Thursday, April 25, 2024

42% công nhân chạy dịch COVID-19 không quay lại dù lương tăng

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng trăm ngàn công nhân bỏ các khu công nghệ chạy hồi đầu Tháng Mười hiện không muốn trở lại dù lương tăng cao hơn.

Theo một số báo tại Việt Nam, có đến 42% số công nhân bỏ các khu công nghệ chạy về quê từ ngày 1 Tháng Mười vừa qua, hiện không muốn quay trở lại, dù nhiều công ty quảng cáo tuyển dụng nhân viên với lương tháng tăng từ 7% đến 10%.

Dân chúng bỏ chạy khỏi Sài Gòn sáng sớm ngày 1 Tháng Mười khi lệnh phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ. (Hình: ChiPi/AFP/Getty Images)

Các báo như Thanh Niên, VNExpress dẫn thuật cuộc khảo cứu của “vieclamtot.com,” một tổ chức dịch vụ môi giới lao động trên mạng, cho biết: “Sau giai đoạn hậu giãn cách, tốc độ phục hồi tuyển dụng từ phía nhà tuyển dụng chậm hơn so với nhu cầu tìm việc của người lao động phổ thông. Có 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại Sài Gòn làm việc, 42% còn lại đều khẳng định sẽ không quay lại thành phố.”

Ngày 10 Tháng Mười Một vừa qua, trong một cuộc chất vấn ở Quốc Hội, ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Lao Động-Thương Binh-Xã Hội CSVN, cho hay khoảng 1.3 triệu lao động đã bỏ chạy hồi Tháng Mười sau mấy tháng bị chính quyền các địa phương nhốt ở nhà để chống dịch COVID-19. Trong số đó, có tới 60% là từ các khu công nghệ ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Dịp này ông cho hay thêm, dựa vào các báo cáo của các địa phương, chỉ “khoảng 30% lao động có nhu cầu quay lại Sài Gòn” trong khi “30% muốn chuyển sang các địa phương khác.” Điều này dẫn đến thiếu hụt lao động khi các hãng xưởng đang cần gia tăng sản xuất hàng xuất cảng tới các thị trường đang cần hàng hóa bán trong mùa lễ Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022.

Từ sáng sớm 1 Tháng Mười, hàng đoàn người, có xe gắn máy đi xe gắn máy, không có xe thì đi bộ, thu gom tí chút đồ đạc quần áo, hối hả bỏ Sài Gòn và các tỉnh nhiều xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chạy về quê khi nhà cầm quyền loan báo gỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch. Hình ảnh, video clip những đoàn người đói khát, mệt mỏi, vật vã trên hành trình hàng ngàn cây số làm nao lòng người.

Họ đã bị chính quyền các địa phương cấm ra đường trong khi thực phẩm được phân phối lại không được bao nhiêu, họ sống nhờ mì gói. Trong khi đó dịch COVID-19 làm gia tăng nhanh chóng người nhiễm dịch và người chết mà người ta không có đường nào tránh né vì những biện pháp chống dịch ngặt nghèo, nhiều khi mỗi địa phương một kiểu.

Công nhân tại tỉnh Bình Dương bỏ chạy về quê bị chính quyền địa phương ngăn chặn ngày 1 Tháng Mười. (Hình: Tuổi Trẻ)

Gần ba tuần lễ sau khi giới công nhân bỏ chạy, báo chí tại Việt Nam dẫn các báo cáo nói kỹ nghệ điện tử, da giày, dệt may thiếu khoảng 50% để thỏa mãn các đơn hàng xuất cảng. Các xí nghiệp điện tử, hầu hết là các đại công ty hàng đầu thế giới, đang thiếu hụt đến 56% công nhân, trong khi kỹ nghệ dệt may thiếu hụt khoảng 49.2% công nhân. Kỹ nghệ da giày đang thiếu khoảng 51.7% nhân công, kỹ nghệ sản xuất dụng cụ điện nói thiếu hụt 44.5% công nhân.

Dù một số công nhân đã quay lại nhưng tình trạng thiếu hụt nhân sự để phục hồi hoàn toàn sản xuất vẫn còn đang nghiêm trọng. Hiện nay tình hình dịch bệnh đang trong chiều hướng tăng nhanh trở lại làm những ai có ý định quay về thành phố kiếm sống, thêm phần ngần ngại vì những kinh hoàng mấy tháng trước chưa kịp nguôi ngoai.

Hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Mười Hai, Bộ Y Tế thống kê nói cả nước có thêm 13,670 ca nhiễm dịch COVID-19 trong ngày này, nâng tổng số người nhiễm dịch tại Việt Nam lên thành 1,280,780 trường hợp.

Số người thiệt mạng vì dịch này là 25,858 người, chiếm tỉ lệ 2% trong tổng số người lây nhiễm dù tính tới nay, với sự yểm trợ rất lớn từ chính phủ Mỹ và chính phủ các nước khác, Việt Nam đã chích ngừa được tới hơn 125 triệu liều. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT