Friday, April 26, 2024

‘9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương,’ tác phẩm mới của Bùi Vĩnh Phúc

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương,” tác phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu và phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do Văn Học Press xuất bản năm 2024, dày 440 trang, đẹp, trang nhã, gồm 22 tiểu luận, tất cả đã công bố trên các tạp chí giấy và mạng trong mấy chục năm qua, được “viết lại, viết thêm, được triển khai mở rộng, hoặc được kết hợp với những bài viết mới, cái nhìn mới,” theo “Lời Vào Sách.”

Bìa trước và bìa sau “9 Khuôn Mặt, 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc. (Hình: Trần Doãn Nho)

Hầu hết trong số 22 tiểu luận này, cá nhân tôi đã từng đọc qua, có cái đọc kỹ, vừa để thường thức vừa để bổ sung cho kiến thức của mình; đồng thời cũng đã nhiều lẫn trích dẫn ý kiến trong các bài viết riêng của tôi.

Theo Bùi Vĩnh Phúc, “Chín bờ cõi chữ nghĩa mà cái ánh sáng cùng khí hậu văn học đặc biệt của miền Nam nước Việt, với thổ ngơi, màu sắc và khí chất riêng của nó, đã hun đúc nên và làm tỏa ánh. (…) Tuy tất cả đều thuộc về văn học miền Nam, nhưng cùng ‘là một chất giọng Việt Nam đặc biệt, của cả ba miền Nam Trung Bắc hợp lại.’”

Mặt khác, “có ba người khởi đi từ nhóm Sáng Tạo (Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên), một người từ Vấn Đề (Vũ Khắc Khoan), một người từ Bách Khoa (Võ Phiến), một người từ Giữ Thơm Quê Mẹ (Phạm Công Thiện), và ba người còn lại, từ những ‘phong thổ’ khác nhau, là Bùi Giáng, Nguyễn Xuân Hoàng, và Nguyễn Mộng Giác.”

Có thể nói, chín tác giả này – nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch, triết gia, nhà nghiên cứu – tuy không tiêu biểu, nhưng cũng là những khuôn mặt hàng đầu của 20 năm Văn Học Miền Nam.

Đặc biệt, ngoài phần tiểu luận, tập sách còn có phần trích văn “tiêu biểu cho tâm hồn, ngòi bút, và phong cách, khí chất” của các nhà văn, nhà thơ được nghiên cứu. Phần này, theo tôi, rất cần, nhất là đối với những độc giả chưa có dịp đọc qua tác phẩm của các nhà văn nhà thơ nói trên, vì sẽ giúp cho họ có dịp đối chiếu giữa tác phẩm và những phân tích về chúng.

Một trong những đặc điểm nhìn thấy ngay, nằm trong nhan đề cho các bài viết. Chúng dài, đa ý, chứa đựng khái niệm tổng quát mà tác giả quy cho đề tài. Xin nêu vài nhan đề:

-Đêm Và Ngày, Và Phạm Công Thiện, Và Bốn Mươi Bảy Năm Trôi Qua Trên Mặt Đất (Đọc Và Nhìn Lại Phạm Công Thiện Qua “Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất”)

-Cái Tôi Ẩn Mật Và Dương Bản Thiên Nhiên Ngày Vây Hãm Trong “Thơ Ở Đâu Xa” Của Thanh Tâm Tuyền (Hay “Biệt Khúc Cho Thanh Tâm Tuyền”)

-Văn Chương Mai Thảo: Biên Địa Của Cảm Xúc Và Cái Đẹp, Giao Thoa Với Ý Thức Về Đời Sống

-Bùi Giáng, Bước Chân Đi Tìm Hồn Nguyên Tiêu Và Một Màu Hoa Trên Ngàn.

Đây là một tác phẩm phê bình và nhận định văn chương. Thay vì đi theo lối viết giới hàn lâm đầy những thuật ngữ chuyên môn, Bùi Vĩnh Phúc chọn một cách viết khác: nghiêm túc nhưng không khô khan, chặt chẽ nhưng không thắt buộc.

Anh phân tích tác phẩm từ bên trong mối liên hệ tác giả-tác phẩm và tác phẩm-chữ nghĩa, chứ không phải là một áp đặt lý luận từ bên ngoài vào. Là một người lâu năm “ăn nằm” với các lý thuyết phê bình văn học mới của Tây phương, anh xem các lý thuyết như là một trong những phương tiện, chứ không phải là phương tiện duy nhất, khi khảo sát các tác phẩm văn chương.

Dấu vết của chúng có thể tìm thấy trong nhiều lập luận, nhưng xem ra, anh không để chúng chi phối hướng đi đã chọn của mình. Chính vì thế, rất nhiều nơi trong toàn bộ tác phẩm, hơi văn toát lên nghe mềm mại, uyển chuyển khiến người đọc có cảm giác như đang “thưởng thức” văn chương hơn là “căng óc” suy nghĩ chuyện đúng, sai, hay, dở. Đó là cảm giác lý thú đầu tiên của tôi khi đọc lại những bài viết của Bùi Vĩnh Phúc, trước tản mác đây đó, bây giờ, tập trung hẳn vào trong tập sách mới này.

Phân tích bài thơ “Thành Phố” của Thanh Tâm Tuyền, Bùi Vĩnh Phúc mở rộng khung cảnh và cảm quan của nhà thơ:

“Thanh Tâm Tuyền đi giữa những biểu tượng của phố xá, và tâm hồn ông đầy những bước sóng vang âm cái thế giới bên ngoài. Cái nhộn nhịp và cái mệt mỏi. Cái khổ đau và cái hân hoan. Cái êm đềm và cái hỗn loạn. Bao nhiêu hình ảnh của cuộc đời ánh xạ vào tâm hồn nhà thơ. Cái nhịp sống ấy đi vào và mở tung những cửa ngõ của hồn, biến thành những câu thơ dài ngắn, khuất khúc, đứt gãy, kỳ lạ, long lanh và chảy máu. Những câu thơ có vẻ mất kết nối, lộ ra những khoảng trống ở nhiều chỗ trên bề mặt văn bản, nhưng chúng sẽ được liên kết, gắn bó lại trong cái nhịp điệu chung của ý tưởng và hình ảnh của toàn bài. Những câu thơ như những mạch máu chạy dọc ngang, đứt nối, rồi lại nối kết và rượt đuổi nhau, băng qua trái tim, băng qua trí não, như những sân ga, làm thành những núi, sông, chia biệt.” (trang 24)

Giữa những chặt chẽ của lý luận, ta thấy dòng chảy của cảm xúc. Có thể nói, cách phân tích của Bùi Vĩnh Phúc là một tổng hợp giữa lý luận và tùy bút, giữa đầu óc và trái tim. Anh đọc bằng cái tâm của người thưởng thức, không phải bằng cái soi mói của nhà phê bình. Xuyên qua 22 bài tiểu luận, tôi tìm thấy chất tùy bút thấm đẫm không khí viết của anh. Và đồng thời, tìm thấy niềm đam mê chữ nghĩa của anh xuất hiện trên những dòng văn, có khi, tưởng như miên man bất tận.

“Mà không phải chỉ có Nha Trang, tất cả quê hương là một nơi chốn để nhớ về. Quê hương là một căn nhà lớn. Nó cất giữ cho ta bao nhiêu hạnh phúc và đắng cay và ngọt ngào và nước mắt. (…) Nó là tiếng cười ta thuở chân sáo vào đời, là nỗi rộn ràng ta lần đầu nhìn em áo ngoan hài tím tóc thả gió thu, là mộng mơ ta bên em nhìn dòng sông mà mầu chiều bơ vơ đổ bóng. Nó là nụ hôn trong vườn đêm thơm mùi ngọc lan thao thiết, bờ môi em dịu dàng hé mở như một cánh hoa. Là chất sữa của nhung trên da thịt em dịu dàng trinh trắng. Là em run rẩy trong tay ta như một ánh trăng xanh chỉ chờ rạn vỡ. Quê hương là những ngày mà gió nắng vẽ trên vầng trán ta biết bao điều lý tưởng, là trái tim ta cháy lên bao tha thiết cuồng say. Và quê hương cũng là những ngày loạn lạc, khói lửa mịt mù, là đắng cay của những người vợ trẻ, là xót xa của những người mẹ già tóc trắng như sương. Quê hương là gió bão, là lời chúc dữ, và là giọt nước mắt ta chảy ra một đêm tối khi chân bước xuống thuyền, là nỗi quặn đau ta mỗi khi nhìn lại, nỗi quặn đau mà ta hằng chắt chiu chẳng nỡ rời bỏ, chối từ. Quê hương. Giọt nước mắt ta chảy ra hóa thành một đêm tối bơ vơ.” (trang 263-264)

Trên đây là cảm nhận của Bùi Vĩnh Phúc khi đọc tùy bút “Nha Trang, Những Hang Động Tuổi Thơ” của Nguyễn Xuân Hoàng. Anh viết y như thể viết cho, và viết về, chính mình.

Cũng thế, mở đầu cho một trong mấy “tưởng khúc” về Phạm Công Thiện, “Đọc Và Nhìn Lại Phạm Công Thiện Qua ‘Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất,’” anh viết:

“Trước hết là màu đen. Màu đen của khu vườn đêm trĩu những hoa và trái kỳ lạ. Hương thơm của chúng chín như mật ong làm choáng những bước chân. Những bước chân thả hoang vào thiên địa đắm hoang mang. Ði. Ði như một con tàu say. Con tàu hụ vào đêm sương những bước đi chuếnh choáng của dông gió cuộc đời. Ði. Ði hút vào đêm đen theo một tiếng gọi kỳ lạ như Céline đã đi. Voyage au bout de la nuit. Ði vào một mùa Xuân đen, một printemps noir (black spring) tàn bạo và ngây ngất thần trí như Henry Miller. Ði cho rách những đêm hoang, những đêm hoang rách rưới nhưng thơ mộng như những bài thơ rách nát rút ra từ đời sống. Những bài thơ như những cánh chim thả vào đêm tối những hải đảo hoang vu của Xuân Hạ Thu Ðông. Những cánh chim bỗng lóe hồng theo một dòng mặt trời vừa mọc. Ánh sáng đã ra đời.”

Một thứ tùy bút về, và trong, tùy bút! [qd]



Bùi Vĩnh Phúc sinh năm 1953, tại Hà Nội. Lớn ở Sài Gòn. Vượt biên và định cư ở Hoa Kỳ từ 1978. Theo học và tốt nghiệp tại các đại học Cal State University, Long Beach và University of California, Irvine, chuyên ngành Ngôn Ngữ Học.

Từ năm 1989, dạy Anh văn và Ngôn ngữ & Văn hóa Việt Nam tại đại học Golden West College và California State University.

Viết văn và làm thơ từ 1968. Từ 1985 đến nay, chuyên viết phê bình và lý luận văn học.

Trong ban chủ biên cũng như đã cộng tác với một số tạp chí văn học tại Mỹ và trên thế giới, trong đó có Văn Học Nghệ Thuật, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21.

Đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, cũng như tuỳ bút, trong đó có: “Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam,” “Lý Luận và Phê Bình/Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước, 1975-1995,” “Trịnh Công Sơn, Ngôn Ngữ và Những Ám Ảnh Nghệ Thuật,” “Quê Hương, Cầm-Tấu-Khúc Kỷ Niệm” (khốc bút),  “Những Cơn Mưa Trở Về” (tùy bút).

Đã về hưu, hiện cư ngụ tại tiểu bang California.


 

MỚI CẬP NHẬT