Friday, March 29, 2024

‘Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký’ – công trình đi tìm sự thật về Petrus Ký 

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Quý vị đừng tin những điều mà người ta đưa cụ Petrus Ký lên tới mây xanh. Quý vị cũng đừng tin những điều mà nhiều người hằn học, đả kích, đánh giá nặng nề về cụ. Thay vào đó, quý vị hãy đọc về cụ Petrus Ký để tự mình tìm ra kết luận.”

“Lời kêu gọi trên của một người trẻ nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, cũng chính là tham vọng của chúng tôi mong muốn qua cuốn sách này mọi người tự đọc, tự hiểu, và rút ra kết luận về cụ Petrus Ký, một nhân vật lịch sử rất quan trọng của Việt Nam, đừng để người khác khuynh đảo mình,” ông Nguyễn Trung Quân, một cựu giáo chức trước 1975, thành viên Ban Biên Tập quyển “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký” nói về nội dung và giá trị của quyển sách sẽ được ra mắt độc giả khắp nơi vào ngày 1 Tháng Chín tới đây.

Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhân vật độc đáo của lịch sử Việt Nam, trong đó, phần nhiều ông được xem là nhà bác học về ngôn ngữ học xuất chúng, là người đặt nền móng vững chắc cho chữ quốc ngữ Việt Nam.

Như nhà văn Phạm Xuân Đài nhận xét, “Với cố gắng phi thường của một bác học về ngôn ngữ, trước khi từ giã cõi đời, Trương Vĩnh Ký đã đặt xong nền móng chữ quốc ngữ cho Việt Nam. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh từng nói một câu như tuyên ngôn ‘Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng là nhờ ở chữ quốc ngữ.’ Xem ra tất cả đều nhờ cụ Trương Vĩnh Ký đã xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ tại điểm hẹn của cụ với Lịch Sử Đất Nước.”

“Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký” là tập sách tổng hợp những bài nghiên cứu công phu đã được trình bày cũng như chưa được trình bày trong hội thảo “Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký” diễn ra vào Tháng Mười Hai, 2018 vừa qua tại miền Nam California, vốn gây được nhiều tiếng vang về tầm vóc cũng như giá trị của nó khi quy tụ được nhiều giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo cùng tham gia đóng góp bài vở.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Trung Quân, “Trong cuốn sách này còn có một thư mục về Petrus Ký mà chúng tôi đặc biệt tự hào, coi đó là thư mục đầy đủ nhất về Petrus Ký từ trước đến nay, ai cần chỉ theo link dẫn trong đó bấm vào computer là có thể đọc được tất cả.”

Khi được hỏi, “Điều ông tâm đắc nhất về quyển sách này là gì?” cựu nhà giáo Nguyễn Trung Quân, hiện đang ở miền Nam California, cho biết, “tôi nghĩ quyển sách này trình bày tương đối khách quan những điều mà cụ Petrus Ký đã làm cho văn hóa Việt Nam, và đóng góp như một học giả lớn cho dân tộc Việt Nam, nhất là về chữ quốc ngữ.”

“Ở đây, chúng tôi không có ý bênh vực, khen ngợi hay chê bai gì cả. Chúng tôi chỉ trình bày những sự kiện rõ rệt mà chúng tôi thu nhận được, cũng như đăng lại những bài nghiên cứu của các học giả lớn, của những người có uy tín trong giới văn hóa văn học của đất nước từ trước cho đến bây giờ. Bên cạnh đó, như một hình thức phản biện, chúng tôi cũng đăng một số bài nói ra những điều mà nhiều nhóm hay nhiều người vô tình hay cố ý đả kích một cách không đứng đắn về cụ Petrus Ký,” ông Quân nói tiếp.

Phóng ảnh bức thư dài 18 trang thủ bút viết bằng tiếng Pháp của ông Trương Vĩnh Ký gửi cho đại biểu Blancsubé về việc ông từ chối vào quốc tịch Pháp được đăng trong kỷ yếu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Quân cho rằng, “Về phương diện lịch sử, người ta có thể nghĩ vầy, nghĩ khác về một danh nhân nào đó, bởi không có danh nhân nào mà không bị chỉ trích. Nhưng nếu chỉ trích với một ác ý, với một dụng tâm xấu, với một mưu đồ chính trị hay tôn giáo nào đó thì không hay. Do đó, nội dung của Kỷ Yếu là chúng tôi trình bày sự thật mà chúng tôi biết được, để cho quần chúng, nhất là giới trẻ đánh giá rõ rệt về một nhân vật lịch sử rất quan trọng của Việt Nam, đó là cụ Petrus Ký.”

Trong “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký,” người đọc có thể tìm thấy nhiều bài viết mang tính học thuật dành cho giới nghiên cứu về văn hóa hay tiến trình phát triển chữ quốc ngữ. Bên cạnh đó, cũng có những bài viết gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu liên quan đến nhiều sự thật về cụ Petrus Ký.

“Độc giả mà chúng tôi muốn nhắm tới là quảng đại quần chúng nói chung, trong đó vừa có giới nghiên cứu, vừa có giới bình dân, vừa có người lớn tuổi, và đặc biệt là chúng tôi nhắm tới những người trẻ, những người này đa số có học hành đàng hoàng và họ có nhận xét tương đối khách quan,” ông Quân cho biết.

Trả lời câu hỏi, “Liệu có điều gì ông cảm thấy còn thiếu sót trong quyển Kỷ Yếu sắp ra mắt này không?” nhà giáo Nguyễn Trung Quân nói, “Thật ra thì không có một tác phẩm nào có thể viết toàn bộ kỹ càng về một nhân vật, đặc biệt là một nhân vật lớn như Petrus Ký, một nhân vật văn hóa mà tôi nghĩ là độc đáo nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Đây là một công trình tập thể mà anh em chúng tôi muốn đưa ra những sự thật mà chúng tôi biết được qua nghiên cứu để mọi người cùng nhìn, cùng đánh giá về một nhân vật lịch sử lớn một cách công bằng nhất.”

Câu trả lời của ông Quân, cũng là điều mà nhà văn Phạm Phú Minh ghi nhận trong Lời Nói Đầu của quyển sách, “Một cuộc triển lãm và hội thảo về cụ Trương Vĩnh Ký, rồi một cuốn kỷ yếu ghi lại công trình ấy dĩ nhiên không thể đáp ứng đầy đủ những hiểu biết về con người văn hóa lớn lao này. Nhưng ít ra công việc này cũng góp phần cho một cái nhìn đúng về một nhân vật có công lao lớn đối với văn hóa đất nước, và nhất là cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn đối với cụ.”

Quả thật, lần giở quyển kỷ yếu dầy hơn 400 trang được in ấn công phu này, người đọc có thể nhìn thấy phóng ảnh bức thư dài 18 trang thủ bút viết bằng tiếng Pháp của ông Trương Vĩnh Ký gửi cho đại biểu Blancsubé về việc ông từ chối vào quốc tịch Pháp.

Người đọc cũng có thể đọc được hai bức thư trao đổi giữa Trương Vĩnh Ký và Toàn Quyền Paul Bert vào năm 1886 được tác giả Đặng Thúc Liêng dịch ra tiếng Việt. Những bức thư này là những hé lộ hiếm hoi để chúng ta ngày nay biết qua về quan niệm chính trị, tôn giáo của hai người bạn trí thức, một Việt một Pháp giữa một thời điểm khó khăn của vận mệnh nước Việt Nam khi bị Pháp xâm lăng.

Cũng trong quyển kỷ yếu này, người đọc sẽ có dịp đọc bài viết khá thú vị mang tên “Minh oan cho Petrus Trương Vĩnh Ký về câu ‘Ở với họ mà không theo họ’” của tác giả Winston Phan Đào Nguyên, hay bài nghiên cứu rất công phu của tác giả Bùi Vĩnh Phúc với nhan đề “Đọc Kiều của Trương Vĩnh Ký, nghĩ về ngôn ngữ Việt và một vài khía cạnh biến đổi ngữ âm, ngữ nghĩa trong tiếng Việt” mà có lẽ bất cứ ai tìm hiểu về ngôn ngữ học đều không thể bỏ qua.

Nhà giáo xuất thân từ miền gạo trắng nước trong Cần Thơ Nguyễn Trung Quân nói như chắt lòng, “quyển Kỷ Yếu này là công trình đầu tiên mà tôi chính thức tham gia vào. Năm nay tôi 82 tuổi rồi, tôi coi đây là công trình đóng góp có ích cuối đời không những cho người lớn mà còn cho tuổi trẻ. Đó là điều tôi tự hào nhất.”

Kính mời quý đồng hương đến tham dự buổi ra mắt quyển “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo Trương Vĩnh Ký” được tổ chức vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 1 Tháng Chín, 2019 tại Hội trường Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683.

Quý vị muốn mua sách, xin bấm vào đây (Ngọc Lan)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT