Friday, May 17, 2024

Đọc sách ‘Yen Do and the Story of Nguoi Viet Daily News’

Phạm Xuân Đài

LTS: Trong những ngày cuối năm Âm Lịch, nhằm ôn lại một mảng sinh hoạt báo chí của cộng đồng Việt Nam trong quá khứ, mời quý độc giả đọc bài điểm cuốn sách “Yen Do and the Story of Nguoi Viet Daily News” của tác giả Jeffrey Brody, đã đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 169, Tháng Năm, 2003.

Tính đến năm 2003 thì chỉ còn hai năm nữa là tròn 30 năm người Việt Nam chính thức di dân đi cư trú ở nước ngoài sau khi miền Nam bị Cộng Sản chiếm đoạt vào Tháng Tư, 1975. Người Việt Nam chạy trốn Cộng Sản cư ngụ khắp nơi trên thế giới, nhưng Hoa Kỳ là nơi tập trung đông nhất và có lẽ thành công nhất về nhiều mặt. Một trong các thành tựu lớn của người Việt tại đây là báo chí Việt Ngữ, trong đó nhật báo Người Việt được xem là tờ báo tiếng Việt lớn nhất tại hải ngoại.

Tìm hiểu một tờ báo như thế từ bước đầu cho đến ngày nay kể ra là một việc thú vị và cần thiết, vì không ít thì nhiều tờ báo sẽ phản ảnh được đời sống vật chất, tinh thần, tình cảm của người Việt Nam trên bước đường tị nạn của mình, đồng thời cũng cho thấy những nỗi khó khăn cùng những kinh nghiệm của việc xây dựng một tờ báo đúng nghĩa bằng tiếng mẹ đẻ của những người bỗng dưng bị đẩy ra khỏi đất nước của mình để sống tại những phần đất xa lạ trên thế giới.

Tháng Tư năm nay đã xuất hiện một cuốn sách tìm hiểu tờ báo Người Việt và người sáng lập ra nó, nhưng lại do một người Mỹ thực hiện. Cuốn sách bằng tiếng Anh, nhan đề: “Yen Do and The Story of Nguoi Viet Daily News with Jeffrey Brody” (Đỗ Ngọc Yến và Câu Chuyện Về Nhật Báo Người Việt, do Jeffrey Brody thực hiện). “Thực hiện” đây có nghĩa là phỏng vấn, cuốn sách này ghi lại những cuộc trò chuyện giữa ký giả kiêm giáo sư về báo chí học (tại Đại Học Fullerton, Nam California) Jeffrey Brody với nhà báo Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập ra tờ Người Việt từ năm 1978 và liên tục lèo lái, xây dựng nó từ một tờ tuần báo bốn trang đầu tiên sản xuất trong garage thành một nhật báo xuất bản bảy ngày một tuần, dày từ 30 đến ngoài 60 trang, và trong những ngày cao điểm số in đã lên đến gần 20,000 bản như ngày nay.

Đây là cuộc trò chuyện của hai người làm báo nhà nghề, họ có một mẫu số chung rất rõ rệt, cả hai đều hiểu biết sâu sắc những gì mình đang hỏi và đang trả lời. Đó là một thuận lợi lớn cho đối thoại. Hơn thế nữa, cuộc trao đổi này, ngoài khía cạnh nghề nghiệp còn ẩn chứa một vẻ gì như là “hữu tình ta lại gặp ta,” hay nói cách khác, một cuộc nói chuyện giữa hai người tri kỷ. Jeffrey Brody là người Mỹ, không lạ gì cái tính chất “hợp chủng” của quốc gia ông, và một lần nữa với tư cách nhà báo, ông nhìn vào sự hình thành của một cộng đồng mới trên đất nước của ông, và đặc biệt nhìn vào lịch sử của một tờ báo điển hình của cộng đồng ấy từ ngày phôi thai cho đến lúc trưởng thành.

Ông chia những gì thu thập được từ các cuộc phỏng vấn ra làm 18 chương, sắp xếp theo một trình tự để người đọc hiểu được “câu chuyện” có đầu có đuôi. Chương đầu tiên mang tên “Starting Nguoi Viet” – báo Người Việt lúc khởi nghiệp, dĩ nhiên là như thế, rồi từ đó câu chuyện kéo dài mấy mươi năm, với biết bao nhiêu là biến cố, là quan niệm, là vấn đề…

Người trả lời phỏng vấn đã tỏ ra có một trí nhớ tinh tường và có một lối trình bày thông minh và rất rõ rệt, đã lần lượt kể lại cuộc đời mình từ ngày đến Hoa Kỳ năm 1975, trong hai năm đầu đã làm mười công việc khác nhau ở mười địa điểm khác nhau, và sau cùng ý tưởng làm một tờ báo tiếng Việt đã đến với ông như thế nào. “Tôi nghĩ là phải làm một tờ báo tuần thông tin những gì xảy ra ở Việt Nam và những chuyện dính dáng đến đời sống hằng ngày của người tị nạn, từ việc lái xe trên xa lộ, mua bán tại siêu thị, hoặc là việc bầu cử, nói chung là mọi chuyện của cuộc sống mới.”

Và “mọi chuyện của cuộc sống mới” cũng có nghĩa là lịch sử của dân tị nạn. Qua những trang sách ngắn ngủi, ông Yến đã mô tả những nét đặc thù của tâm lý, tình huống và công cuộc xây dựng đời sống của người dân Việt tị nạn miền Nam California, và những trang sách đó sẽ là những viên gạch vững chắc để góp phần viết lịch sử cho người Việt ở nước ngoài sau này. Và tờ Người Việt, như một phần của lịch sử ấy, như một cái bóng của cuộc sống ấy, đã buồn vui với nó, và lớn mạnh với nó.

Với kiến thức uyên bác trong hầu như mọi lãnh vực, ông Yến đề cập đến quan niệm làm báo của người Việt Nam giữa xã hội Mỹ, sự tiến triển của việc dùng máy móc trong tờ Người Việt, việc phiên dịch từ ngữ trong khi viết bài vở (ví dụ một chi tiết thú vị: “dịch” cho cộng đồng Việt Nam tại Mỹ khác với dịch cho người Việt tại Việt Nam, nghĩa là có nhiều khi cứ… để nguyên con chữ Anh thì lại hóa ra hay hơn, người ta dễ hiểu hơn là dịch sang tiếng thuần Việt hoặc Hán Việt)…

Hay ho nhất là việc kiên trì thực hiện một tờ báo theo đúng nghĩa “tự do ngôn luận” của xứ Mỹ giữa một đối tượng độc giả còn xa lạ với ý niệm ấy, hơn nữa, lại là sản phẩm của cuộc chiến tranh lạnh mấy mươi năm trên xứ sở của mình, chỉ muốn thấy báo chí nói một chiều theo quan niệm chính trị mà mình thích. Ông Yến cũng nói rằng tờ Người Việt tổ chức theo mô thức của tờ Le Monde bên Pháp, nghĩa là không có “chủ nhân,” mà lãnh đạo do một tập thể người đồng chí hướng với nhau về việc làm báo cũng như một số quan niệm khác về đời sống và xã hội.

Cuốn sách này là một trang sử sống động và sâu sắc về sự thành hình một cộng đồng tị nạn và thành hình một tờ báo xứng đáng cho cộng đồng ấy. Từ 1975, lần đầu tiên người Việt Nam thiên di đi sống tại nhiều vùng đất trên thế giới, lần đầu tiên họ tự viết nên những trang sử hoàn toàn mới mà từ ngày lập quốc đến nay chưa từng có.

Nhiều cộng đồng Việt Nam vững chắc đã xuất hiện tại các nước khác nhau trên thế giới. Đối với một dân tộc, những bước chân khai phá đều là những bước chân anh hùng, đều mang hình ảnh “từ thuở mang gươm đi mở nước.” Khi lập nên những cộng đồng trên xứ người, tuy là ăn nhờ ở đậu, nhưng biết gìn giữ những giá trị văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán thì trong một nghĩa nào đó, cũng là “đi mở nước,” và những bước chân khai phá ấy đều đáng được coi là những bước chân anh hùng.

Quan niệm như thế, cuốn sách này là một thiên anh hùng ca, nói lên bằng tình cảm và trí tuệ sự gầy dựng một Việt Nam tại hải ngoại, bởi một người ngay từ giờ phút đầu đã không ngừng góp phần tích cực nhất của mình để một nếp sống Việt Nam ở xa đất nước được thành hình. (Phạm Xuân Đài)


Sách viết bằng Anh Ngữ, do Người Việt xuất bản, giá $14.95 (kể cả cước phí trong nước Mỹ)
Liên lạc, chi phiếu: Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, USA.
Điện thoại: (714) 892-9414


 

MỚI CẬP NHẬT