Monday, May 20, 2024

30 Tết, Việt Nam thêm 49 ca COVID-19 mới, Sài Gòn bị nhiều tỉnh ‘kỳ thị’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tính đến chiều tối 11 Tháng Hai (30 Tết), Bộ Y Tế CSVN ghi nhận thêm 49 ca nhiễm mới lây nhiễm cộng đồng ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội và Gia Lai, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 ở Việt Nam lên 2,140 người.

Theo báo VNExpress, trong 15 ngày từ hôm 28 Tháng Giêng đến 11 Tháng Hai, Bộ Y Tế ghi nhận 553 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (383), Quảng Ninh (59), Sài Gòn (34), Hà Nội (29), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (4), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hưng Yên (2), Bắc Giang (2), Hà Giang và Hải Phòng mỗi nơi một ca.

Nhân viên y tế xịt khử khuẩn, bỏ toàn bộ đồ bảo hộ vừa sử dụng trước khi thay ca. (Hình: Giang Huy/VNExpress)

Tính đến ngày 10 Tháng Hai, Sài Gòn đang phong tỏa 35 điểm tại 10 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Mới nhất là bệnh viện Mắt ở Sài Gòn đã thông báo dừng khám bệnh do liên quan các ca mắc COVID-19.

Cụ thể sáng 11 Tháng Hai, cổng nhận bệnh phía đường Bà Huyện Thanh Quan, đường Nguyễn Thông, quận 3, của bệnh viện đóng kín và dán chi chít thông báo với nội dung: “Do tình hình dịch bệnh khẩn cấp, bệnh viện Mắt chỉ nhận những trường hợp cấp cứu. Bệnh viện Mắt tạm ngưng khám bệnh cho tới khi có thông báo mới.”

Trước đó, từ đêm 10 đến sáng 11 Tháng Hai, bệnh viện Mắt đã tổ chức lấy mẫu cho khoảng 1,000 người, gồm hơn 800 cán bộ, nhân viên và toàn bộ bệnh nhân nội trú vì trước đó ca bệnh nhiễm COVID-19 vào bệnh viện này thăm người thân.

Chiều 11 Tháng Hai, ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải ở Sài Gòn, cho hay đang lên kế hoạch nghiên cứu, phối hợp các lực lượng cảnh sát giao thông, công an, y tế… lập 16 chốt, trạm kiểm tra y tế. Tại các chốt này, lực lượng liên ngành sẽ kiểm tra y tế người vào thành phố, phân luồng giao thông, tuyên truyền người dân phòng chống COVID-19…

Theo báo Zing, trước “diễn biến dịch bệnh phức tạp” trên, nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã có biện pháp cụ thể để kiểm soát người từ đây về quê ăn Tết bằng cách yêu cầu người dân về từ vùng có dịch tại Sài Gòn phải cách ly tập trung.

Tại An Giang, đối với sinh viên đang học ở Sài Gòn và người lao động làm việc ngoài tỉnh, khi về An Giang ăn Tết phải thực hiện khai báo y tế. Trưởng ấp và cộng tác viên y tế khóm, ấp phải nắm rõ những trường hợp này để kịp thời xử lý khi có tình huống cấp bách xảy ra.

Tương tự, tại Bình Thuận, cơ quan hữu trách huy động tối đa cán bộ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm số lượng sinh viên, người lao động từ Sài Gòn về quê ăn Tết, buộc khai báo y tế.

Trong khi đó ông Nguyễn Đình Trung, chủ tịch tỉnh Đắk Nông, cho rằng nhiều trường hợp tại Sài Gòn chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm và nhiều quận, huyện của thành phố này có ca bệnh. Do đó, tỉnh Đắk Nông “thống nhất đối với các trường hợp về từ Sài Gòn phải cách ly tại nhà không quá 14 ngày để quản lý, giám sát.” Biện pháp này là nâng lên một cấp so với quy định nhưng chính phủ cho phép tùy theo tình hình thực tế địa phương.

Ngoài ra, trước đó các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, ThừaThiên Huế… đã “ngăn sông cấm chợ” người dân từ Sài Gòn về quê ăn Tết, với các biện pháp tương tự.

Người dân đến quán ăn ở phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, bị xét nghiệm COVID-19. (Hình: Hiếu Nguyễn/Phụ Nữ TP.HCM)

Trong một động thái liên quan đến dịch bệnh COVID-19, theo báo Tuổi Trẻ sáng 30 Tết, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống COVID-19 tỉnh Hải Dương cho biết vừa phát hiện bà ĐTL (70 tuổi, ở xã Ngọc Sơn, thành phố Hải Dương) dương tính với COVID-19, trong lúc đi khám mổ ruột thừa vào ngày 29 Tết. Điều đáng nói là hàng ngày, bà L. chỉ ở nhà làm ruộng, không tiếp xúc với hàng xóm, chỉ tiếp xúc với người thân trong gia đình.

Trong các ngày từ 5 đến 8 Tháng Hai, bà L. đi chợ bán tỏi, bán hành. Trong lúc đi bán hàng bà L. có đeo khẩu trang. Đa phần là khách lạ mua hàng nên không biết tên. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT