Friday, April 26, 2024

Mạn đàm về truyện thơ Nôm ‘Thạch Sanh Lý Thông’ tại Viện Việt Học

Uyên Vũ/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật 26 Tháng Năm, mặc dù trời mưa lạnh, nhưng khán phòng của Viện Việt Học trên đường Brookhurst thật ấm cúng vì buổi mạn đàm văn chương xoay quanh truyện thơ Nôm Thạch Sanh Lý Thông hết sức thú vị.

Thật ra, truyện Thạch Sanh Lý Thông vốn xuất phát từ nền văn chương truyền khẩu, không biết từ thời nào. Nhưng qua thời gian, câu chuyện đó biến thiên thành cả văn xuôi lẫn truyện thơ, riêng về truyện thơ đến nay người ta được biết có ít nhất 3 dị bản đều bằng thể thơ lục bát.

Cuốn “Thạch Sanh Lý Thông” do Dương Minh Đức Thị soạn và Duy Minh Thị đính chính này do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm phiên dịch và giới thiệu còn gọi là bản thơ Nôm Phật Trấn. Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm đã cất công qua tận thư viện Paris để sao chụp lại, ông mang về và bỏ nhiều công sức để dịch thuật bản thơ dài đến 1166 câu này.

“Đàn kêu tích tịch tình tang. Ai mang công chúa dưới hang mà về,” câu chuyện xưa cũ về chàng tiều phu Thạch Sanh chém mãng xà cứu công chúa, một câu chuyện cổ tích mà người Việt hầu như ai cũng biết. Thế nhưng, khi được nghe những vị diễn giả phân tích, soi rọi lại thì câu chuyện xưa cũ đó bỗng nhiên trở thành mới mẻ hấp dẫn.

Diễn giả, nhà báo Phan Tấn Hải, cũng là cư sĩ Phật giáo, pháp danh Nguyên Giác, mở đầu bằng bài trò chuyện với đề tài suy nghĩ về tư tưởng Phật giáo liên hệ ra sao với truyện Thạch Sanh Lý Thông.

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm (phải). (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Theo ông, “Thạch Sanh là thái tử cõi trời đầu thai về cõi người. Đó là tư tưởng Bồ Tát. Những người như thế không dễ nhiễm ô trược như người đời thường. Thạch Sanh còn có nghĩa là sanh ra từ đá. Như thế, nghĩa là tâm hồn trong sạch bản nhiên. Bà cụ Thạch mang thai nhiều năm, tới khi ông cụ Thạch chết đi nhiều năm, mới sinh ra cậu Thạch. Nghĩa là, sanh ra đã kỳ bí như truyện Phật Mẫu Man Nương chép trong Lĩnh Nam Chích Quái.”

Tiếp theo, “Hình ảnh Thạch Sanh còn tượng trưng cho các thiện pháp. Lý Thông tượng trưng cho bất thiện pháp; nghề bán rượu của Lý Thông là một việc bị cấm trong nhà Phật, họ Lý chuyên lừa gạt, nói dối, cướp công, gài mưu sát nhân… Gộp chung, chằn tinh, đại bàng và Lý Thông là một khối Tham, Sân, Si – nhà Phật gọi là Tam Độc, tức là ba thứ độc hại.

Cư sĩ Nguyên Giác cũng dẫn nhiều hình ảnh trong truyện mà theo ông là có liên quan mật thiết với các hình ảnh trong kinh sách Phật giáo như cây đàn thần, nồi cơm ăn hoài không hết và cho rằng có thể một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện để răn dạy về thiện pháp cho đồng bào.

Giáo Sư Nam Sơn Trần Văn Chi, cựu giảng viên, phó khoa trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo tại Long Xuyên, lại đưa ra một cái nhìn khác mà ông gọi là phản diện. Ông cho rằng, tác giả Minh Đức còn là người viết tác phẩm Phạm Công Cúc Hoa và khi ở vùng đất mới không thể in, nên đã mang về Trung Hoa in ấn và đem tác phẩm trở ngược về miền Nam.

Ông dẫn chứng nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện mang đậm ảnh hưởng tư tưởng, tập tục của vùng văn hóa Bà La Môn – Phật giáo Tiểu thừa mà miền Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc và không thể chắc rằng nó thuần tư tưởng Phật giáo như nhà báo Phan Tấn Hải nhận định hay “chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới của lưu dân Nam Bộ.

Giáo sư Trần Văn Chi. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Bài nói chuyện của Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, nguyên hiệu trưởng trường Phan Thanh Giản thì quay lại nền tảng văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam. Ông cho rằng truyện này cũng như các ca dao, tục ngữ hay truyện thơ nằm trong kho tàng văn chương Việt Nam, nếu như trước kia người ta hay xếp nó vào loại “văn chương bình dân,” “nôm na là cha mánh khóe” như mặc định giá trị của nó thấp kém hơn loại “văn chương bác học,” nhưng thực ra khó có thể xếp loại như vậy và nên gọi là văn học dân gian.

Vốn sinh trưởng tại Cần Thơ, ông cho biết từ thời còn nhỏ ở chợ quê ông người ta đã bán những tập truyện thơ như truyện này hoặc Phạm Công Cúc Hoa trong các mẹt hàng, bên cạnh các vật phẩm khác người ta có thể đứng tại chỗ đọc truyện chứ không nhất thiết phải mua và nhờ vậy bao thế hệ đã được thấm nhuần những bài học về luân lý đạo đức.

Bằng giọng nói rổn rảng, ông đoan chắc truyện này phải phát xuất từ miền Nam, vì những tập tục đặc thù miền Nam như tập tục đựng nước mưa trong lu đặt trước cổng để khách qua đường có thể uống miễn phí được thể hiện rõ trong truyện, hay Ngọc Hoàng Thượng Đế trong truyện ăn nói, cư xử xuề xòa không có gì quan trọng, hệt như một ông xã trưởng, sai con mình xuống làm chàng Thạch Sanh để giúp người nghèo “hiu hiu gió thổi đầu non, mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng.”

Ông còn dẫn chứng thêm nhiều chi tiết để chứng tỏ bối cảnh trong truyện hoàn toàn mang đặc thù Nam Bộ. Những nhân vật trong truyện phản ảnh lại cả một xã hội của người lưu dân tuy nghèo khổ trên bước đường khai hoang, như rừng cây mắm chỉ có tác dụng cắm vào lòng đất để giữ lại phù sa, để bồi đắp bờ cõi nhưng luôn thực thi chuyện thiện lành, tránh điều ác độc.

Giáo sư Nguyễn Trung Quân. (Hình: Uyên Vũ/Người Việt)

Nói về công trình của mình, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm cho biết tác phẩm này do ông Dương Minh Đức, một người Minh Hương sống ở vùng Xóm Dầu, Chợ Lớn – sau khi nghe chuyện Thạch Sanh được kể trong dân gian ông đã chấp bút viết lại thành thơ, trước đó không có bản Thạch Sanh nào được in ấn. Có thể ông thêm hay bớt vài chi tiết những gì mình được nghe nhưng chắc chắn ông là người kể lại bằng văn vần đầu tiên. Trong bản nầy ông dùng nhiều từ ngữ người đương thời thường sử dụng mà người thời đại chúng ta khó hiểu hoặc không dùng nữa, học giới gọi là từ cổ.

Giáo Sư Sâm chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như: (1) chưa từng được giới thiệu; (2) mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc- nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và (3) mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vở các vùng ngoài.

Bản văn còn giá trị ở chỗ mang nhiều từ ngữ của thế kỷ 17, 18 không phải dễ tìm.

Tóm lại, theo ông thì ý nghĩa của truyện là những ước vọng trừ khử những thú dữ khi người lưu dân tiến vô rừng thiêng, vô khai phá đầm lầy của vùng đất mới phải đối phó với đầy hùm beo rắn rít, voi tượng hữu hình và sự cô đơn sợ hãi khi đêm tối hoặc giông bão, bịnh tật là những thú dữ vô hình dễ dàng đem đến chết chóc…

Người lưu dân phải sống còn khi Nam tiến. Đến đất mới thì phải đối đầu với những khó khăn đang chờ chực, họ cầu mong sao cho có một người hùng bằng xương bằng thịt sống bên cạnh để cứu khổ cứu nạn. Từ đó câu chuyện Thạch Sanh dần dần được kể lại như là chuyện có thiệt để người ta lấy đấy làm điểm tựa cho lòng can đảm bật dậy mà sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã của vùng đất chưa khai hoang, còn lạ lẫm.”

Buổi mạn đàm còn có câu chuyện về một “Thạch Sanh thời đại” do kỹ sư Trần Thanh Phong kể lại. Ngoài ra còn có phần văn nghệ rất đặc sắc do ban văn nghệ Viện Việt Học trình bày. Ba giờ đồng hồ của buổi trò chuyện quả là món quà giá trị mà Viện Việt Học đã dành cho những người Việt yêu mến văn học tại Little Saigon. (Uyên Vũ)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT