Sunday, May 12, 2024

Đọc lại bài viết bàn về ‘văn nghệ minh họa’ của Nguyễn Minh Châu

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Cách đây 36 năm, trên tạp chí Văn Nghệ (Hà Nội) số 49 & 50, ngày 5 Tháng Mười Hai, 1987, xuất hiện một bài viết mà về sau trở thành một mốc điểm quan trọng đối với nền văn học cộng sản trong nước: “Hãy Đọc Lời Ai Điếu Cho Một Giai Đoạn Văn Nghệ Minh Họa” của Nguyễn Minh Châu.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu. (Hình: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)

Tuy gọi là “văn nghệ minh họa,” nhưng qua nội dung bài viết, tác giả giới hạn chỉ trong lãnh vực viết lách, nên cũng có nghĩa là “văn chương minh họa.”

Một tác phẩm văn chương minh họa (illustrated literature), theo nghĩa gốc, là một tác phẩm hư cấu “lai,” trong đó, văn bản của nó được minh họa thêm bằng một số hình ảnh nào đó trong quá trình kể chuyện.

Nhưng Nguyễn Minh Châu sử dụng từ ngữ “minh họa” theo một nghĩa khác. Theo ông, “lối viết minh họa” hay “văn học minh họa” là “công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn.” Nói cho cụ thể, đó là thứ văn chương chỉ để “minh họa” những gì mà đảng và nhà nước bắt buộc phải phản ảnh.

Bằng một giọng văn tùy bút, có tính cách tâm sự (đôi khi than thở) hơn là chính luận, Nguyễn Minh Châu nêu lên một số tính cách đặc thù của loại văn chương minh họa mà chính ông đã từng là một phần trong đó. Tôi rút ra từ bài viết này mấy đặc điểm kèm thêm các trích đoạn liên hệ như sau:

1. So với văn chương các nước khác, nhân vật tiểu thuyết trong văn chương minh họa không “sang trọng.”

“Có lúc – nói ra thật lẩm cẩm – tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây!”

Đau khổ “sang trọng,” theo cách nói của tác giả, là đau khổ thật, một thứ đau khổ của nhân sinh, của kiếp người. Trong văn chương cộng sản, thì đau khổ hay hạnh phúc đều là giả dối, vì cả hai phải phù hợp với đường lối chỉ đạo của nhà nước.

2. Văn chương minh họa, do đó, còn thua xa tác phẩm của những nhà văn sống trong thời thuộc địa và phong kiến mà nhà nước cộng sản thường lên tiếng tố cáo.

“Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất.”

3. Nhà văn viết chỉ nhằm mục đích ca ngợi đảng, ca ngợi lãnh tụ chứ không nhằm phục vụ độc giả.

“Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. (…) Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.”

4. Nhà văn là một công cụ của đảng, dùng văn học như phương tiện tuyên truyền.

“…mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động…(…). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp.”

5. Nhà văn là một cái xác không hồn.

“Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp.”

6. Làm nhà văn dưới chế độ cộng sản là phải biết sợ.

“Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. (…) Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!,’ nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái.”

Quả là “ở trong chăn mới biết chăn có rận!” Nguyễn Minh Châu đã nói lên toàn diện thực trạng phi văn chương đáng buồn dưới chế độ toàn trị.

Với những nhận định như thế, Nguyễn Minh Châu được một số cây bút trong nước ca ngợi là “dũng cảm,” chẳng hạn như Trần Đình Sử. Theo nhà nghiên cứu này, Nguyễn Minh Châu “là người đầu tiên và duy nhất đề nghị ‘Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa,’ trong đó mô tả toàn bộ cái không gian chật chội, trói buộc, gieo rắc sự sợ hãi, chán nản, nếu nhà văn có ý tưởng, phát hiện mới mẻ của riêng mình thì buộc phải ngụy trang, che chắn một cách thảm hại nếu muốn viết. Người nghệ sĩ muốn trở thành nghệ sĩ lại phải giết dần cái phần nghệ sĩ trong bản thân mình…”

Dù không phủ nhận những khía cạnh tích cực trong những phát biểu của Nguyễn Minh Châu, nhưng theo tôi, thực ra, chẳng có gì đáng gọi là dũng cảm trong trường hợp này. Đây là một bài viết đã được đảng và nhà nước bật đèn xanh trước, theo kiểu “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Kiều/Nguyễn Du).

Theo tài liệu, thì “Vào Tháng Mười Hai, 1986, đại hội đảng lần thứ VI đã đề xướng công cuộc đổi mới toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội, trong đó có đổi mới văn nghệ. Ngày 17 Tháng Mười, 1987, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã có cuộc gặp mặt với các văn nghệ sĩ, giữa những ngày cả nước, trong đó có giới văn học nghệ thuật phấn khởi bắt tay vào công cuộc đổi mới. Tại cuộc gặp mặt, đồng chí tổng bí thư đã có lời phát biểu quan trọng, khuyên các văn nghệ sĩ phải tự cởi trói, và tự cứu mình trước khi trời cứu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu là một người được mời tham dự, ông đã chuẩn bị một bài phát biểu nhưng rồi do viêm họng nên không đọc được” (*).

Trong tình hình bế tắc mọi mặt của đất nước sau hàng chục năm áp dụng chủ nghĩa cộng sản, nhà nước cộng sản bị buộc phải thay đổi để tự cứu mình bằng cách theo đuôi chủ nghĩa tư bản. Và nhờ đó, văn học nghệ thuật được “ăn theo.”

Mặt khác, khi khẳng định rằng “Cho đến lúc đó chưa có ai lên tiếng phê phán lý thuyết giáo điều và sự trói buộc sâu sắc hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn. Nhiều nghệ sĩ lớn cũng cảm thấy, nhưng không ai nói,” nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử dường như quên mất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm mấy chục năm trước đó.

Thành ra, theo tôi, mấy chữ “tiên phong” hay “dũng cảm” lẽ ra phải dành cho những nhà văn, nhà thơ cũng như nhà biên khảo trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nói đến chân thật, thì Phùng Quán đã nói một cách thiết tha trong bài thơ “Lời Mẹ Dặn;” nói đến chuyện nhà văn bị “chăn dắt,” thì Phùng Cung đã đề cập một cách sâu sắc trong truyện ngắn “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh;” nói đến nhà văn là một cái xác không hồn thì phiếm luận “Thi Sĩ Máy” của Châm Văn Biếm vô cùng thâm thúy; hay phê phán tính cách độc tôn của nhà nước, những dòng thơ sau đây trong bài “Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử” của Lê Đạt mạnh më và thấm thía hơn nhiều:

“Người công an đứng ngã tư đường phố
Chỉ huy
Bên trái
Bên phải
Xe chạy
Xe dừng
Rất cần cho việc giao thông.
Nhưng đem bục công an
Máy móc
Đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo đúng luật đi đường nhà nước
Có thể gây rất nhiều chua xót
Ngoài đời”

Những nhà văn trong Nhân Văn Giai Phẩm đã tranh đấu cho tự do diễn đạt, nghĩa là tranh đấu để thoát khỏi thứ văn chương minh họa vô giá trị, ngay từ khi đảng cộng sản đang ở đỉnh cao của quyền lực.

Nói như vậy, tôi không có ý phủ nhận sự đóng góp của Nguyễn Minh Châu trong việc phê phán thứ văn chương tuyên truyền dưới chế độ toàn trị. Tôi chỉ muốn nói một điều: đã gọi là đánh giá, thì cái gì phải ra cái đó. [qd]

Chú thích:

(*) Xem “Nguyễn Minh Châu – Người viết ‘lời ai điếu’ cho một thời ‘văn nghệ minh họa’”

https://clbnguoiyeusach.net/bai-viet/moi-so-mot-chan-dung/phe-binh-va-binh-luan/nguyen-minh-chau-nguoi-viet-loi-ai-dieu-cho-mot-thoi-van-nghe-minh-hoa-387.html

MỚI CẬP NHẬT