Wednesday, April 24, 2024

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bắt đầu công du Á Châu và Việt Nam

 


WASHINGTON D.C. (NV) –Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta rời thủ đô Hoa Thịnh Ðốn hôm 30 Tháng Năm, khởi đầu chuyến thăm viếng hai nước Á Châu là Việt Nam và Ấn Ðộ bên cạnh việc tham dự Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực Shangri-La Forum tổ chức ở Singapore.










Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta lắng nghe Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Ðại Tướng Martin Demsey, thuyết trình tại Ngũ Giác Ðài ngày 10 tháng 5, 2012 vừa qua. (Hình: Jim Watson/AFP/GettyImages)


Ðây là lần đầu tiên ông Panetta đến khu vực Á Châu trong cương vị bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ.


Chuyến thăm của ông được thực hiện trong chiều hướng Hoa Kỳ chuyển sự chú ý an ninh quốc phòng nhiều hơn nữa vào tình hình ở khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Khu vực này, Trung Quốc đang gấp rút tối tân hóa sức mạnh quân sự và chèn ép các nước chung quanh, đặc biệt hai nước nhỏ phía Nam là Việt Nam và Philippines.


Theo sự nhận định của Stephen Biddle, một chuyên viên phân tích chính sách quốc phòng ở Hoa Thịnh Ðốn được viện dẫn trên báo tài chính Bloomberg, ông Panetta sẽ trấn an các nước Philippines, Việt Nam và Singapore rằng nước Mỹ sẽ bênh vực họ nhưng sẽ không cam kết cùng họ chống lại Trung Quốc khi sự tranh chấp biến thành xung đột quân sự.


Theo chương trình được Ngũ Giác Ðài loan báo, ông Panetta sẽ tới Hawaii trước, thảo luận với các giới chức chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương rồi tới Singapore dự Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực, thảo luận với một số bộ trưởng Quốc Phòng. Từ đây ông sẽ tới Việt Nam 2 ngày, thảo luận với người đồng nhiệm và kết thúc chuyến đi từ Ấn Ðộ cũng kéo dài 2 ngày.


Chuyến đi của ông được chú ý hơn trong lúc các tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung quốc và Philippines tại bãi san hô Scarborough Shoal vẫn đang diễn ra.


“Ông Panetta đang phải đi dây.” Ông Biddle nói trong cuộc phỏng vấn.


Các đồng minh trong khu vực muốn Hoa Kỳ đóng vai trò đối lực với Trung Quốc vì nước này ngày càng tỏ ra tham lam hơn qua các đòi hỏi chủ quyền, chẳng hạn quyền khai thác dầu khí trên Biển Ðông. Cùng một lúc các nước trong khu vực vẫn muốn giữ mối quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh và không muốn “tiến đến xung đột với cường quốc nào trong khu vực.”


Theo một viên chức Ngũ Giác Ðài yêu cầu giấu tên nói với các ký giả một ngày trước khi ông Panetta lên đường, đây là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ phải giải thích đầy đủ về chiến lược của Hoa Kỳ trong thực tế.


Tháng Giêng vừa qua, Hoa Kỳ phổ biến bản hướng dẫn chiến lược về các chủ đích kinh tế và an ninh ở Tây Thái Bình Dương và Ðông Á Châu cho đến Ấn Ðộ Dương và vùng Nam Á Châu. Trong đó, có giải thích về sự tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ nghiêng về hướng khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.


Khi đến chủ tọa một buổi lễ mãn khóa ở Học Viện Hải Quân tại Maryland hôm Thứ Ba, ông Panetta cho biết, “Quân đội Trung Quốc đang phát triển và hiện đại hóa. Chúng ta phải cảnh giác. Chúng ta phải mạnh. Chúng ta phải chuẩn bị đối diện bất cứ thử thách nào. Nhưng cái chìa khóa cho vùng đó sẽ là phát triển một thời đại mới về hợp tác quốc phòng giữa các nước, mà trong đó, chúng ta chia sẻ gánh nặng an ninh quân sự để đạt đến hòa bình.”


Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, bà ngoại trưởng Hillary Clinton cũng từng đề cập đến vấn đề trong một bài viết phổ biến trên tạp chí Foreign Policy (Chính Sách Ðối Ngoại) về chính sách phối hợp an ninh với các đồng minh ở khu vực Á Châu.


Cùng đi với ông Panetta đến dự Diễn đàn Shangri-La ở Singapore được tổ chức hàng năm, còn có cả Ðại Tướng Martin Dempsey, Tổng tham mưu trưởng Liên quân và Ðô Ðốc Samuel Locklear, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương.


Ngũ Giác Ðài cho biết khi đến Việt Nam, ông Panetta sẽ hội đàm với Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh về việc tiến hành bản ghi nhớ hợp tác an ninh quốc phòng ký hồi Tháng Chín năm ngoái khi Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đến Hoa Thịnh Ðốn.


Thỏa hiệp kêu gọi hai nước có các cuộc họp cấp cao cũng như hợp tác về các lãnh vực an ninh đường biển như cấp cứu, viện trợ nhân đạo, và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.


Việt Nam từng đề nghị Hoa Kỳ bán cho nhiều loại võ khí, gồm cả các bộ phận thay thế cho các máy bay, chiến xa, trọng pháo do Hoa Kỳ chế tạo mà VNCH bỏ lại khi chiến tranh chấm dứt năm 1975.


Nhưng vấn đề nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam là một trở lực cho việc gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Nhiều viên chức chính phủ cũng như Quốc Hội Hoa Kỳ đã nhiều lần lập lại điều này với Hà Nội nhưng không thấy có dấu hiệu cải thiện. (TN)

MỚI CẬP NHẬT