Friday, April 26, 2024

Những người bạn đã xa

Nguyễn Thị Hậu

1. Mùa Giáng Sinh đầu tiên của tôi là Noel 1975 ở Sài Gòn.

Nữ sinh. (Hình minh họa: Công Đức Nguyễn/Pixabay)

Trước đó, ở Hà Nội chẳng bao giờ tôi được phép đi chơi Noel cả, dù từ nhà tôi qua nhà thờ Hàm Long chỉ vài bước chân, hay có lên nhà thờ Lớn cũng chỉ một đoạn đường tàu điện.

Hồi đó ở miền Bắc công chức được nghỉ hai ngày Phật Đản và Giáng Sinh, nhưng má tôi không cho đi chơi vì còn nhỏ, khi lớn rồi thì vì đường đông, vì lạnh, vì… nhà có thờ Phật thờ Chúa đâu mà đi chùa hay đi nhà thờ… Tóm lại là đêm Noel tôi chỉ ngồi trong nhà, cùng lắm chạy ra ngõ ngó nghiêng những chiếc đèn ngôi sao nhiều màu treo trước cửa những nhà theo đạo. Nửa đêm chợt tỉnh giấc nghe tiếng chuông rộn rã và văng vẳng tiếng Thánh Ca từ nhà thờ Hàm Long vọng lại… rồi ngủ thiếp đi trong cuộn tròn chăn ấm.

Năm 1975 về Sài Gòn, tôi học lớp 12 tại trường Marie Curie. Lớp ban C khá đông, phần lớn là dân “trường Tây,” chỉ có mấy đứa “Bắc Kỳ mới” như tôi (“Bắc Kỳ cũ” là di cư năm 54). Tôi chơi với nhiều bạn trong lớp, hầu như không có sự phân biệt nào cả ngoài giọng nói (phải nói luôn, tôi bị nhiều bạn bè “kỳ thị” vì cái giọng Bắc Kỳ của mình, cả người thân trong gia đình, sau này là từ một số cấp trên. Sự kỳ thị này càng làm cho tôi quyết giữ giọng Hà Nội… xem sao).

Noel đầu tiên các bạn mời tôi đến nhà dự party, lần đầu tiên tôi biết “chơi kiểu Mỹ” là mọi người chung tiền tổ chức tiệc Giáng Sinh, riêng tôi được mời vì là bạn mới và bạn chung của cả nhóm (sau này mới biết thêm một lý do nữa).

Nhà bạn là một villa nhỏ nằm khuất trong con hẻm đường Trương Tấn Bửu (bây giờ là đường Trần Huy Liệu). Khi tôi đến ngôi nhà đã rực rỡ đèn màu, cây thông treo những gói quà nhỏ và những ngôi sao lấp lánh, một bàn tiệc nhỏ ở góc phòng khách, bánh ngọt, trái cây, rượu nhẹ… Cha mẹ bạn đã đi dự tiệc ở nơi khác, dành ngôi nhà cho bạn tiếp khách, có chị bếp phục vụ. Bữa tiệc giản dị nhưng vui vẻ, nhiều người đưa bạn gái, bạn trai đến chung vui, rồi các bạn khiêu vũ rất đẹp. Tôi không biết nhảy, không biết uống rượu nên chỉ ngồi ở một góc, nghe nhạc và ngắm mọi người… cảm thấy mình có phần lạc lõng ở đó.

Bạn đến bên tôi hỏi nhỏ: H. thấy vui không? Hơi giật mình tôi lúng túng trả lời: Vui chứ, các bạn khiêu vũ đẹp quá… Bạn cười mắt lấp lánh sau cặp kính trắng “H. nhảy với mình nhen, dễ mà.” Tôi mắc cỡ “không, mình không biết nhảy đâu.” Bạn ngồi xuống bên cạnh, chẳng nói gì, cũng im lặng. Mọi người đã chuyển sang những điệu nhảy sôi nổi vui nhộn, tiếng cười nói ồn ào hơn, thêm nhiều người đến. Bạn chạy ra chạy vào tiếp khách nhưng không quên thỉnh thoảng nhìn về phía tôi, mỉm cười.

Nhìn đồng hồ đã hơn 10 giờ, tôi vẫy bạn lại và nói: mình phải về đây… nhà mình không cho đi chơi khuya đâu. Ừ để mình đưa H. về… Thôi không sao, mình về được mà, bạn ở nhà tiếp khách đi. Mình gửi lời chào các bạn nhé.

Ra đến cửa, bạn ngần ngừ như có điều gì muốn nói… Tôi cũng thấy hơi áy náy phải sớm rời cuộc vui mà bạn bè đã nhiệt tình mời. Định xin lỗi thì bạn nói: H. về nhé… và… đừng quên mình… Rồi bạn vội vã quay vào nhà.

Sau Noel rồi nghỉ Tết Tây, rồi thi học kỳ I… Đầu học kỳ 2 (Tháng Giêng, 1976), đi học lại thấy lớp vắng hẳn, tôi mới biết bạn đã đi xa. Tiệc Noel là buổi chia tay của bạn với riêng tôi vì nhiều bạn đã cùng nhau ra đi chuyến ấy…

Bao nhiêu năm rồi, đi qua con hẻm nhỏ ấy tôi vẫn luôn nhớ đến bạn, cậu trai có nụ cười thật hiền, ánh mắt lấp lánh sau cặp kính trắng, giọng Sài Gòn ấm áp.

Bao nhiêu năm qua rồi, không biết bạn có còn nhớ Noel năm đó không…

2.

Những năm 1980, đời sống của hầu hết nhân dân và công chức rất khó khăn. Nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, không có đất cát ruộng vườn gì để trồng trọt cải thiện, công chức xoay xở đủ nghề làm thêm, từ may gia công đến bỏ mối hàng, từ trông xe phụ bàn ở nhà hàng đến nuôi gà nuôi heo trong những căn hộ chung cư chật hẹp…

Gia đình tôi cũng như mọi gia đình khác, cũng làm thêm đủ việc. Má tôi ngăn một góc sân nuôi mấy con heo. Nhờ quen biết nên bà mua được cám heo với giá mậu dịch. Hằng ngày đi làm về chị dâu tôi xếp hàng mua rau muống, phần tôi thì tối nấu cám heo. Ai về sớm thì cho heo ăn, có bữa cả nhà về trễ mấy con heo đói kêu la ầm ĩ… Có lần mấy heo bị bệnh làm má tôi lo đến mức muốn… bệnh theo!

Chính trong thời gian này tôi quen với một “người bạn” đặc biệt. Đó là một người phụ nữ khoảng gần 30 tuổi, chị sống với ba đứa con trong căn nhà phố khang trang của gia đình chị. Cả nhà đã vượt biên từ vài năm trước không có tin tức gì. Lúc đó chị mới lấy chồng, chồng chị còn nặng gánh gia đình nên không đi được, vì vậy chị mới ở lại. Chị là con út, lấy chồng rồi có ba đứa con đúng lúc đời sống khó khăn nhất nên rất vất vả. Từ nhỏ không quen làm gì ngoài việc nội trợ nên hầu như chi tiêu trong nhà đều trông vào đồng lương ít ỏi của chồng chị. Có lúc hai vợ chồng bàn nhau bán ngôi nhà đang ở, nhưng cũng không được bán vì “nhà của người vượt biên” dù chị đứng tên hộ khẩu ở đó.

Mãi rồi chị cũng nhận được tin tức gia đình, vì gia đình chị ở trại tị nạn bên Philippines khá lâu mới được qua Mỹ. Từ đó cha mẹ chị giúp tiền bạc cho anh chị sinh sống… nhưng cuộc sống ngày càng bế tắc, chồng chị quyết định ra đi trước. Chị ở lại và chờ đợi chồng đến nơi ổn định sẽ đón vợ con qua sum họp, dù chưa biết đến bao giờ… Nhưng khi qua đến nơi thì chồng chị ở với một phụ nữ anh gặp trong chuyến vượt biển dài ngày. Những hiểm nguy, cái chết cận kề trong chuyến đi đã làm họ gắn bó với nhau… Anh cũng biết con đường bảo lãnh cho vợ con còn rất xa, mà để vợ con ra đi rồi cũng gặp chuyến đi kinh hoàng như mình thì anh không chịu nổi…

Nhận được tin anh lấy người khác, tinh thần và sức khỏe của chị suy sụp tưởng như chị đã bỏ lũ trẻ mà đi theo ông bà. Cha mẹ chị tìm mọi cách gửi tiền cho chị sinh sống để chờ cơ hội bảo lãnh. Nhưng chị đã gượng lại, kiếm việc làm là nhận may hàng gia công, chiều chiều đi nhận và trả hàng, từ tối đến khuya và cả buổi sáng miệt mài đạp máy. Thấy chị vất vả cơm nước con cái nên thời gian may đồ không được bao nhiêu, bạn bè giúp chị tìm người phụ việc nhà.

Lúc ấy tôi nuôi con chỉ bằng đồng lương đi dạy thiếu trước hụt sau nên cũng cần việc làm thêm. Được giới thiệu đến giúp việc cho chị, tôi chỉ biết chị đang chờ gia đình bảo lãnh đi nước ngoài. Còn chị cũng coi tôi như người giúp việc mà trước năm 1975 gia đình chị vẫn có. Hằng ngày buổi sáng tôi lên lớp hay làm việc khác, từ 3 đến 6 giờ chiều tôi đến nhà chị, dọn dẹp giặt giũ và tắm rửa cho bọn trẻ khi chúng đi học về, nấu cho mẹ con chị mấy món ăn đơn giản. Thỉnh thoảng rảnh rỗi chị vào bếp và nấu ăn rất ngon dù chỉ là những món ăn bình thường. Chị nói chị được mẹ dạy rất kỹ việc bếp núc. Giúp chị nhưng tôi cũng học được nhiều chuyện nội trợ.

Được một thời gian đâu khoảng hơn nửa năm gì đó, tình cờ chị biết tôi là giáo viên đi làm thêm. Số là gần nhà chị có mấy em sinh viên trọ học, hôm đó tôi vừa đến cửa nhà chị thì gặp các em. Các em chào tôi và hỏi cô đi đâu ạ? Chị ra mở cổng, nghe sinh viên hỏi thế thì nhanh nhẹn trả lời: À, đây là cô em của bác đấy! Hôm ấy chị và tôi nói chuyện với nhau rất lâu. Hóa ra chúng tôi có nhiều điểm giống nhau: cùng là con út được cha mẹ cưng chiều, lấy chồng rồi cũng vất vả hơn các anh chị em. Chị bảo, nếu không lập gia đình sớm thì chị đã học sư phạm và cũng sẽ là một cô giáo như tôi. Đấy là nghề chị mơ ước từ nhỏ. Với chị hình ảnh cô giáo dịu dàng trong chiếc áo dài là điều thánh thiện nhất!

Ngoài chuyện đó tôi không tò mò thêm chuyện nhà chị, chị cũng không hỏi tôi về hoàn cảnh gia đình. Chị kỹ tính nhưng nói năng nhẹ nhàng dễ nghe, hằng tháng gửi tiền công để trong bao thơ, đưa tận tay với lời cám ơn thật lòng. Tôi làm việc nhà chị cũng như việc nhà mình, các con chị cũng rất quý tôi. Vì vậy cả hai chẳng có gì phải phiền hà. Chúng tôi dần trở thành bạn với nhau.

Một lần chị nói chị thấy áy náy khi phải để tôi giúp việc nhà. Tôi nói, tôi có một người chị khoảng tuổi chị, cũng con cái bận rộn suốt ngày. Giúp chị cũng như giúp chị gái mình. Vả lại, giúp việc nhà là công việc kiếm tiền đàng hoàng, không vì thế mà mình mất “tư cách,” tôi nghĩ thế. Chúng tôi vẫn giữ công việc cũ và mối quan hệ tốt với nhau nhưng chị âm thầm tìm việc khác cho tôi. Rồi một hôm chị dẫn tôi đến cơ sở may gia công mà chị làm ở đó, tôi được mượn máy may và bắt đầu nhận hàng về nhà làm.

Khoảng năm 1995, thủ tục bảo lãnh của cha mẹ chị hoàn tất. Trước khi ra đi chị nhắn tôi đến chơi. Lúc này tôi vẫn đi dạy nhưng không còn nhận may gia công nữa nên ít gặp chị. Nghe tôi nói đang làm thêm là đi nấu tiệc đám cưới nên thu nhập khá hơn, chị xót xa sao giáo viên mấy em cực quá… Chị đi rồi tôi mới được mấy người bạn kể cho nghe chuyện của gia đình chị.

Từ ngày ấy tôi không biết tin tức gì về chị và các cháu… Nhưng tôi tin chắc rằng ở “quê hương mới” cuộc sống của chị và gia đình mọi sự tốt lành. Chiều nay đi ngang con phố nhỏ có ngôi nhà của chị ngày nào, bỗng nhớ chuyện cũ của một thời chưa xa… (Nguyễn Thị Hậu)

*Bài đã đăng trong Giai Phẩm Người Việt Xuân Canh Tý 2020

MỚI CẬP NHẬT