Friday, May 17, 2024

Thư Quán Bản Thảo giới thiệu nhà nghiên cứu văn học Việt Nam: Linh Mục Thanh Lãng

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Dù tình hình sức khỏe rất tồi tệ và trải qua một cơn bệnh hiểm nghèo, nhà văn Trần Hoài Thư vẫn tiếp tục công việc phục hồi Văn Học Miền Nam của mình. Tháng Mười vừa qua ông cho phát hành “Giai Phẩm Thư Quán Bản Thảo” số 106, chủ đề “Giới thiệu nhà văn Thanh Lãng.” Thanh Lãng là bút danh của một nhà tu, Linh Mục Đinh Xuân Nguyên.

Giai phẩm Thư Quán Bản Thảo 106 (trái) và tài liệu nghiên cứu về “Tiểu Thuyết” của Linh Mục Thanh Lãng. (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)

Ngoài phần tài liệu, trong đó, một, là bài khảo cứu về báo chí Việt Nam qua 100 năm xây dựng văn hóa; và hai, một trích đoạn trong luận văn tốt nghiệp tiến sĩ của Thanh Lãng, giai phẩm dành phần lớn cho các tác giả hải ngoại Nguyễn Vy Khanh, Liễu Trướng, Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Văn Lục giới thiệu về sự nghiệp văn hóa của ông. Xin ghi lại một vài trích đoạn từ các tác giả này.

Nhận định về phương pháp nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh tóm tắt: “Khởi đi từ quan điểm văn học Việt Nam là một, qua nhiều thời kỳ và văn tự sử dụng, Linh Mục Thanh Lãng dùng phương pháp phân chia thời kỳ văn học theo thế hệ văn chương, khởi từ năm 1862 và từ miền Nam, và biên khảo của ông đặt nặng việc sử dụng văn bản. Với văn bản, ông chứng minh đã có một nền văn học Thiên Chúa Giáo, sự đóng góp này có thật, nhất là với chữ quốc ngữ. Khởi sinh từ Nhà Chung và miền Nam, nền văn học chữ quốc ngữ Việt Nam như khác hướng đi với nền văn học từ đất văn vật ảnh hưởng Nho giáo hình thức và nặng nề.”

Về mặt lịch sử văn học, tác giả Nguyễn Văn Lục đánh giá cao hai tác giả: một là Phạm Thế Ngũ và hai là Thanh Lãng. Ông viết: “Ở trình độ trung học về mặt văn học cũng như lịch sử văn học không ai qua mặt được Phạm Thế Ngũ. Ông vừa là một nhà giáo chuyên nghiệp, vừa là một nhà viết văn học vượt trội. Ông là tác giả bộ sách ba tập, dài 1500 trang: Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên. (…) Ở lãnh vực đại học cho các sinh viên cử nhân văn khoa Việt-Hán thì đã có Thanh Lãng. Đối với cá nhân tôi, dù không học ông một ngày nhưng nợ ông nhiều. Nhờ Thanh Lãng, tôi nắm bắt được các xu hướng phê bình, tranh luận văn học từ 1932. Nhất là tôi hiểu rõ được chân tướng nhóm Phong Hóa-Ngày Nay với từng thành viên như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Tú Mỡ và đặc biệt Thế Lữ. (…) Số phận các tác phẩm của Thanh Lãng cũng long đong như số phận nhân dân miền Nam sau 1975. Tuy nhiên, tên tác giả Thanh Lãng không nằm trong danh sách 820 tác giả có sách bị cấm, được trích đăng trong cuốn Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Đàn. (Trần Trọng Đăng Đàn, “Văn Hóa, Văn Nghệ Miền Nam, 1954-1975,” từ trang 783-846). Nhưng điều đó không có nghĩa là sách không bị tịch thu hoặc bị đốt. Nó chỉ có danh nghĩa trên lý thuyết là các tác phẩm có quyền được lưu trữ trong nhà. Nhưng trên thực tế, nó chịu số phận phần thư như phần đông các tác giả khác.”

Nhà nghiên cứu văn học Liễu Trương tóm tắt quan niệm của Thanh Lãng về vai trò của nhà văn đối với xã hội và đất nước. Theo bà, “Linh Mục Thanh Lãng đi xa hơn, ông đặt lý tưởng tự do trên hết, để làm nền tảng cho con người, cho văn chương. Để phụng sự một lý tưởng cao đẹp như thế, trước hết tác phẩm không chỉ là một thông điệp mà là một sứ điệp mang một mệnh lệnh thiêng liêng, và cương vị của nhà văn được nâng cao: nhà văn không chỉ là người phát ra một thông điệp mà là một sứ giả, người vâng mệnh trên là hồn dân tộc đem sứ điệp tự do đến với mọi người. Khi ý thức được cái thiên chức đó, nhà văn không còn tự giam mình trong một thái độ trốn tránh, thụ động nữa, không còn viết những cái tầm thường, nông cạn, không xứng đáng là một sứ điệp thật sự. Linh Mục Thanh Lãng đã mở rộng vấn đề sáng tạo văn chương, ông đã thiêng liêng hóa chức năng của nhà văn. Quan niệm của linh mục có khả năng đánh thức giới cầm bút khiến họ suy nghĩ xa hơn về việc dấn thân của một nhà văn trong xã hội, trong đất nước.”

Nhận định về con người của Thanh Lãng, nhà văn Nguyễn Văn Sâm viết: “Bao năm trời làm việc với cha, tôi thấy cha tranh đấu không mệt mỏi, từ những định chế mới của đại học đến những điều tự do của dân chúng và báo chí. Cha tranh đấu với tấm lòng hồn nhiên vì mục tiêu cần đạt chớ không phải vì thù hằn người bị cha chỉ trích, càng không phải vì những danh tiếng nhứt thời. (…) Cha viết bài về văn học, chánh trị, cha lo chuyện Văn Bút, cha diễn thuyết, cha nâng đỡ những bước tiến của các anh em trẻ khi mới vào trường. Cha hồn nhiên và vui tính. Cha dùng những ngôn từ bình nhựt, không kiêu sa, không làm dáng trú ẩn trong những câu nói cao kỳ, xa cách cuộc đời với những con người thật lăn lộn kiếm sống từng bữa…”

***

Đồng thời với “Giai Phẩm Thư Quán Bản Thảo,” độc giả được biếu kèm theo một tài liệu quý hiếm của Linh Mục Thanh Lãng, “Tiểu Thuyết Tập II.” Đây là “cours” giảng dạy về văn chương Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, do Thư Ấn Quán chụp lại từ bản quay ronéo nguyên gốc được thực hiện trước 1975, dày 125 trang.

Tài liệu này tập trung nghiên cứu diễn biến của tiểu thuyết Việt Nam vào thời kỳ mà Thanh Lãng gọi là “Tiểu thuyết thế hệ 13.” Con số 13 này để chỉ năm 1913, là năm bắt đầu của giai đoạn này, kéo dài cho đến năm 1932, là năm bắt đầu của thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945).

Ông lần lượt giới thiệu,  từ các tác giả viết truyện bằng văn xuôi đầu tiên như Phan Kế Bính, Tản Đà, lần lượt được nối tiếp với Đoàn Ngọc Bích, Vũ Đình Chi, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Tương Phố, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Khắc Hiếu, Hoàng Ngọc Phách, cho đến Hồ Biểu Chánh rồi sau cùng là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh). Mỗi một tác giả đều có phần tiểu sử, liệt kê tác phẩm, trình bày nghệ thuật xây dựng truyện cũng như phân tích tâm lý, tình cảm và tư tưởng chứa đựng trong các tác phẩm chính.

Riêng tôi, tôi lưu ý đến phần viết về nhà văn Hồ Biểu Chánh. Vì một lý do khá đơn giản: trong thời gian gần một năm qua, tôi được nghe miễn phí hơn cả chục tác phẩm của nhà văn này qua các kênh YouTube đọc truyện của Thái Hoàng Phi, Cô Trinh, Tố Ty, Thy Mai, Minh Nguyệt, Phương Dung, Nam Phong. Đây là một số truyện tôi đã nghe qua: “Đoạn Tình,” “Tơ Hồng Vương Vấn,” “Người Thất Chí,” “Cay Đắng Mùi Đời,” “Con Nhà Nghèo,” “Lạc Đường,” “Từ Hôn,” “Chút Phận Linh Đinh,” “Những Điều Nghe Thấy,” “Bỏ Vợ”…

Lúc đầu, thú thật, tôi chỉ muốn nghe để giải trí những lúc rảnh rỗi, nhưng càng nghe, tôi càng cảm thấy bị lôi cuốn bởi một số các tình tiết lý thú cũng như các nhân vật khá đa dạng về tính cách và hoàn cảnh xã hội. Phần đối thoại của ông cũng khá hấp dẫn. Chúng giúp tôi thêm rất nhiều kiến thức về khung cảnh của các sinh hoạt thường nhật (tình yêu, hôn nhân, gia đình, học hành, buôn bán, giải trí…) của thành phố Sài Gòn và của các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong nửa đầu của thế kỷ 20 khi đất nước đang nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp.

Thanh Lãng cho biết Hồ Biểu Chánh là nhà văn kỳ cựu nhất của làng văn Việt Nam thời hiện đại. Đời của ông trải qua hầu như tất cả mọi biến cố chính trị trong lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại. Ông ra đời vào năm thất thủ kinh đô Huế (1885), trải qua tất cả giai đoạn: thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, đảo chính Nhật, Việt Minh cướp chính quyền, chiến tranh Việt Pháp, và qua đời vào năm 1958, lúc mà cuộc chia rẽ quốc gia-cộng sản đang ở thời kỳ cao điểm nhất. Không có gì ngạc nhiên khi Hồ Biểu Chánh trải qua đến năm thế hệ văn học với một số lượng sáng tác ít ai sánh kịp: trên dưới 70 tác phẩm.

-Thế hệ 1862-1913: Tập sự viết (ba tác phẩm).

-Thế hệ 1913-1932: Văn học cấp tiến (18 tác phẩm).

-Thế hệ 1932-1945: Thế hệ đổi mới Tự Lực Văn Đoàn (32 tác phẩm, trong đó có bốn hát bội và ba cải lương).

-Thế hệ kháng chiến 1945-1954: 20 tác phẩm.

-Thế hệ Nam Bắc phân tranh 1954-1975: Năm truyện đăng báo và ít tập hồi ức, cùng một số sách khảo cứu.

Tuy vậy, các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh “hầu như đứng ở ngoài hẳn các trào lưu tư tưởng, tình cảm nghệ thuật” xuất hiện trong các thế hệ văn chương nói trên, theo Thanh Lãng. Chúng không thuộc phong trào lãng mạn, đổi mới, cũng không tuyên truyền kháng chiến, không chia rẽ Nam Bắc. Cũng vì thế, “Vào thế giới của Hồ Biểu Chánh, cái cảm giác chung mà chúng ta nhận thấy là hình như, ở đấy thời gian như cô đọng lại, không đi, màu sắc không phai, có thể nào buổi đầu thì lúc cuối còn y nguyên vậy.” [qd]


Linh Mục Thanh Lãng tên thật là Đinh Xuân Nguyên, sinh ngày 23 Tháng Mười Hai, 1924, tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông theo học đạo tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Hà Nội và được thụ phong linh mục tại đây vào ngày 20 Tháng Mười Hai, 1953. Sau đó ông du học Thụy Sĩ, đậu cử nhân thần học và tiến sĩ văn chương Fribourg năm 1956 với luận án “Apport français dans la littérature vietnamienne, 1651-1945.”

Trở về nước năm 1957, ông giảng dạy tại các Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và Đại Học Văn Khoa Huế. Ông cũng giữ nhiều chức vụ về văn hóa, giáo dục như: Trưởng ban Văn Chương Quốc Âm tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam (PenClub) và là chủ nhiệm hoặc chủ biên của các tạp chí Việt Tiến, Nghiên Cứu Văn Học, Trách Nhiệm.

Linh Mục Thanh Lãng qua đời tại Sài Gòn ngày 17 Tháng Mười Hai, 1988, để lại nhiều công trình nghiên cứu văn học, trong đó có:

-Khởi Thảo Văn Học Sử Việt Nam (hai tập).

-Biểu Nhất Lãm Văn Học Cận Đại Việt Nam (hai tập).

-Phê Bình Văn Học Thế Hệ 1932 (hai tập).

-Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (hai tập).

-Văn Học Việt Nam I: Đối kháng Trung Hoa (từ đầu đến 1428).

-Văn Học Việt Nam II: Thế hệ dấn thân yêu đời 1428-1505).

-Lịch Sử Tiểu Thuyết Việt Nam.

-13 Năm Tranh Luận Văn Học (1932- 1945) (ba tập).


 

MỚI CẬP NHẬT