Thursday, May 16, 2024

Nữ chủ tịch huyện ở Đồng Nai bị lừa $6.9 triệu nay bị đảng ‘sờ gáy’

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Gần một tuần sau vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương, chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, bị lừa đảo trực tuyến 171 tỷ đồng ($6.9 triệu), tờ Tuổi Trẻ hôm 1 Tháng Tư tiết lộ bà này bị một nhóm lừa đảo xưng danh cơ quan bảo vệ pháp luật nói bà “dính dáng đến pháp luật.”

Sau đó, nhóm lừa đảo yêu cầu bà Hương mở thêm tài khoản để chuyển tiền rồi xâm nhập vào tài khoản để lấy tiền.

Bà Nguyễn Thị Giang Hương, chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Hình: Đồng Nai)

Trước bà Hương, chiêu thức này từng khiến nhiều nạn nhân ở Việt Nam bị sập bẫy do họ bị kẻ lừa đảo gọi điện hăm dọa rằng mình dính vào vụ án buôn lậu ma túy hoặc các loại tội phạm khác.

Bên dưới bản tin của báo Tuổi Trẻ, độc giả “NMH” bình luận: “Nếu mình là người đường hoàng, minh bạch, sạch sẽ thì sao phải đi sợ những lời hù dọa trên trời… ‘Có gì mời các anh đến nhà tôi làm việc,’ thế thôi.”

Bình luận này ám chỉ bà Hương “có tật giật mình” nên mới bị lừa đảo số tiền lớn như vậy.

Trong lúc công an đang mở cuộc điều tra, bà Nguyễn Thị Giang Hương rơi vào cảnh “họa vô đơn chí” khi bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương tiến hành “kiểm tra các quy định của đảng đối với người có chức vụ.”

Cơ quan nêu trên yêu cầu Tỉnh Ủy Đồng Nai cung cấp hồ sơ liên quan đến cá nhân của đảng viên Nguyễn Thị Giang Hương.

Tin này được hiểu là cơ quan giám sát và kỷ luật đảng viên bắt đầu đặt dấu hỏi về 171 tỷ đồng cũng như khối gia sản của bà Hương.

Nhiều khả năng bà Hương sẽ phải giải trình về nguồn gốc khoản tiền 171 tỷ đồng sao cho hợp lý, nếu không muốn bị kỷ luật và khai trừ đảng.

Hầu hết người dân Việt Nam đều biết, mức lương của cán bộ nhà nước chỉ “mười mấy triệu đồng,” tức chưa được $1,000, thì số tiền bà chủ tịch huyện bị lừa đến 170 tỷ đồng ($6.9 triệu) không biết từ đâu bà có.

Một góc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Hình minh họa: Đồng Nai)

Theo giới quan sát, lâu nay các bộ trưởng và giới lãnh đạo “tứ trụ” của đảng CSVN, đều không sống nhờ lương, mà nhờ đặc quyền, bổng lộc cũng như quan hệ tư hữu do vị trí của họ đem lại.

Do yếu tố này mà chuyện lương bổng, thu nhập và tài sản của giới chức thường được coi là đề tài “cấm kỵ” với các báo ở Việt Nam. Gần như truyền thông chỉ được đả động đến chi tiết này khi một quan chức “ngã ngựa” hoặc bị bắt. (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT