Friday, April 26, 2024

Nhà quàn Thiên Môn giúp mọi gia đình lo hậu sự cho người quá cố

Vũ Đình Trọng/Người Việt

STANTON, California (NV) – “Người có đủ khả năng tài chánh thì tôi tính tiền như bình thường, ai ít tiền tôi tính khác, không có sẵn tiền tôi cho trả góp, người không có tiền tôi tặng luôn. Tôi làm chủ, mọi chuyện tôi quyết định, không phải qua ai cả nên rất dễ dàng.”

Đó là chia sẻ của anh Tuấn Nguyễn, chủ nhân nhà quàn Thiên Môn (Heaven’s Gate Funeral Home) ở Stanton. Với hơn 20 năm gắn bó với nghề, lúc nào anh cũng muốn chia sẻ gánh nặng cùng gia đình người quá cố.

Nghề mai táng không phải để làm giàu

“Nhà quàn của mình, nên tôi tính được nhiều package thuận tiện cho khách hàng, với giá rẻ hơn. Làm ăn thì phải có lời. Business là vậy. Nhưng trong nghề này, tôi không chấp nhận có người ‘làm giàu trên cái chết người khác.’ Tặng chiếc quan tài cho người nghèo là chuyện đó bình thường thôi, vì ai thấy cũng phải giúp, đâu có để người nghèo thì khoan chết được,” anh nói.

Anh kể, có một câu chuyện “cười ra nước mắt,” một người con đi hỏi giá làm đám tang cho cha, sau khi biết ông bị ung thư giai đoạn cuối. Nhìn giá dịch vụ tang lễ một số nơi, người con ngậm ngùi nói với cha: “Cha ơi! Cha có thể khoan chết lúc này được không, vì giá chôn cất mắc quá!”

“Câu chuyện nói lên một điều, có những công ty mai táng lợi dụng lúc tang gia bối rối sẵn sàng ‘chặt đẹp.’ Tôi không chấp nhận chuyện này nên cố gắng làm sao phải làm chủ để tự mình giảm giá cho đồng hương. Ngay cả giờ giấc thăm viếng cũng rất linh động, chứ không như người khác, đúng giờ là đóng cửa, hoặc lấy thêm tiền nếu ở trễ. Xong mọi chuyện mới trả tiền, trả góp ba năm cũng dễ dàng. Tôi không sợ đồng hương giựt nợ,” anh tâm sự.

“Người Việt mình hay lắm, nhất là chuyện lo cho người chết. Có tiền là họ trả đủ, còn không thì trả góp. Không ai giựt nợ bao giờ. Còn họ thực sự không có tiền, họ nói thẳng là nhờ giúp, chứ không ‘giả nghèo.’ Tôi cũng từng giúp cho những người như thế rồi. Có bà cụ trả góp tiền làm đám tang cho chồng tám năm rồi, mỗi tháng trả $10. Mấy năm trước tôi nói cụ đừng trả nữa, tôi biếu, nhưng cụ nhất định không chịu, cụ nói tiền lo đám tang cho chồng, cụ nhất định phải trả hết. Thấy thương làm sao,” anh kể thêm.

Mang quan tài và tro cốt về quê hương

Kể về công việc gắn bó trong hơn 20 năm qua, anh cho hay: “Khi gia đình mất đi một người thân, người ta bối rối lắm, không biết làm gì trước, làm gì sau cả. Lúc đó mình là chỗ dựa cho họ.”

“Vì thế mình phải xem đó như gia đình mình, làm hết sức, hết lòng. Có người 1, 2 giờ sáng gọi tôi chạy đi cả trăm dặm để nhận xác, tôi cũng đi. Có người cần phát tang đúng 4, 5 giờ sáng tôi cũng lo đầy đủ. Nói chung, tôi không từ chối bất cứ yêu cầu nào của khách hàng. Họ chẳng muốn làm khó mình đâu, nhưng vì tín ngưỡng nên giờ giấc, ngày tháng tẩm liệm hay chôn cất rất quan trọng với họ,” anh nói.

“Ngay cả vấn đề tổ chức tang lễ theo đúng tôn giáo người quá cố, không phải ai cũng hiểu hết. Tôi phải học cách tổ chức theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhờ đó tôi có thể giúp thân chủ khi họ cần ý kiến cho tang lễ người thân,” anh nói thêm.

Không chỉ giúp lo tang lễ cho người quá cố tại Little Saigon, nhà quàn Thiên Môn còn thực hiện mọi yêu cầu của tang quyến.

“Thậm chí tang quyến muốn mang quan tài hay tro cốt về Việt Nam chúng tôi cũng thực hiện nhanh chóng từ bốn đến năm ngày thôi. Những trường hợp mà gia đình bối rối nhất là khi có người thân bất ngờ mất ở Việt Nam, hay ở nước ngoài trong khi đi du lịch, muốn đưa về Mỹ. Họ không hiểu thủ tục ở nước sở tại, không biết phải làm gì khi không có mặt tại đó, thì tôi sẽ đại diện gia đình làm các thủ tục, và tổ chức đưa xác về Mỹ làm tang lễ,” anh cho biết.

Và, để làm được tất cả những việc này, tự bản thân anh phải học hỏi rất nhiều. Hơn hết, những điều đó phát xuất từ thực tế của gia đình anh.

Theo anh, rất ít người có kinh nghiệm trong chuyện lo hậu sự cho người thân. Tất cả mọi chuyện thường được giao phó cho công ty mai táng. Lúc đó ít ai nghĩ đến vấn đề phí tổn, chỉ muốn người chết được yên tâm nhắm mắt, gia đình có một đám tang nếu không sang trọng, thì cũng đầy đủ các nghi thức tôn giáo theo tín ngưỡng.

“Nắm được tâm lý đó, không ít công ty mai táng đưa ra những dịch vụ mà giá của nó khiến người đã mất cũng chẳng thể an lòng, và gia đình cũng… chóng mặt. Gia đình tôi đã từng bị, và chính vì điều này tôi quyết định theo học ngành mai táng,” anh cho biết.

Chủ nhân nhà quàn Thiên Môn Tuấn Nguyễn. (Hình: Tuấn Nguyễn cung cấp)

Anh kể: “Gia đình tôi vượt biên sang đây khi tôi mới ba tuổi. Xong trung học, tôi học lái máy bay. Từ lái máy bay nhỏ để tích lũy thêm giờ chuẩn bị cho việc lái máy bay lớn. Lúc đó gia đình tôi xảy ra chuyện, cháu tôi chết đuối khi mới năm tuổi, phải sau mấy ngày mới tìm được xác dưới hồ. Lúc đó cháu tôi phình như cái bong bóng, bốc mùi dữ lắm. Gia đình phải tốn kém rất nhiều tiền để làm đám tang cho cháu. Sau đó, tôi tìm hiểu thì thấy các nhà quàn có rất nhiều giá, và một đám tang họ lời rất nhiều. Vì vậy tôi bỏ ngang việc đã học để theo học ngành tẩm liệm ở trường đại học Oklahoma City University. Tôi không muốn người Việt mình phải chịu giá đắt như gia đình tôi đã phải chịu.”

Tốt nghiệp đại học về ngành tẩm liệm năm 1996, anh giúp người chết có được một diện mạo đẹp đẽ, cho dù họ bị tai nạn làm biến dạng gương mặt. Tiếp xúc với gia đình người mất, anh hiểu được mối lo của họ khi người thân qua đời, nên đến năm 2002, anh bắt đầu thực hiện tất cả các dịch vụ của một đám tang: Tẩm liệm, an táng, hỏa thiêu, đưa quan tài, hay tro cốt từ Mỹ về Việt Nam, đưa người mất từ nước ngoài quay về Mỹ…

15 năm đi tìm một khu đất

Vào nghề năm 1996, và bắt đầu thực hiện mọi dịch vụ tang lễ năm 2002, anh Tuấn Nguyễn không ngừng tìm tòi học hỏi để có thể lo chu toàn cho người chết, và làm an lòng gia đình họ. Anh mướn nhà quàn, lò thiêu, giới thiệu nghĩa trang, và tự mình đứng ra lo toan mọi việc.

“Không chỉ tổ chức tại nhà quàn The Westminster Manor, tôi còn tổ chức tang lễ tại một số nhà quàn khác theo yêu cầu tang quyến. Tạo niềm tin với khách hàng bằng sự tận tâm của mình. Để giảm chi phí cho khách hàng, tôi quyết định tìm mua một miếng đất xây dựng một nhà quàn và lò thiêu. Chuyện tưởng dễ nhưng mãi cho đến giờ mới xong,” anh nói.

Câu chuyện tìm đất xây nhà quàn của anh là một câu chuyện buồn.

“Rất khó khăn, và gặp nhiều trở ngại. Miếng đất trước đây ở Garden Grove không được thành phố phê duyệt nhưng tôi vẫn không nản lòng, dù đã tốn vào đó khá nhiều công sức và tiền đầu tư. Cuối cùng cũng nhờ Trời thương, tôi đã tìm được một miếng đất vừa ý rộng khoảng 1.5 mẫu ở thành phố Stanton,” anh cho hay.

“Hiện nay tôi đã xây xong ba phòng tang lễ khang trang, có thể tổ chức tang lễ theo yêu cầu tín ngưỡng của thân chủ. Tương lai sẽ có thêm một phòng nữa. Cuối năm thì hai lò thiêu sẽ hoạt động. Như thế có thể yên tâm phục vụ đồng hương. Gia đình nào cần chôn cất, tôi sẽ giới thiệu nghĩa trang, hướng dẫn tìm nơi chôn cất rẻ nhất, không qua trung gian,” anh nói thêm.

Nói về bản thân, anh Tuấn Nguyễn cho biết: “Tôi là con người rất cứng đầu. Nghĩ lại thấy phải cảm ơn ba má cho tôi qua Mỹ sớm, chứ ở trong nước bị chèn ép chắc tôi không sống nổi. Tôi đã nói phải làm được là làm cho tới cùng. Không mở được nhà quàn Thiên Môn, chắc tôi cũng không sống được.”

Nhà quàn Thiên Môn tại địa chỉ mới: 8321 Katella Ave., Stanton, CA 90680.

Chủ nhân: Tuấn Nguyễn (714) 224-2501.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT