Saturday, April 27, 2024

Ukraine sắp hết đạn, áp lực đồng minh Châu Âu gia tăng sản xuất 

BRUSSELS, Bỉ (NV) – Trong bối cảnh Ukraine sắp hết đạn dược cần thiết để chống lại Nga và các kho dự trữ ngoại quốc ngày càng cạn kiệt, một số bên ủng hộ Ukraine, bao gồm cả Mỹ, đang gây áp lực lên các đồng minh Châu Âu yêu cầu nhanh chóng gia tăng sản xuất vũ khí, theo NBC News.

Về vấn đề này, Estonia đưa ra một đề nghị đầy tham vọng, yêu cầu Liên Minh Châu Âu (EU) tăng sản lượng đạn đại bác 155 ly lên gấp 7 lần, tăng công suất sản xuất đạn từ 240,000 quả lên 300,000 quả hoặc đến 2.1 triệu quả mỗi năm. Chi phí ước tính là gần $4.25 tỷ. Nếu được đáp ứng, EU sẽ sản xuất số đạn dược mà Ukraine cần trong sáu tháng thay vì bốn năm như hiện tại.

Hai quân nhân pháo binh Ukraine tại chiến trường Bakhmut. (Hình: John Moore/Getty Images)

Về phía Ukraine, việc sản xuất đạn đại bác ở Châu Âu và Mỹ đang trong thời điểm khủng hoảng. Họ cho biết nếu sản lượng vẫn ở mức cũ hoặc chỉ cao hơn một chút, thì Ukraine sẽ hết đạn trong năm nay.

Estonia từng là thành viên của Liên Xô cũ. Đây là nước đóng vai trò “sao Bắc Đẩu” cho viện trợ quân sự của Châu Âu đến Ukraine. Với dân số khiêm tốn chỉ 1.3 triệu dân, Estonia dành đến gần một nửa ngân sách quốc phòng để hỗ trợ Ukraine.

Trong khi đó, các viên chức Phương Tây khẳng định họ đang nỗ lực hết sức.

Mua sắm và sản xuất vũ khí là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của chính quyền Tổng Thống Joe Biden. Việc sản xuất các vũ khí truyền thống như lựu pháo, xe tăng và đạn không còn phù hợp tại các căn cứ kỹ nghệ của Mỹ sau Chiến Tranh Lạnh, vì chúng bị bỏ hoang hàng chục năm. Vậy nên gần đây có những lo ngại rằng một mình Mỹ không thể duy trì nguồn cung cấp ổn định cho Ukraine.

Vũ khí là vấn đề được ưu tiên nêu ra hàng đầu trong chuyến thăm của ông Biden đến Ba Lan, cũng như là chủ đề thảo luận trong Hội Nghị An Ninh Munich hồi tháng trước. 

Hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Ba, chính quyền Biden công bố gói viện trợ $400 triệu mới cho Ukraine, với đạn dược hỗ trợ lấy từ kho vũ khí của Ngũ Giác Đài. 

Vấn đề ở đây không phải là các nước Châu Âu phản đối việc đẩy mạnh sản xuất vũ khí, mà họ đang gặp khó khăn về thời gian và bộ máy của từng nước. Đối với một ngành quan trọng như quốc phòng, Châu Âu có những quy định về an toàn và cạnh tranh khá khắt khe. Châu Âu hoàn toàn có thể xây dựng nhà máy mới đáp ứng đề nghị của Estonia trong vòng một năm, nhưng một năm đối với Ukraine là quá trễ. 

Pháo binh Ukraine tác chiến tại Bakhmut. (Hình: John Moore/Getty Images)

Sau Chiến Tranh Lạnh, các công ty quốc phòng của Mỹ và Châu Âu đều tập trung sản xuất vũ khí kỹ thuật cao trong thời bình. Thế nhưng họ không lường trước được một cuộc chiến trên bộ như ở Ukraine, cũng như việc cuộc chiến phải phụ thuộc nhiều vào pháo binh.

Có vẻ như các cuộc thảo luận ở Châu Âu đang chuyển từ đề nghị giả định sang hành động thực tế.

Theo bà Nabila Massrali, phát ngôn viên EU, vào tuần sau một nhóm các bộ trưởng quốc phòng Châu Âu sẽ thảo luận về thỏa thuận nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí sản xuất, cân nhắc việc mua sắm chung cấp độ Châu Âu, vừa để bổ sung kho dự trữ quốc gia vừa hỗ trợ Ukraine.

Một số nguồn tin khác cho thấy EU sẽ ưu tiên cung cấp một số loại đạn đại bác vô cùng cần thiết cho Ukraine, cũng như xem xét hợp lý hóa các quy tắc mua vũ khí nhằm đẩy nhanh quá trình và loại bỏ một số yêu cầu cạnh tranh. (MPL) [kn]

MỚI CẬP NHẬT