Friday, April 26, 2024

4 ngân hàng ngoại quốc phản đối Trương Mỹ Lan đòi bán tòa nhà Capital Place

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đại diện bốn ngân hàng ngoại quốc cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan không có quyền bán tòa nhà Capital Place, ở quận Ba Đình, Hà Nội, đang được thế chấp vay tiền để “khắc phục hậu quả.”

Theo báo Tuổi Trẻ, chiều 28 Tháng Ba, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và đồng phạm tiếp tục tranh luận.

Tòa nhà Capital Place, Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội. (Hình: Capital Place)

Tại tòa, đại diện bốn ngân hàng, trong đó có ngân hàng HSBC thuộc tập đoàn Ngân Hàng Hồng Kông và Thượng Hải, ngân hàng OCBC Bank Singapore cho biết không đồng tình với ý kiến về việc bị cáo Lan muốn bán tòa nhà Capital Place để “khắc phục hậu quả.”

Cụ thể, đại diện các ngân hàng trên cho biết công ty Cổ Phần Twin-Peaks có vay mượn khoản tiền khoảng $200 triệu. Tài sản thế chấp bao gồm tòa nhà Capital Place và quyền sử dụng tòa nhà này.

Hiện tại, khoản vay vẫn chưa được tất toán hoàn toàn. Trong khi đó, thời điểm đáo hạn trả nợ là ngày 30 Tháng Tư tới.

“Bà Trương Mỹ Lan không có quyền quyết định bán tòa nhà Capital Place số 29 Liễu Giai. Vì tòa nhà này đã được thế chấp cho khoản vay của công ty Twin-Peaks,” đại diện ngân hàng nói.

Trình bày trước Hội Đồng Xét Xử, đại diện ngân hàng HSBC và ngân hàng OCBC Bank Singapore đề nghị cho phép hai ngân hàng được ưu tiên giải quyết khoản nợ bao gồm tiền gốc lẫn lãi.

Trong trường hợp sau khi bán tòa nhà Capital Place và giải quyết xong các khoản vay, phía ngân hàng sẽ giao nộp lại số tiền dư theo quy định pháp luật để khắc phục hậu quả vụ án.

Trong các phiên tòa trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần nhắc đến tòa nhà Capital Place từng được rao bán với giá $1 tỷ. Hiện bán giá thấp nhất cũng phải hơn $400 triệu, nhưng với điều kiện phải bán cho nhà đầu tư ngoại quốc và không liên quan đến vụ án.

Bị cáo Lan cam kết nếu bán được tòa nhà “sẽ tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để “khắc phục hậu quả” vụ án.

Điều đáng nói là hiện tòa nhà này đang được thế chấp để bảo đảm cho khoản vay $200 triệu tại các ngân hàng ngoại quốc kể trên. Đồng thời, chủ sở hữu cũng đã ủy quyền cho bà Chu Duyệt Phấn, con bị cáo Lan, rao bán.

Tòa nhà Capital Place là tòa tháp đôi 37 tầng có chung chân đế, ba tầng hầm (mỗi tháp có sáu tầng đế, 32 thang máy tốc độ cao) và còn là công trình có sàn thuê không cột lớn nhất Việt Nam, hiện có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực như Bosch, HSBC, Standard Chartered, Shopee, Lazada, Boeing, Microsoft, Line… thuê đặt trụ sở.

Capital Place được tập đoàn Vingroup, thuộc sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, khởi công xây dựng hồi năm 2016, và khánh thành bốn năm sau đó. Qua một đời chủ, đến năm 2022 tòa nhà này được bà Trương Mỹ Lan mua lại với giá $751 triệu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa hôm 25 Tháng Ba. (Hình: Hữu Hạnh/Tuổi Trẻ)

Tin cho biết, để “khắc phục hậu quả” vụ án Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã kê biên một lượng tài sản “đặc biệt lớn” liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc “có vai trò chủ mưu, cầm đầu,” đã lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, hoán đổi tài sản giá trị thấp để rút tài sản bảo đảm có giá trị lớn hơn ra khỏi ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn được xác định là hơn 498,000 tỷ đồng ($20.1 tỷ).

Trong phiên tòa hôm 12 Tháng Ba, bị cáo Lan đề nghị tòa xem xét kỹ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt của SCB, và cam kết dùng toàn bộ tài sản của gia đình “khắc phục hậu quả.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT