Monday, April 29, 2024

Vị chè thưng và chuối nếp ngày xưa

Phạm Công Luận

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Quầy chuối nếp của mợ Bảy là một ký ức đẹp của tôi cũng như của nhiều người dân sống trên đường Trương Tấn Bửu miệt Gia Định này.

Ông bà Tư Từ và cháu ngoại. (Hình: Gia đình cung cấp)

Có lần mợ Bảy, một cư dân cũ của xóm trở về thăm bà con sau mấy năm dọn nhà ra ngoại thành. Mợ vẫn khỏe dù đã hơn 80 tuổi, tươi cười khi bà con xúm lại tíu tít chuyện trò. Sau khi hỏi thăm mấy câu, ai nấy đều nhắc ngay đến cái bếp làm chuối nếp nướng của mợ Bảy: “Chuối nếp của mợ ngon hết sảy nha. Nhắc tới con thèm quá, giờ cũng có bán mà không ngon bằng chuối nếp của mợ!”

Đó là những năm sau 1975, cậu Bảy vốn là nhân viên sở Mỹ trước kia đã trở thành thất nghiệp, ở nhà lui cui làm việc nhà và thỉnh thoảng uống vài chai “bia lên cơn” (thức uống lấy nước pha với cồn và hương liệu rồi bơm ga vô) lấy làm vui. Mợ Bảy đang làm nội trợ ở nhà nấu cơm nay phải nai lưng kiếm tiền nuôi đám con nhỏ.

Vốn là con gái miền Tây giỏi nấu ăn, biết làm bánh khéo, mợ bày ra chuyện bán chuối nướng và chuối nếp nướng. Mợ nhìn xa, biết bán ngay tại nhà trong xóm không có mấy người ăn nên phải tiến ra đường phố bán cho khách vãng lai. Nhưng chỗ đâu mà ngồi bán? Thấy ngay góc đường giáp với hẻm vào nhà có một khoảng trống phía trên cái nắp cống lớn, mợ xác định đó là chỗ dung thân cho cái “quán” của mình. Cậu Bảy chống vài thanh cây gỗ, làm, làm tạm một cái mái che nắng.

Buổi chiều, khoảng 3 giờ là mợ và mấy đứa con bưng ra một cái bếp than đã đốt sẵn, chồng dĩa, nồi nước dừa nấu với bột báng, chuối sứ đã lột sẵn, nếp đã nấu thành xôi. Mợ ngồi dưới cái mái nhựa, bắt đầu ép dẹp những trái chuối ra để đặt lên lò than nướng thành món chuối nướng. Rồi bọc xôi quanh trái chuối khác, dùng lá chuối bọc chung quanh cho nếp không rời ra. Nướng một lát, mùi chuối nướng và mùi lá chuối cháy, mùi nếp tỏa ra thơm ngào ngạt. Con nít và người lớn chạy xe ngang qua bắt đầu bu lại, có người ngồi ghé vô sát bếp lò hay chỗ vỉa hè gần đó ăn tại chỗ, người khác mua mang về.

Chuối nướng hay chuối nếp nướng mợ sắp ra trên dĩa, chan vô nước dừa bột báng, rắc lên chút đậu phộng đã giã nhuyễn. Chuối vừa nướng xong đang nóng, nước dừa chan vô lập tức dậy mùi thơm quyện với mùi chuối nướng, nếp nướng. Vị béo của nước dừa, vị ngọt của chuối chín, mùi thơm của nếp nướng quyện lẫn mùi thơm của lá chuối và đậu phộng sao mà hài hòa quá! Ăn xong một dĩa còn muốn ăn dĩa thứ nhì.

Tôi nhớ những ngày trời mưa Tháng Bảy trời lạnh cuối những năm 1970, thèm chuối nướng đội áo mưa ra “quán” của mợ. Cái mái đã được thả thêm mấy tấm nhựa chung quanh, tùm hum kín gió. Tôi lủi ngay vô, gọi ngay một dĩa chuối nướng vì số tiền còm má tôi cho không đủ mua chuối nếp, mắc tiền hơn. Cái chòi bé xíu của mợ thơm nức vì mùi chuối nướng không bay đi đâu được, luẩn quẩn bên trong. Ăn một dĩa, ấm cả bụng khi ngoài trời mưa lạnh. Nhìn lại mới thấy mợ Bảy vừa bán chuối vừa bận áo mưa, vì cái lưng của mợ chìa ra ngoài khi mưa vẫn rơi rả rích. Mợ đưa lưng ra bảo vệ cái lò nướng chuối không bị tắt lửa, cái lò nuôi cả nhà của mợ. Thật thương!

Nghe tôi kể về cái quán chuối nướng xưa lắc xưa lơ đó, chị Yến con bác Tư Từ rơm rớm nước mắt. Nó làm chị nhớ gánh chè của má chị, được gọi là bà Tư Từ. Gánh chè của bà thì cả khu Phú Nhuận đều biết, dù đó chỉ là một gánh chè đơn sơ nhưng được nấu rất thơm ngon.

Khi nhắc đến gánh chè này, một anh là tài xế năm nay hơn 60 tuổi hào hứng kể: “Khi tôi về xóm Mô ở những năm đầu thập niên 1970, gánh chè bà Tư Từ bán đắt lắm. Bà chỉ bán buổi tối, chậm chân là hết! Đi theo bà có một bé gái, tay luôn nắm gióng gánh khi bà gánh chè đi bán.” Bà chỉ bán chè thưng thôi, tiếng rao như vầy: “Ai chè đậu xanh bột khoai bột báng nước dừa đường cát hôn!” Rao một câu thôi mà trong đó kể hết các thứ nguyên liệu để nấu chè, thật thà như vậy đó.

Chị Yến, cô bé theo mẹ bán chè năm xưa, cho biết má chị gốc Lái Thiêu, lấy ba chị gốc Cần Thơ. Ông Tư làm thợ hồ sửa nhà lặt vặt không đủ nuôi vợ con nên từ cuối những năm 1950, bà đã sắm cái gánh nấu chè đi bán rong để có thêm đồng ra đồng vào. Món chính là chè thưng nhưng có khi bà bán thêm chè đậu đen hay chè xôi nước.

Đến khoảng năm 1967, mới lên 6 tuổi, chị Yến thay ông anh đi bán với má. Lúc đó, nhà chị gần cổng số 8 đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển). Mỗi ngày khoảng 3 giờ chiều, bà bắt đầu lấy đậu, đường và các thứ nguyên liệu ra để nấu một nồi chè to, sắp sẵn chén muỗng vô đôi gánh. Đến 7 giờ tối, Yến bắt đầu đi cùng với má bước ra đường.

Tại sao phải có cô bé Yến đi theo? Yến có thể phụ rửa chén nhưng lý do chính là bà Tư bị bệnh quáng gà, buổi tối mắt bà không thấy rõ khi nhìn xa dù vẫn có thể múc chè cho khách. Khi con trai lớn của bà đi lính mùa Hè 1972, mắt bà càng yếu vì khóc nhiều khi người con trai tử trận. Cô bé Yến mới lên lớp Nhứt (lớp Một bây giờ) thay anh đi bán cùng với mẹ và việc thường xuyên làm là nắm gióng gánh dắt mẹ đi theo.

Hàng rong ở Sài Gòn xưa. (Hình: Phạm Công Luận cung cấp)

Với đôi quang gánh trên vai, bà đi từ phía nhà gần cổng xe lửa số 8 đi vô đường Tự Đức (nay là Nguyễn Thị Huỳnh), lúc đó còn rất vắng nhất là đoạn lăng Phó Tổng Trấn Trương Tấn Bửu và chùa Kỳ Quang. Thỉnh thoảng đến giữa đường chỗ ngôi nhà đoàn cải lương Hương Mùa Thu, nghệ sĩ Ngọc Hương và soạn giả Thu An chồng cô ra ăn vài chén chè. Có cả nghệ sĩ Kim Giác, chị của cô Ngọc Hương cũng gọi vài chén cho chồng con ăn.

Ra hết đường này là đến đường Cách Mạng (nay là Nguyễn Văn Trỗi). Yến dắt bà Tư băng qua đường, vô cái hẻm gần trường Quốc Anh để ra phía đường rầy gần đình Phú Nhuận. Quanh đó và chạy dài lên tới xóm Mô đường Cách Mạng là những quán bar. Buổi tối, những cô gái làm việc trong đó túa ra ăn chén chè. Người trong các con hẻm sau buổi cơm chiều cũng ra mua về ăn.

Càng đi, gióng gánh càng nhẹ dần. Dừng chân ở đâu, bà Tư ngồi bán, thỉnh thoảng cất tiếng rao. Bé Yến chạy chơi chung quanh với đám bạn mới quen hoặc xem tivi từ hàng rào một nhà gần đó. Bán đến 11 giờ khuya, bà Tư giục con dắt về, đi dọc theo đường rầy đến cổng xe lửa số 8 cho gần. Những đêm bà bán ế về trễ, hay gặp trời mưa… từ xa trên đường đã thấy ông Tư đội áo mưa đi ra, ghé vai gánh giúp gánh chè ế nặng trĩu.

Anh bạn tài xế kể: “Tôi lúc đó mới 9 hay 10 tuổi, ghiền ăn ngọt nên tối nào cũng chờ gánh chè của bà Tư Từ. Có lần không thấy bà đi bán, buồn quá giữa đêm vắng teo tôi ngồi ngoài đường cất tiếng rao: ‘Aiiii… ăn chè đậu đen nước dừa… bún tàuuuu… bước qua hàng rào kẽm gai chà nát quừn hônnnnn…!’ Vậy mà cũng có người  xách ca nhựa gàu mên ra tìm mua chè. Không thấy bà Tư, chị ta xách cái ca lủi thủi đi về, thấy phát tội!”

Hình ảnh những món chè ngọt, chuối nếp, chuối chiên, cái bi ngon ngon cái bi giòn giòn… của những người bình dân sống trong các xóm hẻm đi bán dạo sao mà sống miên man hoài trong trí nhớ của chúng tôi, những đứa trẻ xóm nhỏ thích ăn vặt, xem chén chè khoai được ăn buổi xế sau giấc ngủ trưa là một niềm hạnh phúc và dĩa chè chuối nếp là một bữa tiệc.

Những món ăn thuở nhỏ từ những cô Ba, mợ Bảy, bà Tư, dì Tám… những phụ nữ nấu món ăn đi bán mà chăm chút như nấu cho chồng con mình và khi nhớ về họ, mới thấy lại một phần tuổi thơ đẹp đẽ của ta có vị ngọt của những món ăn vặt chân chất ngày xưa đã trôi đi từ rất lâu rồi. (Phạm Công Luận) [qd]

MỚI CẬP NHẬT