Monday, April 29, 2024

Tấm thiệp Giáng Sinh của Đề Đốc Trần Văn Chơn

Trần Đình Phước

Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có những kỷ niệm vui buồn để nhớ, để nâng niu và giữ gìn. Riêng tôi, những tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh và năm mới mỗi năm mà người thân, bạn bè gửi đến thì tôi rất trân quý. Nhất là thời buổi này, có lẽ người ta bận trăm công ngàn việc, nên hầu như ít có ai chịu bỏ thời giờ viết trên thiệp chúc mừng, rồì sau đó bỏ công sức đem ra bưu điện dán tem gửi. Đa số người ta thường dùng điện thoại, email, Viber, Messenger, Zalo, Text Messages… để chúc mừng cho nhau.

Những tấm thiệp Giáng Sinh của Đề Đốc Trần Văn Chơn. (Hình: Trần Đình Phước gửi)

Tôi đã nhận những tấm thiệp đều đặn hằng năm từ khi đặt chân khi đến Hoa Kỳ vào cuối năm 1992, cho đến năm Mậu Tuất 2018. Các tấm thiệp được viết với những nét chữ mạnh mẽ, đẹp và rõ ràng của một người mà tôi xem như là thân phụ của tôi. Đó là những tấm thiệp của Đề Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân VNCH.

Ông tạ thế ngày 2 Tháng Năm, năm 2019 tại San José, hưởng đại thượng thọ 100 tuổi. Sự ra đi của ông là nỗi đau buồn cho con cháu, thân nhân, cũng như sự tiếc thương của nhiều người quý mến ông. Tôi may mắn được gặp ông trước khi ông nhắm mắt ra đi vĩnh viễn tại bệnh viện Regional Medical Center, San José.

Gia đình tôi đến San José theo chương trình HO cuối Tháng Mười, năm 1992. Giáng Sinh và năm mới đầu tiên ở Mỹ, tôi gửi thiệp chúc mừng đến Đề Đốc Trần Văn Chơn và gia đình ông, và sau đó tôi cũng được ông gửi thiệp chúc mừng lại gia đình tôi.

Mặc dù, ông và tôi đều mang cùng họ Trần. Nhưng giữa ông và tôi hoàn toàn không dính dáng gì đến bà con hay thân tộc.

Ông vẫn thường nói với tôi: “Có lẽ nhờ cơ duyên đưa đến mà bác cháu mình mới có cơ hội gặp nhau, sau một cuộc đổi đời?” Bác có hai người bạn trong quân chủng Không Quân thường hay thăm hỏi Bác, một bạn già là cựu Tư Lệnh KQVNCH và một bạn trẻ là tôi. Dù, bây giờ tuổi tôi cũng đã quá “thất thập cổ lai hy.”

Lúc còn ở Việt Nam, sau khi ông được trở về cuộc sống bình thường bên gia đình, tôi có nhiều dịp đến thăm ông ở căn nhà QQ10, Cư Xá Bắc Hải, Quận 10.

Ông sinh năm 1920 tại Vũng Tàu, Bến Đình trong một gia đình trung lưu sùng đạo Cao Đài, lấy chữ Hiếu làm câu giữ mình. Ông thi đậu Baccalauréat  I (Tú Tài 1 Pháp) năm 1939. Năm 1940, ông theo học trường Hàng Hải Thương Thuyền và làm việc trong ngành hàng hải được 10 năm. Sau đó tình nguyện theo học khoá I đào tạo Sĩ Quan Hải Quân và là SVSQ/HQ lớn tuổi nhất so với các SVSQ cùng khoá. Ra trường ông tốt nghiệp thủ khoa.

Tháng Mười Một, 1974, đúng 55 tuổi và phục vụ trong quân ngũ trên 20 năm, ông được giải ngũ theo quy chế của cấp tướng. Khi trở về đời sống dân sự, ông sống thanh thản và thường xuyên đến với Đạo Cao Đài, một tôn giáo đã giúp ông giữ vững tinh thần và sự chịu đựng trong giai đoạn khó khăn, nghiệt ngã nhất mà nhiều người khác trong trường hợp giống như ông đã không chịu đựng được và ngã gục.

Tôi (ngoài cùng từ phải) là một trong số vài người thân tiễn chân ông bà Trần Văn Chơn tối Thứ Hai 9 Tháng Mười Hai, 1991 ở phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình: Trần Đình Phước gửi)

Thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông đã được tưởng thưởng nhiều huy chương cao quý của chính phủ VNCH và đồng minh, trong đó có Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Hai lần làm Tư Lệnh Hải Quân (1957-1959 và 1966-1974). Ông có kể cho tôi nghe một tai nạn kinh hoàng  nhất mà ông không bao giờ quên là khi đi họp các Tư lệnh quân binh chủng từ Phan Thiết trở về bằng phương tiện của KQVNCH trên chiếc Caribou (C-7) của phi đoàn 427. Khi phi cơ bay đến không phận Biên Hoà, phi cơ bị nổ một bên máy phải, toàn thân phi cơ bị rung lắc mạnh.

Trưởng Phi Cơ đã gọi “May Day! May Day! May Day!” nhiều lần trên tần số báo nguy 243.0. Yêu cầu đài không lưu phi trường Biên Hoà cho được đáp khẩn cấp. Đồng thời nhờ thông báo cung cấp xe chữa lửa và xe cứu thương túc trực sẵn sàng ứng cứu. Sau đó, trưởng phi cơ bình tĩnh cho phi cơ đáp. Khi phi cơ vừa chạm mặt phi đạo thì phi cơ dừng hẳn, hoàn toàn không nhúc nhích. Tất cả phi hành đoàn và hành khách bình yên vô sự. Ông tin là có bàn tay Trời Phật, Thượng Đế, ông bà khuất mặt đã che chở cho mọi người trên phi cơ thoát nạn trong ngàn cân treo sợi tóc.

Ông bà có tất cả mười người con gồm: sáu trai tên Chánh, Trực,Trung, Tâm, Thành và Đạo và bốn gái tên Cúc, Đào, Trang và Nga. Bà là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ Việt Nam khác, chỉ biết công việc tề gia nội trợ, nuôi dạy các con nên người. Mặc dù, đấng phu quân là một tướng lãnh cao cấp trong Quân Chủng Hải Quân, nhưng bà không bao giờ can dự vào bất cứ chuyện gì của chồng như một số các bà khác đã lợi dụng chức quyền của chồng làm những chuyện không đúng để phải mang tai, mang tiếng, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của chồng. Bà đã mất cách đây gần ba năm.

Tối Thứ Hai 9 Tháng Mười Hai, 1991, lúc 11 giờ 30, ông bà với người con gái út rời Việt Nam. Tiễn đưa ông bà chỉ có vài thân nhân và bạn hữu. Tôi là một trong số vài người thân tiễn chân ông bà ở phi trường Tân Sơn Nhất.

Sau khi rời Việt Nam, ông bà chưa một lần nào trở lại quê hương. Ước mong của ông bà là được thấy bình minh trên quê hương Việt Nam. Lúc đó sẽ trở về thăm bà con, mồ mả ông bà, nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng tất cả chỉ là giấc mơ mà ông bà không bao giờ thành hiện thực.

Sau này, ở San José, Bắc Cali, tôi có may mắn gặp ông nhiều lần và được chụp hình với ông trong các sinh hoạt hội đoàn, cộng đồng và kỷ niệm những ngày lễ quan trọng tổ chức ở địa phương như: Kỷ Niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19 Tháng Giêng, Tưởng Niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư, Kỷ Niệm Ngày Quân Lực VNCH 19 Tháng Sáu… và thăm viếng ông tại tư gia để nghe ông kể chuyện ngày xưa với những thăng trầm trong cuộc đời binh nghiệp và những năm tháng oan thiên, nhọc nhằn, nghiệt ngã mà ông phải gánh chịu, khi ông quyết định ở lại Việt Nam, trong khi ông và gia đình có thừa thời gian, phương tiện để di tản.

Ngay cả phía Hoa Kỳ cũng cho người đến nhà liên lạc để đưa ông và tất cả gia đình, người thân rời Việt Nam bằng phương tiện phi cơ. Tư dinh ông, số 15 Đại Lộ Cường Để, đối diện với Hải Quân Công Xưởng, gần bến Bạch Đằng, là nơi hàng trăm bà con tá túc trước khi bước xuống tàu ra khơi di tản. Thỉnh thoảng, ông ra đứng trước cửa nhà, đưa tay vẫy, chúc họ được thượng lộ bình an và tìm được cuộc sống tốt đẹp nơi vùng đất mới.

Trưởng nam của ông là Sinh Viên Sĩ Quan khoá 24 Võ Bị Đà Lạt, cựu Đại Úy Hải Quân VNCH, Hạm Trưởng HQ 601 là Trần Minh Chánh đã đưa Tư Lệnh Hải Quân Chung Tấn Cang, cùng nhiều Sĩ Quan cao cấp ra Đệ Thất Hạm Đội, sau đó đem tàu quay trở lại Sài Gòn để cùng chịu chung số phận như thân phụ mình.

Ngày hôm nay, ông đã về với cõi Diêu Trì để gặp lại hiền thê. Bà đã ra đi trước ông gần ba năm. Mộ phần ông bà nằm sát bên nhau ở Nghĩa Trang Oak Hill Memorial Park, San José. Ông bà đã sống với nhau hơn 70 năm, lúc nào cũng kề cận bên nhau. Nay cả hai đã gặp nhau lại ở cõi vĩnh hằng.

Ông ra đi ở tuổi đại thượng thọ gần 100 quả là hiếm có ở trên cõi đời này. Tang lễ của ông được tổ chức rất trọng thể. Các thuộc cấp cũ, các hội đoàn quân đội, các tổ chức, đoàn thể đều đến tiễn đưa ông lần cuối với vô vàn thương tiếc. Vì lúc còn ở trên trần gian, ông là người sống đạo đức, đàng hoàng, tử tế, tư cách và không bị mang tai tiếng. Lúc nào cũng giữ hoà khí và thương yêu thuộc cấp.

Có lần ông tâm sự với tôi: “Người ta đến đề nghị bác làm chuyện đại sự, nhưng bác quyết liệt từ chối. Đối với bác quyền lợi Tổ Quốc và Quân Đội là trên hết! Bác dứt khoát không dính dáng đến chuyện chính trị và cũng không đứng về bất cứ phe phái nào. Vì thế, sau những cuộc đảo chánh, chỉnh lý liên tục bác không bị hề hấn gì!”

Hôm nay, khi viết những dòng chữ này, nhìn lại từng nét chữ của ông viết trên những tấm thiệp Giáng Sinh gửi cho tôi, lòng tôi cảm thấy buồn vô hạn. Tôi coi như đó là món quà vô giá mà tôi may mắn được ông ban tặng. Tôi nghĩ là ít có ai được diễm phúc như tôi.

Xin vĩnh biệt ông, một người mà tôi xem như cha tôi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT