Monday, April 29, 2024

Giới thiệu tiểu thuyết ‘Ai’ của Đặng Thơ Thơ

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – “Ai,” tác phẩm mới nhất của nhà văn Đặng Thơ Thơ, do nhà xuất bản Da Màu Press xuất bản năm 2023, là một tiểu thuyết.

Tiểu thuyết “Ai,” tác phẩm mới nhất của nhà văn Đặng Thơ Thơ. (Hình: Trần Doãn Nho cung cấp)

Là sản phẩm của một nhà văn thích khám phá, có xu hướng cách tân, nên “Ai” có một cấu trúc khác lạ, không giống với bất cứ một tác phẩm văn chương nào mà ta thường biết, kể cả đối với hai tác phẩm trước đó của chính tác giả, “Phòng Triển Lãm Mùa Đông” và “Khả Thể.”

Ngay bản “Mục Lục” của tập sách đã khác thường, nó gồm 18 chương, chia làm năm phần, lần lượt được ghi – vừa bằng ký hiệu ngữ học thông thường vừa bằng ký hiệu toán học – như sau:

-Chủ Âm i [ai]

-Đối Âm -i [-ai]

-Biến Âm i1 [ai]1

-Biến Âm Kép i2 [ai]2 & v [vờ]

-Chủ Âm Tái Hiện

Tựa đề của tác phẩm, “Ai,” là một cách “chơi chữ” của tác giả. Viết thành chữ và phát âm, thì “ai” đều để chỉ “người khác” trong tiếng Việt, nhưng khi viết ra chữ Anh là “I,” thì nó lại để chỉ “tôi”“chủ thể.”

Như thế, “ai” là một chữ nhưng lại mang hai nghĩa khác nhau trong hai ngôn ngữ. Tác giả sử dụng sự mập mờ này để diễn tả mối quan hệ giữa người mẹ với đứa con của mình trong môi trường song ngữ của một gia đình Việt Nam sinh sống ở Hoa Kỳ. Về nội dung, kết cấu của nó là một sự trộn lẫn nhiều hình thức diễn đạt khác nhau. Nói chung, “Ai” là một tác phẩm thuộc loại cách tân, khó đọc và hiểu, theo kiểu bình thường. Tác giả muốn người đọc phải suy đoán và tự mình tìm ra kết cấu của nó.

Truyện có nhiều nhân vật và nhóm nhân vật, nhưng người mẹ – cũng là người kể chuyện – là tiếng nói xuyên suốt, soi rọi, quét, chiếu hình ảnh từ những điểm đứng khác nhau. Khác với kinh nghiệm làm cha là một kinh nghiệm gián tiếp và là một liên hệ có tính cách xã hội, kinh nghiệm làm mẹ thì trực tiếp và do đó, độc đáo hơn.

Người mẹ vừa sở hữu đứa con, vừa chứng kiến sự đánh mất nó. Nó là một phần máu thịt của cơ thể người mẹ nhưng đồng thời, khi ra đời, nó có một hiện thể riêng, như bất cứ một ai khác trong xã hội. Khi đứa bé còn nhỏ, quan hệ mẹ-con hết sức thân thiết, hai mà như một. Nhưng theo thời gian, quan hệ đó loãng dần.

Đối với những bà mẹ khác có con cùng tuổi, họ “chẳng sợ hãi gì, họ chỉ mong cho những đứa trẻ mau lớn để họ được rảnh rỗi hơn.” Nhưng đối với bà mẹ này (người kể chuyện), quan hệ mẹ-con luôn nhập nhằng. Cứ mỗi năm trôi qua thì người mẹ cảm thấy bất an vì càng ngày nó càng xa lạ với mình. Vì sao? “Vì cách nhìn [của nó] không giống nó, đứa bé của tôi, mà là của một người nào khác; như có kẻ nào vừa mới nhập vào, rồi nấp bên trong mà nhìn ra bằng đôi mắt nó.”

Bà tưởng tượng nó bị một “kẻ lạ” đột nhập vào bên trong nó, chi phối nó. Không những thế, kẻ lạ ấy, từ trong nó “bước ra, điềm nhiên ngồi cạnh nó” (…) “Hắn xuất hiện và biến đi rất bất ngờ.” Càng ngày, hắn xuất hiện càng nhiều. “Tôi muốn nói chuyện riêng với hắn khi thằng bé vắng mặt. Nhưng chuyện này rất khó thực hiện, vì hắn chỉ đến khi có thằng bé” (trang 24-31).

“Kẻ lạ” ấy, thực ra, chỉ là đứa con đang thay đổi dần dần. Lớn lên, đứa con nào cũng muốn tự do, muốn tách khỏi mẹ, vì  “đã đến lúc mình phải là mình” (trang 79). Và cách duy nhất để tự do là “mất tích” (trang 89). Vì thế, khi vào đại học, cậu chọn một trường xa nhà để thực hiện ý định của mình. Và rồi cậu mất tích. Chuyện gì đã xảy ra? Không ai biết, kể cả người mẹ. “Tôi không tin là nó đã chết. Nhưng tôi cũng không chắc là nó sẽ quay về… Đã mấy năm nay không một tung tích…” (trang 264).

Để chống lại sự mất tích đứa con, người mẹ “tưởng tượng” ra nhiều giải pháp:

-Hoặc “clone” đứa con hàng năm, lúc nó một tuổi cho đến 18 tuổi. “Clone” hay “nhân giống” là lấy một tế bào trong cơ thể một sinh vật để tạo ra một sinh vật khác giống hệt sinh vật ấy, mà không qua hình thức thụ tinh tự nhiên do sự kết hợp giữa một tinh trùng và một trứng. Bằng cách này, bà mẹ có đến 18 đứa con giống hệt nhau nhưng khác tuổi, giữ trong nhà cho mình.

-Hoặc làm những con búp bê theo từng tuổi của đứa con, đồng thời làm nhiều con búp bê khác mô tả tất cả những sinh hoạt, thay đổi mà đứa con trải qua trong đời sống thực, kể cả khi có người yêu. Nghĩa là phải làm hàng trăm con búp bê cho nó về thể chất cũng như hoạt động.

-Hoặc gửi con vào một viện bảo tàng giữ trẻ, ở đó, người ta sẽ chăm lo và ghi lại tất cả những thay đổi, thói quen, ngôn ngữ… của nó. Đồng thời, bà mẹ phải ngồi suốt ngày suốt đêm ở trong viện bảo tàng để được nhìn nó.

Cả ba giải pháp đều thất bại, vì chẳng có giải pháp nào khả thi. Hay nói một cách khác, không thể nào ngăn cản được sự “mất tích” của một đứa con.

Thực ra, “mất tích” ở đây là cách nói bóng bẩy để chỉ tâm trạng của người mẹ khi thấy đứa con của mình càng lớn lên thì càng xa mẹ, và trở thành một người như mọi người khác trong xã hội. Đứa con vẫn còn đó, nhưng nó có đời sống riêng, không lệ thuộc vào người mẹ. Người mẹ, do yêu con quá, nên quên rằng mình đã từng là đứa trẻ và đã từng tách khỏi cha mẹ mình để sống một cuộc sống độc lập.

Từ chuyện con cái, Đặng Thơ Thơ mở rộng đề tài sang các lãnh vực khác. Theo cô: “Mất tích là đề tài nghiên cứu xã hội học mà cũng thuộc ngành khoa học tự nhiên. Định luật chuyển hoá của Newton nói rằng không vật gì tự nhiên sinh ra hay mất đi mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, người này biến vào trong người kia, dân tộc này mất trong dân tộc nọ, các vùng đất, các triều đại, các đế quốc cũng vậy. Cả ngôn ngữ nữa. Lịch sử đã chứng minh như thế” (trang 241).

Trong lịch sử thế giới, không biết bao nhiêu dân tộc, chủng tộc hay bộ lạc đã mất tích trong quá trình phát triển và suy vong của họ. Chẳng hạn như dân tộc Chàm ở Việt Nam. Hay các bộ lạc thổ dân ở Mỹ, Canada và Úc, nơi mà hàng trăm năm qua, các chính quyền da trắng tìm mọi cách để xóa bỏ sự tồn tại của họ, hoặc bằng cách giết hoặc bằng cách thủ tiêu truyền thống văn hóa và ngôn ngữ. Những di dân hội nhập thành công ở nước ngoài, thực ra, cũng là một hình thức mất tích, mất tích bản sắc, mất tích văn hóa, vân vân.

Đặng Thơ Thơ đặc biệt đề cập đến sự mất tích của người Việt Nam thời hiện đại qua kinh nghiệm cay đắng của những người ra nước ngoài trong chính sách “xuất khẩu lao động” của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay. Xuất cảng lao động trông chẳng khác gì “một hình thức nô lệ cấp nhà nước” hay nói khác đi, là “một đường dây buôn người dưới chiêu bài sạch sẽ và hợp pháp giữa hai quốc gia, trong đó mỗi con người chỉ là một khoản nợ” (trang 232).

Rốt cuộc, mất tích cách này hay cách khác đều là hiện tượng nhân sinh. Nhưng có một yếu tố không bao giờ mất tích, đó là tình mẫu tử. Đứa con có thể xa mẹ, bỏ mẹ, không nhớ gì đến mẹ, nhưng cái tình của người mẹ đối với đứa con thì trước sau vẫn không hề biến mất.

Trong Lời Cảm Tạ ở đầu sách, Đặng Thơ Thơ viết: “Cuốn tiểu thuyết này mang dấu vết của rất nhiều ‘Ai’ trong đời tôi: gia đình, bạn thân, những nhân vật trong văn chương và đời sống. Cám ơn con trai tôi Cookie–Daniel Nguyễn Trường Đăng – nhân vật của ‘Ai.’ Truyện khởi đi từ con và những lời con nói khi còn bé. Con đã giúp mẹ nhìn thấy thời gian dưới nhiều hình dạng, đã cùng mẹ tham gia vào trò chơi của thời gian và nhờ vậy mà thời gian trở nên dễ chịu đựng hơn.” (Trần Doãn Nho) [qd]


Nhà văn Đặng Thơ Thơ sinh năm 1962, lớn lên tại Sài Gòn, là cháu ngoại của nhà văn Hoàng Đạo, một trong những người sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn. Cô sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1992.

Cô là một trong những người chủ trương và sáng lập ra tạp chí mạng Da Màu từ Tháng Tám, 2006, tại Hoa Kỳ. Cô được biết đến như một trong những tác giả Việt Nam viết về những vùng ẩn khuất của giới tính.

Cộng tác với các tạp chí hải ngoại: Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Chủ Đề.

Hiện sống và làm việc tại Orange County, California.

Đã xuất bản: “Phòng Triển Lãm Mùa Đông,” “Khả Thể,” và “Ai.”


 

MỚI CẬP NHẬT