Friday, April 26, 2024

Thực phẩm độc hại tràn lan ở Việt Nam


HÀ NỘI (NV) –
Bộ Y Tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Khoa Học và Công Nghệ, có trách nhiệm “giữ mâm cơm” cho người dân, nhưng các loại thực phẩm độc hại ngâm tẩm hóa chất gây ung vẫn thư tràn làn khắp nơi tại Việt Nam.










Thịt “lợn sề” tẩm hóa chất một lúc sau biến thành “thịt bò cao cấp.” (Hình: Ðất Việt)


Thậm chí, những thứ thịt giả, trái cây giả, cá giả cũng phổ biến ở Việt Nam. Sức khỏe người dân tại Việt Nam không được nhà cầm quyền các cấp từ trung ương tới địa phương để mắt tới, như lời một bà đại biểu Quốc Hội CSVN than thở.


Gần đến Tết Quý Tỵ, báo Ðất Việt ngày Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013 có một bản tin tường thuật mứt trái cây giả làm bằng nhựa bán ở chợ trong quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Ðồng thời, một phóng sự bằng hình ảnh của báo này biểu diễn nhúng miếng thịt “lợn sề” vào một thứ “phụ gia” bằng một thứ hóa chất gọi là “hoa hiên” không ai biết là gì. Một lúc sau, thịt lợn sề rẻ tiền biến thành “thịt bò cao cấp” mà giá cả khác nhau một trời một vực.


Phóng sự hình ảnh này chứng minh cái thứ “phụ gia” độc hại kia từng bị tố cáo lường gạt người tiêu thụ thực phẩm ở Trung Quốc hồi giữa năm ngoái, nay đang có mặt ở Việt Nam. Những cửa hàng bán thịt hay các tiệm ăn có thể mua chúng dễ dàng ở cửa hàng bán phụ gia tại chợ Bắc Qua, phía sau chợ Ðồng Xuân, Hà Nội.


Ðầu năm ngoái, dư luận người tiêu thụ ở Việt Nam đã bàng hoàng khi tin tức trên một số báo cho biết thịt heo nạc “siêu trọng” trông vô cùng hấp dẫn mua ở chợ có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi gia súc đã nuôi chúng với những loại thuốc kích thích độc hại.


Theo báo Ðất Việt, một ít bột phụ gia “hoa hiên” hòa với nước rồi nhúng miếng thịt “lợn sề” một lúc thì “ngay cả các thớ thịt cũng ngấm đều phẩm màu, khiến miếng thịt lợn đã biến hóa thành thịt bò. Nhiều khách hàng, nếu không để ý kỹ thì cũng không thể nào phân biệt nổi.”


Nguồn tin này nói “những quán ăn (đặc biệt là quán cơm sinh viên) hay các nhà hàng, những người bán thịt lợi dụng công nghệ này để lừa bán cho người tiêu dùng và thu lợi nhuận. Còn người tiêu dùng, nếu không tỉnh táo cũng rất dễ mắc phải cái bẫy này.”


Ðể chứng minh rất khó phân biệt thịt bò thật thịt bò giả phóng viên báo Dân Việt “đã đem miếng thịt được tẩm ướp đi hỏi 6 người. Ðiều bất ngờ là tất cả đều nói: đây là thịt bò, thậm chí thịt bò ngon, và… mua ở đâu mà có màu đẹp vậy?”


Giữa tháng trước, Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm thuộc Bộ Y Tế loan báo hướng dẫn người dân “cách lựa chọn thịt lợn an toàn” khi cơ quan này thấy nhiều tin tức về chuyện người bán thịt dùng nhiều loại hóa chất độc hại bị cấm sử dụng để tẩy rửa “biến thịt thối thành thịt thơm.”


Nhưng làm thế nào để phân biệt “thịt thối” và “thịt thơm” ở chỗ bán hàng để tránh bị lừa gạt thì không ai có khả năng.


Theo báo Ðất Việt ngày 27 tháng 1, 2013, “Phổ biến nhất là bột săm pết, loại hóa chất cực kỳ độc hại nằm trong danh mục cấm của Bộ Y Tế, nhưng nó bán không quá kín đáo trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), giá chỉ 60,000 đồng/kg. Sau khi để miếng thịt 3 ngày cho bốc mùi hôi thối, phần mỡ chuyển sang màu vàng, chúng tôi pha 1 thìa bột săm pết vào nước và nhúng miếng thịt vào, chỉ 2 phút sau, miếng thịt đã thay đổi, trở nên mềm, màu sắc tươi mới. Ngay cả màu vàng trên mỡ cũng biến mất, mùi hôi của thịt cũng không còn.”


Ðể có các món bánh mứt bán Tết với giá rẻ nhưng kiếm lời cao nhờ sử dụng hóa chất độc hại, một số “làng nghề làm bánh, mứt phục vụ Tết đang chạy đua với thời gian để sản xuất hàng phục vụ nhu cầu thị trường. Nhưng chất lượng sản phẩm hầu như không ai kiểm soát,” với “3 không”: Không nhãn mác, không hạn sử dụng, không ngày sản xuất. Như làng nghề bánh, kẹo Dương Liễu, La Phù (Hoài Ðức, Hà Nội); làng nghề làm mứt xã Xuân Ðỉnh (Từ Liêm, Hà Nội)…” Bài báo của tờ Dân Việt ngày 27 tháng 1, 2013 viết, “Công nghệ chế biến xin được tóm lược ngắn gọn như sau: Sắn thu mua về, được rửa qua loa rồi nghiền thành bột, đóng thỏi như viên gạch, rồi chuyển qua lò nấu nha. Muốn cho bột sắn phân hủy thành đường, người ta cho vào bột sắn một loại hóa chất không rõ nguồn gốc. Ngoài ra còn có thêm hóa chất tẩy trắng, cứ mỗi 10kg sẽ được hắt vào một muôi thuốc tẩy trắng. Sau đó nha sẽ được cho vào lò để chế biến bánh kẹo. Còn các dây chuyền, nồi đun nấu… cáu bẩn không ai cọ rửa là chuyện không lạ. Mặt hàng chủ lực của các lò nơi đây là kẹo cứng mang hương vị chanh, cam, nho, ổi, lạc… cũng có một số mặt hàng kẹo mềm, mè xửng Huế, thậm chí cả sô cô la loại hảo hạng. Sau đó được đóng thùng xuất ra thị trường.”


Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc Hội CSVN đơn vị Hà Nội nhìn nhận trong cuộc phỏng vấn của báo Ðất Việt hôm Thứ Tư là “việc dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dẫn đến bị ung thư, chết người là có thật. Ðến các bệnh viện bây giờ mà xem, ngày càng nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh ung thư, thật là quá tải.”


Bà này phàn nàn tình trạng nhiều bộ ngành của nhà cầm quyền Hà Nội được giao nhiệm vụ kiểm soát và ngăn chặn thực phẩm độc hại trên thị trường mà tình hình có vẻ ngày một tệ hại hơn.


Ngoài những người cố tình gian dối để kiếm lời nhiều, bà Khánh còn cho rằng, “Lại thêm việc các cơ quan chuyên môn vẫn dung túng trong việc hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT