Thursday, April 25, 2024

Nhà văn Tô Hoài với tiểu thuyết ‘Ba Người Khác’

Trần Yên Hòa

ANAHEIM, California (NV) – Tôi yêu những truyện của nhà văn Tô Hoài, tác giả truyện nhi đồng nổi tiếng viết từ hồi tiền chiến như “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký,” “Xóm Giếng Ngày Xưa,” “O Chuột”…

Nhà văn Tô Hoài (1920-2014). (Hình: Trần Đăng Khoa/Thể Thao & Văn Hóa)

Nhưng với tiểu thuyết “Ba Người Khác,” Tô Hoài có giọng văn rất khác. Ông nêu lên cái sai, cái ác, cái tội lỗi đã xảy ra ở một nơi, mà ta có thể hiểu là ở khắp nơi, trên miền Bắc ngày ấy.

“Ba Người Khác” gây một tiếng vang lớn

Hồi tôi còn học trung học, ở miền Nam, có biết bao nhiêu bài văn mẫu được trích ra từ các tác phẩm của Tô Hoài cho học sinh học.

Sau năm 1975, tôi đọc Tô Hoài với những tác phẩm như “Vợ Chồng A Phủ,” “Truyện Tây Bắc”… tôi thất vọng vì những truyện này được viết theo lối văn chương minh họa một thời.

Rồi có lẽ ông đủ thời gian để nhìn lại những ngày đã qua và ông viết “Chiều Chiều,” “Cát Bụi Chân Ai” rất thật. Sau đó là tiểu thuyết “Ba Người Khác.”

Nhà văn Tô Hoài kể về một chuyện (có) thật, hoàn cảnh thật, con người thật, của những năm tháng có chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc. Đó là những năm 1954 đến 1956.

Tác giả đã ghi lại một bức tranh linh động về một nơi chốn, một địa phương (thôn Am, thôn Chuôm), một thời điểm, một sự việc, mà khi đọc xong ta thấy bàng hoàng, kinh hãi.

“Ba Người Khác” của Tô Hoài, do nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản, đã gây một tiếng vang lớn trên diễn đàn văn học trong nước và hải ngoại.

Tập sách ghi trên đầu sách là tiểu thuyết, như muốn nói đây là một cuốn sách hư cấu (tác giả chỉ tưởng tượng ra), nhưng sự thật, theo Lời Giới Thiệu của nhà xuất bản Đà Nẵng thì: “Câu chuyện này có thể được coi là một mảng ký ức trong cuộc đời nhà văn Tô Hoài. Và ký ức, có thể tương ứng, trùng với điều đã diễn ra.”

Vì chúng ta đã biết, Tô Hoài đã từng là một cán bộ cải cách ruộng đất.

Như vậy là Tô Hoài viết truyện này như là một bút ký, nhưng tác giả đã khôn khéo bằng bút pháp của một nhà văn, ông đã lột tả hết mọi nỗi đau thương, nghiệt ngã, của những thân phận con người, từ bần, cố nông, đến trung nông hay địa chủ, đều bị cái guồng máy ấy (chính quyền) giày xéo đến tận cùng.

“Ba Người Khác” mà Tô Hoài viết lên, thứ nhất là nhân vật xưng tôi tên Bối (có phải là tác giả không?), thứ hai là đội trưởng Cự, thứ ba là đội viên Đình. Cả ba thể hiện, cũng có thể nói, là đại diện cho cán bộ cốt cán, bên ngoài lúc nào cũng nói đến cách mạng, đến nhân dân, xóa bỏ bóc lột, bất công, nhưng bên trong là tham quyền cố vị, ngu dốt, “hủ hóa” – chỉ sự thông dâm của các cán bộ với đàn bà con gái tại nơi công tác.

Tiểu thuyết “Ba Người Khác” của Tô Hoài. (Hình: Tài liệu)

Tô Hoài can đảm, đã viết lên được cái dã man

Khi Bối đến công tác tại thôn Am, Bối đã “hủ hóa” ngay với đứa con gái của một gia đình cố nông, là Đơm, con bác Diệc. Nhà này nghèo kiết xác mà phải nuôi ăn cho cán bộ. Với cô gái tên Đơm, Bối đã dùng ba tấc lưỡi để chiếm đoạt lấy thân thể Đơm, rồi sau lại “thêm” với cô đội trưởng dân quân tên Duyên nữa.

Chúng ta hãy đọc đoạn văn ngắn sau đây của Tô Hoài, tả về cảnh ấy:

“Nhưng tôi vẫn nắm tay Đơm. Trong mảnh áo rách vai, cái chân vú nân nẩn. ‘Em ngoan quá.’ Tôi lấy trong khe quyển sổ ghi chép ra hai tờ giấy bạc một đồng kẹp trong đấy.

-Cầm lấy, thỉnh thoảng mua bánh đúc cho anh. Đừng để ai trông thấy nhá. Anh đương phải ‘ba cùng.’

-Em biết rồi.

Đơm cầm tiền đút vào mép yếm.

-Em có cái túi hay nhỉ?

Tôi thò tay lách vào ngực Đơm.

Đơm đẩy tay tôi ra.

-Rõ cái anh!

-Anh xem cái chỗ để tiền.

-Ngoài này cơ mà, ai lại sờ vào trong.

-Anh nhầm.

Tôi lại thọc vào ngực Đơm như vừa rồi. Lần này Đơm đứng tây ngây, mặt đỏ lịm, để yên cho tay tôi vân vê.”

Về phần hủ hóa với Duyên như sau:

“Tôi đặt cái túi đầu giường, rồi cẩn thận cởi quần áo, chống hai tay như con ếch bò vào chỗ Duyên.

-Ấy…

-Lại có tháng à, xem nào.

-Không.

Duyên lăn xả vào, cưỡi lên tôi. Đến lúc tôi lử cò bợ. Duyên vẫn quắp không cho giẫy ra.

Duyên thì thào vào tai tôi:

-Tháng sau, em về nhà chồng.

-Sao bảo rồi đi Hà Nội với anh?

-Chỉ được cái thăng thiên. Ra đấy rồi anh bỏ em bơ vơ.

-Anh thề.

-Chẳng phải thề cá trê chui ống, cứ chui vào đây này.

-Thật tháng sau em lấy chồng hả?

-Có thật thì người ta mới cho tha hồ, chứ không để mà chửa hoang với ai. Mai kia thằng con đầu em đặt nó là thằng Bối.

-Tên nó là thằng Đình.

Duyên ngoạm vào mặt tôi, lại đè tôi ra, hùng hục: ‘Xem con ai nào! Xem con ai nào!’

Có hôm cả nhà đi vắng, chúng tôi lại ngủ với nhau cả ban ngày. Duyên thật ra dáng con gái, lại có bộ mồi cái quần thâm, chiếc áo cánh phin, không man dại như Đơm. Hai đứa nằm đất mát lạnh trong khuya.”

Chân dung Tô Hoài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp. (Hình: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Như vậy, suốt cuốn sách, Tô Hoài đã đưa cho ta thấy đội công tác, từ người đội trưởng tên Cự, đến tay Đình, tay Bối, đều có chung một công việc, là “hủ hóa,” rồi tìm mọi cách để tố khổ địa chủ, gán ép những người trung nông lên phú nông, địa chủ, để giở trò tố khổ tiếp, rồi chiếm đoạt tài sản của địa chủ khi họ bị tố khổ.

Đọc tiếp đoạn văn Tô Hoài tả cảnh tố khổ phó Thìn:

“Cuộc đấu nổ lên liên tiếp, khi địa chủ Thìn, một lão già tám mươi tuổi héo hắt như cái cây khoai, mắt thong manh mù dở, khoeo chân không duỗi ra được, chẳng có án thì cũng chỉ dăm hôm nữa lão ngoẻo thôi, vừa được đặt xuống tựa vào cái cọc. Người chạy lên, chạy xuống tới tấp.

-Mày có biết tao là ai không?

Thế nào mà tiếng lão già sắp chết này vẫn nói sang sảng:

-Thưa bà nông dân… tôi không biết.

-Tao đi ở cho cháu mày.

-Thế thì tôi không biết thật ạ.

-Mày lấy roi c. bò đánh tao. Đả đảo địa chủ!

Rồi hớt hải chạy xuống giữa tiếng đả đảo cuồn cuộn trong đám người.

Tôi ở ghế chủ tọa, đứng lên đọc một cáo trạng tội ác lão Thìn. Nhà nó đã mấy đời bóc lột, càng ngày càng giàu, càng ác. Nó thu thóc tạ cho Pháp, cho Nhật, khi kháng chiến đội lốt làm chủ tịch xã, đến hồi Tây về nó làm tổng ủy, nó là con chó săn của hai, ba đế quốc. Con gái nó đui què câm điếc, nó bắt nông dân phải lấy, rồi lại phải cày giẽ giả nợ. Đả đảo địa chủ, cường hào ác bá.

Giữa những tiếng lao nhao hô đả đảo, bác Diệc (con rể của Thìn) run run bước lên. Mặt tái ngoét như con gà cắt tiết. Tổ dân quân mấy xóm dàn hàng ngang. Đơm khoác súng đứng hàng đầu. Duyên mặt đỏ hây, cúp mắt xuống nhìn hai đầu vú đương cường cong tớn. Đơm thì nước mắt ròng ròng nhìn lên tôi. Có phải những giọt nước mắt nói: Ông em ngày trước đấy.

Bác Diệc, chỉ tay vào địa chủ Thìn:

-Tao thù mày! Tao thù…

Rồi khóc rống lên, chạy xuống. Đội trưởng Cự xô ngay ra trước loa, quát to:

-Hôm nay là ngày thắng lợi của giai cấp nông dân chúng ta, cấm không ai được khóc…

Cả nghìn con người lại im như tờ…

Lão Thìn lả người, lăn quay ra giữa bãi. Đống văn tự, giấy tờ, sổ sách chữ Tây, chữ ta trong nhà lão khuân ra đốt, khói um lên. Tàn than lả tả bay như đàn bướm đen. Nhưng tiếng quát xô lên: Không cho nó nằm! Nó nằm sập gụ cả đời rồi. Bắt nó đứng! Bắt nó…

Khi một loạt tiếng súng tỏa khói xanh um lên, đám đông ở dưới đẩy nhau chạy. Ai cũng khiếp tiếng nổ. Người hãi máu, bịt mắt lại. Người nhốn nháo vỡ ra các ngã. Tiếng trống cà rùng của đội thiếu nhi nổi lên khua rầm rầm vang vang. Thế là địa chủ Thìn chết.”

Suốt truyện “Ba Người Khác“ của Tô Hoài, còn nhiều những cảnh hãi hùng như trên. Tôi thấy Tô Hoài can đảm, đã viết lên được cái dã man, vô nhân tính của các cán bộ cải cách ruộng đất.

Có thể, đó là cái nhân cách cuối cùng của nhà văn, như một đoạn thơ trong “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán:

“Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời
Sét nổ trên người không xô tôi ngã.
Giấy bút tôi ai cướp giật đi.
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.”
[qd]

Nhà văn Tô Hoài, tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27 Tháng Chín, 1920, trong một gia đình thợ thủ công ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội.

Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Bút danh Tô Hoài của nhà văn gắn liền với hai địa danh nơi ông sinh ra và lớn lên: Sông Tô Lịch và Phủ Hoài Đức.

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài là “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” (1941), tác phẩm đã gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam và được dịch ra gần 40 thứ tiếng trên thế giới.

Tại cuộc hội thảo kỷ niệm 70 năm “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” năm 2012, ông Tô Hoài cho biết, tác phẩm được ông khởi viết năm 17-18 tuổi. Theo nhà văn, bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế.

Hơn 50 năm cầm bút, ông viết hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau gồm truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Ông qua đời trưa Chủ Nhật, 6 Tháng Bảy, 2014, tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

MỚI CẬP NHẬT