Sunday, April 28, 2024

Phạm Duy, người kể lịch sử bằng âm nhạc

Kalynh Ngô/Người Việt

Hơn hai mươi năm trước, vào Tháng Ba năm 2006, một sự kiện âm nhạc được chờ đợi bởi nhiều thế hệ diễn ra ở Sài Gòn. Người đã đi qua cuộc chiến thì chờ đợi để được sống lại những ký ức của một thời tuổi trẻ hào hùng, thơ mộng. Người sinh sau cuộc chiến thì chờ đợi được diện kiến tác giả bằng xương bằng thịt của những ca khúc họ từng mượn lời để “đưa em về dưới mưa/nói năng chi cũng thừa.”

Phạm Duy trong vai trò người giới thiệu chương trình trong đêm nhạc “Phạm Duy – Ngày trở về” (Hình: Tài liệu)

Giá vé của đêm nhạc “Phạm Duy – Ngày Trở Về” khá cao so với mức sống trung bình của những năm đó. Anh bạn đồng nghiệp khi ấy đã nói: “Anh chị phải đi xem đêm nhạc lịch sử này và sau đó sẽ không đi đâu chơi trong năm nay.”

Dù vậy, để mua được vé của đêm nhạc cũng không phải dễ, vì vé bán rất nhanh. Có người phải nhờ vài mối giao tình với các công ty tổ chức sự kiện để tìm vé. Hai đêm diễn, ngày 3 và ngày 4 Tháng Ba năm 2006 bán sạch trong vài ngày. Đêm đầu tiên, con đường trước nhà hát Hoà Bình như những ngày sắp Tết. Từ bốn, năm giờ chiều, khán giả đã đến trước cửa nhà hát. Vé có số ghế chứ không phải ai đến trước có chỗ ngồi tốt. Vậy mà họ vẫn đến sớm, ngồi trên các bậc thềm, ăn bánh mì, và…xem những tấm poster của đêm nhạc. Xem và hồi tưởng. Những mái tóc đã chớm màu sương khói.

Chiến tranh chấm dứt khoảng 30 năm (tính đến thời điểm đó), thời gian chưa phải là quá dài để có thể làm phai mờ một phần đời của họ. Tôi nghĩ thế!

Người đàn ông tóc bạc tự tình quê hương

Đêm nhạc bắt đầu rất đúng giờ. Toàn bộ ánh đèn trong nhà hát tối lại dần. Tiếng xì xào lắng hẳn. Người ta có thể nghe rõ tiếng thở của nhau.

So với bây giờ, sân khấu của những năm 2000 còn đơn giản, thô sơ. Những hình ảnh đại gia đình của nhạc sĩ, hình ảnh về làng quê, thôn xóm, hình ảnh cậu bé Phạm Duy Cẩn thưở nhỏ cho đến nhạc sĩ Phạm Duy với tóc bạc trắng như tơ, chầm chậm trôi qua trong tiếng ngâm thơ của chính ông, nồng nàn.

“Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao…”

Phạm Duy bằng xương bằng thịt xuất hiện sau câu ngâm cuối cùng của bài “Kỷ Niệm.” Đó cũng chính là lời chào của ông gửi đến hàng trăm khán giả ngồi phía dưới: “Kính thưa quí vị, đêm nay, coi như lời xin đi lại từ đầu của tôi đã được đáp ứng”. Với ông, kể từ hôm đó, ca khúc ông sáng tác năm 1972, “xin đi lại từ đầu” trong tâm trạng chán chường vì thời cuộc, đã có “một đời sống mới.

Đêm hôm đó, thật sự là một đêm của Phạm Duy. Đêm ông trở về để kể cho đồng bào của ông nghe những câu chuyện lịch sử thời cuộc. Đêm ông trở về để tự tình cho khán giả của ông hoàn cảnh ra đời của 17 ca khúc trong gia tài âm nhạc đồ sộ trên dưới một ngàn sáng tác. Đêm hôm ấy, người có thể làm chủ sân khấu, điều hợp chương trình, không ai khác ngoài Phạm Duy.

Không cần nhạc đệm, không cần nhạc trưởng, ban nhạc hoàn toàn im lặng khi Phạm Duy cất tiếng nói. Giọng nói của ông trầm bổng, lên xuống, uốn khúc theo điệu ru khởi nguồn từ trong tâm hồn. Ông dẫn dắt người nghe đi từ câu chuyện này đến nhân vật khác. Mỗi một câu chuyện là dấu ấn của một sáng tác, từ hoàn cảnh ra đời cho đến nỗi niềm ẩn chứa sâu xa.

Ông vừa hát, vừa kể, vừa ngâm. Người nghe cứ thế trôi ngược dòng lịch sử, cùng ông về thăm “Quê Nghèo”, gặp “Bà Mẹ Gio Linh” – một câu chuyện có thật mà ông tự nhận mình đã may mắn là một phóng viên ghi lại thời sự bằng âm nhạc: “Không có ai dám đi lấy đầu của cán bộ về chôn, nhưng mẹ đã lẳng lặng đi lấy đầu con…”

Phạm Duy nói mà kể; kể mà hát; hát mà ru. Qua giọng nói của ông, khán giả thấy hiển hiện trước mắt một bà mẹ với đôi mắt rực lửa, không nói một lời, bước đến bên xác con, nhặt lấy đầu. Người hiểu nỗi đau ngút trời của mẹ lúc đó, là Phạm Duy. Người làm dịu nỗi sầu bi của mẹ lúc đó, cũng chỉ có thể là Phạm Duy. Ông đã đặt vào nơi xảy ra thảm kịch một ngôi chùa để nguôi ngoai lòng bà:

“Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa reo”

Sau mỗi câu chuyện lịch sử, ông kết thúc rất đơn giản, như: “Mời quí vị nghe Bà Mẹ Gio Linh do Duy Quang hát.” “Hát” chứ không phải “thực hiện” hay “trình bày”. Đơn giản là hát. Phạm Duy là bậc thầy về ngôn ngữ và ông “yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời.” Với ông, đơn giản là sự diễn đạt trang trọng nhất cho một tác phẩm nghệ thuật và cho tiếng nói của một dân tộc.

Cứ thế, 17 ca khúc trong đêm “Phạm Duy – Ngày Trở Về” lần lượt được chính người nhạc sĩ tự tình với khán giả bằng những lời dẫn ngọt ngào lẫn ai oán. Tôi tin chắc rằng, tất cả những ai có mặt đêm hôm đó, đều say với những điệu ru tha thiết, nồng nàn của một người nhạc sĩ đã “nguyện chết trên quê hương.”


Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Huy Cẩn. Ông là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, là tác giả của hàng ngàn bản nhạc, trong đó có nhiều bài rất nổi tiếng trước năm 1975 và sau này ở hải ngoại, như “Tình Ca,” “Tình Hoài Hương,” “Con Ðường Cái Quan,” “Mẹ Việt Nam,” “Áo Anh Sứt Chỉ Ðường Tà,” “Năm 54 Cha Bỏ Quê, Năm 75 Con Bỏ Nước,”…

Ông mất ngày 27 Tháng Giêng, 2013, tại Việt Nam, thọ 93 tuổi. Đến nay, 11 năm ông rời cõi tạm.

MỚI CẬP NHẬT