Saturday, May 18, 2024

8 sự kiện Việt Nam nổi bật năm 2019

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Thời sự Việt Nam ghi nhận theo thời gian từ đầu năm đến cuối năm, tác động lên mọi mặt của xã hội. Dưới đây là tám sự kiện mà chúng tôi cho là tiêu biểu trong hàng chục biến cố, sự kiện thời sự của Việt Nam cả năm 2019.

1-Dịch tả heo Phi Châu lây lan trên cả nước

Bệnh dịch tả heo Phi Châu xuất hiện lần đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên từ ngày 1 Tháng Hai, tại một số xã ở thành phố Hưng Yên và huyện Yên Mỹ. Heo bỏ ăn, nằm liệt một chỗ rồi chết. Khi lấy mẫu máu thử nghiện thì người ta mới biết là chúng bị nhiễm một loại virus đang hoành hành giết hại hàng triệu con heo ở Trung Quốc. Ít ngày sau, dịch thấy xuất hiện ở tỉnh Thái Bình rồi lan ra các tỉnh miền Bắc, chuyển xuống miền Trung và cuối cùng là tất cả các tỉnh tại miền Nam.

Tuy gọi là dịch tả heo Phi Châu, nó là một chứng bệnh dịch gây ra do một loại virus gây sốt cao, da heo màu trắng chuyển sang màu xanh tím và xuất huyết trở nên rõ ràng trên tai và bụng. Chúng nằm liệt một chỗ, thở khó khăn, hôn mê rồi chết, không con nào thoát. Tuy nhiên loại virus này không lây nhiễm sang người và các loại động vật khác.

Theo những con số công bố, hơn 6 triệu trên tổng số 30 triệu con heo nuôi trên cả nước đã bị nhiễm dịch và tiêu hủy. Giới nông dân mất của trong khi giá thịt heo bị đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba trên thị trường.

Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đi xe lửa băng ngang Hoa Lục đến ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn ngày 26 Tháng Hai, 2019, trên đường tới Hà Nội họp với Tổng Thống Mỹ Donald Trump. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP via Getty Images)

2-Việt Nam cho mượn địa điểm để Mỹ và Bắc Hàn đàm phán giải trừ võ khí hạt nhân

Sau nhiều cuộc dàn xếp, tại Hà Nội các ngày 27 và 28 Tháng Hai, Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un đã đàm phán để Bắc Hàn từ bỏ chương trình võ khí hạt nhân. Tuy nhiên, hai ngày đàm phán không có một kết quả cụ thể nào.

Là một kẻ đa nghi đã từng giết rất nhiều người thân tín, kể cả anh ruột, lãnh tụ Kim Jong Un không đi máy bay mà đi xe lửa riêng, bọc sắt, từ Bình Nhưỡng băng ngang Hoa Lục để đến Việt Nam. Cuộc họp Trump-Un tạo sự quan tâm không riêng gì người dân hai miền Hàn Quốc, mà cả nước Mỹ và thế giới.

Không có một tin tức chính thức nào cho biết những gì đã làm cuộc họp thất bại. Những tin tức bên lề không chính thức nói ông Kim Jong Un đòi Mỹ giải tỏa hoàn toàn cấm vận, nhưng lại không chịu gỡ bỏ hết các cơ sở nghiên cứu và chế tạo võ khí nguyên tử chính yếu.

Kẻ được lợi trong chuyện này là Hà Nội có dịp quảng cáo tuyên truyền, khoe khoang uy tín với thế giới bên ngoài.

Ông Nguyễn Phú Trọng ngồi trên ghế có dây an toàn (màu trắng) ở hai bên thành ghế hôm 14 Tháng Năm, 2019, khi “chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước.” (Hình: AFP via Getty Images)

3-Nguyễn Phú Trọng đột quỵ

Tổng bí thư đảng CSVN bị đột quỵ ngày 15 Tháng Tư khi đi thăm “làm việc” tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đúng vào ngày sinh nhật của ông ta. Tin tức “ngoài luồng” nói ông ta được đưa về Sài Gòn cấp cứu sau đó về Hà Nội chữa tiếp.

May mắn cho ông ta là chỉ bị đột quỵ cấp độ nhẹ. Tin tức hoàn toàn bị guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ bưng bít. Mãi hơn tháng sau mới thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao nói ông ta có vấn đề sức khỏe chứ không cho biết gì hơn.

Sau khi Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời hồi Tháng Chín, 2018 (tin tức bệnh tật cũng bị bưng bít hoàn toàn), ông Trọng nắm luôn chức chủ tịch nước. Nếu đầu của ông ta mất khả năng suy nghĩ, tức là không thể nắm quyền cai trị, Việt Nam rất có thể có những xáo trộn chính trị bất ngờ ở thượng tầng.

Vì vấn đề sức khỏe, những sắp đặt để ông Trọng sang Mỹ gặp Tổng Thống Donald Trump nâng cấp mối quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai nước trong năm nay đã không xảy ra. Ông Trọng có đi Washington sang năm 2020 hay không, vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ và cũng tùy thuộc nhiều yếu tố. Dù vậy, không mấy ai tin là Việt Nam dưới sự cai trị của Tổng Trọng sẽ nghiêng về Mỹ để chống Trung Quốc bá quyền bành trướng.

Tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc. (Hình: Gulf Times)

4-Tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính

Trung Quốc cho một đoàn đông đảo tàu hải cảnh, hải giám, dân quân biển hộ tống tàu khảo sát địa chất Haiyang Dizhi 8 xâm phạm khu vực bãi Tư Chính rồi một dọc vùng biển miền Trung của Việt Nam suốt từ đầu Tháng Bảy đến gần giữa Tháng Mười mới kéo nhau về nước.

Mục đích là quấy rối, cản trở hoạt đông khoan tìm dầu khí của Việt Nam ở khu vực, bất chấp đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển mà Trung Quốc cũng đặt bút ký cam kết công nhận.

Sự quấy rối, cản trở của Trung Quốc chỉ ngừng lại khi giàn khoan Hakuryu-5 và hai tàu phục vụ giàn khoan rời khu vực. Hà Nội đã vận dụng nhiều phương cách khác nhau yêu cầu nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 chấm dứt quấy phá nhưng không có tác dụng.

Linh mục thực hiện nghi lễ an táng cuối cùng cho hai nạn nhân Nguyễn Văn Hùng (trái) và Hoàng Văn Tiệp hôm 28 Tháng Mười Một, 2019, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP via Getty Images)

5-39 người Việt Nam đi lậu vào nước Anh chết trong thùng hàng xe vận tải

Ngày 23 Tháng Mười, tài xế chiếc xe vận tải mở cửa thùng hàng mà anh ta đưa từ bến phà về bãi đậu tại quận Essex gần London, Anh, thì hoảng kinh khi thấy 39 thây người chết trong đó. Tin tức truyền đi rúng động dư luận thế giới. Ban đầu người ta nghi là người Trung Quốc nhưng một số gia đình ở Việt Nam lên tiếng cho hay thân nhân của họ gửi tin nhắn về trên đường tới nước Anh thì mất tích.

Cuộc điều tra qua dấu vân tay, DNA và các tài liệu khác đã xác định được danh tính tất cả 39 người, hầu hết là dân Nghệ An và Hà Tĩnh. Họ tìm cách đi lậu vào nước Anh để hy vọng kiếm được nhiều tiền gửi về giúp gia đình cha mẹ hay vợ con, không ngờ chết thảm. Tất cả đều đã được chuyển vận hồi cuối Tháng Mười Một về Việt Nam an táng theo nghi lễ cổ truyền.

Để có thể đi lậu vào nước Anh, họ đã phải trả cho các nhóm vận chuyển lậu những số tiền rất lớn có khi hơn $40,000. Đây là vấn nạn kéo dài từ nhiều năm qua, bây giờ người ta mới hoảng kinh khi thấy xảy ra một vụ thiệt mạng tập thể.

Công nhân của một nhà máy đình công ở Đà Nẵng. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

6-CSVN sửa Luật Lao Động cho tự do nghiệp đoàn nhưng chưa chắc đã có

Ngày 20 Tháng Mười Một, Quốc Hội “con dấu cao su” CSVN đã thông qua Luật Lao Động, bản được sửa đổi, trong đó được dư luận chú ý nhất các các điều khoản Hà Nội chấp nhận cho giới công nhân được tự do thành lập nghiệp đoàn, thay vì bị buộc phải chui vào hệ thống công đoàn, một tổ chức ngoại vi của đảng CSVN.

Toàn thể guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ lờ hoàn toàn điều khoản đáng chú ý nhất vừa kể mà chỉ nói lòng vòng đến những điều khoản khác như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng ngày nghỉ lễ, giờ làm thêm…

Hà Nội buộc phải sửa Luật Lao Động do bị Hiệp Định Tự Do Thương Mại Với Liên Âu (EVFTA) và Hiệp Định Tự Do Thương Mại Với Một Số Nước Khu Vực Thái Bình Dương không có Mỹ ràng buộc. Theo đó, CSVN phải để giới công nhân được tự do thành lập nghiệp nghiệp đoàn (Điều 170) cũng như có quyền đình công (Điều 198) khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Tuy nhiên, trong một chế độ độc tài toàn trị như tại Việt Nam, Hà Nội sẽ cột những điều kiện để giới công nhân trong nước khó lòng thành lập nghiệp đoàn độc lập. Hoặc chính chế độ sẽ lập những tổ chức nghiệp đoàn “độc lập cuội” để qua mặt những nước tham gia ký hiệp định.

Giới luật sư tuy có Luật Luật Sư, giới ký giả tuy có Luật Báo Chí, đều là những người hành nghề trong cái cũi, đâu có tự do hành nghề.

Các quan chức đứng đầu Bộ Thông Tin-Truyền Thông CSVN, hàng đầu, từ trái, cựu Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son, cựu Chủ Tịch MobiFone Lê Nam Trà, cựu Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn bị kết án tại phiên tòa ngày 28 Tháng Mười Hai, 2019. (Hình: Nguyen Van Diep/VNA via AP)

7-Xử tội hai bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông ăn hối lộ

Tháng Mười Hai cuối năm được chú ý với các phiên tòa tại Hà Nội xử tội hai ông cựu bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông CSVN ăn hối lộ khi toa rập với tay tư bản đỏ Phạm Nhật Vũ bơm giá công ty đang chết dở Nghe Nhín Toàn Cầu (gọi tắt là AVG) của ông ta cho tổng công ty truyền thông MobiFone quốc doanh với giá gần 9 ngàn tỉ đồng ($389.1 triệu) trong khi giá trị thực của nó chỉ khoảng trên dưới 1 ngàn tỉ đồng ($43.2 triệu), gây thiệt hại cho nhà nước khoảng gần 6 ngàn tỉ đồng ($259.4 triệu).

Vụ mua bán khuất tất này diễn ra từ năm 2015 từng có tiếng ỳ xèo dạo đó nhưng các quan Nguyễn Bắc Son (bộ trưởng) và Trương Minh Tuấn (khi đó là thứ trưởng) cầm đầu guồng máy thông tin tuyên truyền của chế độ đã bịt miệng tất cả cho tới khi bị “xem xét, thi hành kỷ luật” hồi giữa năm 2018 vì vụ việc nói trên.

Ông Son là người được Phạm Nhật Vũ “lại quả” nhiều nhất với $3 triệu, ông cựu Chủ Tịch MobiFone Lê Nam Trà được lại quả $2.5 triệu, ông Trương Minh Tuấn được $200,00 trong khi ông Cao Duy Hải (tổng giám đốc MobiFone) được $500,000.

Sau khi nhận “quà” thì ông Lê Nam Trà “biếu lại” cho ông Son $500,000, còn ông Cao Duy Hải cũng “biếu lại” ông Son thêm $200,000 nữa.

Tuy là kẻ được hưởng lợi chót vót $300 triệu mà chỉ “lại quả” cho mấy ông kia có $6.2 triệu, Phạm Nhật Vũ lại được ưu ái nhận án 3 năm tù trong khi ông Son tuy bị đề nghị tử hình nhưng chỉ bị án tù chung thân. Ông Trương Minh Tuấn bị 14 năm tù trong khi ông Lê Nam Trà bị 23 năm tù.

Cũng như những vụ án nổi cộm khác, người ta tin rằng các bản án đã được “ở trên” sắp đặt, và tòa án chỉ làm nhiệm vụ xét xử trong cái khung đã được quyết định.

Hàng chục ngàn người biểu tình ở Sài Gòn ngày 10 Tháng Sáu, 2018, và nhiều thành phố khác chống việc CSVN làm Luật Đặc Khu Kinh Tế bị dư luận nghi là bán nước cho Trung Quốc. (Hình: Kao Nguyen/AFP via Getty Images)

8-Luật Đặc Khu Kinh Tế được xé làm ba, qua mặt quần chúng

Quần chúng biểu tình chống đối dữ dội, dự luật Đặc Khu Kinh Tế biến ba khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã không thể thông qua ở Quốc Hội hồi Tháng Sáu, 2018. Hà Nội đã “lách” bằng cách xé dự luật làm ba mảng nhỏ không đưa ra Quốc Hội nữa.

Dự luật Đặc Khu Kinh Tế biến ba khu vực này thành ba đặc khu kinh tế có những ưu đãi cho giới đầu tư ngoại quốc, nhất là cho thuê đất tới 99 năm. Dân chúng biểu tình nhìn thấy đây là cơ hội để cho người Trung Quốc tràn sang thuê đất dài hạn, mà thực chất là “di dân” sang biến những khu vực rất quan trọng an ninh quốc phòng, thành những đầu cầu cho các mưu đồ thôn tính Việt Nam sau này.

Trước sức ép của quần chúng, Quốc Hội CSVN đã dẹp dự luật Đặc Khu nhưng ngày 24 Tháng Mười Hai vừa qua, người ta thấy chính quyền tỉnh Khánh Hòa “đề nghị… điều chỉnh quy hoạch chung xây khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030, theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu Kinh Tế Vân Phong, nhằm tạo điều kiện cho việc kêu gọi đầu tư.”

Trước đó, ngày 14 Tháng Mười Một, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng, “ký ban hành Nghị Quyết 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vân Đồn trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết này có hiệu lực trong cùng ngày.”

Trước đó nữa, ngày 3 Tháng Tám “ lãnh đạo địa phương (Kiên Giang) đề xuất cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu Kinh Tế Phú Quốc.”

Ba địa phương đề nghị lập ba “khu kinh tế” thay vì là “đặc khu kinh tế,” dư luận thấy ngay trò “chơi chữ” và xé nhỏ dự luật “đặc khu” khi phù phép để qua mắt quần chúng. Những ngày sắp tới rất có thể sẽ có những quy định mang dáng dấp “đặc khu,” ở những cấp dưới mà nhiều khi không thấy báo chí đăng tải. (TN)

MỚI CẬP NHẬT