Thursday, March 28, 2024

Thủ tướng Việt Nam lên tiếng về vụ cưỡng chế ở Hải Phòng

 


Tài sản của gia đình ông Vươn tiếp tục bị cướp đoạt 


VIỆT NAM (NV)Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa chính thức yêu cầu chính quyền thành phố Hải Phòng giải trình về vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Ðoàn Văn Vươn, vốn gây rúng động dư luận tại Việt Nam thời gian qua.









Vợ con của ông Ðoàn Văn Vươn đang sống trong cảnh bơ vơ. (Hình: Báo Tiền Phong)


Lên tiếng trên trang web của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chủ tịch thành phố Hải Phòng phải “kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Ðoàn Văn Vươn”.


Ông Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam hiện thời lên tiếng về vụ này và yêu cầu chủ tịch thành phố Hải Phòng phải báo cáo trực tiếp cho ông.


Trước ông Nguyễn Tấn Dũng, nhiều nhân vật có uy tín trong đảng Cộng Sản Việt Nam như cựu chủ tịch nước Lê Ðức Anh, trung tướng cựu tư lệnh quân khu bốn Nguyễn Quốc Thước và một số quan chức cũng lên tiếng về vụ này.


Ông Lê Ðức Anh nói rằng, trong vụ cưỡng chế, chính quyền đã sai từ xã đến huyện và dồn dân vào chân tường khiến họ chống lại. Còn ông Nguyễn Quốc Thước cho đây là “sai lầm” và hậu quả của hành động này sẽ “tác động đến tình hình chung của toàn đất nước”.








Phó chủ tịch thành phố Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại chối bỏ việc đã giật sập nhà anh Ðoàn Văn Vươn. (Hình: VNN)


Vụ cưỡng chế đất đai xảy ra hôm 5 tháng 1 vừa qua khi hàng trăm công an và bộ đội được trang bị vũ khí tấn công vào khu đất của đại gia đình ông Ðoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã bị những người trong gia đình ông Vươn chống trả bằng mìn tự chế và súng bắn đạn hoa cải khiến 4 công an và hai bộ đội bị thương.


Bảy người trong gia đình ông Ðoàn Văn Vươn đã bị bắt trong vụ nổ súng này.


Vụ cưỡng chế do nhà cầm quyền huyện tiên Lãng tổ chức nhằm mục đích tước đoạt gần 50 ha đất mà gia đình ông Ðoàn Văn Vươn đã khẩn hoang trong hơn 20 năm mà không đền bù, đồng thời căn nhà của ông Ðoàn Văn Vươn vốn không nằm trong khu đất cưỡng chế cũng bị giật sập. 


Nhà cầm quyền chối tội 


Tin tức mới nhất cho hay, các lãnh đạo thành phố Hải Phòng vừa mở cuộc họp báo hôm 17 tháng 1 tại Hà Nội, qua đó chối bỏ việc giật sập căn nhà ông Ðoàn Văn Vươn là do chính quyền ra lệnh.


Báo VietNamNet tường thuật cuộc họp báo cho hay, phó chủ tịch thành phố Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại chối rằng, “Việc phá nhà ông Vươn là do nhân dân bất bình và bức xúc quá nên làm vậy. Nhiều người dân không đồng tình với việc làm của ông Vươn và một số tờ báo viết sai”.










Ðầm tôm hoang vắng tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng. (Hình: Báo VNExpress)


Vẫn theo VietNamNet, “Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 12 tháng 1, nhiều phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đã đưa ra câu hỏi về sự việc ngôi nhà hai tầng của Vươn-Quý bị lực lượng cưỡng chế san phẳng trong ngày 5 tháng 1: ‘Lực lượng chức năng của huyện Tiên Lãng đã cưỡng chế nhầm nhà hay đó là hành vi phá hủy tài sản công dân có tổ chức?’, Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đã khẳng định rằng, việc lực lượng chức năng phá nhà ông Ðoàn Văn Vươn (ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) là do các đối tượng cố thủ trong đó.”


“Khi đó, ông Lê Văn Hiền đã thừa nhận có xảy ra việc cưỡng chế khu vực nằm ngoài diện tích có trong quyết định cưỡng chế. Ông Hiền còn lý giải thêm: Mặc dù ngôi nhà này không nằm trong diện tích cưỡng chế thu hồi đất theo quyết định 461, nhưng do ngôi nhà này đã xảy ra vụ tấn công vào lực lượng cưỡng chế, là địa điểm xảy ra việc phạm tội nên cơ quan chức năng của huyện Tiên Lãng phải sử dụng biện pháp phá ngôi nhà.”


Báo này kết luận, ‘Thông tin của chủ tịch huyện Tiên Lãng hoàn toàn ngược với thông tin của phó chủ tịch thành phố Hải Phòng Ðỗ Trung Thoại trong cuộc họp báo’. 


Tài sản tiếp tục bị cướp đoạt 


Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 16 tháng 1, tức 11 ngày sau xảy ra cuộc xung đột, vợ của ông Ðoàn Văn Vươn là bà Nguyễn Thị Thương đã gửi đơn đến nhiều nơi để tố cáo đoàn cưỡng chế “hủy hoại tài sản của công dân”.


Bà Thương cùng một người con dâu khác của gia đình là Phạm Thị Hiền cùng bị truy tố trong vụ chống lệnh cưỡng chế nhưng được tại ngoại đã tố cáo công an và bộ đội huyện Tiên Lãng đập phá căn nhà hai tầng của họ, phá nát nhiều tài sản khác trong nhà mặc dù không nằm trên phần đất bị cưỡng chế.


Hai bà còn cho biết, trong khi người nhà của ông Vươn không được bước vào nền đất cũ của mình thì những người lạ mặt được thong dong đánh bắt tôm cá nuôi trong đầm và gom bắt luôn gà vịt trong chuồng.


Trong khi đó theo VNExpress, ông Ðoàn Văn Vươn hiện là chủ tịch Liên Chi Hội Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng đã dẫn đầu “phong trào làm kinh tế làm thay đổi diện mạo vùng quê nghèo”.


VNExpress cũng cho biết, không chỉ 50 ha đầm nuôi tôm và đất trồng cây của gia đình ông Vươn mà hàng trăm ha đất nuôi thủy sản của khoảng 20 chủ đầm khác cũng “nằm trong diện bị thu hồi”. Mặc dù vụ nổ súng gây đổ máu ngày 5 tháng 1 đã làm dừng hoạt động cưỡng chế thu hồi đất nhưng hàng chục gia đình đang thấp thỏm lo âu, không biết chừng nào “đến lượt mình”.


Còn theo báo Tiền Phong, ông Vươn xuất thân từ một gia đình nghèo khó có 7 người con gồm 5 trai và 2 gái sống hiền lành, chăm chỉ, chưa từng phạm pháp. Hiện nay, ông còn một mẹ già trên 80 tuổi và một em gái 39 tuổi đang bệnh tâm thần.


Hiện nay, sau khi bị phá sạch nhà cửa, đầm ruộng, vợ con của ông Vươn đang tá túc tại nhà của một cư dân ở xã Tiên Hưng. 


Ðòi thay đổi luật đất đai 


Không chỉ gây phẫn nộ dư luận, vụ cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng đã làm bùng nổ dư luận đòi thay đổi luật Ðất Ðai, xác lập quyền tư hữu đất đai của tư nhân tại Việt Nam.


Một trong những ý kiến mới nhất đòi phải sửa đổi luật đất đai để ngăn chận việc lãnh đạo một số địa phương “tìm cách diễn giải và lạm dụng để vụ lợi mà nay không còn là hiện tượng cá biệt”.


Giáo Sư Võ Tòng Xuân, cựu viện trưởng Viện Ðại Học Cần Thơ trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ mới đây cũng cho rằng hoạt động nông nghiệp nhiều rủi ro, chậm thu hồi vốn nên người dân chỉ dốc sức sản xuất trên mảnh đất thuộc sở hữu của mình. Ông cho rằng việc giao hạn điền 20 năm khiến cho việc khai thác đất đai không hữu hiệu.


Cựu chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị thì khẳng định rằng khu tứ giác Long Xuyên sẽ là vùng nóng bỏng vì hàng loạt đất đai sắp hết hạn khai thác, người dân sẽ “trở thành nạn nhân của chính sách thu hồi đất của chính quyền”. Ông Nhị cảnh cáo rằng sẽ có “vô số vụ như anh Vươn” xảy ra tại khu tứ giác Long Xuyên trong thời gian tới.


Lần đầu tiên, có thể nói là quá trễ tràng, ông cựu chủ tịch tỉnh An Giang cho rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân là một khái niệm quá mơ hồ, vì không có chủ thể nào được gọi là toàn dân cả và chỉ vô tình tạo ra sự lạm dụng quỹ đất chứ không phục vụ lợi ích của người dân”.


Còn theo dư luận, Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ sự mâu thuẫn ngàn đời giữa giới thống trị và nông dân.


Trước đây chính quyền cộng sản gọi nông dân là giai cấp lãnh đạo, tiền phong trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nay trong cuộc xung đột này, nông dân huyện Tiên Lãng đã trở thành nạn nhân của những kẻ thống trị – cường hào mới. (P.L.)

MỚI CẬP NHẬT