Saturday, April 27, 2024

Đà Lạt, xứ lan ngày cũ

Nguyễn Vĩnh Nguyên

LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Cùng sắc mai anh đào rực hồng trên phố phường, thì những chậu địa lan tươi xinh trong phòng khách, những giò phong lan treo trước hiên nhà buông từng chuỗi hoa đầy hương sắc đã góp vào không gian Tết của người Đà Lạt xưa.

Bìa giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay có hình ảnh hoa phong lan do chính Nhất Linh vẽ trong thời kỳ ở Đà Lạt. (Hình: Nguyễn Vĩnh Nguyên sưu tầm)

Cuộc sống ở Đà Lạt ngày xưa đủ chậm rãi, không gian đủ trong lành để con người có một điều kiện lý tưởng để thư nhàn, thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh tế, đôi khi là cầu kỳ trong thú chơi phong lan.

Ngắm một chậu lan bên hiên nhà, người Đà Lạt hiểu thời tiết đổi thay, hiểu bốn mùa chuyển dịch, chiêm nghiệm về thời cuộc vần xoay và tri túc trong đời sống. Họ sống trọn vẹn với thời gian.

Có lẽ trước khi Bác Sĩ Alexandre Yersin băng rừng khám phá cao nguyên Langbiang năm 1893, trước khi ông cùng toàn quyền Paul Doumer đồng hành trong một chuyến khảo sát miền cao nguyên này vào năm 1899, người sắc tộc ở vùng sơn cước cuối dãy Trường Sơn đã biết treo mình trên những thân cây lớn giữa rừng già để hái về thứ hoa quý muôn màu muôn dạng và có làn hương mê hoặc.

Hình ảnh Đà Lạt năm xưa trong các bưu ảnh thời thuộc Pháp và các nhà nhiếp ảnh thời Việt Nam Cộng Hòa thường miêu tả những người con núi rừng xuất hiện giữa đô thị Đà Lạt với sự tương phản giữa hoang dã thuần phác và văn minh sang trọng. Nhưng sâu xa, những bức ảnh thường gợi cảm giác tương thông, dễ chịu chứ không đi đến tương phản gay gắt.

Người miền Thượng quấn những chiếc xà-rông thổ cẩm, phụ nữ đôi khi để ngực trần, đàn ông miệng ngậm tẩu và đa phần, kể cả trẻ em, thường gùi sau lưng những gùi củi ngo, hay những nhánh phong lan rừng. Họ đi bộ qua những rẻo rừng sương giá lần về phố, lủi thủi từng nhóm, chậm rãi và kiên trì như những tín đồ đi hành hương với của lễ mộc mạc trên vai. Họ mang sản vật của rừng về phố, nơi trước đây có thể tổ tiên họ từng dựng làng lập trại, và rồi lịch sử kiến tạo đô thị đã đẩy họ đi về phía núi thẳm.

Họ đi, những chân trần bước nhỏ hoang vu như chơi vơi trong sương lạnh, trở về miền xứ hoài niệm với hành trang là loài hoa trôi dạt trong gió trời.

Nhất Linh vẽ hoa lan như một “logo” trong bích chương quảng cáo tờ Văn Hóa Ngày Nay. (Hình: Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Những chùm phong lan đơm hoa trên những miệng gùi mây chắc chắn đã theo bước chân họ đi vào những vườn phố của người Pháp, người Kinh như món quà hòa ái và bao dung, đáp lời cho những áp đặt và ruồng bỏ, can dự và truất hữu – vốn là những thúc đẩy không thể nào tránh khỏi trong sự khởi sinh của mọi đô thị, đâu riêng gì Đà Lạt. Họ vẫn kiên trì truyền đạt lời nhắc nhở nhỏ nhẹ từ rừng, thông điệp hóa giải từ rừng.

Theo cách đó, phong lan từ rừng đã theo chân những đứa con thuộc về giới tự nhiên mang về trình hiện giữa phố, rồi hài hòa thích ứng với những hệ sinh thái vườn giữa phố mà góp nên nhan sắc thanh tao của miền xứ này.

Người Pháp đã từng bị phong lan rừng Đà Lạt mê hoặc. Có thể từ trong các chuyến săn, thám hiểm và những lớp huấn luyện sinh tồn giữa núi rừng cao nguyên, họ đã choáng ngợp trước vẻ đẹp trinh nguyên của những đóa lan rừng Langbiang.

Năm 1944, dưới thời toàn quyền Jean Decoux, Đà Lạt là một trường học truyền bá tinh thần của chế độ Vichy, thành phố trở thành trường huấn luyện của các phong trào hướng đạo sinh. Trong ghi chép của các hướng đạo sinh, có nhiều đoạn nói về niềm háo hức đi vào thiên nhiên Langbiang. Một hướng đạo sinh đã gọi đây là cuộc chinh phục “những ngọn núi đầy hoa phong lan, băng qua khu rừng đầy đỉa sau khi đi lạc trong thung lũng bí ẩn” (Revue mensuelle des jeunes de Dalat 1; ngày 1. 11. 1943).

Sau năm 1954, phong lan trở thành một thú chơi hưởng nhàn của những tao nhân mặc khách đến Đà Lạt. Mà để lại nhiều dấu ấn, phải nhắc đến nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam.

Năm 1955, sau khi giấc mộng chính trường tan vỡ, thì nhà văn-chính trị gia Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam đã chọn Đà Lạt làm nơi lui về, sống ẩn dật. Ông trở thành một người tầm lan và chơi lan. Trong khoảng ba năm, cho đến 1958, ông đã chuyển chỗ ở ba lần, ban đầu từ một căn gác trọ trên khu phố Pháp (tầng trên cửa hiệu Poinsard & Veyret, số 12 Yersin) sống cùng con cô gái và cậu con trai út, sau này là nhà văn Nguyễn Tường Thiết; sau đó là biệt thự số 19 Đặng Thái Thân và cuối cùng là căn nhà gỗ bên dòng Đa Mê (Fi-nôm).

Thời ở Đà Lạt, hằng ngày, ông đi vào rừng tìm lan cùng với nhóm bạn thân thiết, có khi là cùng với các nhà văn, ký giả từ Sài Gòn lên, kể cả những chính khách bí mật lân la thăm dò “hành tung” của ông.

Cuốn hồi ký “Nhất Linh, Cha Tôi” (đã xuất bản chính thức tại Việt Nam) của Nguyễn Tường Thiết có nói khá chi tiết về giai đoạn này cho thấy hành trình tìm lan của nhà văn Nhất Linh không chỉ dừng lại ở những cánh rừng Đà Lạt, mà còn đi xa đến đèo Bảo Lộc và đôi khi xuống tận khu vực Dran. Đây không phải là những chuyến đi “mượn lan để lánh đời,” hay như Lê Hữu Mục viết là “trùm mền ở Đà Lạt,” mà quả thực là trong một thời gian ngắn, vẻ đẹp của lan rừng Đà Lạt đã có sức mê hoặc, quyến rũ nhà văn, chính trị gia này chìm vào trong khung cảnh tịnh mặc, bình an.

Những bức ảnh tài liệu gia đình do ông Nguyễn Tường Thiết công bố được chụp vào thời điểm này ghi lại cảnh tác giả “Đoạn Tuyệt” thổi hắc tiêu giữa cánh rừng trên đường tìm lan, căn phòng trọ của cha con ông treo đầy những giò phong lan đang trổ hoa và khoảng sân biệt thự 19 Đặng Thái Thân (nơi Nhất Linh chuyển chỗ ở lần thứ hai để có đủ rộng mà chơi lan) cũng có một vườn lan rừng. Ta thấy nhà văn chủ soái Tự Lực Văn Đoàn đang nhàn nhã bên những chậu lan và trông thật khỏe mạnh, thư thái trong đời sống ẩn dật.

Nguyễn Tường Thiết có thuật lại trong cuốn hồi ký rằng cha ông từng có lúc mê phong lan đến độ quên mất đi sự nguy hiểm với con mình.

Tết năm 1956 tại căn phòng trọ số 12 Yersin, Đà Lạt, gia đình nhà văn Nhất Linh sum họp bên bức tường đầy những giò lan rừng mà ông sưu tầm. (Hình: Tài liệu)

“Một bữa kia trong buổi đi tản bộ thường lệ buổi sáng, cha tôi bất ngờ trông thấy và chỉ cho tôi coi một đóa phong lan mọc lưng chừng cao trên một cây thông già khẳng khiu bên bờ hồ Xuân Hương. Vẻ đẹp thiên nhiên của đóa hoa khiến Nhất Linh ngây người ngắm nghía, nhất là dáng mảnh mai thướt tha của chùm hoa buông thả xuống tương phản hẳn với nét mạnh mẽ cứng cáp của bẹ lá và cánh hoa có màu vàng tươi nổi bật lên trên nền nâu đậm của gốc thông. Ông bèn sai tôi trèo lên gỡ nhánh lan xuống.

Nhất Linh hẳn là phải xúc động lắm khi ông bất ngờ tìm được thứ hoa quý này vì tôi thấy ông không để ý đến việc thằng con ông trèo lên thân cây cheo leo dám có thể sẩy tay ngã lắm mà chỉ luôn miệng nhắc chừng tôi cầm kheo khéo để khỏi làm gãy nhánh hoa. Mang được cây lan quý về nhà, ông liền trồng lên một khúc cây mục, lại sai tôi đi tìm rêu để đắp vào rễ cho giữ độ ẩm, rồi treo ngay trên tường trong phòng ngủ, cả ngày hôm đó ông say sưa ngắm nghía mãi không chán.” (Nhất Linh, Cha Tôi).

Vì vậy cũng có thể hiểu vì sao thời kỳ này Nhất Linh quên luôn cả viết văn. Ông bị loài hoa này cuốn vào trong một thế giới an nhàn tuyệt đối, nơi không có những tham vọng toan tính chính trị, những xung đột đảng phái của một thời kỳ nhiễu loạn và mờ ám, không cả cơn say văn chương. Nguyễn Tường Thiết viết rằng Nhất Linh mê hoa lan đến mức “quên ăn quên ngủ và quên luôn cả việc viết lách.” Toàn bộ thời gian của nhà văn dường như chỉ chuyên chú vào lan.

Người con út của ông nhớ lại: “Cái thú tản bộ của ông không còn mang mục đích tập thể dục buổi sáng hoặc để giúp ông thả hồn trong dòng suy tưởng nữa mà lúc này đã mang một mục đích mới: ông đi tầm lan, có khi đi suốt ngày, băng rừng lội suối, ông đi một mình hay đi cùng với những người bạn cùng mê lan như ông, để rồi chiều chiều về đến nhà mệt nhoài nhưng hí hửng với một hay hai đóa hoa lạ trên tay. Hôm nào không đi tìm lan thì ông đi tìm những những khúc rễ cây lớn có hình thù lạ mắt về nhà gọt dũa để gắn hoa phong lan lên trên hoặc ông lui cui xếp và đóng những thanh gỗ với nhau để làm rổ treo lan, mỗi rổ có một kiểu cọ khác nhau, rồi ông treo lan lên tường, treo cùng khắp gần như kín cả phòng. Mẹ tôi rất bận rộn buôn bán ở Sài Gòn ông cũng gọi lên Đà Lạt sống với ông ít ngày để cùng thưởng lan với ông. Cái nhiệt tình của Nhất Linh đã lây sang rất nhiều người khác làm sống dậy phong trào chơi lan và tầm lan của dân Đà Lạt những năm 1956-1957” (sách đã dẫn).

Cũng trong cuốn sách trên, Nguyễn Tường Thiết đã mô tả cha mình như một nhà phong lan học. Văn nhân không còn chơi lan như một thú bâng quơ cho qua ngày tháng ẩn dật, mà biến niềm hứng thú của thưởng ngoạn thành một nghiên cứu công phu, rồi cho lan Đà Lạt một sự sống mới khi tìm cách định danh và hệ thống hóa các tên gọi: “Nhất Linh chơi lan công phu hơn những người khác vì ngoài việc tầm lan ông còn ra thư viện tra cứu hoặc đặt mua từ bên Pháp các sách ngoại quốc viết về hoa phong lan, rồi tỉ mỉ phân loại, so sánh với hoa ở địa phương. Ông lại vẽ từng đóa hoa một, đặt tên và ghi chú từng đặc tính, với dụng ý sau này làm tài liệu viết một cuốn sách. Chiều nào ông cũng thổi hắc tiêu, nói là thổi cho lan nghe. Ông thổi bản ‘J’ai rêvé de vous.’ Vous đây chính là đám hoa quấn quýt xúm lấy ông, nào là Nhất Điểm Hồng, Huyết Nhung Lan, Bạch Hạc, Tím Đồi Mồi, Hoa Cô Dâu, Bạch Ngọc, Thanh Ngọc, Văn Bao… thứ treo trên vách, thứ cắm trong chậu, thứ bày trên bàn.”

Nhà văn “Đoạn Tuyệt” mê lan Thanh Ngọc, nên về sau đã về Fi-nôm mua một lô đất, cạnh dòng suối Đa Mê, cất một căn nhà gỗ, đặt tên là Thanh Ngọc Đình. Đây là một khe núi, vùng địa thế thường có gió thốc, nên căn nhà do chính nhà văn dựng lên đã bị gió bão xô đổ vào năm 1958.

Nhà văn Nhất Linh thổi hắc tiêu bên hoa phong lan tại Đà Lạt, khoảng 1957. (Hình: Tài liệu)

Sau đó Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam cùng các con trở về Sài Gòn; ông lại làm báo, phản kháng chính trị và kết cục là chọn cái chết “để lịch sử xử” vào năm 1963.

Trên những cuốn giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay xuất bản tại Sài Gòn vào quãng năm 1959 do Nhất Linh chủ trương, thường có đăng những bài thơ xướng họa về hoa lan của văn nhân với những người bạn như Bùi Khánh Đản, Lê Đình Gioãn về hoa lan cạnh những bức tranh ký họa, đặc tả hoa phong lan của Nhất Linh. Có số Văn Hóa Ngày Nay đã chọn tranh bìa chính là hoa lan Đà Lạt cũng do Nhất Linh vẽ. Lan Đà Lạt đã trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí Nhất Linh, có lẽ cho đến khi ông uống ly rượu có pha độc dược để tự quyết định đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình.

Đúng là khoảng cuối thập niên 1950, Đà Lạt đã có phong trào chơi lan. Thú chơi đòi hỏi thời gian, sự hiểu biết và một chút đòi hỏi tinh thần nhàn nhã, thanh tao này được khơi dậy ở thời điểm đó, có thể lý giải bằng sự phát triển của giới trung lưu trí thức và công chức người Việt trên thành phố này sau sự kiện 1954.

Trên tờ Xây Dựng Mới – nguyệt san Văn Hóa Mỹ Thuật Kiến Trúc số 3 Tháng Sáu, 1958 – do Kiến Trúc Sư Hoàng Hùng làm chủ nhiệm có một chuyên đề về du lịch Đà Lạt, dành gần một trang rưỡi để đăng bài viết “Phong lan,” nói về thú chơi lan ở thành phố này.

Bài viết ghi nhận rằng, ngoài lan mà “người ít tiền và dễ tính” có thể mua từ các gùi lan của đồng bào thượng ở chợ Đà Lạt mang về nhà chăm, thì những tay chơi lan dụng công (có chuyên môn và kinh nghiệm) thì phải chăm sóc “dưới những dàn gỗ mát dợi, trong những chậu lớn nhỏ san sát cạnh nhau, cho mầu hoa nọ chen với mầu hoa kia, thoang thoảng hương bay trong im lặng, với thỉnh thoảng một tiếng ong bay ve ve ở trên đầu.”

Thưởng lan, theo tác giả bài báo trên, là những du khách biết ý tứ, như đi dưới dàn phong lan phải “đi nhẹ bước và tự nhiên không dám động mạnh tay dù là vào một tàu lá.”

Một gia đình ở đường Cô Bắc, Đà Lạt, chụp ảnh Tết trên một ban công trang trí bằng hoa phong lan vào năm 1954. (Hình: Trích từ bộ sưu tập của Nguyễn Vĩnh Nguyên)

Ký giả của tờ Xây Dựng Mới kể chuyện ông Lê Văn Phước, một nhà chơi lan lớn bậc nhất ở Đà Lạt thời đó, đã có một giàn lan vĩ đại như một chợ hoa; phải đi hết dãy nọ sang dãy kia hàng giờ mới xem hết đủ mọi chi loài của lan. Ông Phước nói với tác giả bài báo rằng, nhóm ông có sáu người là bạn thân thiết cùng niềm đam mê. Họ thường vào rừng sâu để tìm hoa mọc trên cây rất cao, dùng ống nhòm xem trước, nếu đúng là loài lan ở nhà chưa có thì mới trèo lên hái. Khi trèo lên, người tầm lan phải đóng đinh vào thân cây chủ, hái được hoa thì thòng dây thả lan xuống trước và người thì leo xuống sau. Người tầm lan phải đối diện với hiểm nguy do thân cây giữa rừng có nhiều kiến, sâu bọ và những loài côn trùng mang nọc độc.

“Nhưng nếu nghề chơi mà chẳng khó khăn như vậy thì ai mà không chơi được phong lan?,” ông Phước nói với người viết.

Công phu đâu chỉ dừng ở đó. Việc chăm lan cũng phải tỉ mỉ thì những thân tầm gửi từ hoang dã mới cho hoa thơm giữa những khu vườn phố, có khi người chơi lan phải kiên nhẫn thức, ngủ cùng lan trong suốt vài ba năm, theo dõi từng manh nha của chồi lá thì mới biết được là có thể thuần hóa được hay không. “Phải bón bằng rễ cây dương xỉ và cây mục, rêu, rong và phải tưới tắm luôn luôn để xem chừng đọt cây mọc ra hay từng cành lá rụng đi. Có khi có cành kia khô rồi, vẫn phải chờ cho đọt này hút hết chất nhựa của cành kia mà cao lên thì khi cắt cành, đọt cây mới sống được. Công phu thực là hơn một nhà thông thái ghé mắt dòm những con vi trùng,” bài báo mô tả.

Công phu đó được đền bù bằng “sự phơi bầy các thứ màu sắc hình dáng tân kỳ hằng ngày cho xem,” này là lan Ngũ Hồ, màu sang như gấm dệt trên áo các bà hoàng xưa nơi cung cấm, lan Bạch Ngọc thì trắng tinh khiết mà không lụa là hay một loại giấy nào sánh nổi, lan Trân Châu thì lóng lánh tựa những hạt minh châu, lan Tiên Hài thì mình hoa cuốn như mũi hài tiên nữ chỉ còn chờ mỹ nhân ướm vào, Lan Hồ Điệp thì như đàn bướm rập rờn trước gió và nào là Vị Hài, Mỹ Dung, Thủy Tiên…

Người bản địa gùi ngô và hoa phong lan về phố chợ Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng thập niên 1950. (Hình: Tài liệu)

Bài báo cũng nói rằng chính người chơi lan rừng sẽ đặt tên cho các loài hoa rồi nhất quán trong một hệ thống chung. Vào thời điểm bài báo được viết, giới chơi lan Đà Lạt đã hệ thống hóa được 1,500 loài phong lan bản địa.

Tác giả bài báo đi đến một cảm nhận có phần cường điệu rằng, nếu du khách lạc vào một vườn lan, chìm đắm trong nhan sắc các loài lan thuần khiết, khi “bước ra vườn nhìn những cẩm-chướng, những hồng, cúc, huệ, le-dơn… tuy vẫn đẹp, vẫn rực rỡ, nhưng sao ta thấy gờn gợn cái gì như trần tục quá.”

Bài viết về thú chơi lan trên tờ Xây Dựng Mới đã kết thúc bằng chuyện một người chơi lan có tiếng – đạo diễn Thái Thúc Nha. Ông Thái Thúc Nha là chủ hãng phim Alpha; trước 1975, ông Nha có căn biệt thự ở trên đường Hoa Hồng (nay là Huỳnh Thúc Kháng), Đà Lạt. Ông Nha được biết đến là người chơi lan “không ngại tốn tiền.” Ông không chỉ chơi các loài lan bản địa từ rừng núi hoang dã, mà còn mua các giống lan từ California, Honolulu (Hawaii) mang về Đà Lạt chăm. Ký giả tờ Xây Dựng Mới viết rằng, ông đạo diễn duy mỹ này còn “không những không dám để trong nhà cho im gió và mát mẻ mà còn phải để trong tủ kính cho ruồi bọ không ngửi thấy mùi thơm mà vào phá hoại hoa.”

Thú chơi phong lan phản ánh tâm tính sống ẩn mình trong thiên nhiên, những hành xử thanh tao và tiết độ của người Đà Lạt, hoặc những người chọn Đà Lạt để gắn bó ở vào thời điểm mà thành phố này có một nhịp sống chậm rãi thường hằng, trong lành và vô nhiễm với những lao xao chính biến, chiến cuộc.

Ẩn mình dưới những giàn lan, chìm đắm trong một làn hương thoảng hay một cánh hoa đẹp thuần khiết, con người sống trọn vẹn hài hòa với đất trời, nhờ đó được chữa lành, được đầy tràn sức sống, thêm yêu cái đẹp thâm viễn trong đời.

Nhà văn Nhất Linh bên hoa lan. (Hình: Tài liệu)

Trong tùy bút “Giáng Sinh Hãy Chờ” viết vào năm 1970 của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, một cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt, đã đặt mình vào vai một chàng trai gửi thư cho người tình tên Vy, mong ước một ngày kết thúc chiến tranh, họ sẽ về Đà Lạt dựng ngôi nhà tận hưởng đời sống thanh bình. Ngôi nhà trong tưởng tượng ấy được mô tả gắn với loài hoa lặng lẽ mà thuần khiết, biểu trưng của một đời sống thư nhàn lý tưởng: “Hãy tưởng tượng ngôi nhà ta ở Đà Lạt, mái ngói đỏ hình dấu mũ, sàn nhà bằng gỗ đánh vẹc-ni, vách thơm mùi trầm, treo đầy những hoa phong lan mà em nhặt được bên bờ suối chiều qua.” (Nguyễn Vĩnh Nguyên) [qd]

MỚI CẬP NHẬT