Sunday, April 28, 2024

Tưởng nhớ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

Nửa đêm về sáng Thứ Tư, 29 Tháng Mười Một, tin từ chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, cho hay: “Ông đã đi rất thanh thản.” Vậy là, sau 87 năm “bước lạc sa xuống trần,” ông đã trở về với “Quê Hương Thu Nhỏ” của ông lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

Cố nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Facebook Dân Huỳnh)

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là tác giả của nhiều bản tình ca về quê hương, thân phận đã đi vào lòng người gần nửa thế kỷ. Một trong những ca khúc nổi tiếng của ông là “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” – một bài hát kinh điển về tình yêu của người nghệ sĩ dành cho một Sài Gòn đã mất.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975. Chính giọng nói trầm ấm, lịch lãm Hà Nội của ông, mà cố nhà thơ Du Tử Lê thưở sinh thời từng gọi ông là “người tình không chân dung” của hàng triệu thính giả miền Nam Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và bạn hữu. Từ trái: Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Đình Thuần (đứng), Trần Quang Lộc, Lê Quang Hào.(Hình: Facebook hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi)

Ngay khi có tin ông ra người thiên cổ, nhiều bằng hữu của ông, khán giả mộ điệu trong và ngoài nước bày tỏ lòng thương tiếc dành cho nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Mọi người chia sẻ bằng những đoản văn tự sự, những hình ảnh kỷ niệm, và nhiều nhất là cùng nhau nhắc lại những ca khúc của ông đã đi thật sâu vào trái tim của khán giả.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết trên trang Facebook cá nhân:

“Vô cùng thương tiếc nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn.

Em mãi mãi biết ơn anh Toàn đã dắt em vào sinh hoạt văn học nghệ thuật khi em còn quá trẻ 21 tuổi. Nếu không có anh em không biết đã ra sao.

Khi soạn xong bản đầu tiên chính anh đã đặt tên là “Tình Khúc Thứ Nhất,” và cũng chính anh khuyên không nên lấy tên hiệu, hãy lấy tên thực: Vũ Thành An.

Em biết ơn anh vì đã cho em một cậu học sinh mới học xong trung học được đứng chung tên với anh một danh tiếng đã lẫy lừng trong sinh hoạt văn học nghệ thuật dạo đó sau 1963.

Chính anh là linh hồn của Nhạc Chủ Đề khi chương trình bắt đầu năm 1965 nhưng anh lại cho em được đứng tên Trưởng Ban và mọi người đã tưởng em đứng tuổi lắm.

Chúc anh về miền mien viễn với tất cả tấm lòng thương yêu kính trọng anh.”

Hình trong buổi ra mắt sách “Nguyễn Đình Toàn – Thơ và Ca Từ” (Hình: Facebook Nguyễn Đình Phượng Uyển)

Nhà văn Lê Chiều Giang tạm biệt ông đã “về với nơi đã đến.” Bà nhắc lại kỷ niệm cũ trên trang cá nhân bằng những lời da diết:

“…California khi trở lại, tôi đã chẳng “Lạc lối tìm.” Vẫn những bảng đường quen xưa, ngõ cũ, nơi có chị Thu Hồng và anh ấm áp đợi chờ mỗi lần tôi hẹn ghé thăm.

Vẫn căn nhà xưa, với những hoa cúc rực rỡ vàng trong sân nắng.

Anh và tôi luôn cười vang sau những lần anh buông lời đanh đá, có khi còn nhuốm thêm chút khắc nghiệt, chút chì chiết với đời. Anh nói xéo, nói thẳng, ghét khơi khơi… Anh bất mãn kinh niên với hết cả loài người và tất cả mọi điều trên thế giới. Mắng mỏ đời mà vô cùng sâu sắc, mỉa mai hết cả và thiên hạ nhưng lại vô cùng dí dỏm, có duyên…

Những câu chuyện chỉ có Nghiêu Đề, Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ mới thấm thía, mới cay đắng đủ để cùng nhau cười tung cười toé, cười thú vị trong suốt hết cả những năm dài.

———————–

Tôi viết như phục sinh lại chút hình bóng của người đã ra đi, những Nghiêu Đề, Trần Quang Lộc, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Văn Cao, Trương Đình Quế, Ngọc Dũng, Đinh Cường.

Viết cả cho những người còn đang thở. Dù thở dốc, thở hơi dài, hay hơi ngắn: Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Khánh Trường, Duy Trác, Phạm Thiên Thư.

Sài Gòn của tôi, mờ mờ những kỷ niệm đang dần xa, đang vật vờ chìm khuất. Nhưng Sài Gòn vẫn giữ lại hết những chập chờn, những lung linh sáng của rất nhiều gương mặt bàng bạc như chuyện cổ tích, những năm xưa…

Duy nhất anh Nguyễn Đình Toàn. Tôi viết gửi anh trong phút cuối của đời, khi mà không ai còn đoán ra, không ai còn kịp thấy, đâu là ranh giới của một chấm hết nghiệt ngã. Rất lạnh lùng, lẫn cả tối tăm:Phút lãng đãng phút mập mờ giữa ra đi, và ở lại.

Buổi ra mắt sách “Nguyễn Đình Toàn – Thơ và Ca Từ” ở California năm 2022 (Hình: Facebook Nguyễn Đình Phượng Uyển)

Cali không mưa nhiều như tôi hằng mong đợi. Nhưng đêm nay San Diego mưa, mưa nỉ non, mưa thầm thì, mưa to nhỏ.

Mưa mang theo những não nùng, những giá lạnh của khói hương xưa.

Tôi đang tìm lại giùm anh những ướt át hắt hiu, chút âm u buồn, lặng câm và ảm đạm. Giữ lại hết cả những lo âu, những sợ hãi đầy hoài nghi về nỗi chết.

Tôi buông lời réo gọi những cơn mưa trút nước, mưa như điên, mưa bạt mạng của Sài Gòn.

Nhưng tôi giữ lại giùm anh chút mưa gió lê thê, mang mang cái giá rét âm u đầy thơ mộng của những đêm mưa phùn ngày xa xưa Hà Nội.

“…Mong cho người về được nơi sẽ đến
Ta chia tay ta chia lời vĩnh biệt…”
Lê Chiều Giang

[Trích đoạn “Mưa Hà Nội”/Tạp Chí Ngôn Ngữ 5/22]

Cố nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn thời trẻ (Hình: Facebook Vũ Thành An)

Từ Sài Gòn, nhà thơ Phạm Hiền Mây bùi ngùi:

Hôm nay, tác giả của Tình Khúc Thứ Nhất, của Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi, của Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, của Căn Nhà Xưa… , đã ra người thiên cổ. Ông thuộc về trăm năm ấy, trăm năm của thế kỷ hai mươi, nên ông phải tìm về nó thôi, và đã đến.

Thương quý và mong ông, điềm nhiên một giấc ngủ thiên thu trong căn nhà xưa, căn nhà của một thời tuy nghèo mà bình yên, êm ấm:

“em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cà
nơi những sớm mai nằm nghe
nắng ròn trên mái”

Nguyễn Đình Toàn, ông không chỉ là “người tình không chân dung” như Du Tử Lê từng gọi, mà ông là người tình, mãi mãi, của tất cả chúng ta, của những người từng hơn một lần phải lòng giọng đọc ông, phải lòng ca khúc, bài thơ, tác phẩm ông, những tác phẩm như là:

“bóng bỏ theo người
đổ một lần cho hết cuộc rủi may.”

Huy chương Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn nhận được cho tác phẩm “Áo Mơ Phai.” (Hình: Kalynh Ngô)

Đối với nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn là nhắc đến những tác phẩm văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký…Trong lời tưởng nhớ đến người nghệ sĩ vừa trở về nơi đã đến, nhà văn viết:

“Áo Mơ Phai – tác phẩm từng đoạt đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hoà năm 1973 (cùng năm với ông Đoàn Thạch Biền đoạt giải về kịch bản sân khấu). Ông Toàn còn có nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng. Tuy nhiên tôi chỉ nhớ và thích ông nhứt qua bốn ca khúc, hai là thơ của ông với Vũ Thành An viết nhạc (“Tình Khúc Thứ Nhất” và “Em Đến Thăm Anh Đêm 30”) và hai là sáng tác của ông: “Căn Nhà Xưa” và “Mai Tôi Đi.”

“Phải nói ca khúc nào có tên Nguyễn Đình Toàn cũng có ca từ đầy chất thơ, hay đến nao lòng. Cảm ơn ông đã để lại cho đời những tác phẩm hay như thế này!”

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân (hàng đầu, từ phải sang trái) trong Đêm Nhạc Nguyễn Đình Toàn “Môt ngày sau chiến tranh” tổ chức tại phòng sinh hoạt báo Người Việt, Tháng Tư, 2019. (Hình: Tài liệu Người Việt)

Rất dễ hiểu, khi một nhà thơ tiễn một nhà thơ, thì tiếng lòng đó sẽ được bày tỏ bằng những câu thơ. Nhà thơ Bùi Chí Vinh viết rằng:

“Lời thơ cuối cho Nguyễn Đình Toàn
Giờ thì chàng thơ lãng mạn nhất Sài Gòn đã ra đi
Anh bốc hơi như một làn khói trắng
CĂN NHÀ XƯA không rơi vào quên lãng
Nơi bàn tay anh đã vun xới dịu dàng.
Anh đã cày trên những sợi dây đàn
Đầu ngón bật máu để đơm hoa kết trái
Những bài thơ tình đứng im không động đậy
Dù anh qua tận California hòng chạy trốn chính mình
Tôi vẫn thấy “môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm.
Và “trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết”
Và tôi biết không có gì là chấm hết
Khi trên thế gian còn văn thơ nhạc Nguyễn Đình Toàn… “

Những tờ nhạc, bút tích sáng tác của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Đoàn. (Hình: Facebook Nguyễn Đình Phượng Uyển)

Và nhà thơ Bùi Chí Vinh kể lại thêm qua lời tự sự trên trang Facebook của ông:

“Tôi gặp anh vài lần lúc đi với Huỳnh Phan Anh, Joseph Huỳnh Văn, Nguyễn Đạt và ngồi ở quán cà phê của Vũ Trọng Quang trong con hẻm đường Cao Thắng, quận 3. Lần đầu gặp, anh dòm tôi như dòm một con khủng long từ thời tiền sử còn sót lại. Bởi đơn giản là anh quá kín đáo, quá chuẩn mực, quá ấm áp từ dáng vóc đến cách ăn nói. Anh sinh ra là để cầm bút, ôm guitar trong thư phòng, thính phòng sang trọng chứ không phải để đối đầu với cuộc sống man rợ như tôi.

Con người nho nhã ấy làm sao chịu nổi sự đau đớn của bài Sinh Nghi Hành khi Nguyễn Đạt kêu tôi đọc cho anh nghe. Tôi đọc như tra tấn tác giả những ca từ mật ngọt trong bài nhạc “Em Đến Thăm Anh Đêm 30.”

“Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.”

Vậy đó. Giờ thì nhà văn lừng lẫy của tác phẩm Áo Mơ Phai, của Tro Than đã biến mất. Giờ thì muốn đọc lại Sinh Nghi Hành hay “hành” anh đến trố mắt kinh dị cũng không được…

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và phu nhân, bà Nguyễn Thị Thu Hồng. (Hình: Nhiếp ảnh gia Mai Dung)

Và từ nước Úc xa xôi, một người bạn của chị Nguyễn Đình Phượng Uyển, con gái của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn bày tỏ:

“Chiều nay, có cơn ‘gió lũ đưa đường mây’, thổi qua Sydney nơi đây, nặng hạt mưa trời. Có những cánh “lá thốt lên lời cây”, vần vũ, gào thét khi phải mất mát, chia lìa vì bão giông.

Lại một người Hà Nội Xưa vừa ra đi. Cái xưa của thâm trầm tri thức; của lịch lãm thơ văn; của tự do nghệ thuật; của những phẩm chất mà giờ đây ta khó tìm gặp lại.” (Tất cả những cụm từ để trong ngoặc kép, là ngôn ngữ của Nguyễn Đình Toàn, được trích từ nhạc phẩm Tình Khúc Thứ Nhất.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT