Thursday, April 25, 2024

110 năm nhìn lại cuộc Minh Tân

Lê Vũ

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Phong trào Minh Tân là cuộc cách mạng xã hội do Trần Chánh Chiếu và các trí thức, điền chủ Nam Kỳ khởi phát, tác động mạnh đến cấu trúc xã hội và đời sống vật chất tinh thần người Việt trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, báo chí, văn học, nghệ thuật và cả nghị trường…

Rất tiếc đến nay những nghiên cứu về phong trào này vẫn còn hiếm hoi và phiếm diện so với các phong trào Đông Du, Duy Tân cùng thời điểm ở Bắc và Trung Kỳ.

Phong trào Minh Tân diễn ra ở Nam Kỳ song hành với phong trào Đông Du và Duy Tân ở Bắc và Trung Kỳ nhưng thời gian kéo dài hơn, manh nha từ khoảng năm 1901 và bùng phát từ 1907 đến cuối năm 1908. Tuy nhiên, nhiều tài liệu nhầm lẫn cho rằng Minh Tân chỉ là một nhánh của phong trào Đông Du, Duy Tân.

Chống thuế hợp pháp công khai

Công cuộc Minh Tân cổ súy người Việt kinh thương; du học để mở mang dân trí, kỹ thuật; dùng ngay chính luật lệ của Pháp, đấu tranh nghị trường để đòi hỏi dân quyền; phát triển văn học, báo chí nghệ thuật nâng cao dân trí và đặc biệt là hoạt động công khai.

Theo Trần Chánh Chiếu, chủ soái công cuộc Minh Tân, thì chữ Minh Tân lấy từ câu “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện” trong sách Đại Học. Nghĩa cốt yếu của chữ Minh Tân là làm cho cái đức mới hơn, người dân sống tốt hơn.

Trần Chánh Chiếu vốn là một trí thức Tây học, từng làm thông ngôn cho chủ tỉnh Rạch Giá, thăng hàm Phủ và nhập quốc tịch Pháp nên được gọi là Phủ Chiếu hoặc Gilbert Chiếu. Ông xin nghỉ làm công chức và làm xã trưởng Vĩnh Thanh Vân, quy hoạch thành công làng này thành tỉnh lỵ Rạch Giá phồn thịnh và khẩn hoang 1,000 hécta đất ở Giồng Riềng.

Từ năm 1905 ông đi Hồng Kông, Quảng Châu học tập các mô hình quản lý kinh doanh Tây phương. Về nước ông phát động cuộc Minh Tân, thu hút đông đảo trí thức Nam Kỳ như Nguyễn An Khương, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn Quang Diêu, Đặng Thúc Liêng, Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Nguyễn Chánh Sắt hay những điền chủ lớn như Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Tống Triều, Tống Hữu Định, Huỳnh Đình Điển… tham gia vào cuộc Minh Tân.

Ông Trần Chánh Chiếu làm chủ bút Nông Cổ Mín Đàm năm 1906, và năm 1907 làm chủ bút thêm tờ Lục Tỉnh Tân Văn. (Hình: wikipedia.org)

Trong lĩnh vực đấu tranh dân quyền, những nhà Minh Tân đã chống thuế hợp pháp và thành công mà không xảy ra tổn thất tù đày như ở Trung Kỳ.

Theo nhà văn Sơn Nam, năm 1904, ở Nam Kỳ xảy ra cơn lụt lớn làm thiệt hại mùa màng, Trần Chánh Chiếu và các điền chủ đã đứng đơn xin miễn thuế điền và thuế thân cho nông dân trong vùng. Cuộc đấu tranh kéo dài đến năm 1906 khá gay gắt, riêng Rạch Giá phải thay ba chủ tỉnh. Cuối cùng phần lớn yêu sách được chính quyền chấp nhận.

Theo sách “Lục Châu Học” của Nguyễn Văn Trung thì năm 1906, Thống Đốc Nam Kỳ Georges Outrey đã đề ra sắc thuế bách phân phụ lục, tức là phụ thu thuế ở Nam Kỳ tăng 100%, toàn thể sáu nghị viên Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ người Việt đã đồng loạt phủ quyết và từ nhiệm để chống lại sắc thuế này. Tuy theo cơ cấu, số nghị viên người Việt chỉ là thiểu số thành viên Hội Đồng (6/18) nên luật vẫn được thông qua nhưng cuộc đấu tranh cũng tạo được tiếng vang và nhận thức cho người Việt.

Năm 1918 dù bệnh nặng, Trần Chánh Chiếu vẫn đi bầu cử và tuyên bố với đồng nghiệp là “đây là phát súng cuối cùng tôi bắn vào Georges Outrey.”

Tranh thương với người ngoại quốc

Thời ấy, người Pháp nắm công nghệ, tài chính; người Hoa độc chiếm dịch vụ, thương mại; người Việt chỉ biết làm nông. Từ năm 1901, Lương Khắc Ninh, chủ bút báo Nông Cổ Mín Đàm, mở mục Thương Cổ Luận cổ súy người Việt kinh thương.

Năm 1906, Trần Chánh Chiếu làm chủ bút Nông Cổ Mín Đàm đã đưa nội dung này thành chủ trương chính của tờ báo. Năm 1907, làm chủ bút thêm tờ Lục Tỉnh Tân Văn với bút danh Trần Thiên Trung, ông đã dùng cả hai tờ báo thành diễn đàn cổ súy cho công cuộc Minh Tân.

Ông Lương Khắc Ninh tham gia sáng lập rồi làm chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm đến năm 1906, sau đó làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn từ số 51. (Hình: dienban.gov.vn)

Hội Minh Tân lập công ty Nam Kỳ Minh Tân Công Nghệ sản xuất xà bông diêm quẹt với 16,000 phần hùn. Đây là một tập đoàn kinh tế theo hình thức góp vốn cổ phần, sản xuất, đào tạo dạy nghề đến thương mại, xuất nhập cảng. Trong điều lệ “rao theo luật buộc” (Lục Tỉnh Tân Văn số 32) cho biết: 1-Lập lò kỹ nghệ tại Nam Kỳ, lò chỉ (tức máy kéo sợi bông vải), lò dệt, lò savon, thuộc da và pha ly… 2-Dạy cho con nít làm các nghề ấy.

Gilbert Chiếu làm tổng lý công ty và trụ sở chính đặt tại Mỹ Tho. Những ai muốn hùn vốn thì đóng tiền tại Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho hoặc Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. “Ai có hùn thì có quyền gởi con đến học nghề, thời hạn học là bảy năm. Công ty nuôi cơm nước, còn quần áo mùng mền thì cha mẹ phải chịu. Công ty lo nhà ngủ, nhà học cho học trò, đứa nào học giỏi sẽ được hưởng lương tháng, sau đó, khi biết nghề rồi phải giúp việc cho công ty bảy năm.” Những em học trò này ngoài việc học nghề thì công ty còn dạy cho học chữ Quốc Ngữ, tiếng Pháp.

Nhà văn Sơn Nam cho biết: “Tháng Bảy, 1908, mua đất xong và công ty cho người ra Bắc Kỳ học cách thức làm hộp quẹt (diêm quẹt) và mướn thợ thầy; bạc thâu vô gần 9,000 đồng. Tháng Chín, 1908, xà bông của công ty Minh Tân lại tung ra thị trường, cạnh tranh rất có hiệu quả với xà bông trên thị trường đồng thời có thêm người đóng tiền mua cổ phần của công ty.”

Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho do Hội Minh Tân mở, nhìn từ sảnh ga xe lửa Mỹ Tho. (Hình: Kiến Thức)

Ngày 5 Tháng Chín, 1908, công ty mời cổ đông đến xem việc làm nền và dọn cây cắt lò, trước đó công ty đã mua đất của ông M. de Balmann gần sát cầu Mỹ Tho, ngang rạp hát Tư Lài. Trước khi các cổ đông ra về, ông Tổng Lý Gilbert Chiếu tặng mỗi vị bốn cục savon (xà phòng). Bấy giờ, người tiêu dùng cho biết là savon Con Vịt tốt hơn của Hoa kiều mà giá lại rẻ hơn. Do đó, đối thủ của công ty Minh Tân phải hạ giá để cạnh tranh.

Gilbert Chiếu còn kêu gọi hùn vốn mở nhà in “đế mà in nhựt trình, cùng là sách vở và in công việc cho quan làng và người mua bán, sách nói đủ việc cơ xảo, bán giá rẻ cho người lớn, nhó, già, trẻ, nghèo, giàu đều đọc được;” lập “Mỹ Tho Minh Tân Túc Mễ Tổng Cuộc” nhằm xuất cảng lúa gạo. Tính đến ngày 12 Tháng Ba, 1908, có 25 người góp vốn với số tiền là 16,980 đồng, riêng Gilbert Chiếu góp 1,000 đổng; ngoài ra, công ty Minh Tân còn đứng ra kêu gọi góp phần hùn mua tàu chờ hành khách trên tuyến Sài Gòn-Đại Ngãi, Bạc Liêu, Cà Mau; lập cơ sở bào chế thuốc.

Hội Minh Tân mở Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho (nhà cửa của ông Huỳnh Đình Điển, Trần Chánh Chiếu làm tổng lý, Nguyễn Chánh Sắt trực tiếp quản lý) và Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn cạnh tranh với người Hoa.

Báo Nông Cổ Mín Đàm. (Hình: wikipedia.org)

Trên Lục Tỉnh Tân Văn số 4 (5 Tháng Mười Hai, 1907), Gilbert Chiếu cho biết: “Đãi khách Tây thì có một vị biết tiếng Tây. Đãi khách bồn địa thì có một vị lão thành văn vật đều đủ, chư vị nào đến Nam Trung thì sẽ vừa ý luôn.” Điều đặc biệt hai cơ sở này còn là nơi tư vấn hỗ trợ cho khách hàng kiến thức, kỹ thuật và pháp lý kinh doanh.

Lục Tỉnh Tân Văn số 27 giới thiệu: “Chư vị buôn lúa, bán dừa, bán tiêu, bán bắp ở các tỉnh lên Sài Gòn muốn biết giá cả và muốn có người bán giùm, coi cân giùm cho khỏi chỗ người gian lận thì đến Nam Trung mà thương nghị với tôi. Gilbert Chiếu.”

Cũng theo cung cách này, nhà nho Nguyễn An Khương cũng mở ra nhà hàng Chiêu Nam Lầu. Theo thứ bậc sĩ nông công thương thì kinh doanh là việc hạ cấp không phù hợp với kẻ sĩ. Riêng việc nhà nho đi bán cơm đã là cách mạng.

Trần Chánh Chiếu viết báo, ra sách “Minh Tân Tiểu Thuyết” giới thiệu phổ cập các mô hình công ty, các ngành nghề lĩnh vực cần thiết cho xã hội, cổ động người Việt tranh thương với Tây, Tàu, lập công ty công nghệ, kinh doanh. Báo Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn quảng cáo miễn phí cho các công ty mới lập. Hàng chục công ty người Việt đã mọc lên khắp Nam Kỳ hưởng ứng công cuộc này.

Báo Lục Tỉnh Tân Văn. (Hình: wikipedia.org)

Thi viết văn xuôi, đưa đờn ca tài tử lên sân khấu

Ngoài nội dung cổ súy, vận động phát triển kinh doanh, báo tập trung chấn hưng văn hóa, khuyến khích sáng tạo, tổ chức nhiều cuộc thi viết, ra đề thi, ai viết bài nói rõ về cách dùng các loại cây (như cây tre, cây dừa, cây chuối…), thì được thưởng nhiều kỳ báo.

Đặc biệt báo Lục Tỉnh Tân Văn tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên tên là “Quốc Âm Hí Cuộc.” Những người Minh Tân còn dấn thân tham gia hoạt động xã hội, quyên góp trùng tu Văn Thánh Miếu Vĩnh Long, vận động hàng trăm học sinh du học (kể cả công khai sang phương Tây lẫn bí mật đưa sang Nhật)…

Trong một thời gian ngắn, Hội Minh Tân đã làm được rất nhiều điều bổ ích, trong đó có việc xây nền, mở hướng đi cho nghệ thuật cải lương, cụ thể nhất là đưa đờn ca tài tử từ hoạt động giải trí thành nghệ thuật biểu diễn.

Lục Tỉnh Tân Văn số 43: “Tại Nam Trung mỗi bữa chiều 5 giờ đến 11 giờ đều có nhạc tài tử ca xang. Trong đám nhạc ấy có nhiều cô đờn ca hay lắm. Chư vị quân tử nên đến đó mà xem cho tiêu khiển.”

Cuối năm 1908 bị Pháp đàn áp, Trần Chánh Chiếu và 91 cộng sự bị bắt, phong trào bị dập tắt nhưng ảnh hưởng sâu xa của nó vẫn lâu dài nhiều thập niên sau. Những cây bút Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Chánh Sắt… vẫn tiếp tục viết báo, viết tuồng cải lương cổ súy cho tinh thần Minh Tân trong mọi lĩnh vực đời sống. Nhiều điền chủ người Việt đứng ra kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, cải lương ra đời… (Lê Vũ) [qd]

MỚI CẬP NHẬT