Friday, May 3, 2024

Tưởng nhớ nhà thơ Trần Dzạ Lữ

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Nhà thơ Trần Dzạ Lữ đã ra đi! Anh mất ngày 25 Tháng Giêng tại Việt Nam, thọ 75 tuổi.

Nhà thơ Trần Dzạ Lữ. (Hình: Facebook Trần Dzạ Lữ)

Theo nhà văn Nguyễn Lệ Uyên: “Hai năm nay, Trần Dzạ Lữ  ra Xuyên Mộc ở với vợ chồng cô con gái là đứa con duy nhất của anh. Hơn tuần trước, anh kêu mệt, khó thở, con gái đưa vào bệnh viện Bà Rịa, bác sĩ khám, cho uống thuốc giảm đau rồi về. Hôm sau nữa, anh lại kêu đau và khó thở, con chở ra bệnh viện tỉnh thì ổ dịch trong bụng vỡ, tràn ra, đành bó tay, thế là anh ra đi! Ngay lúc đầu, nếu định bệnh giỏi, bệnh viện can thiệp ngay bằng phẫu thuật, thì đâu đến nỗi.” Âu cũng là cái số.

Trần Dzạ Lữ và tôi quen biết nhau từ thời còn đi học. Cùng là dân Huế, tuy tuổi tác chênh lệch đôi chút, chuyện học hành, nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều yêu thích thơ văn, nên bọn chúng tôi khá thân nhau. Mối giao tình này được Trần Dzạ Lữ nhắc đến trong bút ký “Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Trần Doãn Nho.” Sau đây là một trích đoạn:

“Từ thập niên 60 (…), vì là dân văn nghệ cùng viết bài trên các tạp chí văn chương ở Sài Gòn nên dễ quen biết nhau. Những năm tháng ấy, ở Huế chúng tôi thường tụ tập về nhà nhà văn Lê Bá Lăng ở Vỹ Dạ đàn đúm, say sưa bàn luận chuyện văn học. Ở đây còn có Ngụy Ngữ, Viêm Tịnh, Hồ Minh Dũng… Chúng tôi say sưa đọc nào Nietzsche, nào Kant, nào Hegel, nào Shakespeare, nào Jean-Paul-Sartre, nào Dostoevsky, nào Camus, Khổng Tử, Lão Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tuệ Sỹ… Những năm tháng này, chiến tranh mỗi ngày một ác liệt – mặc dù chẳng ưa gì chiến tranh – nhưng mỗi người một cách riêng để ở lại hoặc lên đường theo vận nước. Thế rồi tôi phải ngút ngàn xa bạn bè đã từng sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống ở Huế. (…) Năm 1976, tôi hồi hương về Huế làm nông dân thì Trần Doãn Nho đã vào trại cải tạo. Lê Bá Lăng lên kinh tế mới Bình Điền. Và nhiều bạn bè khác đã như chim rã cánh lăng lắc bốn phương trời… Tôi biết chỉ còn Viêm Tịnh là thân thiết sau cùng với Trần Doãn Nho nơi cố thổ. Riêng tôi, cùng cực ở quê cha, quê mạ hơn một năm rồi tôi cũng ‘ù té chạy’ khi bồng bế vợ con về lại phương Nam. Hoàn cảnh của ‘bên thua’ là vậy đó. Nhưng tình bạn thì không bao giờ thay đổi. Cải tạo xong, Trần Doãn Nho cũng trôi về nơi đất lành chim đậu Sài Gòn của thập niên 80. Anh đã kiếm tôi ở chợ Trần Hữu Trang, gần ga xe lửa số 6, Phú Nhuận. Thật cảm động vì tôi thành kẻ chợ mà anh đâu có quên. Chính lúc này mới biết ai là bạn, ai là bè. Chúng tôi rưng rưng và lần đó đã uống với nhau vài ly rượu ngay trước sạp bán rau của vợ chồng tôi. Bà xã tôi hết sức ngạc nhiên vì có những người bạn Huế chân tình như thế.”

Mỗi lần nhắc tới tên Trần Dzạ Lữ là tôi nhớ ngay tựa đề một bài thơ của anh: “Bài Thơ Thứ Hai Cho Người Tình Sầu Cố Xứ” đi trên tờ Văn, đâu khoảng năm 1967 hay 1968. Đó không phải là bài thơ đầu, cũng không phải là bài thơ hay nhất của anh, nhưng nhóm chữ “người tình sầu cố xứ” nghe là lạ, thích. “Cố xứ” cũng như cố hương, nhưng nghe có vẻ ngậm ngùi; đã thế lại còn “người tình sầu,” da diết.

“Hỡi người em lệ sầu mắt đỏ
Áo trắng dài trong nắng vàng rưng
Em biết không chiều nay anh nhớ
Thân lạc xứ người hồn đau gửi cố hương”

Đọc anh, ta sẽ thấy cái “tình cố xứ” đó thâm sâu biết chừng nào. Cố xứ (Huế) là nơi chứa đựng những thứ mà cho dù có trở lại thì vẫn không thể tìm lại được: người em gái, bà mẹ già, “nhai bắp rang đọc truyện Kim Dung,” tuổi thanh xuân, em thắt bím màu hồng, cô Tôn Nữ nào đó… Những hình ảnh như thế thường hay xuất hiện trong thơ anh. Hãy nghe Lữ than thở:

“Bây chừ hoa phượng nở
Rưng rưng chiều nội thành
Ta về phơi thương nhớ
Bên đường kỷ niệm xanh

Một mình đi loanh quanh
Kiếm tìm mùi hương cũ
Phượng nở sen cũng nở
Sao không nở tình em?

…Tìm đâu ra em hở
Tôn Nữ của ngày xưa?
Một thời ai nghiêng nón
Sửng sốt hồn trai tơ!”

(Mùa Hạ Về Thành Nội)

Thế đấy! Đang “ngai ngái tuổi mười lăm,” hồn còn “như chiếc áo” mới, nhìn “tóc em bay từng sợi” để mà mộng mơ, thì Trần Dzạ Lữ đành phái trút bỏ lại tất cả để lên đường tòng chinh. Đi đâu? Đi đến nơi:

“Quân hai bên ngã gục giữa đất trời
Mây khóc đầu non vì buồn ly loạn
Cỏ cây run trong gió lạnh tanh rồi…”
(Chiều Mai Lộc)

Tất cả thoáng chốc như một cuộc đời dựng ngược:

“Bốn năm thằng lơ láo
Áo quần rách tả tơi
Ăn cơm bên xác người
Tay bốc, tay cầm súng
Ăn xong múc nước ruộng
Uống đại cho qua ngày”

(Bữa Cơm Ngoài Chiến Trường)

Bài thơ đầy hiện thực này làm vào năm 1972 – lúc anh sĩ quan quân đội VNCH Trần Dzạ Lữ đang ở chiến trường – có mặt trong tuyển tập “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” do Thư Ấn Quán của Trần Hoài Thư sưu tập và phát hành ở hải ngoại.

Trong cuốn vidéo Asia số 58, tựa đề “Tình Khúc Từ Chiến Trường” (thực hiện Tháng Ba, 2008, tại Long Beach, California), bài thơ này được nhạc sĩ Nam Lộc, người điều khiển chương trình ca nhạc Asia, chọn đọc để nói lên nỗi gian khổ của người lính VNCH và ca ngợi những đóng góp của họ cho đất nước nhưng từng bị lãng quên vì là những người thua cuộc. Hơn bất cứ ai, người lính là người thiết tha nhất trông ngóng ngày tàn cuộc. Để có tương lai mà mơ ước.

“Ngày tàn cuộc người về thăm quê quán
Đồng cỏ mừng đón vó ngựa hồng xưa.
…Giọt lệ mừng và tay vui vẫy gọi
Bếp lửa hồng nhúm lại buổi hoang sơ
…Có chị hồi sinh tuổi xưa rực rỡ
Phơi tóc chiều xuân bên giậu hoa vàng
…Để ta thắp tình ngợi ca Tôn Nữ
Nụ hôn nào thơm hương sứ hương sen?
Đường vào nội thành mùa xuân trải chiếu”

Một giấc mơ hòa bình thơm lừng hạnh phúc!

Khốn nỗi, khi có hòa bình rồi, thoát được “nỗi buồn chiến tranh,” những người thuộc chế độ cũ như anh và tôi – cũng như hàng triệu triệu người miền Nam khác – lại rơi vào “nỗi khổ hòa bình.” Là phía thất trận, chúng tôi trở thành công dân… không có hạng. Đi ở tù ra, không còn một cơ may nào trong xã hội mới, con đường duy nhất cho những người thất trận là đem hết sức bình sanh ra, bươn chải kiếm sống.

Trên kia, Trần Dzạ Lữ có nhắc đến lần gặp gỡ nhau khoảng đâu vào giữa thập niên 1980 tại chợ Trần Hữu Trang, Phú Nhuận, Sài Gòn, nơi gia đình anh thuê ở. Cùng đi với tôi còn có Hồ Minh Dũng. Hằng ngày, hai vợ chồng ra chợ bán rau. Chị bán, anh phụ. Người đàn bà đã từng là “cô gái Sài Gòn” phơi phới ngày nào bây giờ ngồi giữa rau, giữa cải, giữa mùi tanh, giữa ruồi, giữa kiến, giữa những phùng mang trợn mắt, giữa những đốp chát, giữa những chèo kéo, giành giựt. Ở đó không có thơ, mà chỉ có đời sống.

Nhà thơ Trần Dzạ Lữ làm bài “Thơ Viết Cho Vợ Ở Ngôi Nhà Mới,” có đoạn “Gần cuối đời rồi cũng có ngôi nhà tử tế/ Để đi về tránh nắng, che mưa/ Tiếc là vợ mình không cùng ở/ Di sản còn đây, mà em lại đi rồi…” (Hình: Facebook Trần Dzạ Lữ)

Và đời sống thì vô danh. Bên những cốc rượu đế, những kẻ vô danh chúng tôi tự tìm lấy ở nơi nhau một chút tình nghĩa cũ càng, lỗi nhịp. Chẳng đủ xóa đi được tí nào nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, lại càng thêm ngậm ngùi cho thân thế những con người qua cuộc phế hưng. Nhưng dù sao cũng có chút âm ấm tình người. Dù chỉ là khoảnh khắc. Và anh vẫn làm thơ, dù không đăng được ở chỗ nào.

Căn gác và cái chợ nhỏ đi vào thơ anh:

“Này gác lửng, hơn nửa đời rồi đó
Ta mới có mày giữa cuộc phù vân
Đời thử ta như lửa thử vàng
Cay đắng bủa quanh hồn xưa chao chớn
…Xin lỗi em cô gái Sài Gòn
Đã vì ta mà xa giảng đường, thư viện
Xa thời mộng-mơ-lưu-luyến
Để hóa thành cổ tượng giữa trầm luân
Vì áo cơm mà em ra chợ
Một hồn buồn giữa cõi rau xanh
Ngày văng tục trên miệng người láu cá
Mà em thì líu lưỡi bởi không quen”

(Mùa Xuân Trò Chuyện Với Gác Lửng)

Bài thơ này có hai chữ lạ: chao chớn. Chao chớn là chênh vênh, chao đảo, bất định.

Một bài khác, “Ở Chợ,” nghe càng chua chát hơn:

“Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
…Ở chợ đông sao hồn cứ lạnh
Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều?
…Ta bán rau xanh ngày mệt lử
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo – Vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?”

Ôi, “nỗi buồn chiến tranh” và “nỗi khổ hòa bình!” Đó là khoảng thời gian mà xã hội miền Nam trải qua một cuộc xáo trộn khủng khiếp, người miền Nam quằn quại, vật vã chuyển đổi từ một dạng sống này đến một dạng sống khác. Đổi lốt. Đổi đời. Phải nói là lật ngược đời!

Sau này, Trần Dzạ Lữ có dịp trở lại với thế giới văn chương. Anh cho ra đời được mấy tập thơ. Anh làm nhiều loại thơ khác nhau: năm chữ, sáu chữ, bảy chữ, tám chữ, lục bát. Vần điệu đầy đủ và chỉnh.

-“Tha phương hề, hiu hắt mười năm
Vẫn thương hương bưởi ngái trong hồn
Quê ơi, mùa rét qua trên tóc
Ta vẫn mơ mòng đêm sáng trăng!”
(Gửi Người Áo Tím)

-“Ngồi đây, thương tiếng đàn tranh
Tay em mười ngón lùa quanh tình sầu
Lượng đời hao hụt nơi đâu
Chỉ còn nỗi nhớ Tô Châu ta về…”
(Ở Quán Cà Phê Diên Vỹ)

Lời thơ đơn giản. Hơi thơ nhẹ, êm. Nhịp điệu chậm rãi. Mấy chục năm trôi qua với bao nổi trôi, cay đắng, anh vẫn giữ cách “hành thơ” riêng của mình như thế, không cầu kỳ hay phá cách bằng kỹ thuật này kỹ thuật nọ. Đặc biệt, những bài tám chữ như “Thư Gửi Người Ở Lại,” “Ngày Vẫy Biệt Khu Rừng Tuổi Nhỏ,” “Gửi Người Xa Xăm,” “Sao Không Nói,” dài hoặc khá dài, là những bài hoàn chỉnh và lời thơ rất tha thiết với nhiều hình ảnh và ví von đa dạng. Với tôi, cái “chất thơ Trần Dzạ Lữ” thường tỏa ra nơi những bài thơ tám chữ như thế này. Hơi thơ lắng đọng, nhịp thơ miên man, lời thơ níu kéo nhau tạo nên nhiều cảm xúc.

Hãy thưởng thức vài trích đoạn từ những bài thơ nói trên:

-“Sao không nói những khi đời au đỏ
Một còn đầy trong mắt của nhau xưa
Để bây giờ người ra đi tám hướng
Cho kẻ về ngậm tủi bến sông mưa”
(Sao Không Nói)

-“Chính nơi đó tóc em bay từng sợi
Cho ta thầm yêu mây của trời cao
Tình rất dại nên tình chưa dám nói
Hồn tơ trời chưa buộc chỉ thương đau”
(Ngày Vẫy Biệt Khu Rừng Mơ Tuổi Nhỏ)

-“Rồi thuở xa người vầng trăng lặn mất
Đường ta đi suối lạ vắt ngang hồn
Nhánh cây đời không còn đơm trái nữa
Để khói ngàn bạt xuống cánh dơi mong”
(Gửi Người Xa Xăm)

Những dòng thơ chân tình của anh đưa tôi sống lại những ngày tháng quê nhà, một quê nhà rất đời thường, rất ngọt, rất đậm đà. Và cực kỳ đơn giản, điều tôi không thể nào tìm thấy bây giờ trong cuộc sống mới trên xứ người.

Xin thắp một nén hương lòng, tiễn anh về nơi “cố xứ!” [qd]

Chú thích:

(*) Những Kỷ Niệm Khó Quên…: vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=24740


Trần Dzạ Lữ, tên thật là Trần Văn Duận, sinh Tháng Hai, 1949, ở làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên là sĩ quan quân đội VNCH.

Khởi viết năm 1960. Lúc còn là học sinh, anh đã có thơ đăng ở một số tạp chí văn chương Sài Gòn như Văn, Văn Học, Ý Thức, Thời Tập…

Đã xuất bản: “Hát Dạo Bên Trời” (nhà xuất bản Trẻ, 1995), “Gọi Tình Bên Sông” (nhà xuất bản Trẻ, 1997), “Thơ Tình Trên Bao Thuốc Lá” (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2014)…

Ngoài ra, thơ anh còn xuất hiện trong các tuyển tập thơ nhiều tác giả, như: “Tháng Giêng Sài Gòn,” “Anh Làm Thơ Yêu Em,” “Những Gương Mặt Thơ Mới,” “Thơ Tình Xứ Huế.”


 

MỚI CẬP NHẬT