Saturday, May 4, 2024

Bộ sách gần 2,700 trang viết về các chân dung văn nghệ sĩ

Viên Linh/Người Việt

Khoảng hai, ba năm trước khi còn ở California tôi nhận được một cuốn sách khổ lớn đóng bìa cứng, dày hơn ngàn rưỡi trang, và chỉ là cuốn I. Cách đây một tuần, cuốn II gửi cho tôi về Virginia, cũng dày hơn ngàn trang, đó là cuốn “Chân Dung Văn Nghệ Sĩ Qua Góc Nhìn Ngô Nguyên Nghiễm” của Ngô Nguyên Nghiễm.

Tập I và tập II xuất hiện cách nhau khá xa. Đếm lại cho chính xác, nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm trong mấy năm qua đã viết và hoàn tất in ấn bộ biên khảo đóng bìa cứng, dày 2,698 trang giấy trắng khổ 6×9” phân Anh (16 x 24 cm), chia làm hai tập, tập I dày 1,534 trang, tập II dày 1,164 trang, về các văn nghệ sĩ ông tuyển chọn.

Sách viết về văn học Việt Nam không phải là ít. Song một bộ như của Ngô Nguyên Nghiễm không hề có, trước hết về bề dày, lại hiếm vì tấm lòng với nghệ thuật của ông lại bao la: thông thường khi nói đến văn học nghệ thuật, người ta thường chỉ kể ra bốn năm bộ môn, nhưng họ Ngô kể ra tới ít ra là 15 bộ môn.

Và nguyên do ông thực hiện công trình được nhấn mạnh để “thành kính dâng tặng đất nước tổ tiên, cha mẹ và các thầy cô – ngay trong gia đình nhỏ đề – tặng hiền thê và các con,” sau đó mới tuyên dương và nói đến tâm huyết và công trình của các văn nghệ sĩ.”

Trong “Lời Nói Đầu” nơi trang 7, tác giả Ngô Nguyên Nghiễm cho biết theo ông và bằng hữu thân tín, văn nghệ có bao nhiêu bộ môn. “Bộ sách gồm hai quyển, giới thiệu nhân vật tiêu biểu và tác phẩm của 15 bộ môn văn học nghệ thuật: thơ, văn, hội họa, điêu khắc, biên khảo, dịch thuật, sưu khảo, đờn ca tài tử, hát bội, cải lương, tuồng cung đình Huế, du ca, điện ảnh, âm nhạc, nhạc sĩ ca sĩ.” Ta đếm được 15 bộ môn.

Cuốn “Chân Dung Văn Nghệ Sĩ Qua Góc Nhìn Ngô Nguyên Nghiễm” (quyển hạ) của Ngô Nguyên Nghiễm. (Hình: Bông Tràm)

Vào sách, đó là một thứ tự điển xếp theo thứ tự A,B,C… bắt đầu bằng A.Khuê, nhà thơ nhạc sĩ với ảnh chân dung tác giả đang ôm đàn và nửa trang tiểu sử, sau đó là tác phẩm tiêu biểu, bài thơ nhan đề “Tạ Ơn.” Phần A.Khuê chiếm hai trang  sách.

Sau A.Khuê tới An Khê, một nhà văn mà người viết bài này đã có dịp gặp hằng ngày thời làm nhật báo Dân Ta của nhà thơ Nguyễn Vỹ.

An Khê di chuyển trên đường phố Sài Gòn bằng chiếc mô tô hai bánh của ông. Đã thế, ông còn bị thương tật, đi lại nặng nhọc, có hôm thấy tôi nhìn ngó với vẻ quan tâm (lúc ấy tôi khoảng 23, 24 tuổi), ông nói: bị thương ở An Khê.

Chỉ mấy chữ nói vắn tắt với tôi khi ông ngừng lại trước tòa báo đưa bài – ông viết một truyện dài từng kỳ cho Dân Ta, lúc tôi làm thư ký tòa soạn tờ báo này, giải thích được tại sao ông Nguyễn Bính Thinh là lấy tên là An Khê. Đã thế lúc xe vừa lăn bánh, ông lại nói thêm: trận đó đánh Pháp.

An Khê to lớn, chiếc mô tô kềnh càng. Ông còn nhéo mắt với tôi nói ra cấp bậc ông lúc ấy. Nhưng tấm hình An Khê in trong sách Ngô Nguyên Nghiễm khiến tôi ngờ ngợ: sao lại giống ký giả Nguyễn Ang Ca? Tuy nhiên chưa bao giờ tôi thấy ký giả thể thao Nguyễn Ang Ca ăn mặc tươm tất như An Khê trong tấm hình: tóc rẽ ngôi giữa, áo veste sọc chéo, cà vạt, sơ mi trắng cổ cồn…

Giới thiệu trong đại thể, bộ “Chân Dung Văn Nghệ Sĩ” của Ngô Nguyên Nghiễm hai cuốn như hai bộ từ điển trên bàn viết, lại in chữ khổ nhỏ (khổ chữ 10), xứng đãng là bộ sách để tra cứu. Công trình ấy không phải ai cũng làm được. Quanh bàn viết của tôi có một số sách biên khảo văn học, song không thấy một cuốn nào thể hiện một tấm lòng rộng mở như sách Ngô Nguyên Nghiễm; anh soạn sách vì tấm lòng với văn học miền Nam, và văn học Việt Nam.

Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm tên thật là Ngô Tấn Thiền, sinh ngày 12 Tháng Tám năm Giáp Thân tại Thất Sơn, Châu Đốc, miền Nam Việt Nam, tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa Sài Gòn trước 1975, từng làm báo, tạp chí Khai Phá, khi còn là sinh viên.

Ông có khoảng 20 tác phẩm in thành sách. Ngô Nguyên Nghiễm vẫn sống và viết tại Sài Gòn. (Viên Linh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT