Saturday, May 18, 2024

Jon Fosse đoạt giải Nobel Văn Chương 2023

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Hàn Lâm Viện Thụy Điển, trong bản thông cáo báo chí công bố tại Stockholm hôm 5 Tháng Mười, loan báo giải Nobel Văn Chương 2023 đã được trao cho nhà văn Jon Fosse, người Na Uy (Norway), vì “những vở kịch và văn xuôi sáng tạo của ông đã nói lên tiếng nói cho những điều không thể nói được.” Tác phẩm của ông tập trung trên những “lo âu, bất an và lẽ tử sinh” (anxieties, insecurities, questions of life and death) của con người.

Nhà văn Jon Fosse. (Hình: Hakon Mosvold Larsen/NTB/AFP via Getty Images)

Nhà văn Jon Fosse được chọn ra trong một danh sách những ứng viên được đề cử từ nhiều năm nay, trong đó, có những khuôn mặt sáng giá khác như Can Xue (Tàn Tuyết/Trung Quốc), Haruki Murakami (Nhật), Gerald Murnane (Úc), Laszlo Krasznahorkai (Hungary)…

Đây là nhà văn Na Uy thứ tư nhận được giải Nobel Văn Chương kể từ khi giải này được thành lập, cách một khoảng thời gian rất dài với ba nhà văn đoạt giải trước, đó là Bjornstjerne Bjornson (1903), Knut Pedersen Hamsun (1920) và Sigrid Undset (1928).

Rõ ràng, tinh thần “thiên-Âu-Châu” vẫn là xu hướng chiếm ưu thế trong Hàn Lâm Viện Thụy Điển! Chỉ trong vòng năm năm trở lại đây, có đến bốn nhà văn Âu Châu đoạt giải: Olga Tokarczuk (Ba Lan, 2018), Peter Handke (Áo, 2019), Annie Ernaux (Pháp, 2022), và năm nay, Jon Fosse, Na Uy.

Phát biểu với đài truyền hình Na Uy NRK (Norsk rikskringkasting) khi nhận được tin trúng giải, nhà văn Fosse cho biết: “Tôi choáng ngợp và có phần sợ hãi.” Dẫu vậy, ông không ngạc nhiên lắm, vì tên tuổi ông đã được văn giới đưa ra bàn tán cả 10 năm nay và ông cũng đã tự chuẩn bị bản thân cho một sự kiện như thế có thể xảy ra. “Tôi coi đây là một giải thưởng dành cho nền văn học mà mục tiêu trước hết là  văn học chứ không dựa trên một quan tâm nào khác,” theo ông.

Ông Anders Olsson, chủ tịch Ủy Ban Nobel Văn Chương, cho biết: “Sự nghiệp văn chương lớn lao của ông trải rộng trên các thể loại khác nhau, bao gồm một số lượng lớn các vở kịch, truyện hư cấu, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và dịch phẩm.”

Theo vị chủ tịch này, trong các sáng tác của mình, ông Fosse “kết hợp gốc rễ trong ngôn ngữ và bản chất bối cảnh của đất nước Na Uy với các kỹ năng nghệ thuật chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại.”

Ông Olsson ca ngợi “chủ nghĩa tối giản kiểu Fosse” (Fosse minimalism), một phong cách sáng tác đặc trưng của tác giả Fosse, theo đó, trong khi cố gắng phơi bày hết các tình huống hàng ngày trong cuộc sống, ông giảm thiểu triệt để ngôn ngữ và các hành động kịch tính, chỉ giữ lại các thuật ngữ đơn giản để diễn tả những cảm xúc mạnh mẽ nhất về mối lo âu và sự bất lực của con người.

Điểm đặc biệt là các tác phẩm của nhà văn Fosse được viết bằng tiếng Nynorsk. Nynorsk, hay “tiếng Na Uy mới,” là một phương ngữ – do nhà ngữ văn Ivar Aasen xây dựng vào thế kỷ 19 – chỉ được 10 đến 15% người sử dụng so với Bokmål, là ngôn ngữ chính thức được 85% người sử dụng, nhất là trong văn học.

Không giống như hầu hết các nước khác ở Châu Âu, Na Uy không có tiêu chuẩn căn bản cho một ngôn ngữ quốc gia duy nhất, do đó, các phương ngữ được sử dụng rộng rãi, ngay cả trong môi trường chính thức. Vì thế, ông Fosse phủ nhận cáo buộc cho rằng ông muốn biểu lộ một thái độ chính trị khi chọn phương ngữ Nynorsk trong các sáng tác. Theo ông, điều này chỉ là một sự lựa chọn cho nhu cầu sáng tạo. Ông nói: “Nynorsk là ngôn ngữ của tôi. Đó là những gì tôi đã học được từ ngày đầu tiên đến trường cho đến khi ra trường, trong khoảng 12 hoặc 13 năm. Nó là ngôn ngữ thiểu số và là lợi thế của tôi với tư cách là một nhà văn.”

Nhà văn Jon Olav Fosse sinh năm 1959 tại Haugesund, sau chuyển về sống với ông bà nội ở một nông trại thuộc vùng Strandebarm. Ông tốt nghiệp Cao Học Văn Chương Đối Chiếu năm 1987 tại đại học University of Bergen.

Năm lên 7, ông suýt chết trong một vụ tai nạn, và điều này, theo ông, là “kinh nghiệm quan trọng nhất” trong thời thơ ấu đã “sáng tạo” một nghệ sĩ, chính là ông. Thuở nhỏ, ông từng mong ước trở thành một tay chơi nhạc rock, nhưng không có cơ hội, nên nhảy vào lãnh vực viết lách.

Mới cầm bút, chỉ trong vòng sáu năm, ông đã sáng tác năm tác phẩm. Tiểu thuyết đầu tay, “Red, Black” (Đỏ, Đen), xuất bản năm 1983. Hai năm sau, 1985, tiểu thuyết thứ hai, “Stringed Guitar” (Đàn Dây); năm 1986, tập thơ đầu tay “Angel with Water in His Eyes” (Thiên Thần Với Nước Trong Mắt Chàng); năm 1989, tập tiểu luận đầu tay “From Telling via Showing to Writing” (Từ Kể Chuyện Đến Viết) và tiểu thuyết thứ ba “Boathouse” (Nhà Thuyền) lần lượt ra đời. Tác phẩm sau cùng này đưa tên tuổi của ông lên tầm mức quốc gia.

Ông vốn không thích kịch. Nhưng vào năm 1992, vì cần tiền, ông thử nghiệm với vở kịch đầu tay “Someone Is Going to Come” (Một Ai Đó Sẽ Đến) và cảm thấy viết kịch không có gì khó khăn. Thế là ông viết tiếp nhiều vở khác. Năm 1994, vở “And Never Shall We Part” (Và Chẳng Bao Giờ Chia Tay) được đưa lên sân khấu tại Nhà Hát Quốc Gia ở Bergen.

Tuy nhiên, phải đợi đến năm 1999, khi vở kịch đầu tay nói trên, được đạo diễn người Pháp Claude Régy dàn dựng nó ở Nanterre, thì ông chính thức nổi tiếng như một kịch tác gia chuyên nghiệp. Sau này, ông thú nhận rằng “viết kịch là mặc khải lớn nhất trong sự nghiệp viết lách của tôi.”

Sách của nhà văn Jon Fosse, người Na Uy, được trưng bày sau khi công bố ông đoạt giải Nobel Văn Chương 2023 tại Hàn Lâm Viện Thụy Điển ở Stockholm vào ngày 5 Tháng Mười. (Hình: Jonathan Nackstrand/AFP via Getty Images)

Trong hai thập niên 1990 và 2000, ông tập trung viết kịch với hàng chục vở ra đời, nổi tiếng nhất là “The Name” (Danh Xưng), “Winter” (Mùa Đông) và “A Summer’s Day” (Một Ngày Hè).

Đến thập niên 2010, ông trở lại với văn xuôi. Trước hết, ông hoàn tất bộ “Trilogy” gồm ba tập, trong đó tập đầu,“Wakefulness” (Cảnh Giác) đã khởi viết từ năm 2007, tiếp đó là “Olav’s Dreams” (Những Giấc Mơ Của Olav) và “Weariness”(Chán Chường), kể lại câu chuyện dài của một đôi vợ chồng trải qua nhiều thế kỷ, xuyên qua con cháu của họ. Tác phẩm này đã mang lại cho nhà văn Fosse giải “Nordic Council Literature Prize” vào năm 2015. Sau đó, từ mùa Hè năm 2015, ông bắt đầu sáng tác “Septology,” một bộ truyện đồ sộ dày đến 1,250 trang, được xuất bản vào đầu Tháng Chín, 2021.

Theo Ủy Ban Nobel Văn Chương, “Septology” là kiệt tác văn xuôi của nhà văn Jon Fosse. Tựa đề này là tên gọi chung cho một bộ truyện gồm bảy phần được xuất bản thành ba tập: “The Other Name” (Danh Xưng Khác), “I is Another (Tôi Là Người Khác) và “A New Name (Một Danh Dưng Mới).

Nhân vật chính xưng “tôi,” tên là Asle, một họa sĩ góa vợ. Ông ta sống một mình, rất ít tiếp xúc với ai ngoại trừ  người láng giếng làm nghề chài lưới, chủ nhân của một phòng trưng bày tranh và một họa sĩ mang cùng  tên Asle, sống ở một thành phố khác. Cả hai họa sĩ là những cái bóng của nhau (doppelgangers), hay đúng hơn, là hai phiên bản khác hẳn nhau của cùng một người.

Một, nhân vật chính, thì có vợ, trở nên sùng đạo, bỏ rượu và là một họa sĩ thành công; còn người kia thì cuộc sống khó khăn hơn. Biến cố chính trong câu chuyện là các sự kiện diễn ra khi hai người gặp nhau, qua đó, những hồi ức quá khứ đan xen với khung cảnh hiện tại cho ta thấy những khía cạnh đối nghịch nhau lại hòa tan vào nhau trong cùng một số phận.

Theo đánh giá của Hàn Lâm Viện, “Septology” là một thử nghiệm có tính hình thức của tác giả Fosse. Văn xuôi của ông, với rất hiếm các dấu chấm câu, là dòng chảy không ngưng nghỉ của những trầm tư triết học trong đó, các chủ đề cũng như các nghi lễ cầu nguyện của chúng liên tục được lặp đi lặp lại. Tập thứ ba của bộ tiểu thuyết này, “A New Name,” đã lọt vào vòng chung kết của giải Booker năm 2022.

Từ năm 2020 cho đến nay, nhà văn Jon Fosse tiếp tục cho xuất bản các sáng tác khác. Ba vở kịch: “This Is How It Was” (Nó Là Như Thế Đấy, 2020), “Strong Wind” (Cuồng Phong, 2021), “In the Black Forest” (Trong Rừng Đen, 2023), tất cả đều được trình diễn tại Hí Viện Quốc Gia ở Oslo, thủ đô Na Uy. Và một tiểu thuyết, “A Shining” (Ánh Sáng, 2023).

Với một sức sáng tác mạnh mẽ và liên tục như thế, ông Jon Fosse quả là một tác giả lớn của văn chương thế giới, không những về nội dung mà cả về số lượng. Tính cho đến nay, theo bản liệt kê của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, ông sáng tác trên dưới 50 vở kịch, hơn 30 truyện hư cấu và hàng chục tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau như thơ, sách thiếu nhi, tiểu luận và dịch thuật.

Tạp chí Le Monde (Pháp) gọi nhà văn Jon Fosse là “un écrivain à 360 degrés” (một nhà văn toàn diện). Quả chẳng quá lời tí nào! [qd]

Tham khảo:

-Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Nobel Văn Chương 2023: https://sa-admin.lb.se/assets/64744c92-f77c-4c27-b55b-ed657ecadcd0.pdf/Biobibliography%202023.pdf

-Encyclopaedia Britannica: britannica.com/biography/Jon-Fosse

-Le Monde (francais): lemonde.fr/livres/article/2023/10/05/jon-fosse-ecrivain-norvegien-recoit-le-prix-nobel-de-litterature-2023_6192620_3260.html

-CNN, The Guardian, National Public Radio (NPR)…

MỚI CẬP NHẬT