nhân tạo.

Các đồng minh của Mỹ như Pháp, Úc, và Anh từng gia tăng sự hiện diện của họ trong khu vực, giống như Hải Quân Hoa Kỳ thường đưa tàu chiến đi vào gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc để khẳng định “quyền tự do hải hành” làm Bắc Kinh rất khó chịu.

Trong phát biểu với ông Hammond, ông Hồ có vẻ ngụ ý nói tới vụ một chiến hạm Anh hiện diện trong Biển Đông hồi Tháng Tám năm ngoái.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc phản đối vụ chiến hạm HMS Albion của Anh đi quá gần quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh chiếm của Việt Nam Cộng Hòa hồi năm 1974.

“Thật là tiếc vì kể từ Tháng Tám năm ngoái, quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta chứng kiến một sự trồi sụt bởi vì vấn đề Biển Đông làm gián đoạn một loạt các đối thoại song phương, và các dự án hợp tác phải ngừng lại,” ông Hồ Xuân Hoa nói.

Ông nói thêm: “Vấn đề Biển Đông là có liên quan đến chủ quyền và quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc và nó rất quan trọng và nhạy cảm trong quan hệ giữa Trung Quốc và Anh.”

Ông Hammond đáp lại rằng ông hiểu những gì ông Hồ nói và “tiếc rằng trong vài tháng qua có một số khó khăn trong việc gia tăng quan hệ mà lãnh đạo của chúng ta đưa ra.”

“Tất nhiên, ông biết là Anh không đứng về phía nào liên quan đến các vấn đề ở Biển Đông,” ông Hammond nói tiếp. (Đ.D.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT