Thursday, April 25, 2024

Nhật Bản viện trợ thêm tàu tuần tra biển cho Việt Nam

* Ông Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản

TOKYO (NV) .-
Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam ngân khoản để mua thêm tàu tuần tra hầu tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển của mình vào thời điểm vấn đề chủ quyền lãnh thổ ngày thêm căng thẳng.









Tàu đánh cá Hayato được sửa chữa, tân trang rồi bàn giao cho cơ quan Kiểm Ngư của Việt Nam. (Hình: Giao Thông)


Vào ngày đầu tiên trong chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe loan báo sau cuộc hội đàm, một khoản viện trợ không hoàn lại 200 triệu yen (hay khoảng gần 1.7 triệu đô la) cho Việt Nam mua sắm thêm tàu tuần tra biển.


Đầu tháng trước chính phủ Nhật Bản đã trao cho Việt Nam một chiếc tàu tuần tra đầu tiên trong số 6 chiếc đã thỏa thuận viện trợ, giúp lực lượng Kiểm Ngư của Việt Nam thêm phương tiện hoạt động.


Cuộc viếng thăm tìm hậu thuẫn từ Nhật Bản của ông Nguyễn Phú Trọng vào lúc vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày càng thêm khó đối phó. Trung Quốc bồi đắp 7 bãi đá ngầm ở khu vực quần đảo Trường Sa thành 7 căn cứ quân sự qui mô khổng lồ trên biển trong mưu toan khống chế toàn bộ Biển Đông.


Hành động bá quyền bành trướng này của Trung Quốc không những gây khó khăn cho Việt Nam và Phi Luật Tân, mà còn đe dọa an ninh thủy lộ vận chuyển hàng hóa và thương mại quan trong nhật trên thế giới.


Sau cuộc hội đàm, một bản tuyên bố chung Nhật – Việt bầy tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các diễn biến đã và đang diễn ra trên Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp đảo nhân tạo quy mô, xây dựng căn cứ tiền đồn, làm gia tăng căng thẳng, hủy hoại lòng tin, đe dọa hòa bình và ổn định trên thế giới.


Các lời lẽ này không chỉ đích danh nước nào nhưng ai cũng hiểu rằng bản thông cáo chung ám chỉ các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc khi gấp rút xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và tăng cường trang bị và mở rộng các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.
 
Tuy số tiền nói trên không xác định rõ sẽ dùng để mua loại tàu nào hay bao nhiêu tàu, nhưng trong cuộc phỏng vấn của đài BBC, ông Shigemi Ando thuộc Vụ châu Á Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho hay “hai bên thống nhất về nguyên tắc khoản tiền viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên để chính phủ Việt Nam có thể mua qua đấu thầu tàu đã qua sử dụng và thiết bị của Nhật nhằm thực thi luật biển.”


Khi được hỏi đây có phải cùng loại với 6 chiếc tàu tuần tra mà Nhật từng viện trợ cho Việt Nam mới đây hay không, ông Ando nói “việc mua tàu nào là thuộc quyết định của chính phủ Việt Nam.”


Liên quan tới “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, ông Ando cho biết hai bên đồng ý sớm khởi động giai đoạn 6 trong sáng kiến chung Việt Nhật về Cải thiện Môi trường Kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.


Ngoài chuyện viện trợ không hoàn lại 200 triệu yên, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng hứa khoản tín dụng ODA 100 tỉ yên (khoảng 836 triệu đôla) để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và cảng.


Nhật Bản là nước cấp tín dụng ưu đãi nhiều nhất cho Việt Nam trong những năm qua, giúp Việt Nam thực hiện các kế hoạch “xóa đói giảm nghèo”. Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt xấp xỉ 28 tỷ đô la năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt 30 tỷ đô la.


Cho đến tháng 3 năm 2015, Nhật Bản xếp thứ 2/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hiện có 2,584 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 37.37 tỷ đô la, chỉ đứng sau Nam Hàn.

Nhiều nhà đầu tư Nhật có ý định bỏ chạy khỏi Việt Nam vì luật lệ đầu tư rườm ra phức tạp, chế độ thuế và thủ tục về thuế rất mất thì giờ. Họ từng phàn nàn rất nhiều nhưng không thấy được cải thiện bao nhiêu. (TN)

MỚI CẬP NHẬT