Friday, May 17, 2024

Tháng Giêng, nhớ Mai Thảo

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Mỗi nhà văn có một cách hành văn riêng mà ta thường gọi là văn phong. Dẫu vậy, cái riêng đó phải nằm trong một cấu trúc toàn thể (cốt truyện, nhân vật, tư tưởng…) xuất sắc thì mới gây được ấn tượng nơi người đọc.

Tập thơ “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền” của nhà văn Mai Thảo. (Hình: Nguyễn Thị Thanh Bình)

Nhưng có một số nhà văn tạo được một cách viết độc đáo đến nỗi văn phong tự nó gắn liền với sự nghiệp văn chương của họ. Trong số đó, theo tôi, có Mai Thảo. Văn Mai Thảo là loại văn xuôi đầy nhịp điệu. Hễ có cơ hội là ông tận dụng ngay để tạo sự cân đối cho các câu văn hay các đoạn văn. Chẳng hạn: “Tâm trạng nàng thường xuyên là một tâm trạng bất bình thường. Vui không cười được. Buồn chẳng thành buồn. Toàn thân Châu chợt lạnh toát đi. Sống không ra sống chỉ là một hình thái của cái chết. Còn gì nữa. Đúng như thế. Từ bao nhiêu lâu rồi, nàng có sống đâu. Nàng đã chết. Từng phút từng giờ.”

Nhịp điệu văn Mai Thảo còn tăng cường thêm do cách ông sử dụng thủ pháp “lặp đi lặp lại” chữ, để gây cảm giác liên lỉ, trôi chảy. Thủ pháp này xuất hiện rất nhiều – bất cứ đâu, ở đoản văn, tạp bút hay ở truyện ngắn, truyện dài – đến nỗi, nói không ngoa, trở thành mai-thảo-tính. Mời đọc lại một số trích đoạn:

-Chữ “của:”

+“…đôi chân son hồng của Linh chạy mải miết, cánh đồng mùa xuân chấp chới muôn ngàn màu sắc, của bướm, của sương đang tan, của nắng đang dấy, của suối róc rách thành sóng vỗ hiền hòa, của trời cao mênh mông.” (Khi Mùa Mưa Tới)

+“…cái điệp điệp trùng trùng của trường giang, cái mênh mông ngút mắt của bãi bờ, của cửa biển, của khơi xa, của núi rừng…” (Chuyến Tàu Trên Sông Hồng)

-Chữ “có:”

+“Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu dầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn chòng chành, đêm đêm có ánh đom đóm lập lòe, có ánh trăng xanh mướt….” (Chuyến Tàu Trên Sông Hồng)

-Chữ “cho:”

+“Gặp lại cho Phạm. Cho Trương. Cho em. Cho chúng mình. Cho một cái gì đã mất. Cho cái thế giới thần tiên, cái thiên đường lộng lẫy. Cho những buổi chiều của chúng ta trên con đê xưa, những buổi sáng của chúng ta trong căn vườn cũ. Cho cái vốn kỷ niệm cần thiết của một đời người khi tới lúc không thể sống bằng kỷ niệm. Cho những ảo tưởng thực hơn nghìn lần sự thực. Cho những sự thực đã thành ảo tưởng. Cho sự chấm dứt của những năm tháng bình yên. Cho sự khởi đầu của những tháng năm đau đớn.” (Luân)

-Chữ “những:”

+“Hà Nội thiên đô. Những bờ bãi ngút ngàn dọc theo hai bờ Hồng Hà. Những con đường của toàn quốc tiêu thổ chạy dài bất tận giữa những thị trấn và những xóm làng đã san bằng thành bình địa. Những đêm Sơn Tây sông Đáy chậm dòng qua Phủ Quốc như một bài thơ Quang Dũng. Những chiều Phú Thọ, bốn phía núi chập chùng. Những buổi trưa trung du, cái nắng lả lả trên những sườn đồi hoang vu. Những tinh sương Việt Bắc, con suối độc bốc hơi giữa ngút ngàn hoang dâm. Những đêm ngủ dưới trời sao, lưng nằm trên cỏ rừng, đầu kê lên một phiến đá núi. Gió biên giới lồng lộng qua những mái nhà sàn, ở dưới là biển sương dày đặc. Những thị trấn mang những cái tên…” (Mười Năm, Kỷ Niệm Và Trí Nhớ)

-Chữ “một:” So ra, chữ “một” không xuất hiện nhiều bằng chữ “những,” nhưng khá thường xuyên. Cách sử dụng chữ “một” có lẽ là một trong những đặc điểm khiến cho văn Mai Thảo trở nên độc đáo, khác lạ.

+“Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một im lặng lớn nằm giữa một lắng đọng đầy…” (Những Tấm Hình Của Chị Thời)

+“Chính ôm lấy người đàn bà. Người đàn bà của một gặp gỡ ngắn. Một tình cờ ngắn. Một hạnh phúc ngắn.” (Hồng Kông Ở Dưới Chân)

+“Không có tiếng vang, không có một bùng cháy, một bất ngờ, một khuấy động nào nữa.” (Mười Đêm Ngà Ngọc)

Ngoài sự lặp lại chữ, Mai Thảo viết dài, diễn tả lan man bất tận: “Tôi nhìn cái khuôn mặt nửa muốn cười nửa muốn khóc của Luân mà sự kinh ngạc còn in lên gần như một niềm đau đớn. Tôi muốn nâng hai tay đỡ lấy khuôn mặt ấy, mười ngón tay tôi cưới lấy hai gò má ấy, tôi muốn ôm chặt lấy Luân, ôm thật chặt cái thân thể yêu dấu, tôi muốn hôn vào đôi mắt kinh ngạc, tôi muốn nói với Luân một hơi, không ngừng, một câu nói thật dài, không bao giờ hết. Tôi muốn nói với Luân, đau xót và thành thật nói, câu nói tôi muốn gửi không riêng gì cho Luân mà cho tất cả những người thiếu nữ Việt Nam, qua hình ảnh Luân lúc đó. Những người thiếu nữ xấu số của một đất nước hiền hậu như họ không bao giờ thích hợp với một không khí chiến thời nào. […] Tôi muốn bảo Luân, anh nhớ đến em trong tiếng súng ban đêm, những vệt lửa dài cháy vào bóng tối, lúc bỏ núi sau lưng cái hình ảnh xót thương còn mang hình trái núi, lúc xuống đồng bằng trước mặt cái hình ảnh xót thương đã mang hình những ngọn lửa dài, lúc anh muốn chết, lúc anh muốn sống, lúc tuyệt vọng tối đen vực thẳm, khi tin yêu sáng chói mặt trời, lúc nhìn xa cái hình ảnh lớn theo ngút mắt, lúc tưởng gần cái hình ảnh thu cũng nhỏ vào một góc trái tim như một tấm hình kỷ niệm.” (Luân)

Ở đây, Mai Thảo đã sử dụng chữ như người họa sĩ sử dụng màu sắc. Ông chấm phá, pha trộn, chồng chéo những con chữ, cái đậm cái nhạt, để tạo nên những ấn tượng và cảm xúc đa dạng. Những “phiến buồn,” “vùng xúc cảm sượng sần,” “mưa là một lưu đày trắng xóa,” hay những “một mù lòa đổ sập,” “trời lạnh đặc,” “rừng tóc lướt thướt chết đuối” hay “tiếng loài cây khóc lóc bay đầy trong buổi tối miền núi,” vân vân rõ ràng là một hình thức trộn chữ và trộn âm của Mai Thảo. Hay thì hay, tất nhiên. Nhưng đọc kỹ, ta thấy nó… cầu kỳ, văn vẻ, và pha trộn nhiều thứ quá nên cái hay dường như bị giảm bớt đi nhiều. Rốt cuộc, với tôi, “Chuyến Tàu Trên Sông Hồng” dường như cho ta một Mai Thảo lý tưởng. Bài ký chứa đựng tất cả phong cách Mai Thảo, một phong cách chưa quá sa đà với con chữ. Dài mà không dài dòng. Tận dụng nhưng không lạm dụng.

“Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng Hà. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở. Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng đập cái tiếng đập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hủy xóa mải miết, nước xôn xao róc rách đẩy lùi mãi những bãi dâu và những nương khoai vào những chân tre cù. Nơi tả ngạn, ngọn sóng hiền lành lăn tăn êm ả trên những bãi ngầm nổi hình mùa lũ này qua mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mêm dải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, có những cầu gạch mở vào những cái ngõ lang thang mất hút, có cỏ gà trên gò đống, cỏ ống trên mồ mả, có những cầu tre tay vịn chòng chành, đêm đêm có ánh đom đóm lập lòe, có ánh trăng xanh mướt chở tới những khoảng sân gạch bát tràng nồng ám hương lúa đầu mùa.”

Nhà văn Mai Thảo. (Tranh: Đinh Cường)

Nếu những trích đoạn vừa rồi văn Mai Thảo là dòng chảy, thì có những đoạn khác, ta thấy Mai Thảo cố tình chận dòng văn lại. Bằng cách sử dụng các dấu chấm câu, ông tách câu ra thành từng mảng, từng miếng, bố trí chữ vào trong những vị trí cô lập. Y như thể chúng không cần có nhau:

-“Nguyên thở dài não nuột. Phút này, chàng chỉ muốn chàng đừng là Nguyên và người yêu của chàng đừng là Châu. Trái tim đừng biết đập. Đầu óc đừng biết nghĩ. Ngu dốt. Đần độn. Tầm thường sống và tầm thường chết. Như cỏ cây. Như phiến lá mục. Như cánh bèo trôi.” (Mười Đêm Ngà Ngọc)

-“Thật lâu. Trong tối. Rồi khóc một mình, khóc ngồi lên, khóc xuống giường, khóc chân đất đi ra […] Nàng đưa chúng trở lại bàn. Kéo ghế. Ngồi xuống. Hai bàn tay trắng muốt của nàng, ngón út cong lên, khởi sự cuốn dần những cuốn bi tròn trĩnh. Xong. Nàng nhặt từng cuốn, nhúng vào nước chấm. Và bắt đầu ăn. Nàng ăn, đói bụng, đẹp mắt, ngon lành, phúng phính, đầy miệng. Và vừa ăn vừa khóc tiếp.” (Một Truyện Rất Ngắn)

Ông bóc chữ khỏi câu, bóc câu khỏi đoạn. Chữ, khác với những đoạn văn dài dòng trên, y như thể bị tước bỏ. Bị câu thúc. Bị lấy mất chất kết dính. Y như thiếu. Thực ra, không thiếu. Chúng chỉ bị nén lại. Một chữ hay một nhóm chữ bây giờ chứa đựng nhiều chữ khác. Cái ngắn tạo nên cảm giác bứt rứt, bồn chồn. Những dấu chấm và dấu phết bây giờ không mang giá trị của những ngắt quãng mà là những âm vang, những dồn nén. Chúng là những ý tưởng không nói ra. Chúng trở thành những con chữ giấu mặt. Ở đây, quy luật văn phạm chào thua. Không có. Không cần có. Chính cái không cần đó lại làm giàu thêm nội dung của con chữ.

Mai Thảo không những đem thơ vào văn xuôi, mà còn làm thơ. Cách viết ngắn đã đưa tới những thành công của ông trong những bài thơ độc đáo vào lúc cuối đời. Chữ nghĩa chọn lọc. Hình ảnh độc đáo. Rất cụ thể, rất hình tượng, rất gần gũi. Nhưng ý nghĩa của chúng lan tỏa rất xa, rất sâu.

“Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng trượng tới mây nhòa
Thì treo cục đất tòng teng giữa
Cho cái vô cùng vẫn nở hoa”

“Cục đất tòng teng giữa” và cái “vô cùng vẫn nở hoa” thật là một hình ảnh cực kỳ “đông phương,” một đối sánh tuyệt vời giữa cái vô hạn/hữu hạn. Và bài sau đây, theo tôi, là một bài thơ tình tinh nghịch mà vô cùng thú vị.

“Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào”
(Chỗ Đặt)

Bài thơ rõ ràng là cách vận dụng chữ “đặt.” Do cách kết hợp từ mà chữ “đặt” đâm ra có nhiều nghĩa khác nhau. Đọc xong chỉ biết cười. Cười tủm!

Đọc những nhà văn khác, tôi bâng khuâng với câu chuyện, tôi thương cảm cho số phận của một nhân vật hay cảm khái vì một tình tiết nào đó. Đọc văn Mai Thảo, tôi tìm thấy một thế giới đầy chữ. Chữ ôm chữ. Chữ trượt chữ. Chữ vịn chữ. Mai Thảo đã tiêm vào chữ những mầm sống mới và qua đó, văn Mai Thảo mở cho ta những hiện thực khác, lạ lùng và kỳ thú. Với chữ, văn Mai Thảo tạo ra hiện thực. Hiện thực chỉ riêng cho ông.

Tôi đọc ông. Và cảm thấy mình mới hẳn ra. Cũng từ chữ. [qd]



Mai Thảo tên thật là Nguyễn Ðăng Quý, bút hiệu khác Nguyễn Ðăng, sinh ngày 8 Tháng Sáu, 1927, tại chợ Cồn, xã Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh; nguyên quán Long Biên, Hà Nội.

Năm 1946, ông vào Thanh Hóa tham gia kháng chiến cho đến năm 1951, thì bỏ kháng chiến về thành đi buôn. Năm 1954, ông di cư vào Nam, gia nhập làng báo.

Mai Thảo thích thơ, thuộc thơ, viết nhiều bài thơ dài từ năm 16, 17 tuổi, làm cả kịch thơ.

Năm 1956, ông chủ trương tạp chí Sáng Tạo, mở đường cho một xu hướng văn chương mới ở miền Nam. Những năm sau đó, ông đứng ra chủ trương một số tạp chí văn học khác như Nghệ Thuật, Vấn Đề, Văn.

Tháng Mười Hai, 1977, Mai Thảo vượt biển, định cư ở Hoa Kỳ. Tháng Bảy, 1982, ông tái bản tạp chí Văn, làm chủ biên cho đến 1996 thì trao lại cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Mai Thảo mất tại Santa Ana, California, Hoa Kỳ, ngày 10 Tháng Giêng, 1998.

Mai Thảo xuất bản trên 50 tác phẩm, phần lớn là đoản thiên, tùy bút và truyện dài, hầu hết đều phát hành trước 1975 tại miền Nam. Ngoài ra ông cũng viết kịch bản phim, nhận định văn học, và đặc biệt, xuất bản một tập thơ vào cuối đời ở Hoa Kỳ.

Xin liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu: Đêm Giã Từ Hà Nội (1955), Tháng Giêng Cỏ Non (1956), Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời (1963), Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật (1965), Căn Nhà Vùng Nước Mặn (1966), Mái Tóc Dĩ Vãng (1963), Khi Mùa Thu Tới (1964), Viên Đạn Đồng Chữ Nổi (1966), Cùng Đi Một Đường (1967), Sau Khi Bão Tới (1968), Tới Một Tuổi Nào (1968), Cũng Đủ Lãng Quên Đời (1969), Lối Đi Dưới Lá (1969), Mười Đêm Ngà Ngọc (1969), Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền (Thơ, California, 1989).


 

MỚI CẬP NHẬT