Friday, April 19, 2024

Ra mắt sách ‘Một Vài Chân Dung Trong Sử Việt’: Nhớ nhà văn Nguyễn Đức Lập

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Buổi ra mắt và tặng sách “Một Vài Chân Dung Trong Sử Việt” của cố nhà văn Nguyễn Đức Lập, do Thư Viện Việt Nam, Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực VNCH, gia đình và thân hữu của nhà văn, được tổ chức tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove, lúc 11 giờ trưa Thứ Bảy, 9 Tháng Ba, 2019.

Buổi ra mắt sách cũng để tưởng nhớ cố luật sư, nhà văn Nguyễn Đức Lập, với bao ước vọng hôm nay mới được sáng tỏ qua những tâm huyết của ông để lại cho đời.

Nhà báo Du Miên giới thiệu về cố nhà văn Nguyễn Đức Lập, là một trong 5 người cùng đứng ra vận động thành lập Thư Viện Việt Nam. Khi ông còn sống, mấy anh em cùng làm việc chung, đếm được 42 tác phẩm của ông, nhưng nhiều lý do ngoài ý muốn, đã không có đủ, bây giờ sưu tầm cũng chỉ được một phần.

“Anh Lập viết khỏe và rất hay, khi viết ‘Một Vài Chân Dung Trong Sử Việt’, Lập có ước muốn là cuốn sách có một nhân vật vì lý do nào đó đôi khi thiếu trong lịch sử. Viết sử Việt Nam đôi khi cũng có thiếu sót, như từ miền Nam ra tới Thanh Hóa có tất cả 21 đơn vị quân đội Cao Đài, nhưng không thấy ghi trong sử sách, hoặc như miền Nam trong cuộc cách mạng chống Pháp, tài trợ tài chánh cho cụ Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du. Anh Lập viết khá nhiều những nhân vật đấu tranh của miền Nam trong tác phẩm của mình, và anh đưa ra nhiều bí ẩn mà chưa ai nói,” nhà báo Du Miên trình bày.

Đốc Sự Bùi Đắc Danh, một thành viên của Thư Viện Việt Nam, giới thiệu, Nguyễn Đức Lập là nhà văn có tâm huyết với đất nước và dân tộc, Thư Viện Việt Nam cố gắng thu thập những bản thảo, di cảo của anh để xuất bản, phổ biến những tâm nguyện của anh đến tất cả mọi người, nhất là in vào sách để thế hệ sau này biết là 21 năm của miền Nam Việt Nam đã sản sinh ra được những gì.

Đốc Sự Bùi Đắc Danh trình bày cuốn sách “Một Vài Chân Dung Trong Sử Việt,” trong ngày ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Danh nhận xét: “Cuốn ‘Một Vài Chân Dung Trong Sử Việt’có thể nói là sự tiếp nối của cuốn ‘Danh Nhân Việt Nam’ đã ra mắt. Cả hai đều kể lại những nhân vật đã đi vào lịch sử Việt, chính diện, phản diện đều có. Qua sách này, mới biết rằng lịch sử Việt Nam có những nhân vật ít người biết, gồm 4 nhóm chính, đó là: ‘Chân dung người phụ nữ trong sử Việt;’ ‘Chân dung tráng sĩ;’ Ông Đào Duy Từ. Và, ‘Thử có một cái nhìn rộng hơn về Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống.’”

Về mục đích thành lập Thư Viện Việt Nam, nhà thơ Trạch Gầm cho biết: “Việc thành lập Thư Viện Việt Nam có sự góp sức của nhiều người, mục đích là để gìn giữ phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc, ước muốn của thư viện là lưu trữ, để lại cho đời sau một nơi đến tìm hiểu những điều cần biết.”

Người lính làm thơ Trạch Gầm nói về người em của mình: “Nguyễn Đức Lập là ‘con mọt sách’, vì sức khỏe kém nên Lập dành hết thời gian để đọc, và được trời phú một trí nhớ rất tốt. Những truyện Lập viết đều bằng sự đọc sách và trí nhớ của mình. Xin cảm ơn tất cả mọi người, vì mỗi tác phẩm của Lập là tâm huyết, nếu được lưu giữ, duy trì và phổ biến thì đó là điều Lập ước muốn.”

Ông cũng đại diện cho Nguyễn Đức Lập để cảm ơn tất cả quý vị trong buổi sinh hoạt hôm nay, cùng sự đóng góp của tất cả các bằng hữu và đàn em của Nguyễn Đức Lập, đặc biệt là anh Nguyễn Văn Phúc đã đánh máy và lưu giữ những bản thảo còn lại mà anh tìm được.

Nhà thơ Trạch Gầm trình bày thêm: “Trong gia đình, chúng tôi có quan niệm riêng, tất cả những gì Lập lưu lại là tâm huyết, và tác phẩm có giá trị nhất là ‘Hương Giáo Đề Thơ’ thì gia đình và bạn bè của Lập đã in ấn rồi. Mỗi tác phẩm có một giá trị riêng, nhưng với quan niệm một tác phẩm lớn đã ra đời, những tác phẩm in về sau sẽ không có giá trị bằng, tôi gợi ý là mình có nên tiếp tục in những tác phẩm nhỏ hơn tác phẩm lớn mình đã in hay không?”

Nói với Người Việt, em Hiển Đỗ cho rằng: “Theo em thì nên tập trung tất cả những tác phẩm anh Lập để lại, in thành một toàn tập, bởi vì anh ấy có tinh thần tha thiết với quê hương. Anh không có tài sản, nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về đất nước, việc in những tác phẩm này, cũng là để lại cho đời hoài bảo của anh là xây dựng con người, nhất là làm sáng tỏ những vấn đề trong sử Việt.”

Hiển nói thêm: “Hồi đó em hay lên Thư Viện Việt Nam, hỏi anh Lập những vấn đề trong sử Việt, và học về cách viết sử của anh cũng rất lạ, vì ngoài chính sử, anh còn tra cứu thêm đâu đó trong các tài liệu khác, đôi khi bằng Hán văn. Để kỷ niệm mối giao tình đó, em hiện vẫn còn giữ thẻ thư viện ngày xưa, trong đó anh Lập ghi số điện thoại của mình, để liên lạc.”

Quang cảnh buổi ra mắt sách Nguyễn Đức Lập, trong phần văn nghệ trình bày của Biệt Đội Văn Nghệ QLVNCH. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Khi được hỏi, nhà báo Thanh Huy nhớ về người bạn nhỏ tuổi của mình: “Ngoài việc viết lách, Lập còn là một trưởng hướng đạo lúc nào cũng mang hoài bão duy trì và bảo tồn văn hóa, nhất là văn hóa dân gian Việt Nam. Một nhà văn lúc nào cũng đặt nặng vấn đề cần thiết phải lưu lại văn hóa dân gian bằng lời văn, bằng những cuốn sách, rất tiếc là Lập mới làm được nửa đường rồi ra đi!”

“Tất cả những gì Lập làm đều vì quê hương đất nước, chứ không cho riêng mình. Hoài bão của Lập là duy trì những giá trị truyền thống dân gian Việt Nam, những lễ nghi, phong tục cổ truyền mà nhiều người không ai biết. Hiện nay, nhà thơ Trạch Gầm và bằng hữu sưu tầm, xuất bản những tác phẩm của Lập, sẽ là những công trình rất hữu dụng cho tương lai,” nhà báo Thanh Huy tiếp.

Một người làm việc chung với ông Nguyễn Đức Lập tại Thư Viện Việt Nam từ những ngày đầu, anh Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Anh Lập là một nhân cách lớn, một con người khí khái, tấm lòng yêu quê hương đất nước thật bao la qua những tác phẩm anh viết và xuất bản. Sau khi mất, những gì mà anh em còn giữ lại cho anh, mỗi người một tay, đánh máy, người đóng góp tài chánh cho việc in ấn.”

Với dòng chữ “Chân thành cảm ơn các bằng hữu của Nguyễn Đức Lập đã yểm trợ tài chánh để quyển sách được thành hình,” được in nơi trang đầu của quyển “Một Vài Chân Dung Trong Sử Việt,” anh Phúc cho rằng, với cá tính trong cuộc sống, dù mất đã 3 năm nay, tinh thần Nguyễn Đức Lập vẫn được anh em nâng niu và tiếp tục ý muốn của anh, với sự thuơng quý của bằng hữu, để tác phẩm của anh mỗi năm đều được ra mắt.

Bao nhiêu lời kể, kỷ niệm, giới thiệu về tác giả và tác phẩm trong buổi ra mắt, tặng sách của cố nhà văn Nguyễn Đức Lập, đã để lại trong lòng mọi người niềm thương tiếc khôn nguôi một sĩ phu của thời đại, với những tâm huyết một đời dành cho dân tộc quê hương.

Nhà văn Nguyễn Đức Lập, tự là Chánh Phương, sáng tác dưới các bút hiệu Nguyễn Đức Lập, Chánh Phương, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên rừng Hướng Đạo là Sóc Vui Vẻ.

Ông sinh ngày 21 Tháng Chín, 1945, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Con của nhà thơ-nhà báo Hồng Tiêu-Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long-Lê Thị Bạch Vân (1915-2006), tác giả nổi tiếng tại miền Nam trước 1975. Ông có chín anh chị em.

Nhà văn Nguyễn Đức Lập đã từ giã cõi trần vào lúc 1 giờ 55 phút trưa thứ Hai, ngày 29 tháng Hai, 2016, tại bệnh viện Clear Lake Weber Texas, ở thành phố Houston, hưởng thọ 71 tuổi, sau nhiều năm sống tại Quận Cam, Nam California.

Theo nhà thơ Viên Linh: “Nguyễn Đức Lập là một nhà văn hiếm hoi viết thuần một giọng văn miền Nam, với phong cách miền Nam, dí dỏm, hài hòa, nhưng nhờ thuộc nhiều điển cố, nên truyện của anh rất sâu sắc, thấm và đậm, ở lại trong tâm trí người đọc.” (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT