Thursday, April 25, 2024

Cái nợ chữ nghĩa

Quốc Dũng/Người Việt

SAN DIMAS, California (NV) – Cầm bút khi 15, 16 tuổi nhưng rồi thời cuộc thay đổi, mãi khi định cư ở Mỹ được 20 năm, chị mới cầm bút trở lại. Khi đó chị đã hơn 40 tuổi. Lý do đơn giản để chị làm việc này, là: “Tôi sống xa mẹ 15 năm, sau khi gặp lại mẹ, muốn cho mẹ vui và có truyện tiếng Việt cho mẹ đọc, tôi bắt đầu viết văn.”

Kể về tuổi thơ của mình, chị Tôn Nữ Thu Nga nói: “Ba mẹ tôi lập gia đình được một năm, lúc tôi vừa ra đời thì đất nước chia đôi, ba tôi từ chối chủ nghĩa Cộng Sản, trốn chạy về miền tự do. Sau mấy năm ở Huế, năm 1958, ba tôi đổi về làm quận trưởng quận Lệ Trung, tỉnh Pleiku. Vậy là gia đình nhỏ chúng tôi, cùng bà vú và vài cô giúp việc lên miền cao nguyên.”

“Hai năm sau ba tôi được thuyên chuyển về Nha Trang. Sau đó ông làm quản đốc Trung Tâm Huấn Luyện và Tu Nghiệp Công Chức. Sống trong thành phố biển 16 năm thì ba tôi mất tại Nha Trang, một năm sau ngày mất nước. Ngày ba tôi mất, tôi không được ở gần ông, lúc này tôi đang bươn chải kiếm sống ở California,” chị kể tiếp.

1.

Từ bé, cuộc sống của Thu Nga thật êm ả, trơn tru, bằng phẳng. Là chị cả của năm đứa em, nhưng mọi việc trong nhà đều có bà vú và người giúp việc lo liệu. Lần theo cha lên Pleiku, chị đã được cha mua cho con búp bê nhập cảng rất đắt tiền, có tóc vàng, mắt xanh, biết nhắm mắt, mở mắt. Theo chị, thời đó chưa có đứa con gái nào ở Pleiku có cả.

Nhà có xe hơi riêng, một lần trong chuyến từ Nha Trang ra Huế để thọ tang ông nội, chuyến về thì cả nhà được đi bằng máy bay. Theo trí nhớ của đứa trẻ 12 tuổi, đêm tối xe bon bon chạy thì bị chận xét giấy bởi mấy người “phe bên kia,” với gương mặt đen sạm, xương xẩu, ánh mắt tò mò,… Linh cảm của người dạn dày kinh nghiệm, cha chị sợ bị “phe bên kia” bắt vì tình hình trở nên biến động, ông đã cho tài xế đem xe về trước. Và đó cũng là chuyến hành trình cuối cùng về Huế của gia đình chị.

Một tác phẩm đăng trên bìa tạp chí Photographic Society of America Journal của Tôn Nữ Thu Nga. (Hình: Thu Nga cung cấp)

Lớn lên, chị vào đại học. Vừa học Pháp văn tại Viện Ðại Học Cộng Ðồng Duyên Hải, chị cũng vừa lấy chồng và sinh con. Tốt nghiệp ra trường, đi dạy được ba tháng tại trường Trung Học Sông Cầu ở Phú Yên thì chị chạy về Nha Trang vì tình hình chiến sự vào lúc ấy.

Lúc đó cha chồng chị đang làm việc tại Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ, nghe có biến nên ngày 25 Tháng Tư, 1975, đã đưa toàn bộ gia đình và hai mẹ con chị rời Việt Nam. Riêng chồng chị đang phục vụ trên chiến hạm HQ14, được biệt phái ra bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ðầu Tháng Năm, HQ14 cùng các chiến hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cứu vớt người tị nạn trên biển, rồi bắt đầu chuyến hải trình cuối cùng, tiến về Subic Bay, Philippines. Còn gia đình cha mẹ và các em của chị thì kẹt lại vì nhiều nguyên nhân.

2.

Chị và đứa con gái một tuổi ghé qua Philippines và đi đến đảo Guam, cuối Tháng Tư thì đến California. Tháng Sáu chồng chị gặp lại gia đình tại Camp Pendleton.

Cuối Tháng Bảy gia đình chị được bảo trợ bởi một nhà thờ Công Giáo ở Claremont. Từ đây chị được giới thiệu đi làm. “Tôi được giới thiệu vào làm việc cho một gia đình nuôi trẻ khuyết tật. Lúc đó tôi không mường tượng được công việc như thế nào, mọi thứ với tôi quá lạ lẫm,” chị hồi tưởng.

Nấu ăn? Không. Dọn dẹp nhà cửa? Không. Giặt giũ? Không. Mọi thứ với bà mẹ 21 tuổi là con số không tròn trĩnh. “Tôi không quen thuộc với đời sống mới, cũng như biết làm một việc gì khi chủ nhà hỏi, bởi vì từ nhỏ tới lớn ở với ba mẹ tôi chỉ đi học, đi chơi, nên chưa có kinh nghiệm gì về đời sống,” chị kể.

Lời giới thiệu của nhà văn Phạm Phú Minh, cựu chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21, về sách mới xuất bản của Tôn Nữ Thu Nga. (Hình: Thu Nga cung cấp)

Ấy vậy mà người ta nhận. Chị cười cái khì. Nhẹ cả người. “Mừng chứ, vì được nhận vào là chủ nhà cho gia đình tôi một phòng ở miễn phí và ăn uống cũng không tốn tiền. Rồi chủ nhà mới bày cho làm cái này, cái kia, chỉ cách dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, săn sóc người khuyết tật như thế nào…,” chị bồi hồi kể.

Làm quần quật để chăm cho bốn đứa trẻ khuyết tật, chị cũng mến tay mến chân. Biết mấy đứa trẻ thích ăn kem, thèm bánh kẹo nên mỗi lần đi chợ chị luôn mua nhiều hơn mọi lần.

Chị kể: “Mấy đứa nhỏ thèm ăn nên ăn dữ lắm. Mỗi lần mấy đứa đòi thì tôi đều cho ăn. Nhưng trớ trêu là chủ nhà nghĩ tôi ăn chứ không phải mấy đứa nhỏ, vì họ nói con nít không thể ăn nhiều như thế được. Tôi đuối lý vì không có gì chứng minh để chủ nhà biết. Vậy là ở được một thời gian, ba người chúng tôi phải ra đi.”

3.

Sau đó gia đình chị được người bảo trợ mướn cho một căn nhà trong khu chung cư. Vừa lúc đó chồng chị kiếm được việc làm, còn chị quyết định tằn tiện đi học nghề để đổi đời. “Vào trường tìm ngành học, nghe nói ngành hô hấp trị liệu ít người học vì khó học, nhưng nếu học thì làm nhiều tiền hơn. Vậy là tôi đăng ký học, dù không biết ngành này ra làm gì, nhưng nghĩ tới dễ có tiền là tôi không chút đắn đo,” chị Thu Nga cười nói.

Học xong một năm rưỡi thì chị đi làm tại một bệnh viện chuyên về bệnh phổi. Có việc làm, chị như con cá bơi trong nước. Rồi chị tiếp tục học thêm hai năm để lấy bằng hai năm vào buổi tối. Còn ban ngày chị vẫn tuần năm ngày đi làm, mỗi ngày tám giờ ở bệnh viện Queen of the Valley Hospital ở West Covina. Chị hóm hỉnh: “Nhưng tôi vẫn chu toàn việc nhà, săn sóc chồng con. Lúc này nhà tôi có thêm một thằng con trai, đủ nếp đủ tẻ.”

Chị cho biết vai trò chuyên viên hô hấp trị liệu của mình: “Khi một hài nhi chỉ sống nhờ vào máy thở, sự sống của bé phần lớn tùy thuộc vào sự khéo léo, đảm đang và trí tuệ của các nhân viên y tế mà quan trọng nhất là những chuyên viên hô hấp trị liệu. Những chuyên viên này được huấn luyện đặc biệt để có thể đương đầu với tất cả mọi trường hợp khẩn cấp khi hài nhi bị sinh thiếu tháng.”

Sương khói Sa Pa, Việt Nam. (Hình: Thu Nga cung cấp)

“Nếu hài nhi không có khả năng tự hô hấp, sau khi đặt ống thở vào khí quản bệnh nhân, người chuyên viên này phải biết đọc hình quang tuyến để quyết định vị trí chính xác của ống; sau đó, họ phải quan sát sự giãn nở của hai lá phổi để ước lượng áp suất khí bơm vào cho đầy đủ. Từng giây, từng phút tùy theo tình trạng đứa bé, người chuyên viên hô hấp trị liệu trong những khu dưỡng nhi lúc nào cũng phải chăm chú, theo dõi từng dữ kiện nhỏ để giữ đứa bé trong cõi sinh tồn,” chị nói tiếp.

Ði làm, kinh tế vững, năm 1980 khi nhập quốc tịch chị làm hồ sơ bảo lãnh mẹ và các em mình. Năm năm xa gia đình, và nghĩ tới mười năm sau được gặp mọi người, chị càng ra sức làm và học “để có được nhiều tiền mà lo cho mẹ và các em.”

Vừa làm vừa học cho đến năm 1990 thì chị lấy bằng cử nhân quản trị y tế tại University of La Verne. Lúc này, mẹ và các em chị bắt đầu sang Mỹ.

Vỡ òa. Mừng. Vui. Ðại gia đình đoàn tụ. Chị ứa nước mắt. Ngồi nói chuyện với các em, chị buồn man mác trong dạ mỗi khi các em kể chuyện đi buôn, đi thủy lợi,… “Tôi rời Việt Nam đã lâu năm, lúc nào cũng mang cái mặc cảm tội lỗi với anh em và bè bạn vì tự nghĩ rằng mình không chia sẻ gì với họ các nỗi thống khổ ấy,” chị trải lòng.

Chị bồi hồi: “Lòng tôi day dứt khi nghe tin những người bạn gục ngã trong rừng sâu vì mang bệnh sốt rét, người mang bệnh suyễn không có thuốc uống, người có đôi mắt sắp mù,… Dù bao nhiêu tiền bạc, thuốc men gửi về quê hương cho gia đình, cho bạn bè cũng không làm cho tôi vơi được cái cảm giác của người trốn chạy!”

4.

Nhớ những năm đầu sang Mỹ, thấy người ta cầm máy hình chụp cho con cái họ, chị thèm lắm nhưng chỉ nuốt nước bọt vào trong. Cái “thèm” của chị là ảnh hưởng một phần từ người cha của mình. Chị chia sẻ: “Ba tôi là người can đảm lắm, khi còn trẻ, ông chu du khắp miền Việt Bắc vì ông thích nhiếp ảnh và du lịch. Mỗi lần ba xách máy ảnh đi chụp hình là tôi đòi đi theo, đòi nhìn qua ống kính và ngẩn ngơ khi thấy một cái ống nhỏ xíu mà thấy được quá nhiều thứ. Lúc đó tôi mới năm, sáu tuổi.”

Chiều trên sông Tonlesap, Cambodia. (Hình: Thu Nga cung cấp)

Khoảng năm 1988, tình cờ chị đọc được trên báo Người Việt dòng thông báo lớp dạy nhiếp ảnh miễn phí, thêm lần nữa chị “thèm” được đi học nhưng không được vì phải đi làm vào Chủ Nhật. Và rồi, chị khuyến khích chồng đi học, vừa giúp anh có thú vui giải trí, vừa giúp chị học lóm từ chồng. Vậy là anh Trần Tuấn, chồng chị, theo học lớp ảnh của Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tại Westminster và chị học lại từ anh!

Thế là với bao bộn bề của cuộc sống, ngót 30 năm sau chị đã làm được điều mình ao ước “muốn thâu tóm mọi vật trong ống kính.” Chồng chị sau khi tham gia các khóa nhiếp ảnh nghệ thuật thì cũng bị nhiếp ảnh “hớp hồn,” vậy là anh đi học thêm ở trường Tri-Community Photography ở Covina. Rồi một năm sau anh trở thành giảng viên của Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam cho đến nay.

Giống như cha mình, chị cũng thích du lịch và đã đi rất nhiều quốc gia khác trên thế giới ngoài Mỹ và Việt Nam để tìm cái đẹp. Niềm đam mê nhiếp ảnh đem về quả ngọt khi chị thắng hàng chục giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, trong đó giải thưởng danh giá nhất là huy chương vàng PSA của Hội Nhiếp Ảnh Mỹ với bức hình chụp hải đăng Pigeon Point Lighthouse ở Santa Cruz.

“Một bức ảnh đẹp đòi hỏi nhiếp ảnh gia có trình độ kỹ thuật, biết cách bố cục, dùng ánh sáng, tạo độ tương phản. Ngoài cách chụp hình thì khi rửa hình phải biết chỗ nào cần phải đốt, chỗ nào cần phải che, sắc độ thêm bớt như thế nào để có bức hình ưng ý… Sau khi rửa một tấm hình rất thành công, khó mà rửa được tấm hình giống như vậy lần thứ hai,” chị chia sẻ.

Tuy nhiên, dù thích du lịch nhiều để chụp hình và hình đoạt giải hầu hết là phong cảnh và chân dung nhưng “tôi thích nhất là chụp hình chân dung, vì chân dung dù của người hay vật, biểu lộ được tâm tình và cảm xúc, đó mới chính là vẻ đẹp tuyệt vời tạo hóa đã ban cho chúng ta. Ðồng thời, với công việc là chuyên viên hô hấp trị liệu, tôi đã chăm sóc không biết bao nhiêu đứa trẻ. Tôi thường xuyên chụp ảnh cho những em bé thiếu tháng và các em bé mới sinh để tặng cho bố mẹ chúng. Và đó là những gương mặt xinh đẹp nhất!”

5.

Và có lẽ nhiếp ảnh đã xui khiến chị viết văn. Bởi vì xung quanh một tấm ảnh đẹp có thể là cả một câu chuyện lý thú, ly kỳ, một duyên may không ngờ trước… mà nếu không viết ra thì tiếc lắm! Nhưng thực ra chị đã viết văn từ năm 15, 16 tuổi, được đăng nhiều trên tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.

Trẻ em trên sông Tonlesap, Cambodia. (Hình: Thu Nga cung cấp)

Cái nợ chữ nghĩa của chị bắt đầu từ năm 1995, sau 20 năm ở Mỹ. “15 năm xa mẹ với nhiều nhớ thương khắc khoải, tôi bắt đầu viết văn để mẹ vui và có truyện tiếng Việt cho mẹ đọc. Dĩ nhiên là mẹ tôi thích lắm. Tôi cũng vui khi thấy tác phẩm đầu tay của mình được chọn đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21. Một tạp chí theo ý tôi rất có giá trị trên diễn đàn văn chương, chính trị và nghệ thuật thời ấy,” chị tâm sự.

Rồi giọng chị chùng xuống: “Nhưng viết được vài năm cho mẹ đọc thì Tháng Tư, 2000, mẹ tôi mất, ngay trong nhà thương tôi đang làm việc. Tôi nhớ những bước chân vô hồn của mình, từ khu dưỡng nhi qua khu người lớn. Ngoài sân bệnh viện, hoa tím Jacaranda phủ ngập bầu trời. Tôi bước vào phòng mẹ, trước ánh mắt của các em tôi, tôi tự tắt máy thở cho mẹ để tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ đó, tôi không viết được nữa…”

Vượt qua nỗi buồn này, chị tham gia nhóm Project Vietnam (được Hàn Lâm Viện Y Khoa Hoa Kỳ chính thức công nhận và bảo trợ) của Bác Sĩ Quỳnh Kiều, về Việt Nam làm thiện nguyện. Mục đích của chuyến đi là dạy lý thuyết cơ bản phương pháp cấp cứu trẻ em thiếu tháng bằng áp suất khí dương cho nhân viên y tế Việt Nam tại các trường Ðại Học Y Dược Sài Gòn, Ðại Học Y Hà Nội, bệnh viện Nhi Ðồng… Kèm theo đó là dạy cách cấp cứu trẻ sơ sinh, cũng như tổ chức các cuộc họp, học tập và bàn bạc phương pháp trị liệu các bệnh thông thường hay xảy ra cho trẻ sơ sinh thiếu hoặc đủ tháng.

Nhiều năm kế tiếp chị tập trung vào nhiếp ảnh và đọc sách, đi làm việc nhà thương và các công việc thiện nguyện. Nhiều lần than thở với nhà văn Phạm Phú Minh, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21, về sự tắc tị cảm xúc với văn chương thì ông khuyên: “Không sao đâu, cứ đọc sách đi, một ngày nào đó tự nhiên mình sẽ viết lại được.”

Chị kể: “Vài ba năm sau, trong sân bệnh viện, những cây Jacaranda không ra hoa vì bị cắt tỉa quá nhiều, mỗi Tháng Tư tôi nhìn ra sân, ngóng chờ mùa hoa tím, màu mẹ tôi thích nhất, nhưng không thấy! Bỗng một ngày, tôi đi trong hành lang bệnh viện, ngang qua căn phòng với chỗ nằm cuối cùng của mẹ mà lòng không nhói đau nữa. Năm ấy hoa Jacaranda ngoài sân nở lại!”

“Tôi viết lại. Viết để cảm tạ đời sống. Viết để trút đi những ưu phiền, bâng khuâng trong tâm tư. Viết để mang cho độc giả những nụ cười. Viết để chia sẻ với bạn nỗi vui buồn trong đời lãng du của mình. Viết vì chồng tôi thích đọc những điều tôi viết… Tôi có cảm hứng viết và viết nhiều, lăng nhăng đủ thứ, từ truyện ngắn đến bút ký rồi ký sự về nhiếp ảnh, về công việc y tế thiện nguyện. Hình phong cảnh tôi chụp cũng lâu lâu được in lên trang bìa các tờ báo mà tôi cộng tác,” chị trải lòng.

Viết nhiều, chị đã xuất bản tập truyện ngắn và bút ký đầu tay “Tuổi Thơ” vào năm 2011. Ðây là tập hợp đầu tiên các bài viết của chị trong khoảng thời gian trên dưới mười năm để in thành sách. Và năm 2015 chị xuất bản cuốn sách thứ hai là “Ngày Nắng, Ðêm Mưa.”

Giới thiệu về hai tập sách này của chị, nhà văn Phạm Phú Minh viết: “Tôn Nữ Thu Nga là một cây bút rất Huế, mặc dù cho tới nay thời gian sống ở hải ngoại của cô thì nhiều hơn tại Việt Nam, và ngay khi còn sống tại Việt Nam thì thời gian ở Nha Trang và một số nơi khác có lẽ nhiều hơn ở Huế. Thế mà nếu hỏi đặc tính nổi bật trong văn chương của Thu Nga là gì, thì tôi trả lời ngay, là Huế.”

“Thu Nga là một chuyên viên về y tế ở Mỹ, thế mà cô rất ham thích nghệ thuật, thoạt tiên là nghệ thuật tạo hình bằng nhiếp ảnh, rồi sau đó, viết văn. Có lẽ cái trước làm nảy sinh cái sau. Tôi tự hỏi: cái nào là chính? Và phân vân thấy khó trả lời. Cô có lối viết hồn nhiên kể lại sự việc trên đường đi như chẳng cần quan tâm đến kỹ thuật, nhưng những gì cô kể tưởng như ‘thấy gì nói đó’ thật ra đã qua một sự lựa chọn rất tinh tế, lối lựa chọn có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng của nghệ thuật chụp hình nhằm phát giác những góc độ thật độc đáo…,” nhà văn đúc kết. (Quốc Dũng)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT