Monday, March 18, 2024

Đọc bút ký ‘Thượng Du Niềm Thương Nhớ’ của Lâm Chương

Trần Doãn Nho/Người Việt

“Xuất thân” là nhà thơ, vốn nổi tiếng từ trước 1975 qua các tạp chí văn chương Sài Gòn và sau này, qua các tạp chí văn chương hải ngoại, năm 1998, Lâm Chương bắt đầu viết văn.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau, nhà văn Lâm Chương dường như che khuất hẳn nhà thơ Lâm Chương, khiến cho có người mới biết không ngờ rằng Lâm Chương đã từng làm thơ và làm thơ rất hay.

Anh nổi tiếng ngay với tác phẩm văn xuôi đầu tay: “Ðoạn Đường Hốt Tất Liệt.” Nói cho đúng ra, anh nổi tiếng ngay khi mới viết những truyện đầu tiên. Vững vàng, điêu luyện, thâm trầm.

Sau đó, anh viết đều đặn với những truyện ngắn càng ngày càng sống, càng cay, càng nồng, càng…thâm (và càng… ngạo đời!). Hầu hết những truyện của anh đều lấy khung cảnh đời lính, trong trại tù hoặc trong thời gian đầu khi Cộng Sản mới chiếm miền Nam Việt Nam.

Tại sao anh cứ viết mãi về chuyện tù và chuyện lính? Anh trả lời bằng cách sử dụng những nhân vật trong truyện của anh.

“Tuổi lớn rồi, học không vô. Tiến thân bằng cái đầu không được. Thôi thì đi làm cu li, cơm áo qua ngày. Sống mà không nhìn về tương lai, không chờ đợi điều gì cả là một bi thảm. Ngoái trông về quá khứ cũng thấy đầy những gai góc tai ương, nhưng đó là phần đời gắn liền với chúng tôi. Ðó là da thịt, là vốn liếng một đời người. Mang cái vốn liếng u buồn này đi vào tương lai, cũng giống như vác cái quá khứ bốn ngàn năm lac hậu lên phi thuyền bay vào vũ trụ. Lâu lâu, giở lại quá khư săm soi, như người ta nâng niu gìn giữ một món đồ cổ. Cổ vật càng xưa càng quý. Tâm trạng chúng tôi bây giờ là thế” (Con Suối và Chiếc Cầu Treo).

Ở một truyện khác, anh viết: “Sau một lần viết về trại tù Cộng Sản, tôi lại tự nhủ với lòng đây là bài cuối cùng, không nhắc đến nữa. Nhưng nó như cái bóng đen ám ảnh tôi hoài. Và tôi lại viết về nó. Tôi viết như người kể chuyện để giải tỏa nỗi ám ảnh” (Lê Thơm).

Tác phẩm văn xuôi đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Văn Học (California) là một bút ký. Theo tôi, đây là một trong những bút ký xuất sắc viết về một trại tù Cộng Sản của một người lính VNCH sau 1975. Trại tù nằm ở một vùng núi rừng miền Bắc: “Trại nằm trong thung lũng, sát chân núi. Núi không có tên. Núi chập chùng trùng điệp, đếm không hết. Cả một vùng bao la núi non hiểm trở trải dài lên tận biên giới, mang chung một tên Hoàng Liên Sơn.”

Hãy nghe tâm sự của người tù Lâm Chương: “Ở đây, không đo thời gian bằng kim đồng hồ. Trưa nghe chim bắt-cô-trói-cột kêu trên đầu núi, biết đang mùa hạ. Đêm nằm nghe cú rúc ngồi đầu hồi, biết đang mùa Đông. Thung lũng ít chịu mặt trời. Âm khí núi rừng pha trong sương đục, nhòa nhòa lán trại. Cái lạnh rờn rợn nhiễm vào người, lâu dần thành quen. Thiên nhiên tập cho con người biết chịu đựng. Về với thiên nhiên, thở cùng cỏ cây. Đi trên đất ẩm, nghe mùi rong rêu lá mục. Làm quen với muỗi đói vắt rừng. Coi thường độc trùng rắn rít. Ngồi lặng hàng giờ, ngắm những bông hoa dại âm thầm ngoi lên từ kẽ đá. Thưởng thức tinh hoa của đất trời, cũng là một cách dưỡng sinh. Dựa lưng gốc đại thụ, thấu lẽ câm nín ngàn đời. Quên chuyện ngày trước. Bỏ chuyện ngày sau. Sống đời hoang dã. Thú rừng vô tâm không biết buồn. Ai nặng thất tình lục dục dễ bỏ mình giữa chốn thâm sơn. Gió lớn bốn phương về ngang thung lũng, bỗng trở mình cuộn thành cơn lốc. Lá khô bị hốt lên cao, rồi tung ra như bướm tan đàn bay tứ tán. Cái nóng mùa khô gió Lào không đủ ấm lòng thung lũng. Gió rừng không sát đất. Gió rì rào trên đọt cây. Dường xa xôi vọng lại. Dường gần gũi bên mình. Đời đang khốn khó mà nghe như có tiếng thì thầm của một quê nhà cách trở.”

Thay vì chưởi bới, lên án và than van, Lâm Chương nói lên tiếng lòng mình y như thể một đạo sĩ ngộ được cái lẽ tồn sinh. Thực ra, đọc kỹ, đó chỉ là một cách nói, một hình thức tự trào. Trại tù Cộng Sản chẳng khác gì hình ảnh của một địa ngục trần gian: “Đường đi khó, Không khó vì ngăn sông cách núi/ Mà khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Có thật vậy không? Câu nói của Nguyễn Bá Học một thời lấy làm kim chỉ nam, dù hàm chỉ nghĩa bóng, giờ đây, bỗng thấy sáo rỗng. Những ai đang trên dốc đời khổ sở mới biết được cây thập tự giá trên vai Chúa Giê Su nặng dường nào. Có vào địa ngục mới cảm thông kẻ chịu cảnh A Tỳ. Ngồi một chỗ lý thuyết suông, nói những câu triết lý để đời dễ hơn là đối mặt với thực tại gian truân. Những hình nhân tiều tụy rách rưới, vượt qua được một mùa đông là đi thêm một chặng đường vô vọng. Sự vô vọng giết người. Càng lấn sâu vào con đường vô vọng, càng gần sự chết. Chết đủ mọi cách. Đói làm suy dinh dưỡng, thân xác không còn sức đề kháng với bệnh tật. Thậm chí, cảm xoàng cũng chết. Chung quy, cũng vì không thấy được ánh sáng phía cuối con đường vô vọng.”

Lâm Chương mô tả cái chết thảm thương của một người bạn tù: “Tôi có người bạn cùng cảnh ngộ, khi đi tiêu thấy phân có lẩn chút đàm, ứa nước mắt. Tao tới số rồi. Nếu mày còn có ngày về, cho vợ con tao biết ngày cúng giỗ. Anh bị kiết lỵ. Bị kiết lỵ coi như Ngọc Hoàng giũ sổ. Tất cả thuốc men đã bị tịch thu từ lúc mới đặt chân ra đất Bắc. Ở đây, rau sam đâm dập, vắt lấy nước uống được coi là thuốc trị bệnh kiết lỵ. Ban đầu, anh còn đi ra nhà cầu. Ngày thứ hai, tôi đào cái hố nhỏ ngồi vách lán cho anh ngồi đó. Tôi phải đi rừng. Không ai săn sóc, anh bị ra hố giữa cái lạnh mùa đông dao cắt. Sau, anh nằm luôn trong lán sạp. Ỉa ra máu. Không cần mặc quần nữa. Một kẻ có quyền từ trên khung xuống, đứng nhìn anh. Mặt lạnh. Không biểu hiện căm thù hay thương xót.”

Thỉnh thoảng, Lâm Chương chấm phá vào đó một nụ cười.

“Một người bộ đội hỏi tôi, thằng Pho có đi học tập chuyến này không? Tôi hỏi lại, thằng Pho nào? Thằng Pho (Ford), tổng thống Mỹ đấy. Tôi đáp gọn, nó đang ở bên Mỹ. Anh ta tiếc rẻ, thế à? Nó cũng chạy thoát? Uổng thật! Dân trí như thế, mà người ta tuyên truyền rằng ánh sáng văn minh đèn điện đã soi rọi khắp các vùng nông thôn, rừng núi.”

Mỉa mai. Chế giễu. Và chua chát. Đưa câu chuyện nhỏ này ra, tác giả không chỉ nói đến chuyện dốt nát của người lính cai tù, mà còn mô tả cái nghịch lý buồn cười giữa kẻ thua và người chiến thắng. Và xa hơn, nói lên chính sách trị dân bằng sự bưng bít tin tức và bằng sự lừa dối của chế độ Cộng Sản.

Bị đày ải như thế, ấy thế mà, ngày cả trại tù bị dời chuyển đi, người tù nhìn lại, đâm ra nhớ tiếc bâng quơ: “Con đường phía trước tôi, không biết sẽ về đâu. Trí tôi bỗng hiện ra những dốc đèo uốn khúc sơn khê. Những con suối mùa chảy xiết ngày mưa. Những thôn bản im vắng trưa Hè. Tôi như nghe tiếng chim bắt-cô-trói-cột gọi buồn thê thiết. Nghe con áo-dà, con nai đêm đêm ‘béc’ ngồi đồi tranh cô quạnh. Nhìn lại, lán trại đìu hiu. Cái sạp, nơi tôi nằm trống hoang lạnh lẽo. Mới đây mà cơ hồ đóng bụi. Cái ống bương đựng nước rửa mặt mỗi sáng, nghiêng đổ dưới sàn. Cái giò phong lan, tôi đem về từ ngồi rừng treo trên vách nứa, như cũng có hồn biết rầu rĩ chia xa. Hàng rào trại không còn cần thiết nữa, bị phá một khoảng để lấy lối đi tắt, cũng làm tôi nao lòng. Chẳng phải tôi đã từng khó chịu vì cái hàng rào này, và mong được ở ngoài vòng kiềm tỏa của nó hay sao? Rời khỏi nơi đây, một chốn đã trở thành thân quen, tất cả những gì bỏ lại đều làm tôi thương nhớ. Ra đi, tôi ngó lại trong mưa, những dãy núi Hoàng Liên Sơn mù mù, đẹp như tranh và hùng vĩ biết bao. Xin chào từ biệt những người cùng chung cảnh ngộ, đã đến đây và vĩnh viễn nằm lại núi rừng thượng du.”

Qua “Thượng Du Niềm Thương Nhớ,” lồng trong những ghi chép về cái khốn khổ trong trại tù Cộng Sản, Lâm Chương suy gẫm về đời, về người, suy gẫm về lẽ thịnh suy trong lịch sử và về cuộc nhân sinh. Cũng là một tù nhân khá lâu năm trong một trại tù Cộng Sản, đọc đi đọc lại bút ký, tôi vẫn thấy dâng lên trong lòng mình biết bao cảm khái! (Trần Doãn Nho)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT