Friday, April 19, 2024

Một bài thơ cũ: Nhà thơ Thâm Tâm

 

Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917 tại Hải Dương.
Xuất thân trong một nhà giáo nền nếp, thuở nhỏ, ông học tiểu học ở Hà Nội. Từ năm 1938, từng vẽ tranh để kiếm sống. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng tải trên Tiểu thuyết thứ bảy.
Ông mất ngày 18 tháng 8 năm 1950 sau một cơn bệnh đột ngột.

Tranh Vũ Cao Đàm

Tống biệt hành

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng…

-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay…

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

Thâm Tâm 1940


LTS: Nhằm mục đích tạo thêm tình thân ái giữa bạn đọc và tòa soạn, Nhật Báo Người Việt trân trọng kính mời quý bạn đọc, thân hữu tham gia “Vườn Thơ Người Việt”, bằng tất cả mọi thể loại thơ.
Xin gửi về địa chỉ Email: [email protected] hoặc “Vườn Thơ Người Việt” 14771 Moran Street. Westminster, CA 92683

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giải quyết vấn đề của các em bằng sự đồng thuận”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT