Tuesday, May 7, 2024

Đứng Thẳng Làm Người (Kỳ 67)

1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam


 

Tạ Phong Tần

Thời gian này, tôi ở tròng phong giam cùng với chị Trần Thị Liên chỉ có sáng thức dậy lúc bốn giờ rưỡi, tập thể dục đến bảy giờ sáng rồi tắm rửa, ăn sáng xong là hai chị em bày bọc nylon ra làm đồ chơi. Trưa ăn cơm, đọc báo, ngủ. Chiều đọc báo tiếp, hoặc làm đồ chơi, ăn cơm. Tối nằm ca hát inh ỏi, kể chuyện đời xửa đời xưa rồi ngủ. Buổi tối thiếu ánh sáng, không làm gì được.

Ngày 26 tháng 7 năm 2012, có một thằng cán bộ tòa án còn trẻ khoảng hơn hai lăm tuổi, tên Hà Đình Lăng đến trại tạm giam tống đạt cho tôi cái quyết định đưa vụ án ra xét xử số 340/QĐ-HSST ngày 24 tháng 7 năm 2012, trong đó ghi sẽ xét xử sơ thẩm lúc 8 giờ sáng ngày 7 tháng 8 năm 2012 tại trụ sở tòa án thành phố Hồ Chí Minh, tức số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý xưa), quận 1, Sài Gòn. Quyết định ghi thành phần xét xử gồm có ba người, Vũ Phi Long là thẩm phán tòa án không phải nói làm gì, còn hai hội thẩm nhân dân là Bùi Quang Việt và Đặng Phi Công thì chỉ vỏn vẹn có cái tên, không biết hai thằng cha này là quân ngũ ở đâu, nghề nghiệp là gì, quyết định ghi như vậy là sai so với quy định pháp luật. Hóa ra chúng nó xét xử bọn tôi mà chúng nó lại sợ bọn tôi biết chúng nó là những thằng nào. Chỉ có trong chế độ Cộng Sản Việt Nam mới có chuyện hội đồng xét xử mà giấu thân phận của mình sợ bị cáo biết. Thiệt là “chuối cả buồng” luôn á!

Khoảng mười ngày sau, tôi được báo có Luật Sư Nguyễn Thanh Lương muốn gặp tôi. Anh Nguyễn Thanh Lương quê Bến Tre, là bạn học cùng lớp với tôi khi học đại học Pháp Lý Hà Nội (Phân Viện Sài Gòn) vào những năm 1986 – 1990. Cũng từng công tác tại thanh tra công an thành phố Hồ Chí Minh mấy năm mới ra trường, nhưng anh Nguyễn Thanh Lương sớm bị đẩy ra khỏi đơn vị hơn tôi. Sau đó, anh Lương đi làm “Bào chữa viên nhân dân” gần chục năm cho đến khi có luật luật sư thì làm luật sư chính thức luôn.

Anh Lương gặp tôi nói ngay là anh Uyên Vũ mời anh bào chữa cho tôi, tôi có đồng ý không, nếu đồng ý thì viết cái giấy đồng ý đưa cho anh, anh chỉ có ba mươi phút gặp tôi thôi. Không cần mất nhiều thời gian, trong vòng năm phút tôi đã viết xong vài chục chữ đại ý là đồng ý Luật Sư Nguyễn Thanh Lương bào chữa, ghi ngày tháng rồi ký luôn họ tên vô. Tôi còn cẩn thận ghi thêm câu “bào chữa ở sơ thẩm, phúc thẩm và các phiên tòa khác (nếu có),” vì tôi biết chắc chắn rằng chúng sẽ xử sơ thẩm kiểu bịt mồm như những người bất đồng chính kiến khác mà thôi. Anh Lương nói anh chưa đọc hồ sơ vụ án, vừa có giấy chứng nhận bào chữa là anh vào gặp tôi ngay. Anh sẽ đọc hồ sơ rồi quay lại ngay trong tuần tới. Anh hỏi tôi có cần gì không thì nói để anh về báo cho người nhà tôi biết. Tôi nói anh kêu gia đình tôi gởi quần áo, dầu gió xanh, thuốc uống đau khớp, thuốc cao huyết áp, và đừng có gởi tép rang muối nữa, ăn gần cả năm có một món làm sao ăn nổi. Tôi lại nhờ anh Lương tìm Nguyễn Quốc Đạt hỏi nó coi nó có được cơ quan điều tra thông báo hay không, tại sao tôi đã yêu cầu Luật Sư Nguyễn Quốc Đạt bào chữa ngay từ khi mới bị bắt mà bây giờ không thấy nó tới gặp tôi. Anh Lương nói sẽ tìm Đạt báo cho nó biết, kêu nó vô đây. Anh Lương gởi thêm cho tôi năm trăm ngàn đồng, vì anh Lương không phải là “thân nhân” nên phải viết một cái đơn xin riêng và được ông Huỳnh Phi Lâm đồng ý cho nhận.

Vài hôm sau, trại giam lại báo Luật Sư Nguyễn Quốc Đạt đến gặp tôi, cá thủ tục cũng giống y như lần tôi gặp anh Lương mấy hôm trước. Tôi hỏi nó “Công an có thông báo cho em biết chị yêu cầu em làm luật sư bào chữa cho chị không?” Thằng Đạt nói không có, mới nghe anh Lương nói nên đi hỏi cơ quan điều tra, đòi giấy chứng nhận bào chữa rồi vô đây. Nó cũng nói là nó chưa đọc hồ sơ. Tôi cũng chỉ nói với nó chuyện sức khỏe của tôi, những đồ tôi cần dùng nhờ mua gởi vô thôi. Thật sự tôi muốn nó làm người bào chữa cho tôi không phải do nó giỏi hơn tôi, nó thường hay hỏi ý kiến tôi về các vụ án hình sự nó làm, mà vì nó đã từng gặp Quý Cha Dòng Chúa Cứu Thế ở văn phòng luật sư Pháp Quyền, nó sẽ không bao giờ nhầm lẫn với người khác. Tôi nói với thằng Đạt rằng tôi nhờ nó đến nhà thờ Kỳ Đồng gặp cha Giuse Đinh Hữu Thoại hoặc cha Antôn Lê Ngọc Thanh, nhắn rằng tôi gởi lời thăm cha Chân Tín, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành và cha Thanh, cha Thoại. Nó hỏi tôi có nhắn gì thêm không. Tôi nói chỉ cần vậy là được. Tôi thừa biết Quý Cha không phải tầm thường, nói một hiểu mười, không cần nói thêm. Bọn công an thường nói rằng tôi “kiêu,” sao lại không “kiêu” khi xung quanh mình toàn những “đồng chí” không biết đọc sách, thú vui giải trí duy nhất là nhậu nhẹt, đánh bài, thụt bi-da, gái gú. Trên đời này, người được tôi gắn cho chữ “nể” không nhiều, mà phải là người thật sự có tài năng, đạo đức.

(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT