Saturday, May 18, 2024

Đọc Nguyễn Quí Đức

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Nguyễn Quí Đức – người vừa đột ngột từ trần ngày 22 Tháng Mười Một vừa qua – vừa là nhà báo vừa là nhà thơ và nhà văn.

Nhà báo, nhà thơ và nhà văn Nguyễn Quí Đức. (Hình: Facebook Nguyen Qui Duc)

Thơ của anh đi ở một số tạp chí văn chương hải ngoại như Văn Học (Cali), Văn (Cali), trang mạng Da Màu. Anh làm thơ, khi bằng tiếng Việt khi bằng tiếng Anh, khi thì cả hai ngôn ngữ, một số hiện nay còn lưu trữ tên trang mạng Da Màu như “Từ Hôm Lọt Lòng” (At Birth), “Từ Em Đến Anh,” “Hôm Nay, Giờ Này” (Today, At This Hour), “Grief,” “War,” “Peace”… Theo nhận định của Ban Biên Tập trang mạng này, “Nguyễn Quí Đức xuất hiện với những bài thơ có chất giọng sâu lắng, chứng tỏ một thái độ nghiêm túc đối với văn chương.”

Mời đọc đoạn thơ mở đầu trong một bài thơ dài có tựa đề “Ngôn Từ” (Language) do anh sáng tác bằng cả hai ngôn ngữ:

Tiếng Việt:

“Em nghe tiếng mẹ đẻ của anh/ Và ngỡ nước chảy – một ngôn ngữ
mà cả cỏ dại cũng đối đáp theo vần./Anh không biết chảy ra sao
nhưng đây:

Năm đó hè về
Huế lặng lờ
Xác người
Nhiều hơn xác ve ve.

Trong ngôn ngữ mẹ đẻ của em/ hơi thở là từ vựng, tinh thần.
Của anh, hơi thở là sự mong manh/ Thều thào, thoi thóp.
Trong ngôn ngữ của anh, chết là chuyện thường tình./ Anh không dịch được
điều còn lại:
mất mát.”

Tiếng Anh:

“You hear my native tongue/and think it liquid – a language
in which even wild grasses/reply in rhyme.
I don’t know what’s liquid/but here:

Năm đó hè về
Huế lặng lờ
Xác người
Nhiều hơn xác ve ve.

That year, summer came,/Huế turned quiet again.
Human bodies outnumbered/cicada shells.
In your native language./ Breath is word, is spirit.
In mine, breath is fragility. /Thều thào, thoi thóp.”

***

Trong số truyện ngắn của Nguyễn Quí Đức, “Ngao Du,” viết theo lối “hiện thực huyền ảo” (magic realism), một thể loại pha lẫn giữa thực và hư, đã gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả, nhất là về cốt truyện.

Câu chuyện diễn tiến khá bất ngờ, mang lại cho những ai đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những người lính, cảm giác bồi hồi xen lẫn đắng cay, chua chát vì đã trải qua những nghiệt ngã của dòng lịch sử.

Nhân vật chính là ông Toàn, một cựu sĩ quan thiết giáp, bị cộng sản bắt làm tù binh. Sau khi được thả, vợ ông – vốn đã mang con cái tản cư sang Mỹ từ rất lâu trước đó – bảo lãnh qua Mỹ đoàn tụ theo diện cựu tù nhân chính trị (HO).

Cũng như bao gia đình khác cùng hoàn cảnh, tuy được sum vầy cùng vợ con, nhưng ông không mấy vui. Giữa ông và vợ con có một khoảng cách vô hình. Ông sống bên cạnh con cái “như một bóng ma. Ít nói, lại càng ít cười.” Với người vợ cũng thế. Bà hành nghề địa ốc, thông thạo Anh văn, nên ngay cả khi nói chuyện với ông, cũng hay sử dụng tiếng Anh, khiến “ông Toàn nghe chữ được chữ không.”

Ông cố gắng học tiếng Anh, nhưng “Học bao nhiêu quên bấy nhiêu.” Ông chỉ đọc tin tức qua “mấy tờ báo xin trong chợ Việt Nam.”

Là một người lính chiến, “Hơn hai mươi năm quân ngũ, bước chân của ông đã lưu lạc ở khắp cùng quê hương. Ông đã từng đưa những đoàn thiết giáp đến nhiều bến, nhiều bờ, chỉ huy các đoàn quân…” Thế mà bây giờ “ông bị cuốn trôi vào dòng đời lưu vong, một dòng đời thác lũ, xa lạ hẳn với cuộc sống ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Bây giờ ông phải chống chọi với những dị biệt, những tính tình, thói quen và lối hành xử khó hiểu, khó cho ông chấp nhận, những thứ đã mọc rễ, đâm chồi trong bầy con và người vợ của ông.”

Nguyễn Quí Đức được một bạn văn nghệ vẽ chân dung. (Hình: Facebook Nguyen Qui Duc)

Buồn lòng, ông quyết định ra đi, sau khi để lại vài dòng báo cho gia đình biết “là có chuyện cần phải đi xa, xa lắm (…) không biết bao giờ về.” Hôm đó, ông lái chiếc xe Toyota cũ, chạy hết xa lộ này qua xa lộ khác, từ thành phố này đến thành phố khác. Đói, nghỉ bên đường, ăn đồ ăn Việt Nam mang theo. Đêm, thuê khách sạn rẻ tiền ngủ. “Ông Toàn nghĩ ông phải đi quanh nước Mỹ, làm quen với xứ sở này. Một chuyến đi như thế này mới có thể giúp ông vượt qua những khó khăn hiện tại. May ra, ông sẽ còn có một cơ hội chung sống vui vẻ với vợ con.”

Mấy ngày sau, khi đến một thành phố lớn, vào ăn ở một quán cơm Việt Nam, ông tình cờ gặp một người đàn ông, “trạc chừng 75, 80 tuổi, tóc thưa và đã bạc hết. Mái tóc ấy vẫn ém sát vào đầu nhưng không còn cái màu đen láng bóng như thuở xưa nữa. Khuôn mặt cũng có vẻ thon gọn hơn.” Đó là cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Hai người nhắc lại những chuyện xưa cũ thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông Thiệu biện minh cho quyết định rút quân ngày xưa của mình, “Tôi đã làm hết sức rồi. Mất nước hay không cũng là số phận của cả nước, của toàn dân. Mà nói chú đừng nghĩ sai, chứ không có chuyện Tháng Tư năm 75 thì làm gì có cả hàng triệu người Việt mình ở đây?”

Khi chia tay, một tai nạn bất ngờ xảy ra. Ông Thiệu gài số, lỡ tay, tông vào xe ông Toàn đậu gần đó, khiến xe ông Toàn mang ông rơi ào xuống sông, chìm vào dòng nước cuồn cuộn. Thể xác ông Toàn “ra đi,” nhưng linh hồn ông không chịu ra đi. Ông được một người đàn ông cứu. Người này, nhân dáng “có vẻ vuông vức, thấp người, nhưng lại mặc một bộ đồ com-lê Tây, màu trắng, rất uy nghi.” Ông Toàn đi theo người đàn ông vào một căn nhà to lớn, hóa ra đó là Dinh Gia Long. Và người đàn ông chẳng ai khác hơn là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Với thái độ kẻ cả, ông Diệm chỉ tay vào mặt ông Toàn nói “Về mà nói lại cho bầy lũ tụi bây nghe. Ngô Ðình Diệm nói không sai! Sau ta là thác lũ, là đồ hại dân hại nước.”

Sau đó, ông Toàn ra khỏi dinh, lái xe đi trong thành phố. Lúc đậu xe nghỉ ngơi bên vệ đường, ông gặp một người đàn ông khác, đó là “một cụ già hơi khòm lưng. Cụ già nhoẻn một nụ cười, vuốt nhẹ chòm râu dài, thưa, bạc trắng.” Nói chuyện với ông, cụ già xưng “bác.” Cụ già xin ông Toàn thuốc thơm hút, hỏi ông Toàn cho đi nhờ xe và nói huyên thuyên đủ thứ chuyện về chiến tranh, lao tù, lòng yêu nước, vân vân. Ông Toàn lái quanh quanh thành phố, bấy giờ đang ở trong cảnh hỗn quân hỗn quan. Đến bến Chương Dương, “Ông Toàn giữ chặt tay lái chiếc Toyota, tránh những đám đông, tránh nhìn dòng nước. Ông quyết định không nghe thêm những lời vô bổ của người hành khách râu bạc.” Ông già đó hoá ra là Hồ Chí Minh.

Đến Quảng Ngãi, ông Toàn tìm cách tách khỏi ông già, lái đi. Được một đoạn, ông Toàn lại gặp tai nạn, đập đầu vào tay lái, bất tỉnh. May có “Một người đàn ông ăn mặc chiến bào như một vị quan võ trong phim bộ Hồng Kông” đến cứu. Đó là Vua Quang Trung. “Chiếc Toyota hóa thành cỗ xe đưa Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc trong cuộc viễn chinh đánh đuổi giặc Thanh. Tài xế của Hoàng Đế Quang Trung là cựu sĩ quan thiết giáp Trần Toàn. Xe khởi hành vào lúc nửa đêm ngày đầu tháng giêng năm Kỷ Dậu.” Tưởng lần này được “tham gia trận chiến lịch sử” đánh đuổi quân Tàu, không ngờ trong một cơn giận không kiểm soát được, ông “bị vua Quang Trung chém đứt đầu ngay phút đầu tiên khi chiếc xe Toyota vừa vào đến thành Thăng Long.” Hối hận, Vua Quang Trung “cho lính chôn cất ông Toàn với đầy đủ lễ nghi dành cho một vị quan có công lớn với triều đình” ngay tại Hà Nội.

Vợ con ông Toàn, sau khi ông ra đi, không cách gì tìm ra tung tích chồng và cha, phấp phỏng ngóng trông trong tuyệt vọng. Khi chế độ cộng sản sụp đổ, cả gia đình mới có dịp về thăm quê hương. Tại Hà Nội, họ nhìn thấy bức tượng đồng của một người không có đầu bên cạnh chiếc Toyota. Đó vốn là bức tượng của Lenin, bị dân chúng cột dây kéo sập, mà không biết rằng đó là bức tượng tưởng niệm chồng và cha của họ, người sĩ quan thiết giáp đã đưa Hoàng Đế Quang Trung ra Bắc đánh tan quân Thanh năm nào.

Nguyễn Quí Đức trong thế giới riêng của mình. (Hình: Facebook Nguyen Qui Duc)

Đây là một truyện ngắn tương đối khó đọc vì tác giả viết theo lối ẩn dụ, cố tình pha trộn chuyện thực vào trong chuyện bịa, đảo ngược dòng thời gian, nhưng nhờ đó, nó chuyên chở được nhiều ý nghĩa. Qua câu chuyện trông có vẻ lộn xộn, rối rắm, tác giả đã dựng nên hình ảnh, mà cũng là số phận của một người sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, từ một chiến sĩ trên chiến trường, thất trận, trở thành tù nhân rồi cuối cùng là người tị nạn ở xứ người, tuy có vợ con thành đạt, nhưng không mấy vui. Đồng thời, đưa ông ngược trở lại quá khứ của đất nước trải qua nhiều chế độ bằng hình ảnh tượng trưng của các nhân vật lãnh đạo từng thời kỳ mà ông được diện kiến một cách bất ngờ: thời kỳ nội chiến Quốc-Cộng với Nguyễn Văn Thiệu, Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh và thời kỳ đánh đuổi ngoại xâm với Quang Trung. Mỗi một nhân vật đều được tác giả mô tả bằng những nét điển hình, hoặc bằng cử chỉ hoặc qua hình dáng, kèm thêm các sự kiện hay phát biểu có tính cách lịch sử liên hệ. Đây là chuyến du hành đi ngược thời gian với những trớ trêu lịch sử chẳng khác gì số phận trớ trêu của ông. Sự kiện lịch sử nào cũng chứa đựng sự bất hạnh, bất hạnh dân tộc đưa đến bất hạnh cá nhân hay nói chung, bất hạnh này dẫn đến bất hạnh kia.

Dẫu vậy, trong phần kết, tác giả đưa ra một thông điệp lạc quan: nhờ sự hy sinh của nhiều thế hệ, cuối cùng, đất nước sẽ thoát khỏi chế độ độc tài toàn trị của cộng sản. Và những người bị buộc phải rời bỏ xứ sở sẽ được trở về sống trong một quê hương thanh bình.

Trong phần kết, khi mô tả chuyến về thăm quê hương của vợ con ông Toàn, tác giả viết: “Ở giữa sân, thằng Dũng đứng ngắm chiếc xe Toyota màu vàng gụ, quay tròn trên một bệ đá. Chiếc xe đã cũ kỹ lắm, và thằng Dũng nay cũng đã là một người đàn ông trung niên. Ðôi mắt người đàn ông trung niên vẫn còn tốt, lơ đãng nhìn chiếc xe màu vàng gụ mà không nhận đấy chính là chiếc xe của mình thời trai trẻ ở Mỹ, chiếc xe đã mang người bố của mình trôi sông, mất tích vào quá khứ u uất của đất nước.”

Dũng chính là tên đứa con trai đầu của ông Toàn, tượng trưng cho một thế hệ mới, hạnh phúc hơn thế hệ cha ông. [qd]

MỚI CẬP NHẬT