Tuesday, May 7, 2024

Quán Văn (Kỳ 378)

Lời trần tình đầu năm

T.Vấn

1.

Thế là đã hết một năm nữa. Những con số điện tử trên tờ lịch đổi chỗ cho nhau nhanh đến chóng mặt. Thời gian cứ như bay như thổi. Bao nhiêu việc phải làm vẫn còn nguyên đó. Vậy mà cứ hẹn lần hẹn lữa. Thôi để ngày mai. Thôi để tháng tới. Thôi để năm tới. Thôi để… Cho đến khi không còn lần lữa được nữa. Nhìn những tờ lịch vơi dần như sinh lực của mình cũng đang vơi dần mà tôi bất giác rùng mình. Năm cùng tháng tận cũng có nghĩa là sức mỏn hơi tàn. Vậy mà có người bạn già vẫn còn chơi trống bỏi được. Tài thật. Nhưng mà có ích gì không khi cứ cố bám lấy cái mà mình không còn khả năng nắm giữ được nữa?Ngày vui đã qua mau, rồi thì ngày buồn cũng qua mau. Lâu rồi đời mình cũng… xong. Nhưng xong sao được khi còn bao nhiêu việc phải làm, còn bao nhiêu món nợ chưa trả hết? Chẳng lẽ bắt con cháu chúng è lưng ra gánh?

Thật lạ lùng! Việc của cả năm lại cứ dồn vào tháng cuối cùng. Việc của cả đời cũng cứ dồn vào lúc sắp sửa chào vĩnh biệt cuộc đời. Phải chi có được một cuộc đời khác dự trữ thì tuyệt vời biết mấy! Nhưng rồi tôi lại tự hỏi: liệu khi đã có một cuộc đời khác để dự trữ, người ta sẽ biết sử dụng nó một cách khôn ngoan hơn hay lại cứ chứng nào tật nấy, vung phí nó khi còn trẻ và chỉ chịu dừng tay khi nhìn lại quỹ thời gian sắp sửa cạn và khi chính mình không còn đủ sức để mà vung phí nữa? Cuộc trần ai chỉ biết chảy về phía trước. Nó không cho người ta có cơ hội để làm lại, dù chỉ một lần thứ hai. Vì thế, trong giây phút chuyển mùa của thời tiết, của năm tháng, mấy ai không bùi ngùi nhìn lại con đường đã đi qua, chép miệng thở dài, và mắt đăm đắm nhìn về phía trước, khoảng thời gian sắp tới mà sợ hãi những bất trắc, những vô định…Và sợ nhất là những khỏanh khắc vô nghĩa.

2.

Đứng trước con số ngày tháng thoăn thoắt nối đuôi nhau, tôi cũng giật mình nhận ra mình đã trụ trên trang web nhỏ này một khoảng thời gian không phải là ngắn. Nhớ lại không biết bao nhiêu đêm ngồi im lặng trước màn hình trắng xóa, đầu óc khô khốc như những khớp xương gìa nua không còn tiết ra thứ chất nhờn cần thiết để giúp cơ thể chuyển động dễ dàng. Nhiều lúc tôi tưởng mình đã khô máu, có cố lắm thì cũng chỉ nhỏ ra được những giọt máu vô hồn vô tình vô cảm như những giọt nước lã. Nhiều lúc, tôi đọc những hàng chữ mình viết mà thấy xa lạ như của một ai đó, hay cảm thấy nhạt nhẽo như nồi nước lèo chưa nêm nếm gia vị. Nhiều lúc tôi thấy mình chỉ biết sa đà với quá khứ, với những nỗi đau riêng, dù quá khứ ấy, nỗi đau ấy không phải chỉ của riêng mình tôi, mà có thể của nhiều người, có thể của cả một thế hệ. Nhưng rồi tôi lại tự trách mình (trước khi có người nào đó lên tiếng phàn nàn), có ích gì không khi cứ mãi sa đà với quá khứ khi mà hiện tại còn biết bao điều cần nói, cần làm, cần suy tư động não. Dòng sống như dòng sông, nó chảy về phía trước và chỉ có phía trước mới cần sự chú tâm của mọi người. Hồi ức chỉ có gía trị nếu nó giúp người ta nhìn kỹ hơn hiện tại và sẽ là điều tai hại nếu nó làm mất cân bằng cán cân hiện tại tương lai vốn dĩ khá chênh vênh.

Một năm 365 ngày, 12 tháng, 52 tuần lễ. Lẫn trong những con số bất di bất dịch là  những lần tôi đặt dấu chấm cuối cùng trên trang viết của mình. Rất nhiều khi, những điều tôi trang trải trong những bài viết của mình quay trở lại ám ảnh chính người viết, và để lại những dấu hằn như những vết chém khô khốc trong tim. Đôi khi,những vết chém ấy đau đến độ làm chảy nước mắt. Đôi khi, chúng chỉ nhoi nhói vừa đủ cho một cảm giác mãn nguyện của thú đau thương. Đôi khi, chúng làm tôi xấu hổ vì cái ngây thơ đến độ ngốc nghếch, đến độ hợm hĩnh rất buồn cười của mình. Có lẽ, đó là cái giá phải trả cho những đam mê chữ nghĩa. Nhất là khi người ta chấp nhận nỗi đam mê ấy với một thái độ nghiêm túc, thành khẩn và một lòng tin mãnh liệt không kém đức tin vào một tôn gíao.

Và cũng đã có lúc, tôi nghi ngờ lòng tin của chính mình vào… chữ nghĩa. Dù tôi không phải là kẻ làm văn chương. Và cũng chưa bao giờ tôi có ý định đó.

3.

Tổng số những trang viết, những bài viết sẽ chẳng là gì hết nếu chúng không chứa đựng được “chút gì.” Cái “chút gì” ấy khiến người đọc phải nhíu mày, suy nghĩ. Cái “chút gì” ấy có thể làm vui lòng một số người này, nhưng cũng có thể gây khó chịu nơi một số người khác, có thể được sự tán đồng, và cũng có thể gây nên tranh cãi. Cái “chút gì” ấy, chính là cái Nghĩa đi kèm theo với Chữ. Nếu không thế, chữ nghĩa sẽ trở thành món hàng xa xỉ, đôi khi rất không cần thiết với những cuộc sống đầy tất bật, lo toan. Nói cách khác, chữ là chiếc xe, và nghĩa là thứ mà chiếc xe chữ chuyên chở. Thời buổi xăng cộ mắc mỏ mà xách chiếc xe không chạy tới chạy lui chẳng hóa ra phí phạm lắm sao!

Phí phạm luôn cả những “mảnh đất” trang trọng của mặt tiền trang web. Phí phạm cả sự tin cậy mà bạn hữu đã dành cho tôi. Phí phạm cả những đêm ngồi im lặng giữa không gian tịch mịch, lắng nghe tiếng thở đều đặn trong giấc ngủ trẻ thơ say nồng của lũ con mà tự tra vấn chính mình về ý nghĩa của những hàng chữ đang nhẩy múa trước mặt, liệu chúng có ích gì cho cuộc sống ngày mai trong đó có sự hiện hữu của con mình hay không.

Phí phạm nhất là thì giờ và tấm lòng người đọc. Không có người đọc, sẽ không có người viết. Chả lẽ viết xong rồi chỉ để đêm đêm lấy ra đọc lại những gì mình viết, như người điên cứ hay lảm nhảm nói một mình. Đã hết rồi cái thời người ta đóng cửa thư phòng, bịt tai nhắm mắt trước những nhiễu nhương của thế sự và bằng lòng với sự an bình riêng rất cỏn con, miễn hai bàn tay không nhuốm bùn nhân thế. Tôi tin rằng khi mình viết là viết cho một người nào đó, những người nào đó. Cũng như sống, là sống với ai đó, sống cho ai đó. Con người, chứ có phải thần thánh đâu mà sống riêng một mình giữa cõi trời hiu quạnh. Và Chữ, là để chuyên chở Nghĩa đến một địa điểm nào đó – người đọc, chẳng hạn. Vì thế, không có Nghĩa, Chữ chỉ là những cái vỏ khô khan, vô tích sự. Càng vô tích sự hơn, cái người viết ra chữ mà không có nghĩa.

4.

Ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn về phía trước, nghĩ đến 365 lần cập nhật bài vở của 365 ngày sắp tới mà chợt bâng khuâng lo lắng. Riêng phần tôi, trong góc của mình, tôi sẽ viết những gì? Những điều tôi viết là để cho người đọc hay chỉ để thỏa mãn chính mình? Tuổi của tôi năm nay đã bước vào“thất thập cổ lai hy”, liệu có còn đủ nhạy bén để “bắt mạch” được nhịp thở chính yếu nhất của cuộc sống đang sôi nổi và biến dạng từng giây, từng phút ngoài kia? Liệu tôi có trút bỏ được gánh nặng của quá khứ, của những công việc (có thật và tưởng tượng) còn tồn đọng từ năm ngoái, năm kia để thảnh thơi làm người ghi chép cần mẫn của hiện tại? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu những ưu tư. Có người bảo khi ngồi một mình trước trang giấy trắng là lúc người viết trở thành tự do nhất, anh ta sẽ mặc tình tự tung tự tác, tả xung hữu đột, lên Đông xuống Đoài với vũ khí là cây bút trong tay. Tôi không tin như vậy. Một người viết nghiêm túc sẽ thấy thấp thóang trên trang giấy trắng bao con mắt nghiêm khắc của độc giả, nhận rõ hậu quả sai hay đúng của những điều mình viết tác động lên một con người, một tập thể, và quan trọng nhất, anh ta không được quyền buông thả, dễ dãi. Nói cách khác, chính cái trách nhiệm của người cầm bút với độc giả của mình đã giới hạn tự do của anh ta, hay đúng hơn, buộc anh ta sử dụng quyền tự do tư tưởng của mình một cách cẩn trọng. Chữ nghĩa vốn là gia sản của bao đời cha ông truyền lại, kẻ đi sau có bổn phận gìn giữ, phát triển và làm giàu có thêm kho tàng ấy cho thế hệ nối tiếp mình. Chính vì thế sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm là phẩm chất không thể thiếu của một người viết nghiêm túc.

Đã có lúc tôi nghĩ đến việc nhường sân chơi cho những người trẻ tuổi. Nhưng, tâm trạng của tôi hệt như anh kép già về chiều thảm thương. Cả một đời say mê ánh đèn sân khấu, bao nhiêu đêm từng đứng giữa tiền trường nhìn xuống phía khán giả buồn thương giận ghét cùng với những vai diễn của mình, nay có người bảo anh kép hát già rằng anh đã hết thời rồi, tốt nhất là anh nên giải nghệ để còn giữ được những hình ảnh đẹp trong lòng khán gỉa. Hơn bất cứ ai, anh kép già hiểu rõ điều đó. Nhưng anh lại không đủ can đảm nhìn thấy sự tàn tạ của chính mình, không đủ can đảm dứt áo chia tay với nỗi đam mê của cả một đời. Bi kịch của anh kép hát già về chiều cũng là bi kịch của nhiều người, và tôi tin rằng mình không là ngọai lệ.

5.

Đêm giao thừa Tết Tây, như thường lệ hàng năm, tôi xem trực tiếp truyền hình buổi lễ Countdown trong phút cuối cùng của năm cũ từ thành phố New York. Những khuôn mặt hiện diện trên màn ảnh truyền hình, họ có thể đến từ khắp nơi trên nước Mỹ hoặc thế giới, những khuôn mặt trẻ trung háo hức. Năm mới đến ai cũng chờ đợi những điều tốt đẹp mới cho mình, cho người, cho đời. Ngoài cái háo hức chờ đợi được chứng kiến một trong những sự kiện trọng đại nhất trên thế giới là nghi lễ Countdown hạ quả cầu thời gian (time ball) trên nóc tòa nhà One Times Square có truyền thống hàng trăm năm, họ còn tin rằng họ đang ăn mừng thế giới ngày mai sẽ thay đổi để trở nên tốt đẹp cho tất cả mọi người,không phân biệt màu da, chủng tộc, địa lý.

Hòa cùng không khí lạc quan ấy, tôi cũng hy vọng rằng trong những lần trang trải chữ nghĩa trên trang viết quen thuộc, tôi sẽ tránh được những lối mòn cũ kỹ mà một anh kép hát già mắt mờ tai lãng vốn khó lòng nhận ra. Lập lại chính mình,đi trên những con đường đã mòn vẹt, là những căn bệnh mà người không còn trẻ hay mắc phải. Chữ nghĩa, tuy là báu vật truyền đời của một dân tộc, nhưng luôn luôn mang khuôn mặt của thời hiện tại. Không có hơi thở và sức sống của thời đại, chữ nghĩa sẽ giống như bộ xuơng tiền sử nằm trong căn phòng bụi bậm của nhà khảo cổ học. Cuộc sống vốn thay đổi từng giờ từng phút, vậy mà cứ mỗi một năm qua, người ta còn mong đợi thêm bao thay đổi, huống gì chữ nghĩa, tấm gương phản chiếu trung thực nhất của thực tại.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng cứ mỗi một bước chân thời gian qua đi, đều lấy mất ở tôi một chút cái cảm giác tự tin vốn vô cùng mạnh mẽ khi tôi còn trẻ. Và vì thế, ngày đầu tiên của năm mới, tôi nhìn 365 ngày sắp tới với một nỗi băn khoăn của anh kép hát già vẫn chưa dứt được nỗi đam mê ánh đèn sân khấu, dù biết mình sắp về chiều.

(Wichita 01.01.2008 – Houston 01.01.2020)

(Nguồn: Tác giả gửi bài và tranh qua sangtao@org)


Những chữ làm đẹp câu thơ 

Bùi Quý Chiến 

Khi 2 chữ hoặc nhiều hơn tạo thành nghĩa khác, ta có một nhóm chữ. Thí dụ: trời đất, cơn gió bụi…

Nhóm chữ là một số chữ kết hợp thành một ý tưởng hoặc một sự kiện nhưng ý tưởng hoặc sự kiện ấy chỉ là thành phần của một câu trọn vẹn.

Trong truyện Kiều, chị em Kiều đi dự hội Thanh Minh gặp Kim Trọng. Vương Quan bước tới chào vì quen biết, nhưng Kiều và Vân lần đầu tiên biết mặt nên tỏ ra ngần ngại: “Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa”

Nhóm chữ “nép vào dưới hoa” có 2 giới từ (preposition) tạo thành 2 ý:

Chị em nép vào nhau và

Dưới cành hoa.

Có 3 loại nhóm chữ: Nhóm danh từ do danh từ đứng đầu. Nhóm động từ do động từ đứng đầu. Và nhóm tính từ

1. Nhóm Danh Từ

Khi nhàn hạ đọc lại truyện Kiều và Chinh Phụ Ngâm chúng ta gặp lại những nhóm danh từ rất đẹp.

Truyện Kiều: Sau khi nghe Kim Trọng tỏ tình, Kiều biểu lộ sự ngại ngùng qua ánh mắt: “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng.”

Ánh mắt hồ thu được rút gọn thành “nét thu”  để đối với “chiều xuân.”

Lần đầu tiên gặp Kim Trọng, Kiều đã tỏ ra “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nhưng lúc này “ngại ngùng”  vì “nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.”

Bị tên bán tơ vu cáo, gia đình Kiều kêu oan: “Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.”

Tiếng oan khiến đất phải rung chuyển. Vì án gian trời mây cũng u ám .

Chinh Phụ Ngâm: Người vợ mơ tưởng chồng xông pha chiến trận: “Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành.”

Nhóm chữ “tên reo đầu ngựa” diễn ra cảnh chàng cưỡi ngựa thúc quân xông lên, giương cung bắn qua đầu ngựa, tên bay vun vút. Nhóm chữ “giáo dan mặt thành” cho thấy cảnh chàng gấp rút dàn quân phòng thủ thành lũy với giáo mác tua tủa …

Câu thơ gồm 2 vế đối nhau: thế công “tên reo đầu ngựa”/thế thủ “giáo dan mặt thành.”

Có khi người vợ mơ tưởng chồng chinh chiến mệt mỏi, ngựa chàng cưỡi cũng ngại lội qua sông: “Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.” Người và ngựa là đôi bạn chiến đấu, gian khổ và sống chết có nhau

2. Nhóm Động Từ

Truyện Kiều: Đang thời kỳ trăng mật với Kiều, Từ Hải chợt nhớ cuộc đời vẫy vùng ngang dọc: “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.”

Chỉ với nhóm chữ “động lòng bốn phương,” tác giả nói lên chí chọc trời khuấy nước của Từ Hải bỗng trỗi dậy giữa lúc “hương lửa đang nồng” cùng giai nhân.

Sau 15 năm khổ nhục, Kiều tái hợp Kim Trọng như: “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời.” Sương mù từ nhà ra ngõ mờ mịt, khi sương tan cảnh vật rõ ràng. Mây phủ khiến trời u ám, mây tan ánh mặt trời rạng rỡ.

Chinh Phụ Ngâm: Tiền đồn phát hiện giặc xâm phạm biên giới, trống báo động theo dây chuyền lan rộng: “Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt.” Tiếng trống khẩn cấp khiến rung chuyển cả ánh trăng.

Xa chồng, người vợ thương nhớ và buồn rầu khiến nhan sắc phai lạt: “Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?”

Chỉ với câu hỏi “điểm phấn trang hồng với ai?” tác giả đủ diễn tả nỗi cô đơn của chinh phụ.

3. Nhóm Tính Từ

Truyện Kiều: Trên đường về sau cuộc du xuân, chị em Kiều men theo một con suối: “nao nao dòng nước uốn quanh.” (1)Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa “nao = cảm thấy có xao động nhẹ về tình cảm: lòng nao nao một nỗi buồn khó tả.”

Nguyễn Du đã nhân cách hóa dòng suối bằng nhóm tính từ “nao nao dòng nước uốn quanh” = dòng nước nao nao nỗi niềm riêng.

Các nhà thơ thường nhân cách hóa thiên nhiên để thiên nhiên gần gũi với con người. Tản Đà cũng có câu:

Lá sen tàn tạ trong đầm
Nỉ non dòng lệ âm thầm khóc hoa.

Sau khi ủy thác em thay mình giữ vẹn lời thề với Kim Trọng, Kiều than khóc:

Trăm ngàn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Nhóm tính từ “ngắn ngủi có ngần ấy thôi” nghe thật thống thiết. Sau này Tản Đà có câu thơ phỏng theo nhóm chữ này: “Công danh phù thế có ngần ấy thôi.” Nhà thơ Phạm Thiên Thư cũng có câu: “Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi.”

Chinh Phụ Ngâm: Khi bóng cờ tiếng trống xa dần, người chồng cũng khuất dạng, người vợ trở về nhà mới cảm thấy: “sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng.” Không còn lời nào sầu oán hơn hai nhóm tính từ này.

Có lẽ nhóm chữ “sầu lên ngọn ải” đã gợi ý cho Cù Huy Cận viết: “vạn lý sầu lên núi tiếp mây.”

Sầu oán khiến người chinh phụ sao lãng việc trang điểm và ăn mặc để đến nỗi: “lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.” Vì thờ ơ gương lược nên tóc nàng vừa rối vừa xô lệch. Vóc dáng tiều tụy khiến áo quần buông lỏng không còn bó sát lưng eo. Câu thơ này cũng có 2 vế đối nhau: “lệch làn tóc rối/ lỏng vòng lưng eo.”

Phần lớn những câu gồm 2 nhóm chữ là những câu có 2 vế đối nhau:

Tiếng oan dậy đất/ án ngờ lòa mây.
Tan sương đầu ngõ/ vén mây giữa trời.

4. Những Nhóm Chữ Có Tính Sáng Tạo

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du sáng tạo 2 loại nhóm chữ bằng cách dùng chữ “điều” và “nỗi” như loại từ.

Nhóm chữ với chữ điều

“Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” = cảnh hiện ra trước mắt.

“Lấy điều du học hỏi thuê” = lấy cớ du học.

“Phải điều ăn xổi ở thì” = phải thói ăn ở tạm bợ.

“Đủ điều nạp thái vu quy” = đủ lễ cưới hỏi.

“Đừng điều nguyệt nọ hoa kia” = đừng thói sàm sỡ.

“Đến điều sống đục sao bằng chết trong” = đến tình thế phải sống nhục chẳng thà chết vinh.

“Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi” = khỏi nỗi nhục làm điếm.

Nhóm chữ với chữ nỗi

“Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây”

“Nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi”

“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà”

“Nỗi nhà gấp bước, nỗi thân lạc loài”

“Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen”

“Nỗi nàng tai nạn đã đầy”

Tất cả chữ “nỗi” trên đây đều có nghĩa là “tình cảnh” hoặc “tâm trạng.” Theo Việt Nam Văn Phạm  của các đồng tác giả Trần Trọng Kim – Phạm Duy Khiêm – Bùi Kỷ, chữ “điều” và “nỗi” được coi là loại từ.

Nguyễn Du đã làm giàu tiếng Việt bằng 2 loại nhóm chữ này.

(Đặc San Lâm Viên)

 Cước chú

(1) Dòng nước được suy ra là con suối vì 2 lẽ: thế đất ở đây là 2 sườn đồi giao nhau tạo thành một “tiểu khê” (khe nhỏ) và dòng nước chảy qua một “ghềnh” đá. Con suối không lớn, suy ra từ “nhịp cầu nho nhỏ.”

Cho nên những thuyết cho rằng “nao nao” có nghĩa như “cuồn cuộn” là không hợp lý .

Nhịp cầu nhỏ chứng tỏ suối đã xa nguồn nên chảy không mạnh. Tuy nhiên dòng nước trượt trên sỏi đá ở lòng suối nên bị xao động, tạo nên âm điệu rì rào như “nao nao” một nỗi niềm. 

(Nguồn: http://www.dslamvien.com/2020/01/nhung-chu-lam-dep-cau-tho.html)


Thơ Lê Quang Thông

Những mùa Xuân qua

Thuở xưa, Xuân vui như trẻ thơ.
Tuổi hoa niên nở bao ước mơ.
Mắt sáng môi hồng, đường trước mặt,
trải gấm thêu hoa bao đợi chờ.

Rồi Xuân buồn tang tóc tơi bời,
chuyện thảm thương ập đến nơi nơi.
Thanh xuân cứ tưởng đời đơn giản.
Đâu biết hờn căm đã ngút trời.

Từ đó những mùa Xuân xa nhà.
Biết mình không thể sống cho qua.
Đi, không chết trong lòng một ít.
Mà cả đời tuôn lệ nhạt nhòa.

Và những mùa Xuân tiếp mùa Xuân.
Chân trời góc biển nhớ bâng khuâng.
Những ngày tháng mộng thời son trẻ.
Đời qua không trở lại một lần.

Mùa Xuân lênh đênh trên sông Hậu,
bập bềnh nghe sóng vỗ mạn thuyền.
Sông nước mênh mông đường ra biển.
Xa nhà, xa đã mấy Xuân liền.

Mùa Xuân ngồi ngay giữa chợ trời,
chợ đời lăn lộn bán, buôn, chơi.
Lời lỗ một ngày chiều xả láng,
say đi, đời còn kể chi đời.

Mùa Xuân lang thang trên núi cao.
Bình yên sau những năm lao đao.
Ngâm câu “trực thượng cô phong đỉnh.”
Nhất thanh, lạnh buốt một phương nào?

Những mùa Xuân đi qua cuộc đời.
Những mùa Xuân lang bạt nhiều nơi.
Chỉ thấy đời hoài không thay đổi.
Người vẫn một nơi Xuân một nơi.

Frankfurt, Germany
(Nguồn: sangtao@org)


Thơ Phạm Mạnh Tiến

Ðầu Xuân Canh Tý

Xuân đến
Xuân đi
Xuân trở lại

Đếm xuân
Đếm tuổi
Đếm thời gian

Ngàn năm
Quê cũ
Có thầm hỏi

Tự do
Dân chủ
Bận lòng ai

Kèn xưa
Vang vọng
Tiếng thở dài!

(Nguồn: [email protected])


Thơ Trần Vấn Lệ

Gõ Nhịp Mà Ca

Ngày Tết đồng nghĩa với Ngày Xuân
Từ đêm trừ tịch dẫu không trăng
Em là Ánh Sáng Bình Minh Mới
Soi rọi đời anh suốt cả năm!

Hãy nói với nhau như tuyên truyền
Hãy chúc cho nhau đời bình yên
Hãy coi quá khứ là năm ngoái
Năm Mới bắt đầu lại cái Duyên!

Năm Mới em chờ anh có thơ
Thưa em, thì đó Sự Mong Chờ
Trước em đang có bình hoa nở
Mỗi nụ hoa là một Ước Mơ!

Em là Valentine không tuyệt vọng
Anh là Roméo dong ngựa về
Đường Xuân hoa nở chào Năm Mới
Mình nhẹ nhàng đi những bước đi…

Mình nhẹ nhàng đi vào cõi Mộng
Anh nhẹ nhàng nâng em, mình bay
Không có tuơng lai đời bất định
mà vì ngày Tết bữa hôm nay…

Xưa, Vũ Hoàng Chương từng gõ nhịp (*)
Hồn thơ vô tận cõi vô thường
Thì mình cũng thế, đang bay tiếp
Lịch sử không là chỉ một trang!

(*) “Trên đà tốc độ siêu thanh ấy
Gõ nhịp mà ca thiên nhất phương” [Vũ Hoàng Chương]

(Nguồn: [email protected])


Thơ Nguyễn An Bình

Mùa Xuân về phương Nam

Mùa xuân theo anh về phương Nam
Trong con gió se lòng
Mang theo mùi thương nhớ
Ngất ngây
Trôi qua dòng sông thời tuổi trẻ
Đầy ắp ánh trăng vàng của ngày xưa
Đi qua cánh đồng lúa thơm hương con gái
Rộn ràng tiếng cười vui
Của người em thuở còn ngây thơ
Nơi anh về – gởi nhớ
Theo nhánh sông đã chia đôi ngả, đôi bờ
Xuôi ngược là những chuyến đò chiều
Tiếng hò ngọt ngào trên bờ sông vắng
Bây giờ biết tìm đâu
Tìm đâu.

Mùa xuân theo anh về phương Nam
Canh cánh bên lòng
Niềm đau cố xứ
Phải chăng đời người chỉ là cánh bèo
Trôi lạc giữa dòng đời trăm hướng
Mà bông tím vẫn vừa trôi vừa nở
Tím mãi nỗi cô đơn
Giữa sông nước quê nhà
Đìu hiu quạnh quẽ
Mang theo tà áo tím
Của một người – không thể nào quên
Ôi! Ngàn thu áo tím
Cánh cò bay trong một ngày muộn
Khi hoàng hôn vừa buông xuống
Tím ngắt rừng chiều.

Mùa xuân ở phương nam
Ta đã về nhưng em nào có hay.

Ngôi nhà nhỏ của tôi

Ngôi nhà nhỏ của tôi
Có giàn ti gôn bao mùa thắm đỏ
Rực hồng dưới nắng vàng một ngày ban mai
Nơi tôi nhìn thấy
Từng cánh ong mật bay về
Rong chơi tìm những hương hoa trong gió
Nơi mỗi ngày tôi đi về
Nơi có tiếng khóc cười của trẻ thơ ngày ấy
Nơi có lời giận hờn của người đàn bà tôi yêu
Luôn ấm áp ngọn lửa yêu thương
Và cái nghèo nhiều năm vây bủa
Cái lạnh hanh hao
Mong manh của một kiếp người.

Ngôi nhà của tôi ngày xưa đó
Giờ ở đâu
Thời gian đâu phải là một con đường
Để tôi có thể quay về
Những khi mệt mỏi
Ngôi nhà
Cách bao con sông cách mấy dặm trường
Nào có xa xôi gì đâu
Để tôi đem lòng thương nhớ
Để tôi gởi gấm tình yêu.
Khi cánh chim đã bay đi
Không hẹn ngày trở lại
Mùa đông ở trời xa không biết con có lạnh
Khi tuyết rơi trên những mái nhà
Từng chùm bông tuyết sao mà tinh khôi đến thế.

Tôi nhớ ngôi nhà nhỏ của tôi
Và từng cánh hoa ti gôn đỏ ngày ấy
Bây giờ sao xa ngái quá
Ừ! Đã xa lắm rồi
Khi tôi đứng bên đường
Nhìn dòng đời rơi như thác đổ chiều sương
Một nơi dòng sông đã buông neo dĩ vãng
Mịt mù khói sương
Không còn ai chờ tôi
Không còn ai đợi tôi
Không còn ai đón tôi
Khi mùa xuân chợt về bên song cửa.

9.12.2019
(Nguồn: sangtao.org)


Con người truy cầu càng nhiều càng phiền não, buông tâm xuống mới được thảnh thơi. (Hình: Mytour)

Nguồn gốc phiền não

Đức Hạnh biên dịch

Nếu ví như cuộc sống là nước, thì công việc, tiền tài, địa vị chính là chiếc chén đựng. Nếu cứ hoài phí tâm tư ở cái chén thì mọi người sao còn có thể có tâm tư để ý đến vị ngọt đắng của nước nữa, đây chẳng phải tự mình tìm phiền não hay sao?

Có một lần, mấy người chúng tôi là bạn học lâu năm gặp lại, cùng hẹn nhau đến nhà thầy giáo thời đại học. Thầy giáo rất vui mừng, hỏi chúng tôi cuộc sống hiện tại của mỗi người như thế nào.

Không ngờ chỉ một câu hỏi của thầy đã khiến mọi người phàn nàn không thôi. Mọi người nhao nhao nói ra những việc không như ý trong cuộc sống như: Áp lực công việc lớn, cuộc sống có nhiều phiền não, buôn bán cạnh tranh khó khăn, con đường thăng tiến tắc nghẽn…

Dường như mọi người đều nói quên mất thời gian. Thầy giáo nghe chỉ cười mà không nói gì, rồi từ trong bếp lấy ra mấy chén trà đặt ở trên bàn. Những cái chén này đủ kiểu dạng khác nhau. Có cái làm bằng sứ, có cái làm bằng thủy tinh, có cái làm bằng đất nung. Cái thì thoạt nhìn xa hoa cao quý, cái thì có vẻ bình thường sơ sài…

Thầy giáo nói: “Tất cả đều là học trò của ta, cho nên ta sẽ không xem mọi người là khách, nếu ai khát thì tự mình rót nước mà uống đi.” Nói nãy giờ như xả được một bụng tâm sự, mọi người đều cảm thấy khát khô miệng, liền cầm cái chén mà mình cảm thấy vừa ý rót nước uống.

Chờ trong tay mọi người đều cầm một chén nước, lúc này thầy giáo mới nói: “Các trò có phát hiện ra rằng, trong tay mỗi người là một cái chén được trang trí tỉ mỉ đẹp nhất, tốt nhất. Còn cái chén làm bằng đất nung này thì lại không có ai chọn nó.”

Đương nhiên tất cả chúng tôi thấy thật khó hiểu, ai cũng đều hy vọng rằng cái chén mình cầm trên tay là cái đẹp nhất. Thầy giáo nói: “Đây là nguồn gốc phiền não của các trò.”

Mọi người cần là thứ nước bên trong mà không phải là cái chén đựng nó. Nhưng chúng ta vô tình hay cố ý lại đi chọn cái chén tốt nhất…

Điều này cũng giống như cuộc sống của chúng ta vậy. Nếu cuộc sống được ví là nước, như vậy thì công việc, tiền bạc, địa vị… tất cả những thứ này chính là cái chén, chúng chỉ là thứ công cụ để chứa đựng nước – cuộc sống của chúng ta mà thôi.

Kỳ thực, cái chén thật tốt, thật đẹp hay xấu xí cũng không làm ảnh hưởng chất lượng của nước bên trong. Nếu cứ hoài phí tâm tư ở cái chén thì mọi người sao còn có thể có tâm tư để ý đến vị ngọt đắng của nước nữa. Đây không phải là tự tìm phiền não sao?

(Nguồn: [email protected]; qua [email protected])


Ngày Tết, nói chuyện mai

Mai Duy Khôi

1. Một chút cội nguồn…

Miền Nam nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới là môi trường thích hợp cho hoa mai đơm bông nẩy lộc mỗi độ Xuân về – khác với miền Bắc, khí hậu có phần lạnh lẽo hơn, nên thuận lợi cho hoa đào khoe sắc. Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ tươi thắm như một biểu tượng của vận may, hạnh phúc. Màu vàng dịu ngọt như hàm chứa sự vinh hiển, thanh cao. Đào-Mai từ rất lâu đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Cây mai vàng – loài cây nhiệt đới – đã mọc từ lâu ở miền Nam, được xem như một loại cây rừng, ít ai để ý tới. Đến năm 1698, Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đưa ông cha ta vào Nam lập nghiệp. Theo phong tục cổ truyền, Tết đến là phải có cành đào, nhưng ở miền Nam, làm sao tìm được loại cây quý hiếm này. Thấy cây mai vàng cũng ra hoa đúng Tết, ông cha ta mới có sáng kiến, chặt cành mai chưng thế cho cành đào. Kể từ đó mới bắt đầu có phong tục chưng mai trong ba ngày Tết ở miền Nam.

Mai vàng miền Nam còn gọi là Huỳnh Mai thuộc họ Ochnaceae, có tên khoa học Ochna integerrima, là cây đa niên, có thể sống trên 100 năm, gốc to, rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen. Ngoài thiên nhiên, cây mai tự rụng lá vào mùa Đông và ra hoa vào mùa Xuân. Do đó, ông cha ta lẩy hết lá mai vào Tháng Chạp âm lịch, để kích thích cho cây mai ra hoa rộ vào dịp Tết Nguyên Đán. Trong vườn nhà của dân miệt vườn Đồng Bằng Sông Cửu Long, gần như người nào, nhà nào cũng chú tâm tạo cho cây mai vàng vốn mọc ngoài mép vườn, bờ mương thành cây kiểng quý trước sân nhà, để hàng năm có hoa vàng chào đón Xuân mới. Một cành mai vàng là biểu tượng của Phúc và Lộc. Một cây kiểng mai vàng còn là biểu tượng của Thọ nữa. Mai trong quan niệm của người miền Nam là may mắn: (nói: “may” thành “mai” và xem “mai” khác nào “may”).

2. Sứ giả của mùa Xuân… tri kỷ của bao tao nhân mặc khách

Mỗi loài hoa đều có đức tính riêng, mang vẻ đẹp riêng. Nhưng trong đám muôn hồng nghìn tía ấy, dễ có hoa nào sánh được với hoa mai. Người đời yêu cành mai mềm mại, phảng phất dáng dấp của người con gái dịu dàng. Thi nhân xem mai tượng trưng cho niềm tiết tháo, cho sự thanh cao của mình. Bởi vậy cây mai không chê đất xấu, chẳng sợ mưa nắng bất thường; hoa mai không mang nét đẹp kiêu sa, nhưng trong sự dung dị có ẩn tàng nét tinh anh, phảng phất hương thơm thanh khiết. Hương mai rất thơm. Đặc biệt khi tiết trời đầu năm càng lạnh, hoa mai càng tỏa hương thơm ngát. Hoa mai có tính kiên định, biết tự khẳng định mình, không bị thời tiết đổi thay làm cho thay đổi. Có khi Xuân đến sớm hay muộn so với thời gian, nhưng không vì thế mà hoa mai trễ nải việc đơm hoa kết nụ của mình. Trơ gan cùng tuế nguyệt, giữa thời tiết bất thường, mai vẫn âm thầm đơm hương, và đến thời khắc, dẫu gió Xuân chưa về, mai vẫn khai hoa.

Lựa một nhành mai chưng Tết, khách yêu mai khó tính, thường chú ý các điểm sau: các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú, nhụy âm dương, cành tứ quý… Nhụy âm dương chỉ đạo vợ chồng hòa hợp, cành tứ quý chỉ bốn mùa gió thuận mưa hòa. Người ta còn cho rằng một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là không tốt.

Chưa có loài hoa nào được thơ văn nước ta nhắc đến nhiều như hoa mai. Mai đi vào “Thơ thiền” của Mãn Giác thiền sư đời Lý: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết – Đêm qua sân trước nở cành mai). Mai có mặt trong “Thơ thần” của Nguyễn Trãi đời Lê: “Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà? Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết” (Yêu mai, yêu tuyết vì đâu? Vì tuyết trắng trong, mai thơm thanh khiết). Hình ảnh hoa mai cũng được thi hào Nguyễn Du mượn để tả nét đẹp quý phái, đoan trang của nhị Kiều “Mai cốt cách, tuyết tinh thần – Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” Tản Đà thì dùng hình ảnh “Xương mai một nắm hao gầy” để nói lên nỗi niềm của mình trong lời “Thề non nước.” Ngay như Nguyễn Đình Chiểu, khi đôi mắt của ông không còn nhìn được sắc vàng rực rỡ của hoa mai, thì hình ảnh về loài hoa Xuân ông từng yêu quý vẫn được ông ghi lại trong ký ức và được vẽ ra bằng nét bút tài hoa: “Hữu tình thay ngọn gió đông. Cành mai nở nhụy, lá tòng reo vang.” Và khi muốn nói về cuộc hội ngộ đầy nét thi vị, tao nhã giữa đôi trai tài gái sắc Vân Tiên-Nguyệt Nga, ông lại mượn hình ảnh của mai để so sánh “Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai.” Rồi Sương Nguyệt Anh, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương… cũng có những vần thơ đằm thấm trữ tình viết về hoa mai… Không làm sao ghi kể hết! Chừng đó thôi, cũng đủ nói lên cái địa vị cao quý của hoa mai trong lòng thi nhân Việt Nam! Theo một số nhà Mai học, có hai câu thơ, tương truyền của Chu thần Cao Bá Quát, xứng đáng là câu tuyệt bút, với ngôn từ đẹp nhất, trân trọng nhất mà người ta có thể viết ra để xưng tụng hoa mai:

“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm chu du tìm gươm cổ. Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai)

3. Tôi và Mai…

Từ nhỏ tôi đã yêu hoa mai. Khu vườn nhỏ của ngoại tôi, được vây bọc bởi một hàng rào trồng toàn mai. Mỗi độ Tết, bọn trẻ con chúng tôi tụ tập đùa vui nơi đây, lòng tôi ngất ngây với rừng mai vàng rực rỡ. Lớn lên, biết đọc sách, biết yêu, tôi yêu nhất những người con gái tên Mai. Tôi mê Sơn nữ Chi Mai trong tiểu thuyết “Bông Hoa Rừng,” tôi say đắm cô Mai hiền thục trong “Nửa Chừng Xuân” (Khái Hưng). Và tôi cũng mê luôn cụ Đào Tấn, một nhà thơ lỗi lạc, một nhà viết tuồng xuất sắc quê Bình Định – vì cụ đã một đời sống chết với hoa mai. Cụ trồng cả một vườn mai trước sân nhà ở làng Vĩnh Thịnh với câu liễn treo trưa trước “Mai viên” (Vườn mai):

“Dĩ vi danh tự, vi viên phố
Diệc hữu nhân duyên, hữu tính tình” (Đã có tên hiệu, tên vườn. Âu cũng là nhân duyên, là cốt cách)

Cụ lấy bút hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng, làm rất nhiều thơ về mai, chọn núi Huỳnh Mai để gởi nắm xương tàn với bài “Đề Mai Sơn thọ viên” qua hai câu kết:

“Mai Sơn tha nhật tàng mai cốt
Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn” (Mai mốt non mai ta gởi xác. Ưng cho mai dỗ giấc Mai tăng)

Và như tiền định, tôi gặp người con gái tên Mai và cùng nhau đi trọn đường trần…

Người ta từng gọi tên của một quốc gia bằng một loài hoa, dù loài hoa đó không là tài sản riêng của đất nước ấy lại hiện diện ở hầu khắp thế giới: Bungary là đất nước hoa hồng, Hòa Lan là xứ sở của hoa tulip, anh đào là biểu tượng của xứ Phù Tang… Cũng là hoa, là lá, là cỏ cây như bao loài thảo mộc khoác, nhưng những loài hoa ấy mang trên mình sứ mệnh là biểu tượng của một đất nước, chuyển tải cái hồn của cả một dân tộc, được xưng tụng là “quốc hoa.” Hoa mai ở Việt Nam – mỗi độ Xuân về, từ Huế trở vào, nhà nào cũng tươi thắm một nhành mai trên bàn thờ gia tiên! Hơn một nửa dân tộc quý chuộng loài hoa Xuân này, cái vị trí của Mai – theo thiển ý – rất xứng đáng là “quốc hoa” – tiêu biểu cho cốt cách của dân tộc Việt Nam…

Cuối năm 2018

(Nguồn: mynga b [email protected]; qua [email protected])

MỚI CẬP NHẬT