Monday, April 29, 2024

Phó giáo sư người Úc gốc Việt và dự án ‘Trồng cây trên Mặt trăng’

Kalynh Ngô

(Saigonnhonews.com) – “Công việc của tôi là truyền cảm hứng và hướng dẫn các thế hệ khoa học tương lai đóng góp tích cực cho cộng đồng, môi trường và thế giới.”

Phó Giáo Sư Tiên Huỳnh thuộc khoa STEM – School of Science, RMIT University, Bundoora West, Melbourne, Australia từng nói như thế về sứ mệnh và đam mê trong công việc. Cô từng truyền cảm hứng đến các sinh viên của mình bằng triết lý: “Tìm một việc nào đó bạn yêu thích. Nếu bạn có thể tự do làm điều đó, hãy theo đuổi nó với lòng nhiệt huyết tràn đầy.”

Phó Giáo Sư người Úc gốc Việt Tiên Huỳnh trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: RMIT.edu.au)

Là một trong những người Việt đến Úc trong làn sóng định cư những năm 1980, Tiên Huỳnh đã thường cảm thấy “mình không thuộc về nơi này.” Như hàng triệu người Việt nói riêng và người gốc Á nói chung khác, cô đã cố gắng rất nhiều để có thể “Úc hơn”, hòa nhập với con người và đất nước của họ. Cô chưa từng mơ tưởng ngày nào đó, chính di sản gốc Á của mình sẽ giúp cô có những đóng góp giá trị và độc đáo. Nhưng rồi, hơn 40 năm sau, cô đã thấy, “Tôi sẽ không thể là một nhà khoa học với những thành tựu toàn cầu nếu chỉ dựa vào dân tộc tính như một người Úc.”

Mỗi năm, cô trở về Việt Nam một lần để làm việc với các nông dân trồng cà phê, giúp họ những kiến thức hữu ích để phát triển ngành công nghiệp này vững chắc hơn. Từ đó, cô hiểu thêm nhiều về tầm quan trọng của môi trường sống xung quanh con người.

Phó Giáo Sư Tiên Huỳnh chọn theo đuổi khoa học để thỏa mãn tính tò mò cũng như tình yêu thiên nhiên của mình. Khi còn nhỏ, cô đã đặc biệt quan tâm đến tất cả những gì thuộc về thiên nhiên và môi trường. Cô quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học này khi một vị giáo sư về thực vật khuyến khích, cố vấn, truyền cảm hứng cho cô trong những năm đại học.

Năm 2017, cô được giải thưởng của Superstar of STEM của Science and Technology Australia vinh danh 30 nhà khoa học nữ xuất sắc hàng đầu của lĩnh vực của họ.

“Tôi thích tìm tòi giải quyết vấn đề. STEM (science, technology, engineering, and math) là nền tảng của mọi thứ chúng ta làm và cung cấp mọi thứ chúng ta cần để giải quyết không chỉ các vấn đề của ngày hôm nay mà cả các vấn đề của ngày mai. Mỗi buổi sáng, tôi chỉ mong bắt đầu một ngày mới, đạt được mục tiêu của mình và tiến một bước đến một thế giới tốt đẹp hơn,” Tiên Huỳnh bày tỏ về bản thân mình trong “1 Million Women In Stem” – trang web dành cho phụ nữ làm việc trong lĩnh vực STEM.

Mang cây trái lên xứ sở của chị Hằng

“Một thế giới đẹp hơn” mà nữ khoa học môi trường Tiên Huỳnh mong mỏi đang trở thành hiện thực. Ngày 7 Tháng Bảy vừa qua, Đại Học RMIT University công bố kế hoạch táo bạo, “Trồng cây trên Mặt trăng” vào năm 2026 đã được chính phủ Úc tài trợ, với mục đích mở rộng hiểu biết về trồng trọt trong môi trường khắc nghiệt.

Dự án mang tên The Australian Lunar Experiment Promoting Horticulture (ALEPH) – Thúc Đẩy Thử Nghiệm Nông Nghiệp Úc Trên Mặt Trăng, do công ty khởi nghiệp Lunaria Ona cùng các đối tác đại học hàng đầu của Úc là RMIT, QUT, ANU và các cơ quan khác trong ngành. ALEPH vừa nhận được $3,6 triệu AUD (khoảng $2,4 triệu USD) từ Sáng Kiến Mặt Trăng đến Sao Hỏa của Cơ Quan Không Gian Úc (Australian Space Agency’s Moon to Mars Initiative.)

Phó Giáo Sư Tiên Huỳnh của trường School of Science, RMIT là người chịu trách nhiệm chính về chuyên môn sinh học thực vật của dự án ALEPH.

Đồng sáng lập Lunaria One và trưởng nhóm kỹ thuật của dự án, Tiến Sĩ Graham Dorington của RMIT, cho biết hạt giống và cây sẽ được vận chuyển trong một buồng kín thiết kế đặc biệt, trang bị cảm biến, nước và máy ảnh – đặt trong một tàu đổ bộ lên Mặt trăng vào năm 2026.

Hạt cải dầu (Brassica napus) nảy mầm trong vòng mười hai giờ. (Ảnh: Tiên Huỳnh)

“Chúng tôi biết khi điều kiện trọng lực thay đổi, dẫn đến một số loại cây thay đổi về sự phát triển, nhưng vẫn chưa hiểu đầy đủ về lý do và cách thức thay đổi. Ngoài ra, môi trường khô cứng trên Mặt trăng có bầu khí quyển nóng, nhiệt độ thay đổi nhanh và chất lượng đất tương đối kém, nghĩa là bất cứ cây nào chúng ta trồng trên bề mặt như thế đều cần phải cứng cáp,” Phó Giáo Sư Tiên Huỳnh nói, theo trang web của trường School of Science, RMIT.

Cũng theo nữ phó giáo sư này, một trong những loại cây được cho là có thể thực hiện “sứ mệnh” đó là Rapeseed (Brassica napus – Hạt cải dầu), một loại cây có hoa màu vàng, được trồng để sản xuất lương thực và sử dụng trong các ứng dụng cho công nghiệp. Phó Giáo Sư Tiên Huỳnh nói: “Kết quả sơ bộ cho thấy đây (Hạt Cải Dầu) có thể là một ứng cử viên sáng giá về khả năng chịu nhiệt độ khắc nghiệt và tốc độ nảy mầm để tồn tại cho nhiệm vụ lên Mặt trăng hoặc Sao Hỏa.

Giữ một phần quan trọng của kế hoạch “Trồng cây trên Mặt trăng” ALEPH, có thể nói, nữ khoa học người Úc gốc Việt Tiên Huỳnh đang làm được điều mà cô luôn ấp ủ, đó là “đóng góp tích cực cho cộng đồng, môi trường và thế giới.” Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, nhiều lần cô bày tỏ lo lắng về sự thờ ơ của con người trước vấn nạn môi trường. Đối với cô, đó là thử thách lớn nhất của các nhà khoa học về môi trường. “Tất cả những vấn đề môi trường chúng ta đang đối diện không dễ dàng để giải quyết. Không có giải pháp đơn lẻ. Thêm một thử thách nữa là thuyết phục con người hãy suy nghĩ lại về cách họ nhìn vấn đề,” cô nói.

Phó Giáo Sư Tiên Huỳnh mong muốn những nghiên cứu của cô sẽ giúp mọi người nhìn thế giới qua một lăng kính khác, có trách nhiệm hơn và bao dung hơn. Đặc biệt, con người sẽ hiểu được lợi ích của sự đổi mới.

“Chúng ta cần tìm giải pháp phù hợp hơn với các vấn đề của ngày mai,” cô nói.

Và dự án độc đáo ALEPH, trồng cây trên mặt trăng của nước Úc, với sự tham gia của nữ khoa học gia người Úc gốc Việt này, sẽ là một trong những giải pháp ấy.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT